Đầu tiên, là cây duối và quả duối.
Có lẽ sẽ nhiều người ngơ ngác với loại quả này, hoặc họ đã quên hẳn hoặc nơi họ lớn lên không có loài cây này. Và mẹ tin chắc rằng, khi con 5 hay 6 tuổi thì loài cây này sẽ chẳng còn nữa, ngoại trừ hai cây được công nhận là di sản quốc gia nằm ở làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội. Loài cây này gắn với tuổi thơ mẹ, đính kèm đó là những câu chuyện ma quái. Cây duối là nơi trú ngụ của ma và yêu tinh, những linh hồn của người đã mất luôn làm việc độc ác là hù dọa con người. Có lẽ, thủa nhỏ khái niệm ma chưa đủ mạnh khiến mẹ sợ nên mỗi mùa duối chín vàng ươm là mẹ và những người bạn lại vắt vẻo leo lên những bờ tường cao để hái cho bằng sạch những trái duối ngon lành. Những quả nào có vết chích thâm là bị rắn cắn hoặc đã bị yêu tinh hút, nên sẽ vứt đi không ăn nữa, chỉ ăn những quả vàng ươm, không sâu sẹo. Mẹ vẫn nhớ như in vị của nó, ngọt ngọt, mát mát. Quả thực, thời của mẹ hoa quả hiếm hoi không sẵn có như bây giờ nên loại trái cây này giống như là đặc sản khiến cho lũ trẻ con phải tranh cướp nhau mà ăn. Hồi ấy, nó ngon, ngon lắm mặc dù phần thịt của nó mỏng tang. Nhìn lại hình ảnh của nó, mẹ nhớ đến tuổi thơ quá, nhớ đên những hôm cả bầy lông nhông kéo nhau đi hái duối.
Thứ hai là quả vú bò hay sữa bò
Thú thực với con, thời mẹ không biết khái niệm sữa bò là gì, mẹ cũng chẳng bao giờ được uống sữa, nhưng thấy người ta gọi đây là quả sữa bò thì biết vậy thôi, chứ cũng chưa tưởng tượng được nó thế nào. Đây là loài cây dại, mọc rất nhiều ở bờ bụi, quả của nó màu tía, cắn ra bên trong có nhựa trắng chảy ra – chắc vậy mà người ta gọi là sữa bò. ngoại trừ phần sữa làm miệng mình thấy ướt ướt thì quả này ăn chát. Nhưng sao ngày ấy, mẹ vẫn cứ ăn nó ngon lành, chấm với chút xíu muối nữa. có lẽ vì đói chăng? Không! Mà chỉ vì bản chất tuổi thơ là thế, thích khám phá. Loài cây này, cho đến nay, mẹ cũng chưa có dịp được nhìn lại, nhưng mẹ tin nó vẫn còn tồn tại.
Quả vối
Loại cây này khá quen thuộc, lá của nó đun nước uống giải nhiệt trong mùa hè rất tốt, nhưng ở quê mình người ta đã chặt hết cây này đi. Tuy nhiên, ở một số nơi họ vẫn trồng để lấy lá, và quả có tác dụng chữa bệnh (điều đó sau này mẹ mới biết). Lúc nhỏ, mẹ thích quả vối bởi màu hồng hồng của nó rất đẹp, ăn thì tương đối không ngon vì nó hơi khô, vị ngòn ngọt, không may ăn tham quá mà cắn phải hạt thì khá là đắng.Thời đó, chỉ trẻ con như mẹ mới ăn thôi, còn người lớn thì chỉ cắn vài quả cho vui miệng.
Quả thèn đen
Đúng như cái tên của nó phải không con, ăn vào ngòn ngọt và chua chua, đặc biệt ăn nhiều thì môi và lưỡi nhuốm màu đen của quả. Nhưng với tuổi thơ của mẹ, nó chính là những trái nho, là thứ quả ăn không biết chán, và những ai ăn nó rồi thì không thể nào mà che dấu được. Loài cây này còn rất nhiều, lá và rễ của nó cũng được dùng để trị nhiều bệnh trẻ em, trong đó có đi ngoài, trị ho.
Cây chứng cá
“Hái một nhành cây, nhành cây chứng cá, để khi vô trường chia trái cho em. hương trái mê li, hai đứa xù xì, cô giáo phạt quì, em lệ hoen mi”. Đây là lời trong bài hát Nhành cây trứng cá, mà mẹ rất thích. Sau này, khi con lớn lên, đến tuổi học cấp 3, con hãy nghe bài hát này nhé.
Loại quả này, được trồng phổ biến ở quê ta khoảng 10 năm nay để lấy bóng mát nhưng không hề trái cây của nó lại cuốn hút trẻ con đến thế. Quả tròn, mọng, hồng sậm đến “mê li”, ăn thì ngọt lịm. Thời bố mẹ còn đang là sinh viên đại học, cũng từng hẹn hò nhau ăn trứng cá, và đây cũng trái cây tình yêu miễn phí của hai người. Cho đến giờ mẹ vẫn thích ăn, nhưng chỉ dám ăn lén lút, sợ người ta nhìn thấy lại cười cho.
Mẹ biết rằng tuổi thơ của con chắc chắn sẽ khác mẹ ngày xưa lắm, dù mẹ có muốn giống thì điều kiện xã hội cũng không cho phép vì cuộc sống có nhiều thay đổi. Nhưng nếu con muốn thử thì khi có điều kiện mẹ sẽ sẵn sàng con yêu ạ.