Quảng cáo đối với trẻ con giống như một phương thức giải trí đầy hấp dẫn. Chính điều đó bắt đầu đưa đến những lo lắng mới của phụ huynh, khi một số đoạn quảng cáo hiện nay quá nhạy cảm và bạo lực, đôi khi còn kèm theo những pha hành động nguy hiểm khiến trẻ bắt chước. Vậy quảng cáo tác động tích cực hay tiêu cực đến con trẻ và hướng giải quyết vấn đề này như thế nào?
Những điều tích cực đến từ quảng cáo
Trên thực tế, không thể phủ nhận quảng cáo với những hình ảnh ngộ nghĩnh, sinh động, màu sắc sặc sỡ giúp cho trí tưởng tượng, sự tư duy sáng tạo ở trẻ được hoàn thiện hơn. Thông qua quảng cáo, trẻ có thể nhận biết, khám phá thế giới xung quanh một cách dễ dàng . Đặc biệt là những đoạn quảng cáo vừa bảo đảm được hiệu quả thông tin quảng cáo, vừa hướng đến tính thẩm mỹ còn có tác dụng tốt đến quá trình hình thành nhân cách của trẻ.
Chị Lan (quận 10) chia sẻ ngày nào nhóc 10 tuổi nhà chị cũng bật tivi xem quảng cáo, cả nhà cũng không để ý vì thấy con trẻ thích xem thì cứ để mặc chúng. Vậy mà hôm sinh nhật ba của bé, chị rất bất ngờ khi thấy con tặng ba một chiếc bánh ngọt sôcôla (hay được quảng cáo trên tivi) kèm theo một lời chúc dễ thương “Chúc ba sinh nhật vui vẻ”. Khỏi phải nói cũng có thể đoán được ba của bé đã vui thế nào. Sau đó, cả nhà mới biết nguyên do là bé hay xem quảng cáo, thấy bạn trong đoạn clip tặng ba chiếc bánh sinh nhật nên lén “để dành” bánh tặng ba. Nghe được chuyện của bé, cả nhà rất cảm động và tươi cười suốt ngày hôm đó. Có thể nói, đây là một trong những câu chuyện cho thấy mặt tích cực của những quảng cáo sản phẩm mang đến thông điệp ý nghĩa về tình cảm gia đình. Hay có thể kể đến những quảng cáo chia sẻ khó khăn với các bạn nhỏ vùng cao qua những ly sữa đóng góp, giúp trẻ nhận thức được sự khó khăn của những mảnh đời trong xã hội.
Theo kết quả những công trình nghiên cứu mới nhất của Hiệp hội truyền thông châu Âu (European Association of Communications Agencies – EACA), việc xem quảng cáo có tác dụng giúp trẻ phát triển đầu óc phê phán, làm cho chúng biết cân nhắc, có trách nhiệm và thận trọng trong việc tiêu tiền hơn những đứa trẻ bình thường không xem quảng cáo. Quảng cáo nếu phát triển theo chiều hướng nuôi dưỡng tâm hồn, giáo dục nhân cách sống cho trẻ nhỏ thì thật là đáng quý.
Tác động xấu đến từ quảng cáo
Tuy nhiên, vấn đề nào cũng có hai mặt của nó. Người phát ngôn Somerfield, thuộc nhóm điều tra tại Anh nhận xét sau khi khảo sát hơn 2000 gia đình về tầm ảnh hưởng của quảng cáo đến trẻ em. Kết quả chỉ ra rằng: “Rõ ràng, tivi có những tác động rất lớn đối với cuộc sống của trẻ em. Nếu ảnh hưởng đó đúng như nghiên cứu đưa ra về tình trạng béo phì, thái độ vòi vĩnh hay tiêu xài hoang phí từ quảng cáo mang lại thì tình hình thật đáng lo ngại”.
Có thể thấy, bên cạnh những điểm tích cực mà quảng cáo đem đến cho trẻ nhỏ thì cha mẹ cũng nên chú ý đến nội dụng quảng cáo mà bé ở nhà hay xem. Lý do là vì, ngày nay nội dung quảng cáo được trình chiếu trên truyền hình rất đa dạng và phức tạp. Đôi khi những hình ảnh nhạy cảm, ngôn từ ngắn cụt hoặc phản ứng thái quá do diễn viên đóng quảng cáo thể hiện có thể khiến trẻ bắt chước một cách vô tội vạ. Điển hình như trường hợp cách đây không lâu, trong một quảng cáo về loại dầu gội đầu X, có đoạn một hoa hậu nói trổng không với người lớn rất vô lễ. Điều này ảnh hưởng khá lớn đến việc dạy con của chị Tâm (quận 10). “Cháu còn bé nên từng lời ăn tiếng nói, tôi đều chú ý uốn nắn. Khi gặp ai, nói chuyện cùng ai cũng phải chào hỏi, xưng hô lễ phép. Vậy mà cháu nói trống không, tôi nhắc nhở, cháu lại viện trên tivi, người lớn cũng nói như thế mà vẫn được khen”, chị Tâm kể.
Trẻ em rất dễ bị tác động bởi các quảng cáo. Vì chúng tin vào sự đúng đắn và chính xác của các mẩu quảng cáo, nên từ đó dễ có nhiều thói quen không tốt cho sức khoẻ. Ví dụ như thói quen ăn uống “nghèo nàn” về dinh dưỡng, một nhân tố tạo nên bệnh béo phì lan tràn hiện nay. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi các quảng cáo phổ biến nhất hiện nay đang là quảng cáo bánh kẹo, sô đa, snack, thức ăn nhanh… Trẻ cũng sẽ gia tăng xu hướng cư xử hung hãn hay thờ ơ với bạo lực nếu thường xuyên chứng kiến các quảng cáo trò chơi, phim ảnh, chương trình tivi mang tính bạo lực. Một nghiên cứu gần đây còn cho thấy các chương trình quảng cáo có thể là gốc rễ xung đột giữa cha mẹ và con cái. Trẻ thường muốn mua các sản phẩm được quảng cáo và khi cha mẹ không đồng ý, xung đột xảy ra…
Lưu ý khi cho trẻ xem quảng cáo
Nhiều cha mẹ nhận thấy những mặt tiêu cực của quảng cáo rồi hạn chế, thậm chí cấm đoán trẻ xem truyền hình. Đây thực sự không phải là cách giải quyết tốt cho tình huống này vì như vậy sẽ càng làm trẻ tò mò rồi “lén lút” xem hoặc gay go hơn là bắt chước “thử” làm như trong quảng cáo. Trong những tình huống thế này, cha mẹ không nên quá gay gắt hoặc la mắng bé. Bạn nên xem truyền hình cùng con hoặc hay hơn là lên một “lịch trình” xem tivi cho cả nhà. Như vậy, bạn vừa có thể kiểm soát được nội dung quảng cáo mà con xem, vừa có thể hạn chế thời gian bé xem truyền hình quá lâu.
Một phương án khéo léo và nhẹ nhàng để giải quyết vấn đề. Những lúc này, bạn cũng nên quan sát cách con tiếp thu thông tin từ quảng cáo và hỏi con về những điều bé thích ở đoạn quảng cáo đó. Nếu thấy con có những câu hỏi tò mò hoặc nghĩ sai về thông tin quảng cáo, cha mẹ có thể nhẹ nhàng giảng giải cho bé hiều. Hạn chế những quảng cáo quá nhạy cảm bằng cách chuyển kênh khi cần.
Nếu có thể, cha mẹ nên hạn chế thời gian xem tivi của trẻ bằng những hoạt động khác trong gia đình như: cả gia đình cùng đọc sách, xem hoạt hình, chơi đồ chơi hoặc cha mẹ nhờ bé phụ làm những việc nhỏ trong nhà… Rất nhiều hoạt động khác có thể phân tán sự chú ý của bé vào quảng cáo, hơn nữa lại mang đến cho bé những khám phá mới.
Chúng ta có thể nhận thấy rằng, dù vấn đề có phức tạp đến đâu thì điều quan trọng vẫn là cách cha mẹ quan tâm, chăm sóc và giáo dục con phát triển đúng hướng.
Ngọc Phạm