Categories
Sức khỏe - Dinh dưỡng Chuẩn bị mang thai

Buồng trứng đa nang muốn có con phải làm sao? Có cơ hội nào cho chị em không?

Buồng trứng đa nang muốn có con phải làm sao? Đi tìm bí kíp để tăng cơ hội làm mẹ cho các chị em hiếm muộn. Cùng MarryBaby khám phá nhé!

Buồng trứng đa nang là bệnh phụ khoa phổ biến ở nữ giới. Một trong những lo lắng của chị em khi mắc bệnh này đó là bị buồng trứng đa nang muốn có con thì phải làm sao? Việc mang thai đối với phụ nữ có buồng trứng đa nang là điều có thể thực hiện được. Tuy nhiên, để có một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh, chị em cần phải kết hợp điều trị và tuân thủ các nguyên tắc chăm sóc đặc biệt. Hãy cùng MarryBaby tìm hiểu thông tin dưới đây nhé.

Buồng trứng đa nang là gì?

Buồng trứng đa nang muốn có con

Buồng trứng đa nang (PCOS) là hiện tượng rối loạn nội tiết tố ở nữ giới, trong đó hormone nam có sự gia tăng bất thường trong cơ thể nữ. Việc mất cân bằng hormone này dẫn đến buồng trứng xuất hiện thêm nhiều nang trứng rỗng hoặc nang có vỏ rất dày không thể phát triển được, từ đó hạn chế việc rụng trứng và thụ thai.

Theo nghiên cứu, tỷ lệ nữ giới có khả năng mắc buồng trứng đa năng là 22% và có đến 75% trường hợp vô sinh liên quan đến việc không rụng trứng đều xuất phát từ nguyên nhân đa nang buồng trứng.

Các nguyên nhân khiến nữ giới mắc đa nang buồng trứng

  • Do di truyền: Chị em có nguy cơ mắc buồng trứng đa nang nếu bà, mẹ hay chị gái đã từng mắc bệnh này.
  • Do chế độ ăn uống: Nhiều giả thuyết cho rằng chế độ ăn quá nhiều tinh bột cũng là nguyên nhân khiến phụ nữ dễ bị đa nang buồng trứng.
  • Do cơ thể dư hormone Insulin: Insulin là chất có nhiệm vụ chuyển hóa glucose thành năng lượng cho cơ thể hoạt động. Khi cơ thể bị kháng hoặc dư thừa Insulin, buồng trứng sẽ bị kích thích và sản xuất nhiều hormone nam giới, gây mất cân bằng nội tiết tố và có khả năng hình thành buồng trứng đa nang.

Làm thế nào để chẩn đoán buồng trứng đa nang?

Buồng trứng đa nang muốn có con

Các phương pháp để phát hiện bệnh buồng trứng đa nang ở phụ nữ gồm:

♦ Thăm khám lâm sàng: Khi thăm khám, các bác sĩ sẽ chẩn đoán dựa trên một số dấu hiệu của bệnh đa nang buồng trứng như chu kỳ kinh nguyệt không đều, rong kinh; cân nặng tăng giảm bất thường; xuất hiện nhiều lông ở ria mép, tay, bụng, ngực; da nổi nhiều mụn, tóc rụng.

♦ Siêu âm bằng đầu dò âm đạo: Siêu âm sẽ giúp phát hiện dấu hiệu bất thường trong tử cung và buồng trứng, từ đó có thể phát hiện sớm bệnh đa nang bệnh trứng.

♦ Xét nghiệm máu: Kết quả xét nghiệm máu sẽ kiểm tra việc xuất hiện của hormone nam giới, cũng như các chỉ số cholesterol, testosterone, tỷ lệ dung nạp glucose, là các yếu tố gây ra hiện tượng đa nang buồng trứng.

Buồng trứng đa nang ảnh hưởng như thế nào đến chức năng sinh sản ở nữ giới?

  • Buồng trứng sẽ có nhiệm vụ sản xuất và nuôi dưỡng những nang trứng. Hàng tháng, tế bào trứng nào phát triển mạnh mẽ nhất sẽ được phóng vào ống dẫn trứng, đi xuống tử cung để gặp tinh trùng và thụ thai. Khi bị đa nang buồng trứng, việc có quá nhiều nang trứng rỗng hoặc kém phát triển sẽ khiến sự rụng trứng không thể xảy ra, nên khả năng thụ thai là rất thấp.
  • Bên cạnh đó, nếu nữ giới đang trong thời gian mang thai, các nang với số lượng lớn trong buồng trứng sẽ dễ xảy ra tình trạng chèn ép nhau, gây áp lực lên tử cung, dẫn đến nguy cơ sảy thai.
  • Đa nang buồng trứng còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến ung thư nội mạc tử cung, một bệnh phụ khoa nguy hiểm cho sức khỏe sinh sản của phụ nữ.

Bị buồng trứng đa nang muốn có con có được không?

đa nang buồng trứng muốn có con

Theo thống kê, có 17% nữ giới bị buồng trứng đa nang nhưng vẫn có thai tự nhiên và sinh con hoàn toàn khỏe mạnh. Số chị em còn lại phải nhờ vào sự can thiệp nhân tạo để thực hiện mong muốn có con.

Như vậy, bị buồng trứng đa nang vẫn có khả năng có con. Tuy nhiên, để có thai kỳ an toàn, chị em nên kết hợp điều trị y khoa và xây dựng chế độ ăn uống, lối sống lành mạnh.

1. Các biến chứng có thể xảy ra

Chị em bị buồng trứng đa nang muốn có con có thể đối mặt với các nguy cơ sau:

  • Sảy thai hoặc sinh non
  • Huyết áp cao và tiểu đường thai kỳ
  • Tiền sản giật
  • Thai nhi có nguy cơ thừa cân nên khả năng sinh mổ cao.

2. Các phương pháp hỗ trợ điều trị cho trường hợp bị đa nang buồng trứng muốn có con

Đa nang buồng trứng muốn có thai

♦ Dùng thuốc: Các loại thuốc như clomiphene citrate, metformine, gonadotrophine, letrozole sẽ có tác dụng kích thích nang trứng phát triển. Tới thời điểm đủ lớn, trứng sẽ phá vỡ được lớp vỏ dày bao phủ và phóng vào ống dẫn để đi đến tử cung.  

♦ Phẫu thuật: Nếu việc chữa trị bằng thuốc không đem lại kết quả, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật buồng trứng. Đây được đánh giá là phương pháp khả quan vì có khoảng 50% chị em mang thai trong vòng 1 năm kể từ lúc thực hiện phẫu thuật này. Bác sĩ sẽ tiến hành rạch những lỗ trên buồng trứng để kích thích các nang trứng to ra, đồng thời cắt bỏ những mô thừa cũng như trứng rỗng để tạo điều kiện cho nang trứng phát triển một cách tốt nhất.

♦ Thụ tinh nhân tạo: Phương pháp này được thực hiện khi chị em không đáp ứng được với các cách điều trị ở trên, cũng như không có khả năng mang thai tự nhiên. Tỷ lệ thành công của thụ tinh nhân tạo phụ thuộc nhiều vào độ tuổi, khả năng sinh sản cũng như cơ địa của từng người.

3. Chế độ ăn uống khi mang thai của người bị buồng trứng đa nang

  • Ăn nhiều rau xanh, đặc biệt là các loại rau lá xanh đậm như cải xanh, súp lơ, cải bó xôi.
  • Rau củ giàu chất chống oxy hóa như cà rốt, ớt chuông, cà tím, khoai lang.
  • Bổ sung các loại trái cây trong thực đơn hàng ngày như dưa lưới, dâu tây, bưởi, ổi, việt quất, cam, kiwi, táo, mơ. Đây là các loại trái cây có nhiều vitamin và có lượng đường thấp.
  • Các loại cá nhiều chất béo tự nhiên như cá hồi, cá mòi, cá thu.
  • Dầu oliu, bơ, dừa cũng là nguồn cung cấp chất béo tốt cho cơ thể.

Bên cạnh đó, chị em nên tránh các thức ăn chế biến sẵn, đồ hộp, hạn chế ăn các món chiên xào và tuyệt đối tránh xa bia rượu, thuốc lá, chất kích thích có cồn.

[inline_article id=266926]

Có thể nói, phụ nữ bị buồng trứng đa nang muốn có con là việc không khó. Chị em cần thăm khám và phát hiện bệnh sớm cũng như tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để việc điều trị được hiệu quả. Chúc các chị em mau chóng vượt qua khó khăn này và thực hiện được thiên chức làm mẹ nhé.  

Thu Sương