Khi một cặp vợ chồng chung sống với nhau trên 1 năm, không áp dụng bất cứ biện pháp tránh thai nào mà chưa có con thì được coi là hiếm muộn. Cần đi khám hiếm muộn sớm để có phương pháp hỗ trợ thích hợp trước khi cơ quan sinh sản bị lão hóa, hoặc những vấn đề sức khỏe tiềm ẩn ngày càng trầm trọng. Nhưng nhiều người còn băn khoăn không biết nên bắt đầu từ đâu, thủ tục cần những gì?
Khám hiếm muộn ở đâu?
Tại các bệnh viện phụ sản lớn đề có khoa phụ sản, chuyên khám và điều trị các bệnh vô sinh, hiếm muộn. Ở TP.HCM có bệnh viện Từ Dũ, bệnh viện Hùng Vương, bệnh viện phụ sản Mê Kông… Ở Hà Nội có bệnh viện phụ sản Trung Ương, bệnh viện Bưu Điện… tại các thành phố lớn cũng có các phòng khám Sản phụ khoa có đầy đủ máy siêu âm, xét nghiệm. Tuy nhiên, bạn nên đến thẳng các bệnh viện phụ sản có uy tín.
Khi đi khám hiếm muộn nên đi cả 2 vợ chồng. Khi đi mang theo chứng minh nhân dân của cả 2 vợ chồng, bản đăng kí kết hôn bởi một số bệnh viện sẽ yêu cầu những giấy tờ này. Nên đi khi người vợ đang ở ngày thứ 2-4 của chu kỳ kinh nguyệt để việc xét nghiệm nội tiết được thuận lợi.
Quy trình khám hiếm muộn
– Đến quầy nhận bệnh nhân lấy phiếu đăng kí điền đầy đủ thông tin.
– Lấy số thứ tự chờ vào phòng khám
– Bác sĩ khám bệnh: tùy trường hợp cụ thể sẽ được chỉ định khám và các xét nghiệm cần thiết.
– Người vợ siêu âm phụ khoa
– Thử máu của cả 2 vợ chồng (HIV, HbsAg, BW)
– Sau khi có kết quả thử máu, nếu bình thường, người chồng xét nghiệm tinh dịch đồ.
– Lịch tái khám hẹn chụp tử cung vòi trứng cho người vợ sau khi sạch kinh 2-5 ngày (bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng cho người vợ uống trước dự phòng nhiễm trùng khi chụp tử cung vòi trứng)
Tùy theo kết quả khám hiếm muộn, sẽ được bác sĩ chuyên khoa cho hướng điều trị cụ thể như: hướng dẫn giao hợp tự nhiên (chọn ngày giao hợp dễ thụ thai, tư thế quan hệ vợ chồng…) tư vấn bơm tinh trùng vào tử cung (IUI) hoặc thụ tinh trong ống nghiệm(IVF). Bên cạnh đó, có thể bạn sẽ được kê thuốc điều trị và hẹn ngày tái khám.
Những trường hợp khó thự thai, sảy thai liên tục, thai lưu cũng thuộc trường hợp hiếm muộn nên cũng có quy trình khám tương tự.
Quy trình xét nghiệm tinh trùng ra sao?
Xét nghiệm tinh trùng là điều không thể thiếu khi khám hiếm muộn. Vì có tới hơn 50% các ca vô sinh có nguyên nhân ở nam giới. Nên lưu ý trước khi xét nghiệm tinh trùng:
– Kiêng quan hệ vợ chồng 3-5 ngày
– Không thức khuya, không sử dụng chất kích thích.
– Tinh thần thoải mái tránh căng thẳng.
– Lấy tinh trùng tại phòng quy định, sử dụng bằng tay, không sử dụng hình thức giao hợp gián đoạn. Tinh trùng được xuất vào lọ được phát sau đó chuyển ngay tới phòng xét nghiệm.
[inline_article id=139292]
Các chỉ số tinh trùng bình thường (theo tiêu chuẩn tổ chức y tế thế giới WHO 2010) như sau:
– Thể tích tinh dịch: ≥ 1,5 ml
– Kiêng giao hợp: 2- 7 ngày
– Ly giải :≤ 60 phút
– pH: ≥ 7.2
– Mật độ: ≥ 15 triệu tinh trùng/ ml
– Tổng số tinh trùng: ≥ 39 triệu tinh trùng/ 1 lần xuất tinh
– Độ di động: Tiến tới ≥ 32% hoặc tiến tới + không tiến tới ≥ 40%
– Tỷ lệ sống: ≥ 58%
– Hình dạng bình thường : ≥ 4%
– Bạch cầu : ≤ 1 triệu BC/ ml
Xét nghiệm nội tiết người vợ cho biết điều gì?
– Khảo sát chức năng hoạt động của buồng trứng và mức độ dự trữ trứng.
– Theo dõi sự phát triển của nang trứng và sự rụng trứng trong chu kỳ.
– Khi người phụ nữ có những biểu hiện của đa nang buồng trứng như: rậm lông, béo phì hoặc những người phụ nữ vô kinh, vòng kinh dài… đều được khuyên xét nghiệm nội tiết. Xét nghiệm này nên thực hiện tốt nhất ngày thứ 2-4 của chu kì kinh. Xét nghiệm nội tiết gồm: FSH, LH, E2, Testosterone sẽ có kết quả xét nghiệm sau khoảng 1 giờ.
[inline_article id=68512]
Trên đây là những bước cơ bản khi đi khám hiếm muộn. Bạn nên nắm rõ để tránh trường hợp phải đi lại nhiều lần mất thời gian và tốn kém chi phí nhé.