1/ Cắt giảm phần ăn vặt trước mỗi bữa chính
Ngoài 3 bữa chính hằng ngày, bé sẽ có thêm 2-3 bữa phụ nhỏ nữa. Tuy nhiên, trước bữa ăn khoảng 1 tiếng, bạn đừng dại mà cho bé “ngốn” hết một đống khoai tây chiên nhé! Điều này sẽ làm bé no ngang và không muốn ăn thêm tí nào nữa. Để con đói một chút và nhóc sẽ dễ dàng “đầu hàng” trước những món mới hơn.
2/ “Canh me” lúc nhóc ta vui vẻ
Thời điểm cũng đóng vai trò khá quan trọng. Nếu bạn để món mới “lên mâm” trong khi bé đang ốm, khóc lóc hay nhõng nhẽo, bạn sẽ gặp khó khăn gấp đôi để dụ bé nếm thử.
3/ Chỉ một mà thôi
Mỗi bữa mẹ chỉ ưu tiên giới thiệu một món lạ cho con thử thôi. Quá nhiều đôi khi sẽ phản tác dụng. Như bạn chẳng hạn, bạn có can đảm thử liên tục nhiều món lạ trong cùng một bữa ăn không?
4/ Cặp đôi hoàn hảo
Tốt nhất là mẹ nên đưa món mới đi kèm với món ăn yêu thích của bé. Như vậy bé sẽ dễ chấp nhận hơn và cơ hội cũng sẽ tăng thêm gấp đôi.
5/ Kiên nhẫn
Điều tối quan trọng để thành công là sự kiên nhẫn của bạn. Nếu lần đầu tiên thất bại, bạn phải thử thêm nhiều và rất, rất nhiều lần khác nữa. Theo thống kê, trẻ em cần ít nhất 10 lần thử mới làm quen một thực phẩm mới. Nhớ giãn khoảng cách ở mỗi lần thử ra nhé! Nếu không, điều này có thể làm con khó chịu và đâm ra ghét luôn món bạn định giới thiệu.
6/ Khuyến khích bé chơi đùa
Cho bé cầm, nắm hoặc thậm chí chơi đùa với thực phẩm sẽ giúp bé làm quen với nhiều thứ khác nhau. Bé càng cầm, ngửi và chơi với chúng thì cơ hội để đưa vào miệng cũng cao hơn rất nhiều. Tuy nhiên, mẹ nên chú ý đảm bảo vệ sinh. Chỉ sơ sẩy một chút thôi là hàng triệu vi khuẩn có thể theo vào cơ thể bé luôn đấy.
[inline_article id=20452]
7/ Lưu ý dành cho mẹ
Khuyến khích bé thử món mới là điều tốt nhưng bạn không nên quá ép buộc con. Điều này ngược lại sẽ làm cho bé có thái độ chán ghét, khó chịu. Đôi khi còn làm con ghét và không bao giờ muốn thử lại lần thứ hai nữa.
MarryBaby