Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Cột mốc phát triển của trẻ tập đi và mẫu giáo

Vượt qua khủng hoảng tâm lý tuổi lên 3

Bước vào tuổi lên 3 – giai đoạn của sự khủng hoảng về tâm lý, trẻ thường có những biểu hiện tâm lý phức tạp khiến cho các bậc phụ huynh cảm thấy rất lo ngại và lung túng trong cách ứng xử với con. Hãy cùng MarryBaby xem biểu hiện của chúng để giúp con vượt qua giai đoạn khủng hoảng này.

Nỗi lo lắng chung
Cu Bin nhà chị Nga được 32 tháng tuổi, nhưng theo lời chị thì cu cậu rất lì và bướng, lại thêm cái tật ăn vạ. Chị kể: “Đi học thì thôi, về nhà là đòi hết thứ này đến thứ kia. Không cho thì gào lên ăn vạ. Nhiều khi đồ chơi để chán chê chẳng thèm ngó, đến lúc thằng anh lấy chơi thì đòi cho bằng được, không được thì khóc ăn vạ. Thậm chí đánh cả anh. Tối ở nhà nội chơi, bảo đi về thì không chịu về, bảo mặc quần áo về thì khóc rồi chạy trốn. Bực quá cho ở lại luôn với ông bà thì lúc bố mẹ về lại gào thét ăn vạ. Lúc bướng lên thì bảo làm cái gì cũng “Không”.

Chị Nga còn cho biết nhiều lần đã có ý định đưa con đi chuyên gia tâm lý vì chỉ sợ sau này con lớn mà cứ như thế sẽ đâm hư.

Không chỉ chị Nga mà rất nhiều bậc cha mẹ khác khi có con bước vào độ tuổi này đều cảm thấy con mình thật khó dạy. Lúng túng và lo lắng cho việc hình thành tính cách của con sau này. Tuy nhiên, đây chỉ là những biểu hiện thường gặp ở lứa tuổi này.

Biểu hiện thường gặp
Trong cuốn “Về nhân cách trẻ 3 tuổi”, nhà tâm lý học V. Keler đã mô tả những biểu hiện thường gặp ở trẻ trong lứa tuổi này:

  • Tiêu cực: Trẻ thường có biểu hiện không chịu phục tùng một số yêu cầu của người lớn.
  • Ngoan cố: Trẻ kiên quyết nghiêng về phía sự thoả mãn đòi hỏi của bản thân, sự quyết định của mình.
  • Ngang ngạnh: Gần như sự ngoan cố và tiêu cực, nhưng nó có đặc điểm đặc trưng của ngang ngạnh là có tính công khai và thiếu cá tính hơn. Đây là sự phản kháng lại trật tự trong gia đình.
  • Tự tiện: Là xu hướng giải thoát khỏi người lớn. Trẻ muốn tự mình làm điều gì đó. Phần nào ta thấy dấu hiệu này có cả ở đợt khủng hoảng một tuổi.
  • Vô lễ với người lớn: Trẻ có biểu hiện nói trống không hoặc nói hỗn với người lớn.
  • Chống đối – nổi loạn: Hiện tượng này xuất hiện trong các cuộc cãi vã thường xuyên với cha mẹ “tất cả hành vi của trẻ đều thể hiện sự chống đối, dường như trẻ luôn nằm trong trạng thái chiến tranh với người xung quanh, trong trạng thái ẩu đả với người lớn”.
  • Chuyên quyền: ở những gia đình có độc nhất một trẻ sẽ gặp phải xu hướng chuyên quyền. Trẻ tỏ ra chuyên quyền trong quan hệ với tất cả mọi thứ xung quanh.
Vượt qua khủng hoảng tâm lý trẻ 3 tuổi
Tâm lý trẻ giai đoạn này thường không ổn định

Giúp con vượt qua giai đoạn khủng hoảng
Các nhà tâm lý học khuyên rằng, khi thấy trẻ có những biểu hiện như thế, cha mẹ không nên quá lo lắng, vì đây là giai đoạn trẻ muốn tự thể hiện mình, muốn chứng tỏ mình và muốn thể hiện mình là người lớn. Chính vì thế, hãy giúp con vượt qua khủng hoảng tuổi lên ba bằng cách:

Nếu ý muốn của trẻ là thỏa đáng thi cha mẹ nên để cho trẻ được thực hiện ý muốn của mình. Nếu trẻ có những đòi hỏi quá đáng thì cần tỏ thái độ nghiêm khắc và tuyệt đối không chiều theo ý trẻ.

Nếu trẻ ăn vạ thì nên lờ đi chỗ khác hoặc đánh lạc hướng trẻ bằng cách thu hút trẻ tham gia các hoạt động khác.

Khi cần xử phạt thì không nên đáng, mắng vì như thế sẽ làm cho cả cha mẹ và trẻ đều cảm thấy bị ức chế và có thể lần sau trẻ sẽ lại có những hành vi chống đối như thế. Có thể xử phạt bằng cách là không cho trẻ đi chơi hoặc không kể chuyện cho bé nghe.

Cho trẻ vui chơi bằng các trò chơi đóng vai. Vì lúc này trẻ muốn được khẳng định mình, muốn trở thành người lớn nên có thể cho trẻ nhập vào những vai mà trẻ thích như: làm cô giáo, bác sĩ…

Xem trẻ như người lớn, hãy cho trẻ được giúp mẹ một số việc như: lấy rổ rá cho mẹ, giúp mẹ nhặt rau, lau bàn, lấy nước cho mẹ… trẻ sẽ rất thích thú khi thực hiện.

Đừng tiếc lời khen ngợi khi trẻ ngoan hoặc biết làm cái này cái kia giúp bố mẹ để lần sau trẻ sẽ tiếp tục cố gắng.

Nên cho trẻ mở rộng các hoạt động giao tiếp bên ngoài với bạn bè cùng lứa. Nên cho trẻ đến trường để trẻ có thêm bạn bè, học thêm các kỹ năng mới và khả năng ngôn ngữ của trẻ sẽ tốt hơn.

Thảo My