Tiêm phòng trước khi cưới và kiểm tra sức khỏe là việc làm vô cùng quan trọng và ý nghĩa đối với các cặp vợ chồng. Hành động này không những bảo vệ sức khỏe cho bản thân, cho người vợ/người chồng tương lai của mình mà còn đảm bảo cho em bé sắp chào đời của 2 bạn được khỏe mạnh, lành lặn.
Cùng tìm hiểu xem tiêm phòng trước khi cưới quan trọng như thế nào và vợ chồng nên tiêm những mũi tiêm nào ngay trong bài viết dưới đây bạn nhé!
Vì sao vợ chồng cần tiêm phòng trước khi cưới?
Không chỉ với phụ nữ, cả đàn ông cũng cần tiêm phòng trước khi cưới để tránh những rủi ro đáng tiếc về sau.
Các mũi tiêm phòng sẽ giúp vợ chồng tránh khỏi nguy cơ lây các bệnh truyền nhiễm cho đối phương qua đường máu và đường tình dục.
Hơn nữa, người phụ nữ nếu có ý định mang thai nhưng lại mắc bệnh sẽ có thể lây cho em bé thông qua nhau thai và sữa mẹ sau sinh. Trường hợp nguy hiểm có thể dẫn đến sảy thai, thai chết lưu, sinh non hay dị tật bẩm sinh.
Chính vì vậy, để bảo vệ thai nhi khỏi các dị tật, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, người mẹ nên tiêm phòng trước khi cưới hoặc ít nhất là trước khi mang thai.
5 mũi tiêm phòng trước khi cưới giúp vợ chồng và con cái khỏe mạnh
Dưới đây là 5 mũi tiêm quan trọng mà cả vợ và chồng đều có thể tiêm ngừa trước khi cưới:
1. Mũi tiêm phòng sởi – quai bị – rubella
Một trong những căn bệnh truyền nhiễm có biến chứng nguy hiểm nhất và nguy cơ lây nhiễm cao chính là sởi, quai bị, rubella. Nếu bị nhiễm một trong 3 loại bệnh này khi mang thai, nhất là ở 3 tháng đầu, nguy cơ sảy thai, sinh non, thai chậm phát triển… là rất cao.
Đặc biệt, thai còn có khả năng bị mắc các dị tật bẩm sinh ở não, tim, tai và mắt. Vì vậy, vợ chồng muốn có con ngay sau khi kết hôn thì nên thực hiện tiêm phòng 3 mũi này trong vòng 3 tháng trước khi cưới.
2. Mũi tiêm phòng thủy đậu (trái rạ)
Mẹ bị thủy đậu khi mang thai có thể khiến bé sinh ra bị thủy đậu hay mắc các căn bệnh bẩm sinh như viêm phổi, đục thủy tinh thể, dị tật ở chân tay và thậm chí bị liệt. Bệnh rất dễ lây và gây sốt, ngứa, nổi bọng nước khắp người vô cùng khó chịu cho người bệnh.
Tiêm phòng trước khi cưới cần đầy đủ và đúng liều. Ngay cả với những người đã từng mắc thủy đậu lúc nhỏ cũng cần được tiêm ngừa thêm lần nữa trước khi cưới để đảm bảo an toàn. Bởi cũng có trường hợp một số người từng bị thủy đậu nhưng cơ thể vẫn chưa sản xuất kháng nguyên chống lại virus này.
3. Mũi tiêm phòng bệnh cúm
Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh cúm, dù bạn là nam hay nữ, sống ở đâu hay mùa nào. Bệnh dễ chữa khỏi với người thường nhưng với phụ nữ mang thai, nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ, khả năng thai nhi bị dị tật bẩm sinh do mẹ bị cúm là rất cao.
Để phòng tránh rủi ro, vợ chồng nên tiêm phòng trước khi cưới hoặc trước khi mang thai mũi tiêm ngừa cúm. Thời điểm tốt nhất để tiêm phòng cúm là tháng 10 đến tháng 11. Với mũi tiêm này, người mẹ hoàn toàn có thể có thai ngay sau khi tiêm, thậm chí là tiêm được trong thai kỳ mà không sợ ảnh hưởng đến thai nhi.
4. Mũi tiêm phòng ngừa viêm gan B
Virus viêm gan B cực kỳ nguy hiểm vì chúng có thể phá hủy gan, gây xơ gan và ung thư gan. Viêm gan B mãn tính không thể chữa khỏi hoàn toàn mà người bệnh phải sống chung với bệnh cả đời, đồng thời uống thuốc liên tục để hạn chế sự phát triển của virus.
Người mẹ bị nhiễm viêm gan B trước và trong khi mang thai có thể truyền cho bé và khiến con mắc bệnh viêm gan B bẩm sinh. Bệnh có khả năng lây nhiễm cao cho vợ và chồng qua đường máu, đường tình dục. Vì vậy, vợ chồng cần tiêm phòng trước khi cưới để đảm bảo an toàn.
[inline_article id=66218]
5. Mũi tiêm phòng uốn ván
Mũi tiêm uốn ván không tạo ra kháng thể miễn dịch suốt đời nên chúng ta cần tiêm nhắc lại sau 5 – 10 năm để bảo vệ cơ thể. Mẹ bầu mắc bệnh uốn ván sẽ lây truyền sang cho con. Trẻ sơ sinh bị uốn ván rốn có tỷ lệ tử vong đến 90%.
Với những người làm nghề nông dân, làm vườn, chăn nuôi, công nhân xây dựng, dọn dẹp vệ sinh cống rãnh… tỷ lệ mắc bệnh là rất cao nên càng cần tiêm phòng uốn ván để bảo vệ mình.
6. Những mũi tiêm phòng bảo vệ sức khỏe khác
Ngoài các mũi tiêm có ảnh hưởng đến thai kỳ để bảo đảm mẹ sinh con an toàn, khỏe mạnh thì vợ chồng cũng có thể tiêm các mũi tiêm bảo vệ sức khỏe khác như mũi tiêm phòng viêm phổi do phế cầu, tiêm phòng viêm màng não do não mô cầu BC, ACWY, tiêm phòng viêm não Nhật Bản…
Chuẩn bị gì trước khi tiêm chủng?
Khi chuẩn bị đi tiêm chủng, vợ chồng cần mang theo sổ tiêm chủng trước đây để bác sĩ đánh giá và tư vấn những mũi cần tiêm.
Nếu không còn giữ sổ thì bạn cần thực hiện một số xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, để xem bạn đã tiêm phòng chưa, đồng thời làm một số kiểm tra khác để xem tình trạng sức khỏe của bạn có ảnh hưởng đến kế hoạch mang thai và sinh con không.
Như vậy, vợ chồng trước khi kết hôn nên cân nhắc tiêm phòng những mũi tiêm quan trọng để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và nhất là để chuẩn bị cho quá trình mang thai sắp tới của người vợ được an toàn và khỏe mạnh.
Gia Linh