Categories
Thụ thai Chuẩn bị mang thai

Dị tật thai nhi, canh thời điểm thụ thai để phòng tránh cho con

Bạn có biết rằng mùa hè là thời điểm có lượng tinh trùng thiếu đuôi cao nhất trong năm? Ngoài ra, nếu bạn mang thai lúc đang bị bệnh thì nguy cơ dị tật thai nhi cũng sẽ cao hơn bình thường. Vậy thời điểm nào không tốt cho việc thụ thai? Để đảm bảo cho một thế hệ sau khỏe mạnh, bạn đọc ngay nhé!

Dị tật thai nhi
Chọn lựa thời gian thụ thai thích hợp không chỉ tăng khả năng thành công mà còn giúp bạn tránh được những thời điểm bất lợi

Để hạn chế nguy cơ dị tật cho con, bố mẹ “né” 6 mốc sau ra nhé!

6 thời điểm không nên thụ thai để ngừa dị tật thai nhi

1. Những ngày trời nắng nóng dễ gây dị tật thai nhi

Bạn có để ý rằng những lúc thời tiết nóng nực, cơ thể thường bị “đeo bám” bởi cảm giác khó chịu và cảm thấy không ngon miệng? Nếu bạn mang thai vào khoảng thời gian này, thai nhi có nguy cơ không nhận đủ dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển, dẫn tới nguy cơ dị tật cao hơn.

Không chỉ vậy, nhiệt độ cao và tâm trạng bức bối cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến chất lượng và số lượng của tinh trùng. Theo một nghiên cứu, mùa hè là thời điểm có số lượng tinh trùng thiếu đuôi cao nhất trong năm. Đồng thời, quân số tinh binh trong mùa hè cũng thấp hơn hẳn so với các mùa khác.

2. Đang có vấn đề về sức khỏe

Nếu đang có các vấn đề về sức khỏe hoặc đang trong quá trình điều trị bệnh mãn tính, bạn nên cân nhắc và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định có thai. Một số loại thuốc điều trị có thể gây ảnh hưởng sự phát triển của thai nhi, thậm chí gây dị tật bẩm sinh, sảy thai, sinh non…

Để cho con sự khởi đầu tốt nhất, bạn nên tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cần thiết như cúm, rubella, quai bị… từ 3 đến 6 tháng trước khi mang thai.

3. Lớn tuổi

Không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng trứng, tuổi tác cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng tinh trùng.

Theo một nghiên cứu của trường Đại học Indiana (Mỹ), càng lớn tuổi, khả năng ông bố truyền gen lỗi cho con càng cao, từ đó nguy cơ trẻ bị dị tật bẩm sinh cũng cao hơn. Vì vậy, nếu muốn sinh con khỏe mạnh, “tranh thủ” đi bạn nhé!

4. Vừa mới ngưng sử dụng biện pháp tránh thai

Đàn ông 30 tuổi thích phụ nữ như thế nào

Thuốc tránh thai và các biện pháp ngừa thai cho phụ nữ hoạt động theo nguyên tắc làm ngăn quá trình rụng trứng bằng cách ức chế hoạt động của các loại hormone và hoạt động của niêm mạc tử cung. Mang thai khi đang sử dụng biện pháp ngừa thai hoặc khi vừa mới ngưng sử dụng, bạn đã vô tình đẩy bé cưng vào tình huống phát triển bất lợi, làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh ở thai nhi.

5. Đang làm việc trong môi trường nguy hiểm

Nếu bạn hoặc anh xã đang phải làm việc trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất độc hại như thủy ngân, chì, các dung môi hữu cơ, thuốc trừ sâu…, bạn nên cẩn thận. Việc thụ thai trong thời điểm này khiến nguy cơ dị tật thai nhi khá cao. Dù có sử dụng các biện pháp bảo hộ, chất phóng xạ và các hóa chất vẫn có thể gây các biến đổi gen và biến đổi nhiễm sắc thể ở thai nhi.

Nếu từng tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại, nên đợi ít nhất 1 tháng sau mới tính đến chuyện thụ thai, bạn nhé!

[inline_article id=104836]

6. Khi bạn đang căng thẳng

Không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý sau khi sinh của trẻ, tâm trạng căng thẳng trong quá trình mang thai của mẹ còn có thể gây hậu quả trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi. Theo đó, nếu mẹ bầu bị căng thẳng, ức chế trong 3 tháng đầu, thai nhi rất dễ bị sứt môi và hở hàm ếch sau khi sinh.

5 kiểu dị tật thai nhi bẩm sinh

Dị tật thai nhi thường gặp
Mẹ có thể làm gì để giúp con phát triển một cách tốt nhất?

1. Hội chứng Down

Là một trong những trường hợp rối loạn nhiễm sắc thể, Down xảy ra với những bé có 3 bộ nhiễm sắc thể số 21. Tỷ lệ trẻ mắc hội chứng Down khá hiếm, thông thường cứ 1.000 bé sinh ra mới có 1 bé mang bệnh, và nguy cơ này sẽ tỷ lệ thuận với tuổi tác của mẹ.

Theo thống kê, cứ 350 trường hợp mẹ sinh con sau 35 tuổi sẽ có 1 trường hợp bị Down, thậm chí ở độ tuổi 45, tỷ lệ này là 1/30. Hội chứng Down thường được xác định nhờ xét nghiệm tầm soát thực hiện trong giai đoạn từ tuần 11-14 của thai kỳ. Nếu có vấn đề bất thường, bầu sẽ được thực hiện thêm một loạt các xét nghiệm khác nữa.

Bên cạnh sự phát triển bất thường trên khuôn mặt, những bé bị Down cũng có xu hướng bị tim và tâm thần bẩm sinh. Tuy nhiên, không phải tất cả trẻ bị hội chứng Down đều gặp phải trở ngại khi giao tiếp với người xung quanh, một số bé thậm chí có thể phát triển bình thường nhờ được sự giáo dục của cha mẹ ngay từ khi còn nhỏ.

2. Biến dạng chân (chân vẹo)

Thay vì chân thẳng, với lòng bàn chân hướng xuống, những bé sinh ra với dị tật này thường có 1 hoặc 2 bàn chân “sai tư thế”, lòng bàn chân quay vào trong hoặc quay ra ngoài. Dị tật này thường được phát hiện nhờ siêu âm và có thể điều trị nhờ chỉnh hình sau sinh.

Các bác sĩ sẽ tận dụng thời điểm khi bé vừa chào đời 1-2 tuần, khi cơ, xương của bé còn khá mềm dẻo để thực hiện chỉnh hình. Bé sẽ được nắn nhẹ, và bó bột từ đầu bàn chân đến đùi để định hình lại sự phát triển của xương.

[inline_article id=75971]

3. Sứt môi và hở hàm ếch

Là một trong những dị tật thai nhi phổ biến nhất ở Việt Nam, sứt môi và hở hàm ếch thường được phát hiện nhờ siêu âm trong thai kỳ.

Tuy nhiên, hiện nay các chuyên gia vẫn đang phân vân về nguyên nhân gây nên dị tật này. Có người cho rằng, đây là hệ quả của việc sử dụng thuốc kháng sinh không đúng cách trong thai kỳ. Cũng có giả thuyết đưa ra về mối liên hệ giữa sứt môi và thói quen hút thuốc, uống rượu khi mang thai của mẹ.

4. Dị tật tim bẩm sinh

Bé bị tim bẩm sinh thường có những dấu hiệu như da xanh xao, khó thở, thậm chí không thể thở nổi trong thời gian bú mẹ. Với những bé có tim khỏe mạnh, 2 tâm thất trái phải sẽ được ngăn cách bằng 1 lớp vách mỏng. Tuy nhiên, trái tim của những bé bị dị tật sẽ có một lỗ nhỏ giữa vách ngăn, tạo điều kiện “gặp gỡ” cho 2 tâm thất.

[inline_article id=78870]

5. Dị tật ống thần kinh

Là một phần cấu trúc nhỏ tồn tại trong giai đoạn phôi thai, ống thần kinh là nền tảng cốt lõi để phát triển thành não và tủy sống. Vào ngày thứ 28, ống thần kinh sẽ đóng lại hoàn toàn để chuẩn bị cho bước phát triển mới của thai nhi. Tuy nhiên, nếu quá trình này xảy ra bất thường khiến ống thần kinh không đóng lại hoàn toàn, não và cột sống của thai nhi sẽ xảy ra những khiếm khuyết.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, phụ nữ mang thai nên tích cực bổ sung axit folic trong giai đoạn đầu của thai kỳ có thể ngăn ngừa 70% nguy cơ dị tật ống thần kinh. Vì sức khỏe của con, cố gắng ăn đủ chất mẹ nhé!

Nguy cơ dị tật thai nhi do thói quen xấu của mẹ

Dị tật thai nhi
Ngoài những nguyên nhân khách quan, một số nguyên nhân khiến thai nhi bị dị tật một phần cũng do người mẹ

1. Bà bầu bị căng thẳng, stress

Do chưa chuẩn bị tâm lý, mọi thứ bị xáo trộn kết hợp với sự gia tăng nội tiết tố làm cho mẹ luôn ở trong trạng thái căng thẳng. Khi phải sống chung với stress trong suốt thai kỳ, mẹ đã vô tình gây ra những ảnh hưởng xấu đến sự phát triển cả về mặt thể chất lẫn tinh thần của thai nhi.

2. Dùng thuốc bừa bãi

Khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào trong thời gian mang thai đều cần phải có sự hướng dẫn của bác sĩ. Vì nhiều thành phần của thuốc có thể tác động trực tiếp đến sự hình thành hình và phát triển của thai nhi, gây ra những dị tật bẩm sinh đáng tiếc khi trẻ chào đời. Thuốc kháng sinh, thuốc chống ung thư, thuốc ngủ hoặc giảm đau – hạ sốt là những loại đặc biệt nguy hiểm với thai nhi.

3. Mẹ bầu nghiện rượu, thuốc lá

Phụ nữ mang thai khi uống rượu sẽ tác động trực tiếp lên thai nhi gây sẩy thai, sinh non, em bé sau khi sinh còn có thể bị ảnh hưởng về tâm lý. Thuốc lá vốn đã được xem là một chất độc vì có hàm lượng các chất độc hại rất cao. Đối với mẹ bầu khi hút thuốc lá chủ động hoặc thụ động đều gây hại đến thai nhi trong bụng. Vì vậy, cần tránh xa hai loại chất độc hại trên, bầu nhé!

Phòng tránh dị tật thai nhi
Mẹ bầu nghiện rượu, thuốc lá có nguy cơ sinh con bị dị tật rất cao

4. Phơi nhiễm các chất phóng xạ, tia X-quang

Thường tiếp xúc với môi trường có chất phóng xạ hay các thiết bị phát ra tia X-quang, máy CT cũng sẽ làm tăng nguy cơ dị tật thai nhi. Bé sinh ra có nguy cơ mất hoặc giảm khả năng học tập, có bất thường ở mắt hay khiếm khuyết bộ phận nào đó trên cơ thể.

5 loại virus gây dị tật thai nhi

1. Dị tật thai nhi do virus Zika

Xuất hiện từ lâu nhưng mãi tới tháng 5-2015, virus Zika mới chính thức trở thành nỗi kinh hoàng của các bà mẹ trên thế giới, nhất là các mẹ ở châu Mỹ Latinh.

Đối với người bình thường, virus Zika hầu như không để lại bất kỳ di chứng nào đặc biệt. 80% người mắc bệnh thậm chí không xuất hiện triệu chứng nào đặc biệt. Tuy nhiên, đối với mẹ bầu bị Zika tấn công, thai nhi sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là phần não thai nhi. Ngoài ra, nguy cơ sinh non, sảy thai cũng sẽ cao hơn bình thường.

Zika gây dị tật thai nhi
Virus zika là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến dị tật đầu nhỏ ở thai nhi

2. Rubella

Ít biến chứng và có tỷ lệ tử vong thấp, Rubella ít gây ảnh hưởng đến người bình thường. Nhưng với phụ nữ có thai, Rubella lại là mối nguy lớn.

Mẹ bầu nhiễm Rubella càng sớm, nguy cơ dị tật thai nhi càng cao. Tỷ lệ dị tật có thể lên đến 90% nếu mẹ nhiễm Rubella khi mang thai 3 tháng đầu. Vì vậy, để bảo vệ cho sự phát triển của thai nhi, mẹ bầu nên chủ động tiêm phòng vắc-xin trước khi mang thai ít nhất 3 tháng. Hiện nay đã có vắc-xin MMR “3 trong 1” giúp mẹ phòng ngừa cùng lúc Rubella, sởi và quai bị.

3/ Virus Herpes

Thông thường, virus Herpes sẽ phát triển thành những vết loét, mụn rộp trên mặt, miệng của người bệnh. Với phụ nữ mang thai, herpes có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Bà bầu nhiễm herpes trong 3 tháng đầu có nguy cơ sảy thai cao. Nhiễm virus nặng trong những tháng cuối có thể gây điếc, mù bẩm sinh, chậm phát triển, tổn thương não và hở hàm ếch.

Để hạn chế nguy cơ lây nhiễm herpes, mẹ bầu cần giữ vệ sinh sạch sẽ, hạn chế đến những nơi đông người cũng như tránh tiếp xúc với chất dịch cơ thể của người bệnh. Nếu cơ thể xuất hiện dấu hiệu bất thường, mẹ nên đến bệnh viện để được kiểm tra và phát hiện bệnh sớm, tránh để bệnh phát triển nặng hơn.

Virut gây dị tật thai nhi
Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ bầu, virus còn dẫn đến nguy cơ dị tật ở thai nhi

4. Nguy cơ dị tật thai nhi từ virus gây cảm cúm

Ngoài các triệu chứng phổ biến như sốt, ho, sổ mũi, hay nhức đầu, phụ nữ mang thai bị cúm thường có nguy cơ gặp phải biến chứng thai kỳ cao hơn. Đồng thời, thai nhi có nguy cơ sinh non, sảy thai cũng như nguy cơ gặp dị tật cao hơn bình thường.

Tốt nhất, mẹ nên chủ động tiêm phòng cúm khi mang thai ở bất kỳ thời điểm nào, dù mới bắt đầu mang thai hay khi đã ở những tháng cuối. Không giống như vắc-xin ngừa Rubella, vắc-xin phòng cúm được chế tạo từ virus chết, rất an toàn cho sức khỏe mẹ và bé cưng trong bụng.

5. Mối nguy từ thủy đậu

Bệnh thủy đậu có thể lây lan qua đường hô hấp hoặc khi cơ thể tiếp xúc trực tiếp với virus Varicella zoster. Do sức đề kháng giảm và cơ thể trở nên nhạy cảm hơn, mẹ bầu bị thủy đậu có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng như viêm phổi thủy đậu, tổn thương hệ thần kinh, não, gan… Thủy đậu cũng có thể từ mẹ truyền sang cho thai nhi, dẫn đến hội chứng thủy đậu bẩm sinh với những biểu hiện thường gặp như: sẹo dưới da, đầu nhỏ, đục thủy tinh thể, nhẹ cân, chi ngắn, chậm phát triển.

[inline_article id=67718]

Cách phòng chống dị tật ở thai nhi: Cần bắt đầu từ sớm!

Trước khi mang thai

Khi có ý định mang thai, mẹ bầu nên khám sức khỏe tổng quát để phát hiện và điều trị dứt điểm những căn bệnh nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Nên tiêm phòng các bệnh như cúm, rubella, viêm gan B… ít nhất 3 tháng trước khi mang thai. Bắt đầu bổ sung sắt và đặc biệt là axit folic để tránh nguy cơ dị tật ống thần kinh.

Giai đoạn mang thai

– Mẹ hãy nên đi khám và siêu âm thai ít nhất 3 lần trong suốt thai kỳ. Lần đầu tiên khi tuổi thai từ 11-13 tuần; lần thứ 2 từ 18-22 tuần tuổi; lần thứ 3 từ 28-32 tuần tuổi. Vì trong 3 lần khám này có thể phát hiện sớm và hầu hết các dị tật bẩm sinh cả bên ngoài lẫn bên trong nội tạng của thai nhi.

[inline_article id=120640]

– Chế độ dinh dưỡng khi mang thai cũng hết sức quan trọng, cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết. Đồng thời, hạn chế sử dụng các loại cá có nguồn thủy ngân cao như cá mập, cá kiếm, cá thu, cá cờ… vì có thể gây dị tật thai nhi. Bà bầu cũng cần tránh xa những củ quả đã mọc mầm bởi chúng chứa nhiều chất độc, các sản phẩm nhiều cafein, cocain.

– Trong khi mang thai, mẹ bầu không nên tiếp xúc với chó mèo vì trong phân của chúng có vi khuẩn toxoplasmosis. Khi bị nhiễm vi khuẩn này trong 3 tháng đầu thai kỳ sẽ làm tăng tỷ lệ dị tật thai nhi lên đến 40%. Những dị tật thường gặp như điếc bẩm sinh, đầu nhỏ, trí tuệ chậm phát triển.

MarryBaby