Muối
Muối rất quan trọng đối với cơ thể con người, giúp đảm bảo cho các cơ quan trong cơ thể hoạt động một cách bình thường. Tuy nhiên, đối với trẻ em dưới 1 tuổi, muối lại là một trong những điều “cấm kỵ” đấy nhé!
Đối với trẻ nhỏ, lượng muối cơ thể cần mỗi ngày thường rất ít và những thực phẩm hàng ngày của bé như sữa, hoa quả, thịt, cá… đã đủ lượng muối cần thiết rồi. Vì vậy, việc cho bé ăn muối hoặc thêm muối vào đồ ăn của bé là hoàn toàn không cần thiết. Thậm chí, nó còn có thể gây hại cho con nữa đấy.
Đường
Giống như muối, nhu cầu đường của các bé một tuổi thường được bổ sung thông qua các thực phẩm hàng ngày. Vì vậy, việc cho đường vào thức ăn của con là hơi…thừa rồi nhé! Ngoài ra, cũng có khá nhiều nghiên cứu chứng minh về mối liên hệ giữa việc cho con ăn nhiều đồ ngọt ngay từ nhỏ và thói quen ăn uống nhiều đường và tinh bột sau này. Hơn nữa, thực phẩm chứa nhiều đường sẽ gây ra những ảnh hưởng xấu đến những chiếc răng vừa mới nhú của con, mẹ nên cẩn thận nhé!
Mật ong
Mật ong chứa rất nhiều dưỡng chất và vitamin tốt cho cơ thể. Tuy nhiên, đối với hệ tiêu hóa còn non nớt của bé, mật ong lại trở thành một “chất độc” đáng gờm đấy. Trong mật ong chứa bào tử clostridium botulinum, chất gây ngộ độc botulism. Đối với người lớn, những bào tử này hoàn toàn vô hại vì hệ tiêu hóa đã “trưởng thành”, đủ sức để vô hiệu hóa những bào tử này. Trong khi đó, hệ tiêu hóa của trẻ em vẫn chưa đủ sức để làm điều này.
Trứng
Trứng là thực phẩm dễ gây dị ứng đối với trẻ nhỏ, nhất là lòng trắng trứng. Đối với những bé dưới 6 tuổi, ăn lòng trắng trứng có thể khiến bé nổi mề đay, chàm và một số bệnh khác. Tốt nhất, mẹ chỉ nên cho con ăn lòng trắng trứng khi các bé đã được 1 tuổi đế tránh tình trạng dị ứng. Ngoài ra, nếu cho con ăn lòng đỏ trứng, mẹ cũng đừng quên nấu chín kỹ rồi mới cho con ăn nhé.
Sữa tươi
Trong sữa tươi có rất nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt hàm lượng đạm trong sữa tươi thậm chí còn cao gấp đôi so với sữa mẹ. Tuy nhiên, cũng chính vì điều này mà sữa tươi hoàn toàn không phù hợp cho những bé dưới 1 tuổi. Nguyên nhân vì hệ tiêu hóa non nớt của các bé lúc này không đủ khả năng để chuyển hóa đạm, khiến thận và dạ dày của bé bị “quá tải”. Không chỉ vậy, hàm lượng vitamin C và sắt khá ít ỏi trong sữa tươi cũng không đủ để cung cấp cho nhu cầu hàng ngày của những bé dưới 1 tuổi. Vì vậy, nếu có ý định cho con uống sữa tươi, có lẽ mẹ nên “dời” lại thêm một thời gian nữa vậy.
[inline_article id=58699]
Các loại trái cây, hạt có kích thước nhỏ
Nho và các loại hạt đều có thành phần dinh dưỡng cao song với kích thước nhỏ bé của chúng lại dễ dàng khiến bé bị ngạt thở khi ăn. Khi cho bé ăn nho, mẹ nên cắt thật nhỏ để tránh nguy cơ bé bị nghẹn. Đối với những loại hạt, đậu, mẹ có thể xay nhuyễn thành bột cho bé ăn.
Những loại cá có hàm lượng thủy ngân cao
Một số những loại có như cá thu( loại lớn), cá mập, cá kiếm… có hàm lượng thủy ngân khá cao trong thịt cá. Và thủy ngân sẽ gây tổn thương đến não bộ và hệ thần kinh còn non yếu của bé. Dù chưa có báo cáo chính thức về mức độ tổn thương mà thủy ngân gây ra nhưng hầu hết các nhà khoa học đều khuyến cáo không nên cho bé ăn những loại cá này.
MarryBaby