Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Chăm sóc trẻ

“Tiêu diệt” hết những mối nguy cho trẻ

Ngộp nước và nghẹt thở là nguyên nhân dẫn đến những tai nạn chết người đối với trẻ dưới 4 tuổi. Trong khi đó, té ngã chiếm tỉ lệ cao nhất trong nhóm tai nạn không gây tử vong. Đừng đợi đến khi tai nạn xảy ra rồi mới nghĩ đến việc tạo ra một môi trường an toàn cho bé. Nếu sắp xếp các thiết bị cẩn thận, mẹ có thể để con tự do khám phá mọi thứ mà không gặp bất kì nguy hiểm nào

Hạn chế nguy cơ làm con bị thương
Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”, mẹ ơi

1/ Hạn chế nguy cơ té ngã

Chiếm 44% tai nạn xảy ra ở nhà, té ngã được xem là một trong những nguyên nhân gây chấn thương phổ biến nhất ở trẻ. Để giữ an toàn cho bé, chú ý đặc biệt những điều sau đây, mẹ nhé!

– Đừng bao giờ để thứ gì nằm ở cầu thang

– Bậc thang nên đủ sáng và được bảo trì kĩ càng.

– Nếu sử dụng thảm, nên thường xuyên kiểm tra chất lượng thảm. Vứt bỏ hoặc sửa những tấm thảm bị mòn hoặc hư hỏng.

– Đảm bảo lan can luôn chắc chắn và khó leo trèo.

– Đặt đệm chống trượt dưới thảm

– Chèn thêm gối vào các góc và cạnh bàn cho bàn. Dù nó không giúp chống trượt nhưng sẽ làm giảm khả năng bé bị thương.

2/ Xây dựng “rào chắn” bảo vệ an toàn cho bé

– Kiểm tra dây kéo rèm trong phòng con và tất cả các cửa trong nhà. Dây kéo rèm nên nằm ngoài tầm với, hoặc có khóa kéo ở cuối đầu.

– Nếu sử dụng cửa kính, mẹ nên đặt những giấy dán đầy màu sắc ở phần chính của đường trượt cửa kính để bé chú ý không đến gần.

– Nếu dùng cửa sổ kéo từ trên xuống, mẹ nên khóa lại để bé không kéo từ dưới lên.

– Sửa các cửa ở tầm thấp để khoảng cách giữa 2 gờ không quá 12.5 cm.

– Để các đồ nội thất và những thứ bé có thể leo trèo ra xa “tầm ngắm”

[inline_article id=21975]

3/ Bảo vệ ngón tay bé cưng

– Với những ổ cắm gần sát đất, mẹ nên sử dụng bọc bảo vệ để tránh trường hợp con chọc tay vào ổ cắm. Tuy nhiên, sẽ an toàn hơn cho con nếu bạn để vật nguy hiểm xa tầm tay bé thay vì phụ thuộc vào lớp lót ổ cắm.

– Chú ý đến những thứ có thể làm kẹp tay bé như khe cửa tủ, cánh cửa, hay ghế võng và cân nhắc việc mua đồ bảo vệ vật dụng cho trẻ.

– Giữ bút, kéo, dao mở thư, kim bấm, kẹp giấy và các vật nhọn khác ở ngăn tủ có khóa.

4/ Tránh xa những vật nguy hiểm

– Loại bỏ những thứ có thể gây nguy hiểm cho bé như pin, kẹp giấy, túi nhựa hoặc những vật tiềm ẩn nguy cơ khác khỏi “tầm ngắm” của con

– Giấu đèn và thiết bị có dây sau những đồ nội thất lớn hoặc đặt chúng lên đế dựng chuyên dụng. Những đèn trang trí cao sẽ dễ đổ xuống nếu bé xô vào chúng.

– Giữ đồ sơ cứu trong tủ có khóa và chắc chắn là tất cả những người lớn trong nhà biết nơi cất chúng và cách giải quyết vấn đề trong trường hợp bé bị thương.

– Với các loại chất tẩy rửa, hóa chất độc hại, mẹ nên cất kỹ trong tủ có khóa. Nếu để trên cao, mỗi khi lấy những loại hóa chất này, mẹ nên cẩn thận. Trường hợp rơi vỡ, hóa chất đổ trên người bé thậm chí còn nguy hiểm hơn.

[inline_article id=4273]

5/ Ngăn ngừa phỏng nước sôi

Mẹ có biết nguy cơ bị phỏng của trẻ sơ sinh thường cao hơn rất nhiều so với người lớn và trẻ nhỏ? Phần lớn là những trường hợp bị phỏng do nước sôi. Thậm chí bé vẫn sẽ bị bỏng sau 15 phút sau khi bị đổ nước nóng. Để ngăn chặn nguy cơ này, mẹ nên tuân thủ những “điều luật” sau:

– Để ly đựng nước nóng xa cạnh bàn, và đừng bao giờ cầm ly nước nóng khi bé đang bú vì nó có thể làm cả 2 mẹ con bị bỏng.

– Khi nấu ăn, hãy xoay tay cầm chảo và nồi xa mép bếp.

– Khi chuẩn bị nước tắm cho bé, nên rót nước lạnh rồi mới tới nước nóng. Kiểm tra nhiệt độ bằng khuỷu tay của bạn trước khi đặt bé vào. Nước nên ấm vừa, chứ không phải nóng và bạn cảm thấy dễ chịu khi cho khuỷu tay vào.

– Bọc vòi nước nóng lại để bé không vặn nước được. Hoặc bạn có thể lắp đặt van điều hòa nhiệt độ để cả bé và bạn không bị bỏng.

Bảo vệ an toàn cho bé
Nguy cơ phỏng do nước sôi ở trẻ sơ sinh cao hơn so với người lớn và trẻ nhỏ

6/ Hạn chế nguy cơ phỏng do lửa

– Để cả nhà được an toàn, mẹ nên lắp đặt báo cháy gần mỗi phòng ngủ và bếp. Kiểm tra nó hàng tuần và thay pin thường xuyên. Theo thống kê, nguy cơ hỏa hoạn gây tử vong ở các hộ gia đình cao hơn 4 lần khi không có báo động cháy.

– Nếu có lò sưởi, bạn nên đặt bình chữa cháy gần đó, và cho bảo hành hoặc kiểm tra theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Đảm bảo là không có vật gì có thể thu hút bé đặt gần lò sưởi. Nếu được, tốt nhất bạn nên lắp đặt tấm chắn lò sưởi. Hãy lắp loại lớn được cố định vào tường để bé không bị bỏng.

– Để diêm và bật lửa ngoài tầm, vứt thuốc lá đúng nơi.

7/ Giảm nguy cơ chết đuối

Trẻ sơ sinh và trẻ em có thể bị chết đuối dù mực nước chỉ vào khoảng 5cm. Do đó, điều quan trọng là bạn phải theo dõi khi con chơi gần nước hoặc thùng chứa nước. Ngoài ra, mẹ cũng nên lưu ý những điều sau:

– Luôn ở cạnh khi con ở trong phòng tắm. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sẽ không thể  kháng cự hoặc lên tiếng khi bị ngộp nước.

– Không nên quá phụ thuộc vào chậu tắm. Nó không an toàn và bé có thể bị lật nhào.

– Đổ hết nước khỏi chậu khi bé tắm xong. Đừng rời khỏi phòng tắm cho đến khi nước đã thoát hết.

– Che chắn, bọc hàng rào xung quanh hồ bơi (nếu có) cẩn thận.

MarryBaby