Quả kiwi được nhập khẩu chủ yếu từ New Zealand hoặc Trung Quốc. Bạn có thể thưởng thức loại quả này gần như quanh năm, tuy nhiên, vụ mùa chính thường vào khoảng tháng 4 đến tháng 12. Nhiều người nhận xét vị kiwi khá giống vị của dứa và dâu tây, dễ hợp “gu” của nhiều phụ nữ. Hơn nữa, kiwi chứa gần 80 loại dưỡng chất tốt cho sức khỏe, lại không chứa cholesterol, ít đường và chất béo.
Tác dụng của kiwi đối với sức khỏe bà bầu và sự phát triển của thai nhi như thế nào? Bà bầu ăn kiwi sao cho đúng để tận dụng tối đa lợi ích? Cùng tham khảo ngay bài viết dưới đây nhé!
Tác dụng của kiwi đối với sức khỏe bà bầu
Danh sách “vàng” những trái cây tốt cho bà bầu tháng đầu chắc chắn không thể thiếu kiwi, bởi hàm lượng a-xít folic dồi dào. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, lượng a-xít folic trong kiwi xanh có thể đạt gấp 10 lần so với lượng folic trong táo, và gấp 5 lần nho và lê. Với kiwi vàng, lượng folic thậm chí còn vượt gấp 3 lần so với kiwi xanh.
Vì vậy, muốn bổ sung a-xít folic, dưỡng chất quan trọng cho sự phát triển hệ thần kinh cũng như ngăn ngừa nguy cơ dị tật ống thần kinh, mẹ bầu đừng quên thêm kiwi vào thực đơn dinh dưỡng hàng ngày của mình nhé!
2. Nguồn chất xơ phong phú
Táo bón được coi như là nỗi ám ảnh kinh hoàng của rất nhiều người, đặc biệt là đối với phụ nữ mang thai. Bà bầu bị táo bón luôn ở trong tình trạng đầy bụng, khó chịu, không muốn ăn thêm thứ gì khác, từ đó có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng. Hơn nữa, tích trữ những chất thải lâu ngày trong ruột cũng có thể lan truyền chất độc, gây hại cho cơ thể mẹ và bé cưng trong bụng.
Giống như hầu hết các loại trái cây, kiwi cũng chứa một lượng chất xơ dồi dào, cực tốt cho hệ tiêu hóa của bà bầu. Trung bình 1 quả kiwi có thể chứa tới 2,5gr chất xơ. Không chỉ hỗ trợ tiêu hóa và làm giảm các cảm giác đầy bụng, chất xơ trong kiwi còn giúp loại bỏ các độc tố ra khỏi ruột, làm giảm nguy cơ mắc các bệnh ngoài da cũng như các bệnh về đường ruột.
[inline_article id=78461]
3. Bổ sung vitamin C
Vitamin C đóng vai trò quan trọng trong những hoạt động chuyển hóa vật chất của cơ thể, là chất không thể thiếu trong rất nhiều quá trình như thụ thai và phát triển của bào thai, quá trình sản sinh năng lượng, tính miễn dịch của cơ thể, tổng hợp các chất vận chuyển trung gian của hệ thần kinh, quá trình đào thải và trung hòa các chất độc. Đặc biệt, theo nghiên cứu mới đây của Mexico, việc bổ sung vitamin C trong thai kỳ có thể giúp giảm tỷ lệ sinh non ở phụ nữ.
Mẹ có ngạc nhiên không khi biết rằng chỉ một trái kiwi mỗi ngày cũng đủ cung cấp lượng vitamin C cần thiết cho cơ thể? Nghiên cứu cho thấy, lượng vitamin C kiwi cung cấp có thể vượt 140% nhu cầu vitamin hàng ngày, thậm chí còn nhiều hơn cả cam, “nữ hoàng” vitamin C.
Ngoài các thành phần trên, trong kiwi còn chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất khác cần thiết để đảm bảo cho mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh như vitamin E, canxi, sắt, magie, kali… Mỗi ngày ăn 1 quả kiwi có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch, đồng thời làm giảm nguy cơ trẻ sinh ra bị hen suyễn hoặc eczema.
Bà bầu ăn kiwi: Không phải lúc nào cũng tốt!
Với nhiều tác dụng “thần kỳ” trên, chắc hẳn mẹ bầu sẽ chẳng chần chừ để thêm kiwi vào thực đơn của mình. Tuy nhiên, cẩn thận đã nhé! Kiwi tuy tốt nhưng không phù hợp với tất cả các mẹ bầu đâu. Nếu thuộc những nhóm sau đây, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi ăn kiwi.
- Bà bầu bị sỏi thận, sỏi mật nên tránh dùng kiwi bởi hàm lượng oxalate có trong đó.
- Bà bầu bị dị ứng mủ trái cây.
Ngoài ra, bà bầu cũng nên lưu ý: Lần đầu ăn kiwi có thể dẫn đến một vài triệu chứng không mong muốn như buồn nôn, nôn, nổi mẫn… Các chuyên gia cũng khuyến cáo bà bầu chỉ nên ăn từ 1-2 trái kiwi ngày. Ăn quá nhiều kiwi hoặc các loại trái cây khác cũng đều có thể gây tác động xấu cho sức khỏe.
Tác dụng của kiwi đối với sức khỏe bà bầu đã quá rõ ràng. Ngoài ăn quả tươi, mẹ bầu có thể dùng kiwi để chế biến nhiều món ăn hấp dẫn, vừa bổ sung dinh dưỡng, vừa làm mới thực đơn hàng ngày.