Categories
Vô sinh - Hiếm muộn Chuẩn bị mang thai

Thực hư thông tin rau chùm ngây gây vô sinh

Chùm ngây khá phổ biến ở Đông Nam Á nhờ công dụng kích thích tiết sữa mẹ. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng ai muốn có con thì không nên ăn vì chùm ngây gây vô sinh? Thực hư như thế nào? Hãy cùng MarryBaby tìm hiểu nhé.

chùm ngây gây vô sinh
Chùm ngây gây vô sinh có đúng không?

Chưa rõ thông tin chùm ngây gây vô sinh có bao nhiêu phần trăm chính xác, nhưng nghiên cứu khoa học cho thấy chùm ngây rất tốt cho sức khỏe sinh sản. Đó cũng là lý do nhiều hãng dược đã sản xuất viên nén chứa chiết xuất chùm ngây với mục đích chữa vô sinh, tăng cường tinh lực. Chả trách chùm ngây được gọi là “cây của sự sống”, bởi vì nó giúp tạo ra những sinh linh mới cho đời.

Vì sao lại nói chùm ngây gây vô sinh?

Thông thường, 85% các cặp đôi có con trong vòng một năm cố gắng. Vô sinh là khi bạn cố gắng thụ thai trong một năm nhưng vẫn thất bại.

[inline_article id=263140]

Thông tin cho rằng phụ nữ dân tộc Raglai (một nhánh của dân tộc Chăm, sống tập trung ở tỉnh Ninh Thuận) thường uống nước sắc rễ chùm ngây để tránh thai. Nghĩa là trong thời gian uống nước rễ chùm ngây thì họ sẽ không “dính bầu”, tuy nhiên khi ngừng uống thì vẫn có thai trở lại bình thường.

Như vậy không thể nói chùm ngây gây vô sinh, làm triệt đường sinh sản của phụ nữ. Chỉ có thể nói đây là một loại cây mà rễ có tác dụng như thuốc tránh thai.

Ngoài thông tin trên thì không có một nghiên cứu nào khác nói rằng chùm ngây gây vô sinh cũng như tác hại lâu dài lên sức khỏe sinh sản của phụ nữ và nam giới.

Chùm ngây hỗ trợ sinh sản như thế nào?

Chùm ngây có khả năng tăng cường sinh sản
Chùm ngây có khả năng tăng cường sinh sản

Ngoài sự can thiệp của y học thì một phương pháp tự nhiên giúp tăng cường cơ hội thụ thai là ăn thực phẩm giàu chất chống oxy hóa. Folate, sắt và kẽm đã được chứng minh là giúp cải thiện đáng kể năng lực thụ thai ở cả nam và nữ.

Mà chùm ngây lại rất giàu các vitamin và khoáng chất thiết yếu folate, sắt, kẽm. Ngoài ra còn có canxi, đồng, magie, phốt pho, kali, vitamin A, K, D, E và các vitamin nhóm B. Trong cuốn sách “Giá trị dưỡng chất của thực phẩm Ấn Độ” xuất bản năm 1989, chùm ngây được mô tả là:

  • Chứa vitamin C nhiều gấp 7 lần cam.
  • Chứa sắt nhiều gấp 3 lần rau chân vịt.
  • Chứa vitamin A nhiều gấp 4 lần cà rốt.
  • Giàu canxi gấp 4 lần sữa.
  • Giàu kali gấp 3 lần chuối.
  • Giàu protein gấp 2 lần sữa chua nguyên chất.

Cả lá, hoa, hạt, quả và vỏ, rễ cây chùm ngây đều có thể tiêu thụ được. Tuy nhiên thành phần chứa nhiều dưỡng chất nhất là lá, đặc biệt lá chùm ngây khô có giá trị dinh dưỡng tăng 300-500%. Những dưỡng chất này rất cần thiết cho một cơ thể khỏe mạnh, đủ khả năng thụ thai.

Những công dụng khác của chùm ngây

bột rau chùm ngây
Bạn có thể mua bột chùm ngây trong siêu thị, mang về pha trà hoặc khuấy vào cháo cho trẻ nhỏ ăn
  • Đối với người bị hen suyễn: Nghiên cứu cho thấy tiêu thụ 3g chùm ngây mỗi lần, 2 lần mỗi ngày trong 3 tuần sẽ giúp giảm các triệu chứng của bệnh hen suyễn, tăng cường chức năng phổi.
  • Tiểu đường: Thêm chùm ngây vào bữa ăn giúp giảm lượng đường trong máu sau khi ăn ở những người bị tiểu đường nhưng không đang uống thuốc trị tiểu đường.
  • HIV/AIDS: Uống bột lá chùm ngây trong mỗi bữa ăn trong 6 tháng giúp tăng chỉ số BMI ở những người bị suy giảm miễn dịch do HIV/AIDS.
  • Phụ nữ cho con bú: Phụ nữ Ấn Độ và Philippines thường ăn lá chùm ngây để kích thích tiết sữa. Nghiên cứu cũng cho thấy chùm ngây giúp tăng sữa mẹ sau 1 tuần sử dụng. Dù vậy, vẫn chưa có nghiên cứu chứng minh sữa mẹ chứa chùm ngây có an toàn cho trẻ sơ sinh trong dài hạn hay không.
  • Trị suy dinh dưỡng ở trẻ em: Đối với những trẻ hấp thu kém, thêm bột chùm ngây vào bữa ăn trong 2 tháng sẽ giúp cải thiện cân nặng ở trẻ.
  • Phụ nữ mãn kinh: Thêm lá chùm ngây tươi vào bữa ăn trong 3 tháng sẽ giúp cải thiện các triệu chứng mãn kinh như trào huyết, khó ngủ…

Những lưu ý khi ăn chùm ngây

chùm ngây gây vô sinh
Người bị bệnh đường huyết và huyết áp nên cẩn thận khi ăn chùm ngây
  • Rễ và chiết xuất rễ chùm ngây chứa độc chất spirochin, có thể không an toàn khi tiêu thụ bằng đường miệng.
  • Phụ nữ mang thai không nên tiêu thụ rễ, vỏ và hoa chùm ngây. Các hóa chất trong những bộ phận này của cây chùm ngây có thể khiến tử cung co thắt, gây sảy thai. Dược phẩm chế từ rễ và vỏ cây chùm ngây cũng có tác dụng gây sảy thai. Chưa có nghiên cứu về tác dụng của lá hay quả chùm ngây đối với phụ nữ mang thai, tuy nhiên tốt nhất là bạn nên tránh trong 3 tháng đầu.
  • Chùm ngây giúp hạ đường huyết ở người bị tiểu đường. Tuy nhiên, nó có thể khiến bạn bị tụt đường huyết quá nhanh, do đó hãy theo dõi đường huyết cẩn thận khi ăn chùm ngây.
  • Chùm ngây giúp hạ huyết áp, tuy nhiên nó cũng có thể gây tụt huyết áp quá nhiều dẫn đến ngất xỉu và các triệu chứng khác.
  • Trẻ nhỏ có thể ăn lá chùm ngây, nhưng chỉ tối đa trong 2 tháng.
  • Người bị suy giáp không nên ăn chùm ngây.

Cách nấu canh rau chùm ngây thịt bằm

Cách nấu canh rau chùm ngây thịt bằm

Nguyên liệu

  • 200g rau chùm ngây
  • 100g thịt lợn
  • 1 tép hành tím

Cách làm

  • Thịt lợn băm nhuyễn, ướp với đường, bột nêm, tiêu và chút bột ngọt.
  • Ngắt lá chùm ngây, rửa sạch, vò sơ như rau ngót.
  • Hành tím băm nhỏ
  • Bắc nồi lên bếp, cho dầu ăn vào, đợi nóng thì cho hành tím vào phi thơm. Cho thịt bằm vào xào. Nêm 1 thìa bột canh. Thêm 1-2 bát nước vào đun thành canh.
  • Nước sôi thì bạn cho rau chùm ngây vào, có thể vò thêm cho rau nát. Đun 2 phút, nêm thêm chút mắm, hạt nêm rồi tắt bếp.

Cách nấu canh rau chùm ngây với thịt băm, trứng, cà chua và đậu phụ non

Cách nấu canh rau chùm ngây với thịt băm, trứng, cà chua và đậu phụ non

Nguyên liệu

  • 200g rau chùm ngây
  • 100g thịt lợn
  • 2 quả cà chua
  • 2 miếng đậu phụ non
  • 1 quả trứng gà
  • Vài tép hành tím

Cách làm

  • Thịt băm nhuyễn, ướp với đường, bột nêm, tiêu và chút bột ngọt.
  • Đậu phụ thái ô vuông nhỏ, hành tím băm nhỏ, cà chua thái múi cau.
  • Ngắt lá chùm ngây, rửa sạch, vò sơ như rau ngót.
  • Bắc nồi lên bếp, cho dầu ăn vào, chờ nóng thì cho hành tím vào phi thơm. Cho thịt bằm vào xào cùng với cà chua. Cho nước sôi vào nấu canh.
  • Hớt bọt và cho đậu phụ vào. Nêm lại với bột nêm, muối.
  • Đập 1 quả trứng, đánh tan rồi cho vào nồi.
  • Vò nát rau chùm ngây rồi cho vào nồi. Đun thêm 2 phút thì tắt bếp.
[inline_article id=262571]

Rau chùm ngây chứa nhiều dưỡng chất, protein và axit amino có tác dụng rất tốt, giúp thanh lọc cơ thể, tăng cường sức đề kháng, đặc biệt tốt với người vừa ốm dậy, phụ nữ mới trải qua sinh nở. Rau chùm ngây gây vô sinh là không có cơ sở. Mẹ hãy luân phiên thêm món này vào thực đơn hàng ngày để bữa ăn đậm màu phong phú nhé.

Xuân Thảo

By Thu Hoàng

Hoàng Diệu Thu là biên tập viên dày dạn kinh nghiệm của MarryBaby và có thể viết tốt hầu hết các chuyên mục về Mẹ và Bé.