Categories
Tâm lý sau sinh Sau khi sinh

Trầm cảm sau sinh: Mách mẹ cách phòng ngừa và điều trị

Bệnh trầm cảm sau sinh có thể gây ra nhiều hậu quả không mong muốn nhưng không phải mẹ nào cũng ý thức được mình đang mắc bệnh. Nhận biết những dấu hiệu trầm cảm sau sinh sẽ giúp mẹ không nhầm lẫn bệnh với tâm trạng mệt mỏi thông thường sau ca “vượt cạn”.

Trầm cảm sau sinh ngày nay rất phổ biến. Điều kiện sống nhiều áp lực cộng với sự xáo trộn tâm lý lẫn thể trạng sau sinh khiến các bà mẹ dễ rơi vào trầm cảm. Căn bệnh này không dễ phát hiện và có thể để lại nhiều hậu quả khôn lường. Vì vậy, các gia đình có phụ nữ trong thời kỳ bầu bí, sinh đẻ cần lưu tâm để giúp sản phụ không mắc phải căn bệnh này.

Trầm cảm sau sinh là gì?

Trầm cảm sau sinh là một trạng thái tinh thần tiêu cực mà nhiều sản phụ hiện nay đang gặp phải. Tại Việt Nam, tỷ lệ trầm cảm sau sinh theo một số nghiên cứu sàng lọc có thể lên tới 33%. Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh có thể gây ra những hậu quả khó lường cho sản phụ.

Người mẹ bị trầm cảm sau sinh dễ tổn hại thể chất và tinh thần, thiếu sự liên kết giữa mẹ và con nhỏ từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển nhận thức và hành vi của trẻ về sau.

Dấu hiệu trầm cảm sau sinh

1. Suy nhược cơ thể

Nhiều sản phụ cảm thấy đau khổ, tuyệt vọng, khóc lóc cả ngày nhưng không rõ nguyên nhân cụ thể. Chị em cảm thấy đang bị chồng, gia đình, bạn bè bỏ rơi, không quan tâm đến mình như lúc trước. Mọi tâm tư, suy nghĩ của bản thân đều không được mọi người chia sẻ, thấu hiểu.

Những dấu hiệu này đều thể hiện sự suy nhược cơ thể. Mẹ rất dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi triền miên, thờ ơ với mọi thứ xung quanh và cũng không còn muốn chăm sóc bản thân.

2. Lo lắng, căng thẳng

Các mẹ mắc bệnh trầm cảm sau sinh thường rơi vào tình trạng luôn cảm giác lo lắng về sức khỏe của bản thân và cách chăm sóc con nên hay ôm đồm mọi việc. Chị em thường khó thư giãn, nhiều khi còn có cảm giác như muốn nổ tung, mọi vấn đề không tìm được hướng giải quyết nên mẹ cảm thấy bế tắc.

3. Cảm giác bị ám ảnh

Khi có dấu hiệu bị trầm cảm, mẹ thường hay bị ám ảnh, có thể về một người, một tình huống hoặc một hoạt động cụ thể nào đó. Vài người có thể trở nên sợ hãi và tin rằng mình là mối nguy hại cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt là đứa trẻ.

4. Thường xuyên mất ngủ

Giấc ngủ đến với mẹ rất khó khăn. Mẹ có thể thao thức cả đêm, thường xuyên gặp ác mộng và không thể ngủ lại được.

5. Không muốn gần gũi con

Bản năng làm mẹ tự nhiên khiến người phụ nữ luôn muốn chăm sóc, nâng niu con nhỏ. Tuy nhiên, nếu một vài tuần trôi qua và mẹ vẫn không cảm thấy có sự kết nối với em bé của mình thì hãy lưu ý bởi có thể mẹ đang có điều gì đó không ổn.

Dấu hiệu trầm cảm sau sinh

6. Mất ham muốn tình dục

Chứng trầm cảm sau sinh khiến hầu hết phụ nữ bị mất hứng thú với tình dục. Nếu mẹ không có ham muốn với chồng sau thời gian cần kiêng cữ thì cần lưu tâm và cảnh giác.

>>> Mẹ có thể xem thêm: Baby blues và trầm cảm khác nhau thế nào?

Nguyên nhân trầm cảm sau sinh

1. Sự thay đổi về nồng độ hormone

Khi sinh con, nồng độ hormone trong máu của mẹ có sự thay đổi nhanh chóng. Các loại estrogen, progesterone bị giảm rõ rệt dẫn đến tình trạng mệt mỏi, trầm cảm ở sản phụ.

Sự suy giảm về nồng độ hormone tuyến giáp thyroid cùng với những thay đổi về huyết áp gây áp lực lên sức khỏe của sản phụ. Hệ miễn dịch suy yếu và chuyển hóa năng lượng kém cũng là những căn nguyên gây ra bệnh trầm cảm.

2. Tình trạng đau sau sinh

Bên cạnh đó, sau khi sinh, người phụ nữ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về cơ thể lẫn tâm lý. Những đau đớn phải trải qua trong quá trình sinh nở, nhất là tình trạng đau do mổ đẻ kéo dài một vài tuần sau sinh khiến sản phụ suy sụp tinh thần nghiêm trọng.

3. Mặc cảm về ngoại hình

Khi con ra đời, cơ thể mẹ vẫn còn sồ sề, da nhăn nheo, nám, mụn… Vì vậy, mẹ thường cảm thấy mình trở nên xấu xí và không còn sự hấp dẫn nữa.

4. Áp lực về trách nhiệm làm mẹ

Bên cạnh đó, khi em bé ra đời, mẹ còn phải thay đổi về cách sống để chăm sóc con. Mẹ luôn lo lắng không biết mình chăm con đúng chưa.

5. Em bé gặp vấn đề về sức khỏe

Ngoài ra, những căng thẳng khi mang thai hoặc sinh con như sinh khó, con sinh ra gặp phải các vấn đề về sức khỏe, con đẻ non hoặc dị tật… Tất cả đều là nguyên nhân tăng nguy cơ sản phụ mắc trầm cảm sau sinh.

Nguyên nhân trầm cảm sau sinh

Phòng ngừa và cách chữa trầm cảm sau sinh

1. Hỗ trợ từ người thân

Người chồng, người thân trong gia đình nên để ý xem thái độ, biểu hiện của sản phụ. Ngoài ra, mẹ cũng cần tự quan sát bản thân. Nếu thấy mẹ có các dấu hiệu kể trên và kéo dài trong thời gian dài mà tình trạng không bớt thì nên đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý. Việc phát hiện và điều trị sớm sẽ là nhân tố giúp điều trị thành công và hết bệnh nhanh.

2. Tham gia một lớp hướng dẫn chăm sóc trẻ sơ sinh

Khóa học này sẽ cung cấp kiến thức cũng như các hướng dẫn về tâm lý cho  mẹ sau sinh, cũng như cách chăm sóc em bé. Khi đã được các chuyên gia hướng dẫn cụ thể, rõ ràng sẽ giúp mẹ phần nào tự tin, thoải mái hơn khi chăm sóc bé sơ sinh.

3. Đón nhận sự giúp đỡ của mọi người

Để không mắc bệnh trầm cảm sau sinh, mẹ nên chủ động đặt vấn đề chia sẻ việc chăm sóc em bé mới chào đời với người thân. Nhờ đó, mẹ sẽ không còn cảm giác lo lắng rằng mình sẽ không chăm sóc tốt cho con hay cảm thấy cô đơn, tủi thân.

4. Không nên quá lo lắng về việc mình có chăm con tốt hay không

Nếu vẫn lo lắng, bỡ ngỡ về cách chăm sóc em bé, mẹ đừng ngại trao đổi, chia sẻ với những người có kinh nghiệm. Lời khuyên, tư vấn của những người từng trải sẽ rất hữu ích. Ngoài ra, mẹ nên tham khảo thêm thông tin trên sách báo, Internet để giảm bớt tâm lý lo lắng, hoang mang.

5. Chăm sóc bản thân

Ngoài chăm sóc con, mẹ cũng cần chăm sóc cho bản thân, cố gắng dành thời gian dù chỉ trong chốc lát để nghỉ ngơi, thư giãn như nghe nhạc, đọc sách, đi dạo. Những việc tuy rất đơn giản nhưng lại có thể giúp mẹ thoải mái, thư thái hơn, giúp giảm nguy cơ trầm cảm sau sinh.

giảm nguy cơ trầm cảm sau sinh6. Không tự cô lập mình

Không che giấu cảm xúc với những người thân yêu, nói chuyện và chia sẻ với bạn bè, gia đình về những vấn đề mẹ đang đối mặt. Nhờ đó, mẹ sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn, như trút bỏ được gánh nặng.

7. Dành thời gian ngủ nhiều hơn

Mẹ tranh thủ ngủ để còn có sức để tiếp tục chăm em bé, mỗi ngày mẹ duy trì ngủ được 6-8 tiếng đồng hồ. Giấc ngủ sâu giúp mẹ nhanh lấy tinh thần, cảm thấy sảng khoái hơn.

8. Điều trị trầm cảm sau sinh

Tiến sĩ Sarah Allen, chuyên gia tâm lý trị liệu đứng đầu Hiệp hội trầm cảm sau sinh Illinois (Mỹ) cảnh báo: Bệnh nhân trầm cảm sau khi sinh ở dạng nặng cần được chữa trị kịp thời bằng thuốc đặc trị kết hợp vật lý trị liệu.

Khi nghĩ rằng mình đang bị bệnh trầm cảm sau sinh, mẹ nên đến bác sĩ càng sớm càng tốt, nếu không thể được thì mời bác sĩ đến nhà. Cố gắng báo với bác sĩ về tất cả các triệu chứng gây khó chịu. Điều này sẽ giúp cho thầy thuốc chẩn đoán chính xác về bệnh hơn.

Thuốc được kê toa thông thường là thuốc an thần hoặc thuốc chống trầm cảm. Với thuốc chống trầm cảm, người dùng sẽ có cảm giác khô miệng và buồn ngủ.

Bên cạnh việc dùng thuốc, điều quan trọng sản là mẹ phải duy trì chế độ dinh dưỡng tốt, dùng thêm vitamin B6 hoặc vitamin tổng hợp (theo chỉ định của bác sĩ).

>>> Mẹ có thể xem thêm: Tự chữa chứng trầm cảm sau sinh như thế nào?

Điều trị trầm cảm sau sinh

Những thắc mắc thường gặp về bệnh trầm cảm sau sinh

1. Ai dễ bị trầm cảm ghé thăm?

Như đã nói ở phần nguyên nhân, nếu gia đình có người từng bị bệnh trầm cảm sau sinh, nguy cơ lặp lại là 50%. Nếu mẹ có tiền sử trầm cảm thì nguy cơ trầm cảm sau sinh là 25%. Ngưng dùng thuốc chống trầm cảm lúc mang thai, thì sau đó 68% rơi vào trạng thái trầm cảm, nếu tiếp tục dùng thuốc thì 25% bị trầm cảm.

Ngoài ra còn các trường hợp sau:

  • Mang thai khi chưa tới 18.
  • Căng thẳng trước và trong thời gian mang thai như thất nghiệp, tình cảm gia đình.
  • Thiếu sự giúp đỡ, đồng cảm, chia sẻ của người thân, đặc biệt là người chồng.
  • Thai kỳ không mong muốn.
  • Biến chứng thai kỳ như thai lưu, sẩy thai, sinh non..Trầm cảm dễ xuất hiện ở người đẻ con so, tuy nhiên vẫn có thể xảy ra ở người sinh con rạ.

>>> Mẹ có thể xem thêm: 7 điều chồng làm giúp vợ nhẹ nhàng vượt qua trầm cảm sau sinh

2. Bệnh trầm cảm sau sinh kéo dài bao lâu?

Về cơ bản, trầm cảm sau khi sinh có thể được chia tạm thời thành 3 giai đoạn:

♦ Giai đoạn 1

Được coi là điểm khởi phát, lúc này chị em thường không biết mình bị mắc bệnh mà chỉ đơn giản quy về “một mối” là do tâm trạng buồn bã, bận chăm con, lo lắng quá mức mà thôi.

Trầm cảm lúc này có thể khiến mẹ mất ngủ hoặc ngủ nhiều, biếng ăn hoặc ăn uống vô độ. Lối sống và cách sinh hoạt vốn khoa học theo thói quen bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Thời điểm này, mẹ cũng dần trở nên khép kín hơn, không muốn gần gũi chồng, kể cả cha mẹ. Mẹ chỉ cảm thấy thực sự thoải mái khi ở một mình. Đó là nguyên nhân dẫn đến giai đoạn 2.

Những thắc mắc thường gặp về bệnh trầm cảm sau sinh

♦ Giai đoạn 2

Chế độ ăn uống sau sinh đã không còn khiến mẹ hứng thú. Chuyện cho con bú bắt đầu làm mẹ cảm thấy phiền hà. Lúc này, cơ thể mẹ đã thực sự bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những tâm trạng buồn bã và bộ não bắt đầu giảm sản xuất hormone serotonin, hormone hạnh phúc. Lâu dần, đến một ngày nào đó mẹ không còn nhớ cảm giác hạnh phúc diễn ra như thế nào.

Tất cả niềm tin, hy vọng về tương lai tươi đẹp đã biến mất. Nếu từng mất mát, mẹ sẽ luôn cho rằng mình sẽ không bao giờ vượt qua được. Mẹ cảm thấy cuộc đời sầu thảm, bi đát và dần trở nên chán ghét mọi thứ.

♦ Giai đoạn 3

Thống kê cho thấy 50% sản phụ khi bước sang giai đoạn này đều nghĩ tự tử là cách tốt nhất. Mẹ sẽ không đủ tỉnh táo để nhớ cuộc đời mình vốn tuyệt như thế nào. Điều duy nhất mẹ nghĩ đến đó là làm sao thoát khỏi cuộc sống toàn nỗi buồn, tăm tối và khổ đau này.

bệnh trầm cảm sau sinh

3. Mẹ trầm cảm, trẻ sơ sinh chịu thiệt thòi như thế nào?

Các nghiên cứu cho thấy, tình trạng trầm cảm ở người mẹ trong thời gian mang thai và sau sinh có thể gây hậu quả ở trẻ. Những vấn đề sau đây thường xảy ra ở trẻ có mẹ trầm cảm:

  • Trẻ chậm phát triển kỹ năng ngôn ngữ
  • Trẻ không kết nối tốt với mẹ
  • Xảy ra các vấn đề về hành vi cư xử
  • Bé khóc nhiều hơn trẻ bình thường

Trầm cảm sau sinh là căn bệnh đáng sợ, có thể cướp đi những khoảnh khắc hạnh phúc đáng lẽ mẹ phải được tận hưởng khi chào đón thành viên mới trong gia đình. Vì thế, mẹ cần phải trang bị những kiến thức về nuôi dạy con và chăm sức khỏe bản thân để phòng tránh những điều không vui có thể xảy ra sau khi sinh nở mẹ nhé.