Khổ qua là vị thuốc tốt giúp thanh nhiệt, giải độc hiệu quả. Chính vì thế, cách nấu canh khổ qua không bị đắng cần giữ được chất dinh dưỡng để bạn và gia đình tẩm bổ. Đồng thời, thành phẩm sau khi đã nấu xong cần đảm bảo vị thơm ngon, nhìn đẹp mắt để kích thích vị giác của người ăn.
Bài viết sau sẽ giúp mẹ có thêm bí quyết nấu canh khổ qua ngon mà không bị đắng.
Cách nấu canh khổ qua không bị đắng
Mẹ sẽ càng ghi điểm hơn trong mắt anh xã và con yêu khi biết cách nấu canh khổ qua không bị đắng để gia đình có bữa cơm ngon miệng, thanh mát.
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- 4-5 trái khổ qua (khoảng 500g mỗi trái hoặc nhỏ hơn tùy thích)
- 300g thịt vai băm nhỏ
- 100g nấm rơm băm nhỏ
- 500g xương đã róc thịt
- 100g hành lá, ngò rí
- 1 quả trứng gà
- 100g bún tàu + nấm mèo
- 3 trái ớt sừng
- Gia vị các loại, hành khô, tỏi…
Các bước thực hiện
Bước 1: Sơ chế các nguyên liệu
– Xương đem rửa với nước muối để bớt tanh, đổ vào nồi chần sơ với nước sôi trong khoảng 3 phút cho sạch bớt cặn bẩn, rồi mẹ rửa sạch lại với nước lạnh.
Hầm xương với 1,5 lít nước trong khoảng 4-5 tiếng, trong quá trình hầm mẹ nhớ vớt hết bọt nổi lên để nước dùng trong hơn.
– Khổ qua cắt bỏ hai đầu, mổ dọc thân quả rồi bỏ ruột bên trong, rửa sạch và để ráo nước.
– Hành khô và tỏi bóc vỏ, băm nhuyễn.
– Nấm rơm làm sạch, cắt bỏ đuôi, băm nhỏ hoặc thái sợi.
– Trứng gà đập lấy lòng trắng.
– Hành lá, ngò rí làm sạch, lấy khoảng vài lá hành có độ dài để buộc khổ qua, phần còn sót lại thái nhuyễn.
– Ớt sừng bỏ hạt, thái theo từng lát dài, cho vào chén nước mắm.
– Nấm mèo, bún tàu ngâm mềm bằng nước ấm, rồi xắt nhỏ.
Bước 2: Cách làm nhân thịt nhồi khổ qua
Thịt và nấm rơm sau khi mẹ rửa sạch và băm nhỏ thì ướp với 1 thìa hành tỏi băm nhuyễn, 2 thìa hạt nêm, 1/2 thìa bột ngọt, 1/2 thìa tiêu trong 15 phút để thịt ngấm gia vị.
Mẹ cho tiếp lòng trắng trứng gà, nấm mèo, bún tàu vào để nhân thịt thêm phần thơm ngon, chất lượng.
Bước 3: Cách nấu canh khổ qua không bị đắng
- Mẹ nhồi phần nhân thịt vào trái khổ qua. Nếu phần nhân còn dư, mẹ có thể vo viên lại rồi cho vào nồi canh khi nấu cho nước ngọt hơn.
- Dùng lá hành dài nhúng sơ qua nước sôi và cột lại vào trái khổ qua vừa nhồi sao cho đẹp mắt.
- Bắc nồi lên bếp, cho dầu rồi phi thơm 1 thìa hành tỏi băm nhuyễn cùng một chút ớt bột.
- Cho nước dùng xương đã chuẩn bị sẵn vào, nêm thêm 1/2 thìa muối, 1 thìa hạt nêm, 1 thìa bột ngọt hoặc hạt nêm vào và nêm nếm lại cho vừa miệng.
- Khi nước canh sôi, mẹ cho khổ qua vào hầm với lửa nhỏ, tiếp tục vớt bọt nổi phía trên để nước canh trong hơn, ngọt hơn.
- Khi thấy khổ qua nhồi thịt chín đều (mẹ có thể thử bằng cách sử dụng que tăm đâm xuyên qua trái khổ qua xem món ăn đã chín chưa), tắt bếp.
- Mẹ múc canh ra tô, rắc hành lá, ngò rí và 1/2 thìa tiêu lên trên là xong.
Yêu cầu thành phẩm
Sự hòa quyện đa dạng của phần nhân thịt ngon cùng với nước dùng ngọt từ xương và mùi vị thơm nồng từ hành, tỏi, ớt sẽ làm át đi vị đắng của khổ qua. Đồng thời, chén nước mắm nguyên chất, ớt sừng ăn kèm với khổ qua sẽ rất thích hợp để làm đậm vị thêm món ăn ngon.
Lưu ý để mẹ nấu canh khổ qua không bị đắng
- Để mua được khổ qua tươi và nấu không bị đắng, mẹ cần lựa quả có màu xanh vừa, không bị vàng úa và có gai nở đều, hơi to.
- Khổ qua mẹ nên luộc sơ trước khi nấu để giảm độ đắng cho món ăn, đồng thời giúp trái mau chín hơn trong quá trình chế biến.
- Trong quá trình nấu, mẹ vớt bọt thường xuyên để nước dùng có màu trong, không bị vẩn đục.
- Mẹ tránh đun đi đun lại món ăn nhiều lần vì sẽ làm giảm chất dinh dưỡng có trong món canh.
>> Bạn có thể tìm hiểu thêm: Thử ngay 9 mẹo đơn giản giúp giảm vị đắng của khổ qua
Khâu lựa chọn cũng như sơ chế khổ qua là những bước rất quan trọng trong cách nấu canh khổ qua không bị đắng. Ngoài canh khổ qua nhồi thịt heo, mẹ có thể biến tấu và chế biến khổ qua nhồi cá thát lát, khổ qua nhồi tôm xay… để gia đình có dịp đổi vị với món mới nhé.
Nguyễn Kiều Vân