Một trong những khoảng thời gian ấm áp nhất trong ngày là lúc gia đình quây quần bên mâm cơm bốc khói. Hy vọng những công thức nấu ăn ngon vừa đơn giản, bổ dưỡng nhưng không kém phần đa dạng nơi đây sẽ giúp bạn gắn kết tình thân.
Chùm ruột (tầm ruột) là món quà vặt rất được người miền Tây yêu thích. Nếu ngày thường người ta ăn chùm ruột ngâm đường, chùm ruột lắc muối ớt, thì Tết nhất không nhà nào lại thiếu mứt chùm ruột. Chùm ruột xiên que, nhai nhóp nhép, trẻ con nào cũng muốn 1 xâu. Dưới đây là công thức cách làm mứt chùm ruột ngon, đơn giản tại nhà cho bà mẹ bận rộn.
Cách làm mứt chùm ruột có màu đỏ đẹp mắt
Nguyên liệu
2kg chùm ruột chua (không chọn chùm ruột ngọt)
1,5kg đường
Cách làm mứt chùm ruột ngọt
Cho 1 thìa súp muối vào thau nước, pha loãng rồi cho chùm ruột vào ngâm trong 5 phút rồi rửa sạch, để ráo nước.
Chùm ruột cho vào túi zip (túi bóng) rồi cho vào ngăn đá, để 1 đêm cho chùm ruột đông cứng lại.
Ngày hôm sau, bạn đổ chùm ruột ra thau, chờ 1-2 tiếng để rã đông. Lúc này chùm ruột mềm, dễ vắt nước.
Bạn cho chùm ruột vào tấm vải lưới, túm lại rồi vắt nước. Việc cho chùm ruột vào ngăn đá sẽ giúp vắt nước nhanh và dễ hơn. Một số người không dùng cách này mà để nguyên trái và lăn, như vậy sẽ rất mất thời gian mà chùm ruột còn có thể bị vỡ (bể).
Bạn vắt được chừng 1 tô nước, đem bỏ đi.
Cách làm mứt chùm ruột ngon: vắt chùm ruột cho khô nước
Chùm ruột sau khi vắt khô, bạn đem trộn đều với 1,5kg đường. Đậy nắp hoặc dùng màng bọc thực phẩm bọc lại rồi để qua đêm (hoặc 6 tiếng) để đường tan và thấm vào chùm ruột. Thỉnh thoảng bạn đảo đều để chùm ruột mọng và bóng.
Ngày hôm sau, bạn bắc chảo lên bếp, cho chùm ruột vào sên (xào) trên lửa vừa.
Bạn sên đến khi chùm ruột chuyển sang màu đỏ. Khoảng 25 phút sau khi bắt đầu sên, bạn cho 1 thìa cà phê muối vào. Đảo đều khoảng 5-10 phút thì tắt bếp.
Hoàn thành cách làm mứt chùm ruột có màu đỏ
Nhấc chảo khỏi bếp và tiếp tục đảo đến khi nguội.
Nếu muốn ăn cay thì bạn rắc 1 thìa cà phê ớt bột xay lên trên.
Như vậy là bạn đã xong cách làm mứt chùm ruột dẻo. Kế tiếp bạn đem mứt chùm ruột bảo quản trong lọ thủy tinh, để ở nơi thoáng mát hoặc bỏ tủ lạnh đều được.
Mứt chùm ruột có thể ăn được cả tháng. Bạn có thể dùng xiên que (hoặc tăm) để xiên mứt chùm ruột rồi bày lên đĩa cho mọi người thưởng thức.
Cách làm chùm ruột lắc mắm ớt đường
Nguyên liệu
Nửa kg chùm ruột chua (quả chưa già)
3-4 quả ớt
Đường trắng, nước mắm
Cách làm
Chùm ruột rửa sạch. Trong trường hợp muốn ăn liền, bạn để ráo rồi dùng tay chà chà chùm ruột xuống rổ, hoặc dùng chày đâm sơ để chùm ruột ra nước. Nếu không ăn liền thì bạn bỏ qua bước này.
Ớt giã nhuyễn, nếu không ăn được cay thì bạn chỉ giã 1-2 quả.
Làm mắm đường: Trộn ớt với 4 thìa súp nước mắm và 12 thìa súp đường. Nếm lại xem hợp khẩu vị chưa, bạn có thể cho thêm nước hoặc mắm. Chờ 1 chút thì đường sẽ tan ra.
Bạn cho chùm ruột vào tô, rưới hết nước mắm đường vào trộn đều.
Món này giòn cay chua ngọt, nên ăn liền là ngon nhất.
Cách làm mứt chùm ruột ngâm chua ngọt
Nguyên liệu
1,5kg chùm ruột
2kg đường trắng
Muối hột
Cách làm
Chùm ruột mua về ngâm trong nước muối loãng, sau đó rửa sạch và để ráo nước.
Sau đó bạn trải khoảng 20 quả lên một cái mâm, dùng tay hoặc tấm thớt đè lên rồi lăn nhẹ cho chùm ruột mềm, chảy nước chua ra.
Cẩn thận đừng để chùm ruột bị vỡ, nát. Mục đích của quá trình này là để đường ngấm vào chùm ruột nhanh hơn
Cứ thế bạn day hết 1,5kg chùm ruột rồi cho vào lọ. Đầu tiên bạn trải một lớp đường dưới đáy lọ, sau đó cho chùm ruột vào. Cứ một lớp chùm ruột là tới một lớp đường. Cuối cùng bạn rắc muối hột lên bề mặt, để khi chùm ruột tiết nước ra thì không bị đóng váng ở miệng hũ.
Một tuần sau là bạn có thể sử dụng. Mỗi lần dùng, bạn lấy 2-3 thìa nước chùm ruột pha loãng với nước ấm, giúp chống viêm, giảm đau.
[inline_article id=266584]
Mứt chùm ruột không chỉ để ăn Tết, mà còn thường xuyên góp vị trong những ly cocktail hoặc chè đủ màu. Mứt chùm ruột bảo quản được lâu nên bạn có thể ăn lai rai nguyên tháng Giêng mà không vấn đề gì. Ngoài cách làm mứt chùm ruột có màu đỏ, bạn có thể tìm hiểu thêm cách làm mứt khoai lang và mứt vỏ bưởi để thưởng thức đủ các sắc thái chua cay ngọt bùi của năm mới nhé.
Cách làm mứt me xanh có khó không? Dù hơi kỳ công một chút nhưng thành quả đạt được sẽ khiến bạn không ngại trổ tài. Cùng thực hiện nhé!
Cách làm mứt me xanh
Nguyên liệu
1kg me xanh (chọn trái dài, to, không bị nứt vỏ. Bạn nên mua me vừa hái, trên vỏ vẫn còn vương lớp phấn).
Đường trắng, ớt xay, muối.
Cách làm mứt me xanh
Me để nguyên vỏ, đem rửa dưới vòi nước rồi để ráo. Sau đó bạn cho me vào bọc nilông và để vào ngăn đá 1 ngày.
Cách làm mứt me xanh: bọc nilông để ngăn đá một ngày
Ngày hôm sau, bạn lấy me ra khỏi tủ, để rã đông trong 2 giờ.
Khi me đã mềm, vỏ cũng mềm, bạn dùng dao để gọt hết vỏ. Nhớ giữ lại phần cuống và các đường gân bên thân me.
Chuẩn bị 1 chiếc thau nhỏ, cho vào 1 lít nước và 1 thìa súp muối, khuấy đều. Cho me vào nước muối loãng ngâm trong 1 giờ.
Bạn lấy dao nhọn, rạch ở phần bên hông trái me, rạch sâu vào nửa trái, sau đó tách trái và dùng mũi dao khều hết hạt me ra.
Cách làm mứt me xanh: cắt một bên và khều hạt ra
Me sau khi tách hạt, bạn tiếp tục ngâm trong 1 thau nước muối khác. Chừng 1 tiếng sau thì đem rửa 4-5 lần với nước lạnh để me ra bớt vị mặn và chua.
Để ráo nước, bạn cân lại thì thu được 600kg me, đem trộn với 500g đường. Đậy nắp hoặc dùng màng bọc thực phẩm bọc thau đựng me lại.
Để qua đêm hoặc 6 giờ. Lúc này nước đường đã tan và có màu trong veo.
Bạn bắc 1 cái chảo lên bếp, chắt nước đường trong thau me vào chảo, đun lửa lớn cho đường sôi lên, sau đó vặn nhỏ lửa rồi đun thêm 5 phút nữa.
Lúc này nước đường kẹo lại thì bạn cho me vào sên, đảo đều nhẹ tay trên lửa nhỏ. Sên trong khoảng 10 phút thì bạn rắc vào 1 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê ớt xay vào đảo đều. Nếu muốn ăn cay hơn thì bạn cho ớt xay nhiều hơn.
Cách làm mứt me xanh: sên me, gần cạn thì cho ớt nếu muốn ăn cay
Sên thêm 1 chút nữa, nêm nếm lại cho vừa ăn. Đừng sên kiệt nước vì có thể làm me bị cứng.
Như vậy là tắt bếp được rồi bạn nhé
Bạn xếp me lên vỉ nướng rồi đem phơi 3-4 giờ ngoài nắng. Quả me khô ráo, không chảy nước đường nữa là được.
Bạn đem me vào, để nguội. Dùng giấy kiếng để bọc từng quả me lại. Vậy là bạn đã hoàn thành cách làm mứt me xanh.
Cách làm mứt me cay/kẹo mứt me lăn đường
Nguyên liệu
Nửa kg me mua ngoài chợ. Bạn chọn me đậu phộng có vị ngọt, không mua me ván rất chua. Nếu được thì bạn có thể hái me dốt chín để làm mứt
650g đường trắng hoặc đường cát vàng
Muối bọt (muối tinh)
Ớt xay
20g bột nếp. Nếu bạn có bột nếp dẻo (loại đã rang chín) thì không cần rang thêm nữa. Nếu chỉ có bột nếp xay nhuyễn thì bạn phải rang lên cho chín.
Cách làm mứt me cay
Bắc chảo lên bếp, cho bột nếp vào rang trên lửa nhỏ chừng 3-4 phút cho chín.
Lại bắc chảo lên bếp, cho 2 thìa cà phê muối vào rang trên lửa nhỏ cho vàng. Tắt bếp, trút muối ra bát.
Cho nửa kg me vào chảo, cho 400g đường vào. Nếu muốn ăn chua hoặc ngọt hơn thì bạn gia giảm lượng đường. Sên trên lửa nhỏ nhất.
Cho thêm vào chảo 50ml nước để đường mau tan, đồng thời bạn dùng thìa dầm me ra. Nếu trong me còn bám những đường gân và cuống thì bạn lấy bỏ đi.
Sên cho đến khi đường tan ra hết và sệt lại. Bạn không rắc muối vào vì me mua ngoài chợ đã được tẩm sẵn muối. Còn nếu me nguyên trái, bạn mua hoặc hái thì nên rắc thêm nửa thìa cà phê muối vào.
Khi mứt me đã kết dính, thật kẹo lại (chừng 30 phút) thì bạn từ từ rắc bột nếp vào. Tắt bếp, lúc này chảo vẫn còn rất nóng, bạn trộn bột nếp cho tan vào mứt. Bột nếp có tác dụng tạo độ dính, do đó nếu mứt me của bạn bị loảng thì nên cho bột nếp vào nhiều hơn.
Mứt me kẹo vậy là được
Làm hỗn hợp áo me: Bạn trộn 250g đường còn lại với 2 thìa cà phê muối bọt, 3 thìa cà phê ớt xay. Nếu ngại cay thì bạn không cho hoặc cho ít ớt.
Khi mứt me đã nguội bớt, chỉ còn hơi ấm thì bạn vo viên. Không vo viên lúc mứt còn nóng vì đường sẽ chảy nước.
Trước khi vo viên, bạn rắc một ít bột nếp lên tay để mứt me không dính vào tay. Vo được viên nào thì thả vào tô đường. Áo viên mứt me trong đường vài lần để đường thấm đều vào mứt me.
Để nơi thoáng mát cho mứt me khô ráo, bạn có thể trải mứt me lên khay để chúng không dính vào nhau. Sau khi mứt me đã khô hoàn toàn thì bạn bỏ vào lọ thủy tinh bảo quản.
Cách làm me ngâm chua ngọt/me ngâm nước đường
Nguyên liệu
1kg me sống (chọn loại quả to nguyên vẹn, cầm chắc tay, tốt nhất là me mới hái)
500g đường
6 thìa súp muối
Cách làm me ngâm chua ngọt
Cho nửa kg đường vào nồi, thêm nửa lít nước và 1 xíu muối. Nấu cho đường tan ra thì tắt bếp.
Đổ nước đường vào tô cho nguội.
Cho 1 lít nước vào 1 cái nồi, đun cho sôi. Trong lúc chờ nước sôi thì bạn rửa me với nước lạnh.
Me bạn vớt vào 1 cái thau, đổ nồi nước sôi vào ngâm trong 5 phút. Trong quá trình ngâm, bạn liên tục đảo đều. Làm cách này để lột me cho dễ.
Chuẩn bị 1 chiếc thau, cho vào 1 lít nước và 6 thìa súp muối.
Me sau khi ngâm nước sôi thì bạn đổ ra rổ. Bạn dùng dao gọt vỏ me rồi cho vào thau nước muối này để ngâm. Khi gọt me, nên để lại phần cuống cho đẹp.
Tiếp đó, bạn đem rửa me trong nước lạnh để loại bỏ vị mặn của muối, để ráo nước.
Sau đó bạn xếp đứng me vào trong lọ (hũ). Bạn đặt lọ nằm nghiêng cho dễ xếp.
Sau khi ních chật me trong lọ thì bạn đổ nước đường vào ngập lọ, đậy nắp kín lại.
Để bên ngoài khoảng 3 giờ rồi bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. 2-3 ngày sau là có thể ăn được, ngon nhất là vào khoảng 5 ngày sau khi thực hiện.
Cách làm mứt me ngào đường để pha đá me
Nguyên liệu
500g me chín (me vắt mua ngoài chợ)
600g đường vàng hoặc đường trắng
300g dứa (1 quả)
15g gừng
Lạc rang (đậu phộng)
Cách làm mứt me ngào đường
Cho 500g me vào thau, tán sơ ra. Sau đó cho vào 800ml nước sôi. Ngâm me trong nước sôi 20 phút để me mềm.
Bạn lược qua rây để lấy nước thịt me. Phần hạt me bạn giữ lại, tiếp tục cho vào 200ml nước sôi để lọc tiếp lần nữa.
Nước thịt me bỏ vào ngăn mát tủ lạnh.
Nước thịt me thu được
Hạt me còn lại bạn ngâm với nước sôi trong 2 ngày để hạt me tróc vỏ. Tuy nhiên, có một cách nhanh hơn là bạn đem luộc hạt me 90 phút, sau đó đem rửa sạch cho tróc vỏ.
Hạt me đem luộc 90 phút để tróc vỏ
Hạt me tróc vỏ bạn lại tiếp tục cho vào nồi để luộc chừng 20 phút. Ăn thử thấy hạt me mềm dẻo là được. Sau đó bạn đổ ra rổ rồi rửa lại với nước lạnh, để ráo nước.
Dứa đem băm nhỏ. Gừng cũng băm nhỏ, nếu không thích ăn cay thì bạn không dùng gừng.
Dứa bạn cho vào chảo, đổ vào 600g đường vàng. Đun đến khi đường tan thì vặn nhỏ lửa, đun tiếp cho đường keo lại (khoảng 20 phút).
Lúc này bạn cho thịt me vào cùng, đảo đều với nước dứa.
Sau khi đun được 25 phút thì bạn cho hạt me, gừng băm, 2g muối vào. Đun thêm 5-10 phút nữa.
Sau tổng thời gian sên 35 phút, me ngào đường đã đặc sệt. Bạn để nguội rồi cho vào lọ sạch bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
Cách pha đá me: Chuẩn bị một ly đá, cho vào 30ml nước và 50ml sốt me. Rắc lạc rang lên trên.
Cách làm mứt me xanh muốn ngon thì không thể vội vàng mà cần có thời gian. Chẳng cần chờ Tết đến mà ngày thường bạn cũng có thể thưởng thức món đá me, me ngâm chua ngọt hoặc kẹo me cay chua chua ngọt ngọt. Me quả là nguyên liệu lợi đủ đường, vì thế đừng bỏ qua các mùa me ngon nhé. Hết mùa là không có me đâu bạn nhé.
Cách làm mứt khoai lang không cần nước vôi trong và phèn chua
Nguyên liệu
500g khoai lang mật
1 lít nước vo gạo (nước vo gạo càng đậm đặc càng tốt)
200g đường
1 ống vani
Cách làm mứt khoai lang không cần nước vôi
Khoai lang bạn gọt sạch vỏ rồi đem ngâm nước muối loãng cho ra hết mủ.
Sau đó bạn cắt khoai thành từng thanh que vừa ăn rồi cho vào ngâm trong nước vo gạo.
Bạn ngâm ngập khoai từ 4-6 giờ. Công dụng của nước vo gạo cũng tương tự như nước vôi trong, giúp khoai lang cứng hơn, không bị bể nát khi sên.
Bạn đổ khoai ra rổ rồi tráng sơ dưới vòi nước lạnh.
Bạn bắc một nồi nước lên bếp, đun sôi rồi vắt nửa quả chanh vào. Cho khoai vào trần trong 2 phút. Cách này giúp khoai lang dẻo hơn.
Vớt khoai ra thau nước lạnh rồi rửa lại lần nữa.
Khoai khô ráo, bạn đem cân lại còn được chừng 350g. Đem khoai lang trộn với 200g đường.
Trong thời gian ngâm đường, thỉnh thoảng bạn lại trộn đều để đường nhanh tan và nhanh ngấm.
Sau 4 giờ bạn mang khoai lang đi sên (xào).
Bạn bắc chảo lên bếp, đổ khoai lang vào và bật lửa vừa. Khi nước đường sôi, bạn rắc 1 ống vani vào cho thơm.
Mứt khoai khi sên sẽ nhanh hơn các loại mứt khác vì ít ra nước, bạn vặn lửa nhỏ rồi đảo đều nhẹ tay tránh cho khoai lang bị gãy.
Mứt khoai lang không cần sên quá khô, đường vừa cạn là bạn có thể tắt bếp.
Như vậy là bạn có thể tắt bếp rồi
Bạn chờ khoai lang nguội thì đem ra phơi nắng để khoai se lại, sau đó bạn để vào xửng (hoặc rổ) trong vài tiếng rồi mới đem gói giấy hoặc cho vào lọ để bảo quản. Như vậy là đã xong công thức cách làm mứt khoai lang không cần nước vôi trong và phèn chua rồi đấy.
Mứt khoai lang thành phẩm
Cách làm mứt khoai lang tím với nước vôi trong
Nguyên liệu
1,2kg khoai lang tím
3 ống vani
1 thìa vôi (dùng ăn trầu)
500g đường
Nửa thìa súp muối
Cách làm mứt khoai lang tím
Chuẩn bị 1 cái thau, cho vào 2 lít nước. Bạn cho vôi vào bóp hòa tan ra. Sau 15-20 phút vôi lắng xuống thì bạn chắt lấy nước vôi trong để sử dụng. Vôi này người ta thường dùng ăn sống với trầu cau nên không có gì độc hại.
Khoai lang bạn gọt vỏ, rửa sạch rồi cắt thành thanh que vừa ăn. Nếu củ khoai lang nhỏ thì bạn cắt xéo để được bản rộng hơn một chút.
Cho khoai lang vào ngâm trong nước vôi từ 2-3 tiếng, giúp khoai cứng và không bị bể nát khi sên.
Lúc này màu sắc của khoai lang dường như nhạt bớt nhưng sau khi rửa sẽ tím trở lại.
Bạn vớt khoai ra chiếc thau khác, đem bóp rửa nhiều lần trong nước lạnh, sau đó vớt ra rổ để ráo.
Bắc nồi nước lên bếp, cho 2 lít nước vào đun sôi. Cho khoai lang vào trần tới khi nước sôi trở lại thì vớt khoai ra. Khoai lúc này sẽ hơi chuyển màu xanh rồi trở lại màu tím.
Bạn tiếp tục bắc một nồi nước khác lên, cho vào nửa thìa súp muối và trần khoai thêm lần nữa.
Lúc này đem cân lại, bạn sẽ được chừng 1kg khoai. Khoai này đem trộn với 500g đường.
Nếu trời nắng bạn có thể đem khoai tẩm đường ra phơi rồi để qua đêm. Ướp đường lâu như vậy sẽ giúp mứt bảo quản được lâu hơn, không bị chảy nước.
Khoai lang đem đi phơi nắng
Khoai lang sau khi phơi nắng và để qua đêm, bạn sẽ đem đi sên.
Bạn bắc chảo lên bếp, cho khoai vào đun trên lửa lớn. Khi nước đường sôi thì bạn giảm lửa nhỏ. Đảo đều, nhanh để mứt không bị khét.
Rắc 2-3 ống vani vào.
Đường cạn khô thì bạn tắt bếp. Lúc này khoai và chảo vẫn còn ướt, nhưng đừng vì thế mà bạn bật lửa, sẽ làm khoai bị khét.
Chảo vẫn còn nóng, bạn tiếp tục đảo đều tay.
Bạn đảo tới khi đường kết tinh quanh khoai lang. Bạn có thể bật quạt cho mau khô.
Khoai lang đảo khô ráo, bạn cho ra mâm để nguội. Nếu trời nắng thì bạn có thể phơi 2 giờ ngoài nắng, còn không thì để nơi thoáng mát là được.
Mứt thành phẩm có màu tím đẹp mắt, bên ngoài có lớp phấn đường trắng, bên trong một màu tím ngắt dẻo thơm.
Cách bảo quản mứt khoai lang
Mứt khoai lang bạn bỏ vào lọ thủy tinh để ở nơi thoáng mát. Nếu khoai bị chảy nước thì bạn đem ra nắng phơi.
Không bỏ vào ngăn đá tủ lạnh vì dễ làm hỏng mứt, khi lấy ra ngoài mứt sẽ chảy nước.
Mứt khoai lang là món ăn ngon ngọt, dễ tiêu trong năm mới. Khoai lang vốn dĩ giàu chất xơ, vitamin và nhiều khoáng chất thiết yếu rất tốt cho sức khỏe. Khoai lang chế biến thành mứt lại càng hợp khẩu vị của trẻ nhỏ. Vì thế Tết này bạn hãy mua đủ loại khoai lang nhiều màu sắc để làm mứt đãi cả nhà nhé. Chúc bạn thành công với hai cách làm mứt khoai lang của MarryBaby.
Cách làm mứt dừa non với sữa đặc là cách làm mứt dừa cơ bản, dễ thực hiện nhất. Bạn chỉ cần chuẩn bị và thực hiện như sau:
Nguyên liệu
Dừa bánh tẻ: 1kg (loại dừa không quá non, không quá già)
Đường: 500–700g
Sữa ông Thọ: 1/2 lon
Vani: 1 ống
Hướng dẫn cách làm mứt dừa sữa ông Thọ
Bước 1: Sơ chế
Dừa sau khi mua bạn nhờ người bán gọt vỏ, tách cùi, bỏ lớp vỏ lụa nâu, sau đó rửa sạch và dùng dao nạo chuyên dụng tiến hành bào thành sợi dài và đều nhau (lưu ý bạn cần bào sợi dừa thật dài và đều tay để thành phẩm mứt dừa được đẹp mắt). Bạn cũng có thể tự thái. Nếu thích ăn dừa không bị khô, bạn thái hơi dày, tầm 0,5cm. Hoặc để tiết kiệm thời gian, bạn có thể mua dừa bánh tẻ đã được bào sẵn ở những nơi bán tin cậy. Cách làm mứt dừa bánh tẻ được coi là đơn giản, dễ làm, dễ bảo quản.
Bạn có thể thái dừa hơi dày để khi ăn không bị khô
Cùi dừa sau khi đã bào sợi, bạn rửa đi rửa lại thật nhiều lần dưới vòi nước cho hết dầu. Rửa tới khi nước trong, bóp nhẹ không còn thấy nhớt của dầu dừa là được.
Mách bạn: Rửa bằng nước ấm 50–60°C nhiều lần thì dừa sẽ nhanh sạch dầu hơn. Nếu dừa vẫn còn dầu mà bạn làm mứt sẽ nhanh hỏng, không bảo quản được.
Bạn rải dừa ra rổ lớn, hong khô tự nhiên để dừa ráo bớt nước (nhớ che đậy cẩn thận nhằm tránh ruồi, kiến). Nếu muốn sợi dừa nhanh ráo nước, có thể dùng quạt để hong.
Bước 2: Ngâm ướp
Bạn ướp dừa cùng với đường, sữa đặc và đậy vung kín. Chờ khoảng 1 giờ để đường và sữa ông Thọ tan chảy và ngấm hết vào sợi mứt. Trong quá trình ướp, thi thoảng bạn đảo cho dừa được ngấm đều. Thấy sợi dừa đã chuyển từ đục sang trong là có thể mang đi sên được.
Bước 3: Tiến hành sên mứt
Sử dụng một cái chảo lớn, đế dày. Bạn cho dừa cùng nước đường vào chảo, lưu ý nên sên mỗi lần một ít cho dễ sên (1kg dừa có thể chia thành 2 lần tùy vào kích thước chảo). Sau đó tiến hành sên dừa, lúc đầu để lửa lớn, tới khi dừa gần rút cạn bớt nước, bạn giảm lửa nhỏ liu riu.
Trong quá trình sên, nhớ đảo đều, nhẹ tay, liên tục để dừa không bị dính chảo và được khô đều (nếu sơ ý làm dừa bị cháy, bạn nên đổ hỗn hợp dừa ra, cọ rửa chảo thật kỹ rồi mới sên tiếp).
Sên cho tới khi thấy đường keo lại, lúc này bạn cho vani vào để mứt được thơm. Khi sên mứt đến giai đoạn này, bạn cần lưu ý lửa phải thật nhỏ và đảo đều tay liên tục. Khi thấy đường kết tinh bám vào sợi dừa và đảo thấy nhẹ tay thì bạn đảo thêm ít phút nữa cho dừa khô hẳn rồi tắt bếp. Nhanh tay đổ mứt ra mâm khô, dàn đều ra cho mứt nhanh nguội.
Bước 4: Bảo quản và trình bày
Khi mứt đã nguội hoàn toàn, bạn cho mứt vào lọ thủy tinh khô sạch và đậy chặt nắp. Phần đường dư ra ở ngoài mứt, bạn cho luôn vào lọ để hút ẩm cho mứt. Lúc này bạn đã hoàn thành cách làm mứt dừa sữa ông Thọ.
Mách bạn:
★ Nếu bạn muốn thử cách làm mứt dừa hoa cúc, ở bước trình bày này, bạn chỉ cần thực hiện như sau: Khi mứt dừa vẫn còn hơi ấm nóng, bạn tiến hành cuốn các sợi mứt thành hình bông hoa cúc. Để được những bông cúc đẹp, bạn cần nhẹ tay tránh sợi mứt bị gãy.
★ Nếu muốn ăn mứt dừa non, thì cách làm mứt dừa non với sữa đặc cũng tương tự như trên, nhưng bạn lưu ý thay thế nguyên liệu: Thay vì lựa chọn dừa bánh tẻ, bạn dùng dừa non để làm mứt.
Dừa non khi sơ chế, bạn thái hơi dày, cỡ bằng đầu to của đũa ăn cơm hoặc bạn thái thành từng miếng hình vuông, hình tam giác, hình chữ nhật để làm mứt dừa non miếng. Lưu ý chọn trái dừa non cơm dày một chút, loại quá non rất khó làm mứt.
Mứt dừa non sẽ ngon hơn, thơm dẻo hơn mứt dừa bánh tẻ. Tuy nhiên, bạn lưu ý khi làm cũng cần phải cẩn thận hơn. Bên cạnh đó, mứt dừa non bảo quản cũng không được lâu bằng mứt dừa bánh tẻ.
Các công đoạn của cách làm mứt dừa non với sữa đặc, cách làm mứt dừa non miếng cũng giống với các bước trong cách làm mứt dừa với sữa đặc ở trên.
★ Nếu bạn muốn ăn mứt dừa dẻo, thì cách làm mứt dừa dẻo tương tự với cách làm mứt dừa non. Lưu ý ở bước sên mứt, bạn sên non hơn một chút, tức là không để cho dừa quá khô, quá cứng. Mứt dừa dẻo sẽ không để được lâu như với những loại mứt được sên kỹ, bạn chỉ nên sử dụng trong vòng 3-4 ngày.
2. Hướng dẫn cách làm mứt dừa lá dứa
Sự hòa quyện giữa mùi thơm của dừa và của lá dứa sẽ khiến bạn thích mê. Vậy nên, với các cách làm mứt dừa tại nhà, bạn hãy thử làm với lá dứa theo cách sau:
Nguyên liệu
Cùi dừa bánh tẻ hoặc dừa non: 1kg
Đường cát trắng: 500–700g
Lá dứa: 1 nắm to.
Hướng dẫn cách làm mứt dừa lá dứa
Bước 1: Sơ chế
Khâu sơ chế dừa trong cách làm mứt dừa lá dứa cũng tương tự như cách làm mứt dừa với sữa đặc ở trên.
Với phần lá dứa: bạn nhặt bỏ những lá già, lá sâu, cắt bỏ phần gốc. Rửa sạch lá dứa dưới vòi nước, ngâm với nước muối loãng khoảng 10–15 phút. Sau khi ngâm xong, vớt ra để ráo nước và cắt khúc ngắn khoảng 2 đốt ngón tay. Một phần bạn dùng để ướp với dừa cho thơm, phần còn lại cho cùng 100m nước vào máy xay sinh tố xay nhuyễn và lọc bỏ bã.
Bước 2: Ngâm ướp
Bạn ướp dừa cùng đường, lá dứa và 2/3 lượng nước lá dứa trong khoảng 1-2 giờ cho dừa ngấm hoàn toàn đường vào nước lá dứa. Đến khi đường đã tan hết, dừa chuyển màu xanh trong, bạn bắt đầu sên (Lưu ý khi ướp nhớ đảo vài lần cho dừa ngấm đều).
Bước 3: Tiến hành sên mứt
Bạn đổ dừa đã ướp vào chảo to có đế dày, tiến hành đun lửa to đến khi nước trong chảo sôi thì hạ nhỏ lửa và đảo đều tay. Tới khi nước trong chảo gần cạn, bạn cho phần còn lại của nước lá dứa vào để sau khi sên xong, mứt dừa có màu xanh đậm đẹp mắt. Nếu bạn bỏ qua công đoạn này, màu của mứt sẽ nhạt, không đẹp.
Tiếp tục hạ nhỏ lửa, đảo thật đều và nhẹ tay để đường kết tinh bám đều sợi mứt. Mứt khô, bạn tắt bếp, hoàn thành công đoạn sên mứt dừa lá dứa.
Bước 4: Bảo quản và trình bày
Bạn nhanh tay đổ mứt dừa lá dứa đã sên xong ra một cái mâm thật khô, rải đều mứt ra. Có thể hong dưới quạt cho mứt nhanh khô.
Sau khi mứt khô hoàn toàn, bạn nhặt bỏ những phần lá dứa trong mứt ra. Bỏ mứt vào hũ sạch, đậy chặt nắp và sử dụng dần.
3. Cách làm mứt dừa ngũ sắc
Về cơ bản, cách làm mứt dừa ngũ sắc khá giống với cách làm mứt dừa sữa ông Thọ. Tuy nhiên, các công đoạn cầu kỳ hơn và nguyên liệu cũng phức tạp hơn một chút.
Nhưng nếu làm được dừa ngũ sắc sẽ khiến cho đĩa mứt của bạn không chỉ đa dạng các vị mà còn rất bắt mắt. Vậy tại sao bạn không thử làm theo cách sau:
Nguyên liệu
Cùi dừa: 1kg
Đường trắng: 600g
Lá dứa: 100g
Lá cẩm: 100g
Cà rốt: 1 củ
Một ít tinh bột nghệ.
Hướng dẫn cách làm mứt dừa ngũ sắc
Bước 1: Sơ chế
Khâu sơ chế dừa của cách làm mứt dừa ngũ sắc giống với cách làm mứt dừa sữa ông Thọ.
Bước 2: Sơ chế nước màu cho mứt dừa
Lá dứa, cà rốt, lá cẩm bạn rửa sạch, thái nhỏ và để riêng từng loại.
Cho từng loại vào máy xay sinh tố cùng 1 bát nước nhỏ rồi xay nhuyễn. Xay xong, bạn dùng rây lọc bỏ bã lấy nước cốt của từng loại và chia đều để riêng từng bát (lưu ý không được làm lẫn các loại màu).
Về phần tinh bột nghệ: bạn đổ ra bát, cho ít nước sôi vào khuấy đều và để nguội (đây là khâu không thể thiếu trong cách làm mứt dừa màu vàng nghệ).
Các phần màu sau khi đã hoàn thành xong, bạn chia dừa thành 5 phần bằng nhau. Sau đó, mỗi phần ngâm cùng với một loại màu và đường (4 màu như trên và một loại nguyên vị màu trắng).
Tiến hành ngâm ướp trong khoảng 1-2 giờ cho sợi dừa thật ngấm đường và ngấm màu. Tới khi bạn thấy dừa trong là có thể mang đi sên được.
Bước 3: Tiến hành sên mứt
Bắc chảo dày lên bếp, lần lượt cho từng bát dừa đã ngấm đường và màu vào sên. Lúc đầu bật lửa lớn, khi nước sôi, bạn giảm nhỏ lửa và đảo đều tay để đường không bị cháy.
Khi đường đã kết tinh, các sợi mứt khô, bạn tắt bếp và cho ra mâm.
Rửa sạch chảo, để chảo không còn dính màu của mứt vừa sên và tiếp tục sên các màu còn lại tương tự như vậy cho đến khi hết.
Bước 4: Bảo quản và trình bày
Mứt dừa ngũ sắc sau khi đã sên xong, bạn rải từng màu một ra mâm. Sau khi mứt đã khô hoàn toàn, bạn cho từng loại một vào túi nilon hoặc lọ thủy tinh khô. Khi ăn, bạn trang trí cả 5 màu ra đĩa, tạo thành đĩa mứt ngũ sắc đẹp mắt.
Mách bạn: Nếu bạn không tìm được các nguyên liệu để tạo màu như trên, bạn có thể sử dụng các nguyên liệu khác để thay thế, chẳng hạn như:
♦ Cách làm mứt dừa cà phê: sử dụng cà phê (hòa tan hoặc pha phin đều được) để làm mứt dừa vị cà phê.
♦ Cách làm mứt dừa màu hồng: bạn sử dụng sữa vị dâu.
♦ Cách làm mứt dừa màu nâu: bạn sử dụng bột ca cao nguyên chất.
♦ Cách làm mứt dừa màu vàng: thay vì sử dụng tinh bột nghệ, hãy thử với chanh leo. Chanh leo không chỉ tạo màu vàng cho mứt mà còn làm cho mứt có vị chua chua ngọt ngọt, rất ngon miệng.
♦ Cách làm mứt dừa trà xanh: sử dụng bột trà xanh.
♦ Cách làm mứt dừa màu tím: bạn có thể sử dụng bắp cải tím thay cho lá cẩm.
4. Hướng dẫn cách làm mứt dừa gấc
Cách làm mứt dừa màu đỏ từ gấc giống cách làm mứt dừa ngũ sắc. Tuy nhiên, bạn cũng cần biết sơ chế gấc đúng cách để cho ra màu đỏ đẹp mắt. Mứt màu đỏ tượng trưng cho một năm may mắn, nên làm mứt dừa gấc cũng được nhiều chị em ưa chuộng.
Nguyên liệu
Dừa bánh tẻ: 2-3 quả (tầm 1kg cùi)
Đường kính trắng: 700g
Gấc chín: 1/4 quả
Rượu trắng: 1 thìa cà phê
Sữa tươi: 180ml
Hướng dẫn cách làm mứt dừa gấc
Bước 1: Sơ chế
Phần sơ chế dừa giống với cách làm mứt dừa sữa ông Thọ. Dừa sau khi đã sơ chế xong, bạn tiến hành ướp cùng đường. Trong khi chờ dừa ngấm đường, bạn sơ chế gấc.
Gấc bạn lấy hạt bỏ vào bát, cho vào 1 thìa cà phê rượu trắng, đánh nhuyễn sau đó lọc lấy phần nước để làm mứt dừa màu đỏ.
Bước 2: Ngâm ướp tạo màu
Sau khi thu được nước gấc màu đỏ, bạn cho nước gấc, sữa vào trộn đều cùng với hỗn hợp dừa, ướp thêm 1-2 tiếng cho dừa ngấm màu đỏ.
Bước 3: Tiến hành sên mứt
Cách sên mứt dừa gấc, mứt dừa màu đỏ giống cách sên mứt dừa sữa đặc bạn nhé. Tới khi đường kết tinh bám đều sợi dừa là được.
Bước 4: Bảo quản và trình bày
Dừa sau khi sên xong, bạn chờ nguội hoàn toàn và bảo quản giống các loại mứt dừa thông thường.
Bài viết đã hướng dẫn chị em các bước làm mứt dừa ngon. Cách làm mứt dừa tại nhà quả thật đơn giản, dễ thực hiện, thành phẩm ngon, đẹp mắt, ưng ý. Vậy còn chần chờ gì nữa, chị em cùng MarryBaby bắt tay vào bếp thôi nào. Chúc các bạn sáng tạo được những đĩa mứt ngon lành, hấp dẫn.
Mứt vỏ bưởi là món ăn yêu thích của người Việt. Tuy nhiên, nếu cảm thấy mứt mua ngoài cửa hàng quá chua hoặc quá ngọt, không đảm bảo vệ sinh thì bạn có thể học cách tự làm cho riêng mình. MarryBaby sẽ chỉ cho bạn cách làm mứt vỏ bưởi không bị đắng.
Cách làm mứt vỏ bưởi không bị đắng
Nguyên liệu
1 quả bưởi da xanh. Đặc điểm của bưởi da xanh là phần vỏ rất dày, thích hợp làm mứt. Phần ruột bưởi lại rất ngọt, ăn rất ngon.
1 bát muối đầy
250g đường
1 ống vani
Cách làm
Bạn rạch những đường dọc dạng múi cau xung quanh quả bưởi. Sau đó rạch thêm vài đường phía trên đầu quả bưởi rồi tách vỏ ra. Quá trình này khá vất vả vì vỏ bưởi rất dày. Nếu sức tay yếu thì bạn lấy dao gọt vỏ cho nhanh.
Sau đó bạn chuẩn bị 1 lít nước, cho vào 1 bát muối đầy. Khuấy đầu cho muối tan.
Bạn thái xéo vỏ bưởi thành từng lát có độ dày chừng 3cm. Tiếp theo cho vỏ bưởi vào ngâm trong nước muối chừng 2 giờ.
Vỏ bưởi sau khi ngâm trong nước muối 2 giờ, bạn dùng tay nhồi thật mạnh để vỏ bưởi ra chất the và chất đắng.
Bạn dùng tay ấn mạnh xuống vỏ bưởi, đừng bóp vì làm thế phần thịt trắng của vỏ sẽ bị nát. Nhồi xong bạn vớt ra để ráo cho khô nước, có thể vắt nhẹ.
Sau đó bạn bắc lên bếp một nồi nước sôi, cho vỏ bưởi vào luộc 5 phút để loại bỏ bớt vị the nồng.
Trong quá trình luộc, bạn vắt vào nồi nửa quả chanh để vỏ bưởi trắng đẹp, không bị thâm.
Luộc xong, bạn đổ vỏ bưởi ra rổ rồi tráng qua nước lạnh, tiếp tục bóp nhẹ dưới vòi nước.
Sau đó bạn lại cho vỏ bưởi vào thau nước lạnh rồi nhồi bóp qua 4-5 lần nước.
Tất cả công đoạn này, bạn lặp lại 1 lần nữa. Nghĩa là bạn đem vỏ bưởi đi luộc thêm 1 lần, tráng dưới vòi nước lạnh rồi đem nhồi vắt trong nước lạnh 4-5 lần. Đây là cách làm mứt vỏ bưởi không bị đắng.
Từ 1 quả bưởi, sau khi vắt khô bạn thu được khoảng 500g vỏ. Bạn đem trộn với 250g đường rồi để qua đêm.
Qua 1 đêm, khi đường đã tan ra hết và thấm vào vỏ bưởi, bạn bắc lên bếp xào trên lửa nhỏ, đảo đều tay.
Xào đến khi vỏ bưởi khô lại thì bạn rắc 1 ống vani vào, đảo vài lượt rồi tắt bếp.
Bạn đổ mứt vỏ bưởi ra khay cho mau nguội rồi bảo quản trong lọ thủy tinh để ăn dần. Ngoài cách làm mứt vỏ bưởi không bị đắng như trên, bạn còn có thể làm mứt vỏ bưởi kiểu Thái Lan, với nguyên liệu là phèn chua hoặc nước vôi trong.
– Nếu dùng phèn chua: Cách thức làm hoàn toàn tương tự như trên, nhưng khi luộc vỏ bưởi, thay vì vắt chanh thì bạn cho vào 1 thìa phèn chua, khuấy cho tan rồi mới cho vỏ bưởi vào luộc chừng 10 phút. Bạn cũng thực hiện các bước rửa và luộc nhiều lần như trên.
– Nếu dùng nước vôi trong thì bạn làm tuần tự theo các bước sau.
Cách làm mứt vỏ bưởi Thái Lan với nước vôi trong
Ở công đoạn đầu, sau khi đã thái vỏ bưởi thành lát mỏng, bạn cho bưởi vào tô, cho 1 thìa muối vào rồi nhồi cho bưởi mềm. Tiếp theo, bạn đem bưởi đi tráng rửa dưới vòi nước nhiều lần để loại bỏ chất the đắng. Cách làm mứt vỏ bưởi Thái Lan cũng là cách làm mứt vỏ bưởi không bị đắng.
Sau đó bạn cho bưởi vào tô, đổ nước vôi trong vào ngập vỏ, ngâm trong 4 tiếng rồi vớt ra vắt ráo.
Bạn bắc một nồi nước sôi lên bếp, cho vào nồi 1 thìa cà phê muối, cho vỏ bưởi vào đun 3 phút rồi vớt ra. Sau đó bạn đổ nước này đi và tiếp tục cho nước khác vào luộc 2-3 lần cho vỏ bưởi ra chất đắng. Bạn có thể cắn thử vỏ để xem đã hết đắng hay chưa.
Vỏ bưởi vớt ra ngâm trong chậu nước lạnh chừng 5 phút rồi bóp cho ráo.
Ướp vỏ bưởi với 250g đường trong 4 tiếng cho đường tan và ngấm hết vào vỏ bưởi.
Bắc chảo (lòng sâu) lên bếp, cho bưởi vào sên trên lửa nhỏ cho đến khi cạn đường, mứt khô thì tắt bếp.
Trút ra khay cho nguội rồi bảo quản trong lọ thủy tinh để dùng dần.
Cách làm mứt cùi bưởi mật ong trị ho
Cách làm mứt cùi bưởi tương tự như cách làm mứt vỏ bưởi không bị đắng, mục tiêu vẫn là loại bỏ vị the đắng của vỏ bưởi. Sau khi thái vỏ bưởi thành sợi dày chừng 3cm, bạn đem nhồi với 1 thìa muối để loại bỏ vị đắng. Sau đó đem xả nhiều lần với nước lạnh.
Bạn chuẩn bị 1 lít nước, cho 1 bát muối vào rồi cho vỏ bưởi vào ngâm qua đêm. Đè thêm 1 chiếc đĩa ở trên để vỏ bưởi chìm hoàn toàn trong nước muối.
Hôm sau bạn vớt vỏ bưởi ra, đem luộc trong nước sôi khoảng 10 phút. Sau đó vớt ra, xả lại vài lần với nước lạnh rồi vắt ráo.
Cho vỏ bưởi vào nồi, cho đường phèn vào ngâm trong 4 giờ để đường ngấm hết vào vỏ bưởi.
Vỏ bưởi sau khi đã ướp đường, bạn đem xào đều tay trên lửa nhỏ. Đến khi đường cạn thì bạn tắt bếp, chờ cho mứt nguội.
Chảo mứt nguội rồi bạn mới cho mật ong vào đảo đều. Không cho mật ong vào lúc nóng vì sẽ làm mất đi công dụng của mật ong.
Bạn cho mứt vỏ bưởi mật ong vào lọ thủy tinh rồi bảo quản trong tủ lạnh để dùng dần. Mỗi lần sử dụng bạn hòa 2 thìa cà phê mứt với 50ml nước ấm, khuấy đều uống để tiêu đờm và giảm ho.
[inline_article id=266161]
Mứt vỏ bưởi có vị the the ngọt ngọt, ăn vui miệng, thế nên bạn hãy học cách làm mứt vỏ bưởi không bị đắng, cách làm mứt vỏ bưởi Thái Lan… để đãi gia đình và bạn bè nhé. Vỏ bưởi nguyên thủy chứa nhiều tinh dầu và dưỡng chất rất tốt cho sức khỏe, nhưng qua nhiều lần ngâm rửa để loại bỏ vị the đắng thì chất dinh dưỡng và tinh dầu đã hao hụt nhiều. Do đó món mứt vỏ bưởi này chỉ có công dụng tráng miệng, ăn chơi lai rai, không nên ăn quá nhiều bạn nhé.
Chị em đã bao giờ tự mình thử làm tinh dầu trà xanh tại nhà chưa? Với hướng dẫn cụ thể về cách làm tinh dầu trà xanh đơn giản mà hiệu quả của MarryBaby, chị em áp dụng và thử làm cho mình nhé.
Công dụng của tinh dầu trà xanh
Tinh dầu trà xanh (Camellia sinensis) được chiết tách từ 100% búp và lá trà xanh. Tinh dầu màu xanh nhạt hoặc trong suốt, mùi nhẹ nhàng, thơm mát của lá trà xanh.
Trong tinh dầu trà xanh có chứa các thành phần giàu tính chống oxy hóa như flavonoid, EGCG à các vitamin, khoáng chất tốt cho sức khỏe như vitamin A, B, E. Bên cạnh đó, trà xanh cũng chứa một lượng lớn các thành phần như cineole, terpinen-4-ol, viridiflorol, nerolidol, eucalyptol – những dưỡng chất có vai trò và tác dụng trong làm đẹp và tốt cho sức khỏe mọi người.
Với các thành phần đó, tinh dầu trà xanh có các công dụng chủ yếu sau:
1. Giúp ngừa và trị mụn
Hoạt chất flavonoid của tinh dầu trà xanh có tính kháng viêm, diệt khuẩn, làm giảm tình trạng sưng đỏ, viêm nhiễm của vùng da bị mụn.
Bên cạnh đó, EGCG (được biết đến hiệu quả hơn vitamin E) giúp da chị em kìm hãm việc tiết bã nhờn, vì thế ngăn ngừa mụn, làm se khít lỗ chân lông, mang lại làn da mịn màng.
[inline_article id=265142]
2. Xóa tan các vết nám, tàn nhang
Trà xanh có đặc tính tiêu diệt các gốc tự do, ngăn ngừa các yếu tố gây nám da, sạm da, tàn nhang. Sử dụng tinh dầu trà xanh trong việc chăm sóc da mặt sẽ giúp tái tạo các tế bào mới, giúp da sáng khỏe hơn.
3. Chống lão hóa ở da
Hoạt chất EGCG giúp da loại bỏ được các sắc tố đen, tiêu diệt các gốc tự do, vì vậy kìm hãm tốc độ lão hóa da, hạn chế các vết nhăn do lão hóa, làm cho làn da trở nên tươi sáng.
4. Dưỡng chất chăm sóc tóc hiệu quả
Đặc tính chống oxy hóa và kháng khuẩn giúp tinh dầu trà xanh ngăn ngừa tóc hư tổn, gãy rụng, giúp chị em có mái tóc suôn mượt, khỏe khoắn.
Ngoài ra, đây còn là loại dưỡng chất giúp da đầu chị em không bị khô, nên giảm gàu và rụng tóc đáng kể.
Sử dụng tinh dầu trà xanh để massage, xông hơi, ngâm mình… sẽ giúp bạn được thư giãn, thoải mái, xóa đi căng thẳng mệt mỏi vì loại tinh dầu này có hương thơm dịu nhẹ, tinh khiết.
[inline_article id=262232]
Những người khó ngủ, thường xuyên bị mất ngủ có thể dùng tinh dầu trà xanh xông, giúp bạn dễ ngủ và ngủ sâu hơn.
Ngoài những công dụng đáng kể trên, chị em cũng học cách làm tinh dầu trà xanh vì tinh dầu có tác dụng trong việc điều trị côn trùng cắn, giảm tình trạng đau nhức xương khớp, giảm sự khó chịu của xoang mũi…
Cách làm tinh dầu trà xanh đơn giản tại nhà
Nguyên liệu
Lá trà xanh: Số lượng tùy bạn (lá tươi, không dùng lá bị héo, úa hay quá già)
Nồi để chưng tinh dầu: 1 chiếc bằng inox có nắp trũng xuống
Chén/tô sành: chọn loại dày dặn
Đá lạnh
Nước sạch để chưng cất
Lọ thủy tinh sạch có nắp đậy hoặc hũ đựng tinh dầu chuyên dụng
Hướng dẫn cách làm tinh dầu trà xanh đơn giản tại nhà
Lá trà xanh rửa sạch, có thể xé nhỏ hoặc cắt ra. Lưu ý không xé quá nhỏ vì tinh dầu diệp lục sẽ thoát ra, không tốt cho sản phẩm tinh dầu thu được.
Cho lá trà đã xé vào nồi (nồi và nắp cũng rửa thật sạch), thêm nước (mỗi 100g trà xanh tương đương 1 lít nước).
Đặt 1 chiếc bát sành vào giữa nồi, cố định chắc chắn để trong quá trình đun không bị xê dịch.
Đun nồi nước cho thật sôi, vặn lửa nhỏ. Đậy chặt nắp nồi (ngược nắp) sao cho phần trũng xuống của nắp nồi hướng xuống bát sành ở giữa nồi.
Trong quá trình đun, bạn liên tục cho đá lạnh lên trên nắp nồi để hơi nước tinh dầu bốc lên có thể gặp lạnh ngưng tụ và chảy xuống bát.
Tiến hành đun chưng cất tinh dầu như vậy cho đến khi phần nước trong nồi còn khoảng 1/4.
Sau khi đã chưng xong tinh dầu, bạn để nguội và cho vào hũ đựng chuyên dụng để dùng dần.
Tinh dầu sau khi chưng cất xong, cần bảo quản ở nơi khô ráo, mát mẻ, tránh những nơi ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào. Sau mỗi lần sử dụng, cần đậy chặt nắp.
Cách sử dụng tinh dầu trà xanh
Cách làm tinh dầu trà xanh với 2 bước trên quá đơn giản phải không bạn? Vậy, sử dụng tinh dầu như thế nào để đạt hiệu quả?
♥ Dùng tinh dầu trà xanh để rửa mặt
– Nhỏ vài giọt tinh dầu trà xanh vào nước ấm để rửa mặt hàng ngày, dùng ngày 2 lần để làn da được sạch, lỗ chân lông se khít.
♥ Dùng tinh dầu trà xanh để trị mụn
Cách 1: Dùng trực tiếp
Thoa trực tiếp tinh dầu trà xanh lên chỗ da bị mụn. Trường hợp da nhạy cảm, dễ bị nổi mụn, bạn nên pha loãng tinh dầu trước khi dùng.
Cách 2: Sử dụng tinh dầu trà xanh để xông mặt
Chuẩn bị một bát nước nóng, sau đó nhỏ vào bát vài giọt tinh dầu. Tiến hành xông mặt bằng tinh dầu trà xanh bằng cách trùm một cái chăn phủ kín đầu, để mặt cách bát nước từ 25-30cm. Xông trong vòng 10-15 phút.
Mỗi tuần sử dụng từ 2-3 lần, kiên trì xông trong 2 tuần bạn sẽ thấy làn da không những láng mịn, giảm mụn mà còn trắng sáng hơn.
♥ Dùng tinh dầu trà xanh để massage da mặt
Trộn dung dịch massage theo tỷ lệ: 20 giọt tinh dầu trà xanh, 6 thìa tinh dầu nền (dầu dừa, dầu thầu dầu, dầu ô liu…).
Bạn rửa sạch mặt, sau đó dùng hỗn hợp trên massage trực tiếp lên da mặt từ 15-20 phút.
Massage xong, rửa sạch mặt với nước mát và lau khô.
♥ Dùng tinh dầu trà xanh để tắm
Nhỏ vài giọt tinh dầu vào bồn nước tắm, sau đó ngâm mình bồn nước để thư giãn nhẹ nhàng.
♥ Dùng tinh dầu trà xanh để làm thơm phòng
Nhỏ vài giọt tinh dầu vào đèn xông tinh dầu hoặc máy khuếch tán tinh dầu. Hương thơm của tinh dầu trà xanh sẽ lan tỏa khắp phòng, mang lại cảm giác dễ chịu.
[inline_article id=263155]
♥ Dùng tinh dầu trà xanh để xoa bóp
Hòa vài giọt tinh dầu trà xanh vào nước ấm, sau đó tiến hành xoa bóp vùng da bị đau trong vòng 5-10 phút, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều.
♥ Dùng tinh dầu trà xanh để dưỡng tóc
Cách 1: Cho một vài giọt trà xanh vào dầu gội đầu để gội đầu.
Cách 2: Trộn hỗn hợp dung dịch gồm tinh dầu trà xanh và mật ong hoặc dầu dừa. Sử dụng dung dịch đó ủ tóc trong vòng 30 phút trước khi gội đầu.
Cách 3: Pha loãng tinh dầu trà xanh, sau đó xịt trực tiếp vào tóc sau mỗi lần gội đầu để tóc luôn suôn mượt (lưu ý không nên đổ trực tiếp tinh dầu trà xanh nguyên chất vào da đầu).
Sử dụng mỗi tuần từ 2-3 lần để có được hiệu quả tốt nhất.
Một số lưu ý khi sử dụng tinh dầu trà xanh
Không sử dụng tinh dầu để ăn hoặc uống, chỉ dùng ngoài da.
Nếu có dấu hiệu dị ứng hoặc mẫn cảm với các thành phần của tinh dầu, nên ngưng sử dụng ngay.
Đối với làn da nhạy cảm, không nên sử dụng trực tiếp tinh dầu trà xanh lên da mà nên pha loãng trước khi dùng.
Khi sử dụng, cần tránh để tinh dầu tiếp xúc trực tiếp với mắt vì có thể gây tổn thương giác mạc.
Không sử dụng tinh dầu tại các vị trí có vết thương bị hở, rách.
Hy vọng hướng dẫn chi tiết của MarryBaby về cách làm tinh dầu trà xanh và cách sử dụng loại tinh dầu này sẽ giúp bạn ngày càng đẹp hơn.
Không chỉ cung cấp nhiều vitamin (B, C, K), me còn có thể giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, hạ huyết áp, chống viêm, ngăn ngừa tiểu đường… Phụ nữ ăn me khi mang thai có thể giảm ốm nghén, tăng cường miễn dịch, ngăn ngừa táo bón, giảm nguy cơ sinh non… Ngoài me tươi, bạn cũng có thể làm me ngâm để thay đổi khẩu vị trong những ngày Tết.
Khi làm me ngâm chua ngọt, bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu và vật dụng cơ bản sau đây: me tươi (500g), đường (250g), muối (1/2 thìa cà phê) và hũ thủy tinh có nắp đậy kín. Tùy theo sở thích, bạn có thể chuẩn bị thêm một số nguyên liệu khác như ớt đỏ, cam thảo…
[inline_article id=266161]
Để làm me ngâm ngon, bạn cần biết cách chọn me tươi vì đây chính là “linh hồn” của món ăn vặt giải ngán này. Khi mua me, bạn nên chọn những quả có màu vỏ còn tươi xanh, cứng và chưa bong khỏi quả. Thân quả me nên thẳng, căng tròn và mọng cơm. Bạn nên tránh mua me quá chín, thân lép và bị sâu mọt.
Bạn có thể áp dụng cách làm me ngâm đơn giản với đường hoặc cách làm me ngâm để được lâu ngày hơn với nước đường theo hướng dẫn sau đây nhé.
Cách làm me ngâm chua ngọt đơn giản
Nếu bạn làm cho đông người ăn trong 2–3 ngày thì có thể chọn cách làm me ngâm chua ngọt đơn giản với đường. Khi quá bận rộn, bạn có thể bỏ qua bước lấy hột khi sơ chế hoặc mua me đã lột sẵn vỏ để làm me ngâm nhanh gọn hơn.
Bước 1 | Sơ chế me tươi
Rửa sạch me, để ráo.
Đổ nước vào nồi, đun sôi rồi tắt bếp.
Để khoảng 10 phút cho nước bớt nóng thì cho me vào ngâm, đậy kín nắp.
Ngâm me khoảng 5 phút vớt ra, để nguội rồi dùng dao lột sạch vỏ của me.
Bước 2 | Xếp me vào hũ
Rửa sạch hũ thủy tinh, phơi khô.
Xếp me dọc theo thân hũ, quả nào bị gẫy thì xếp lên trên cùng.
Bước 3 | Cho đường và muối
Đổ đường và muối vào hũ me.
Lắc nhẹ hũ me cho đường ra đều xung quanh.
Bạn để hũ me qua đêm đến sáng, đường sẽ chảy nước ngập me ngâm trong hũ. Đây là một trong những món ăn vặt dễ làm lại tốt cho sức khỏe. Chỉ cần để thêm 1–2 ngày nữa là bạn có thể thưởng thức món me chua ngọt đơn giản này rồi đấy!
Nếu mua me đã lột sẵn vỏ, bạn chỉ mất khoảng 15 phút khi thực hiện cách làm me ngâm chua ngọt đơn giản với đường. Tuy nhiên, bạn nên ăn trong ngày thứ 2–3 sau khi ngâm vì cách làm này không bảo quản me ngâm được lâu.
Cách làm me ngâm để được lâu ngày hơn
Nếu bạn có nhiều thời gian thì có thể áp dụng cách làm me ngâm để được lâu ngày hơn với nước đường. Bạn cũng có thể tách cả hột me và kết hợp thêm nguyên liệu khác cho thêm hương vị thơm ngon.
Bước 1 | Sơ chế me tươi
Rửa me với nước lạnh cho sạch bụi bẩn và loại bỏ quả hư
Ngâm me trong nước ấm khoảng 5–10 phút để vỏ me mềm và dễ bóc hơn.
Dùng dao nhọn rạch một đường dọc thân quả me rồi bóp nhẹ để hạt rơi ra ngoài.
Cho me vào ngâm trong thau nước muối loãng khoảng 1 ngày để tránh bị thâm, đồng thời giúp me ngâm có vị đậm đà hơn.
Sau khi ngâm, bạn vớt me ra, rửa lại với nước lạnh rồi để ráo.
Bước 2 | Nấu nước đường
Đổ 1/2 lít nước vào nồi, cho đường và muối vào, khuấy đều cho tan.
Đun nước đường đến khi sôi thì hạ nhỏ lửa, chờ thêm 5–10 phút thì tắt bếp, để nguội.
Bước 3 | Xếp me vào hũ
Rửa sạch hũ thủy tinh, phơi khô.
Xếp me vào hũ, để me dựng đứng, cuống hướng lên trên.
[inline_article id=266148]
Bước 4 | Đổ nước đường vào me
Khi nước đường đã nguội hẳn, bạn đổ vào hũ đựng me.
Lưu ý đổ ngập me nhưng cách miệng bình khoảng 1cm chứ không ngập bình.
Đậy kín nắp, để ở nơi thoáng mát, không cho ánh nắng chiếu trực tiếp vào hũ. Thời gian ngâm từ 3–4 ngày là có thể dùng được.
Bước 5 | Cho thêm nguyên liệu
Bạn có thể cho thêm ớt đỏ xắt lát vào hũ me ngâm để có vị cay cay. Nếu thích có vị ngọt thanh thì bạn có thể cho thêm chút cam thảo. Cam thảo cũng giúp tạo màu vàng óng ả và hương thơm dễ chịu cho món me ngâm. Tuy nhiên, bạn nên giảm bớt đường khi ngâm me với cam thảo vì cam thảo cũng tiết ra chất ngọt.
Cách làm me ngâm với nước đường có thể giúp bạn để được lâu từ 2–3 tuần đến 1 tháng. Bạn nên bảo quản me ngâm trong ngăn mát tủ lạnh để giữ được lâu hơn. Nếu thấy me có dấu hiệu nổi bọt hoặc mùi lạ thì bạn không nên ăn.
Ngoài cách làm me ngâm đường, bạn cũng có thể thử học cách làm me ngâm muối ớt hay me ngâm mắm, cách làm me xanh ngâm. Nếu thích ăn me không quá chua, bạn có thể thử cách làm me chín ngâm đường. Không chỉ làm được món me ngâm, bạn còn có thể làm mứt me, nước đá me hay thậm chí là nước sốt cho đồ ăn mặn như thịt bò, sườn non, cá thu…
Mặc dù me mang lại nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe, nhưng bạn cũng không nên ăn quá nhiều hoặc ăn lúc bụng đói vì sẽ không tốt cho dạ dày. Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường thì không nên ăn me ngâm đường hoặc ăn rất ít. Người mắc chứng dị ứng cũng không nên ăn me để tránh gặp phải các triệu chứng khó chịu như khó thở, chóng mặt, đau khớp…
Cách làm me ngâm chua ngọt chẳng những thay đổi khẩu vị mà còn giúp bạn có thêm một món đãi khách đến chơi nhà. Hãy thử trổ tài làm me ngâm để câu chuyện đầu năm trở nên vui vẻ hơn với vị chua ngọt trên đầu lưỡi nhé!
Bạn ăn cá nhiều có tốt không? Liệu ăn cá nhiều sẽ ngừa được bách bệnh?
Bạn ăn cá nhiều có tốt không? Liệu cá có giúp bạn ngừa được bách bệnh?
Cá là loại thực phẩm thơm ngon, nhiều dinh dưỡng và không gây béo nên thường có trong thực đơn giảm cân, giữ dáng. Ngoài ra, cá còn chứa nhiều axit béo omega-3 nên rất tốt cho tim mạch cũng như trí não của người lớn và trẻ nhỏ. Do đó, nhiều người rất muốn ăn thực phẩm này hàng ngày. Thế nhưng, bạn ăn cá nhiều có tốt không? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin để bạn hiểu rõ hơn nhé.
Giá trị dinh dưỡng của cá
Dưới đây là các chỉ số thành phần dinh dưỡng trong 154g phi lê cá hồi Đại Tây Dương do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (United States Department of Agriculture) cung cấp:
Lượng calo: 280
Chất béo: 12,5g
Natri: 86mg
Carbohydrate: 0g
Chất xơ: 0g
Đường: 0g
Chất đạm: 39,2g
[inline_article id=252211]
Lượng calo trong cá sẽ thay đổi nhiều hay ít phụ thuộc vào cách chế biến. Vì vậy sẽ rất khó so sánh lượng calo khi cá đã qua sơ chế. Nhưng theo dữ liệu dinh dưỡng của USDA, bạn có thể so sánh lượng calo trong cá sống. Trong 100g các loại cá sống có thành phần dinh dưỡng và lượng calo như sau:
Cá bơn còn da: 116 calo, 3g chất béo, 0g carbohydrate, 20g chất đạm.
Cá ngừ vây vàng: 109 calo, chất béo chưa tới 1g, 0g carbohydrate, 24g chất đạm.
Cá tuyết: 82 calo, 0,7g chất béo, 0g carbohydrate, 18g chất đạm.
Cá nục heo: 85 calo, 0,7g chất béo, 0g carbohydrate, 18,5g chất đạm.
Cá rô biển: 79 calo, 1,4g chất béo, 0g carbonhydrate, 15g chất đạm.
Ngoài ra, trong một số loại cá còn có chứa axit béo (omega-3). Chất này giúp cải thiện và ngăn ngừa một số bệnh lý như tim mạch, viêm khớp… và một số vấn đề liên quan đến mắt và não. Đồng thời các loại cá có nhiều omega-3 rất phù hợp cho các chị em bổ sung vào thực đơn ăn kiêng góp phần cải thiện vóc dáng. Trong 100g các loại cá sống có hàm lượng omega-3 như sau:
Cá thu: 5,1g
Cá hồi: 2,3g
Cá trích:1,7g
Cá mòi: 1,5g
Cá cơm: 2,1g
Ăn cá nhiều có tốt không?
Các chuyên gia khuyến nghị bạn nên ăn cá 2 lần mỗi tuần. Vì trong thành phần của cá chứa nhiều axit béo omega-3 có lợi cho tim mạch và não bộ. Vậy thì bạn ăn cá nhiều có tốt không? Giáo sư dịch tễ học và dinh dưỡng học Eric Rimm cho biết: “Thói quen ăn cá hàng ngày còn tốt hơn so với ăn thịt bò”.
Tuy không nói rõ về lượng cá cần ăn mỗi ngày, nhưng các nhà nghiên cứu cũng đã cho biết bạn ăn cá ở mức tương đối trong tuần sẽ ít gặp nguy cơ mắc các bệnh đau tim gây tử vong.
Thế nhưng, ông Eric Rimm cảnh báo phụ nữ mang thai và trẻ em nên tránh ăn những loại cá to lớn có tuổi thọ cao như cá kiếm, cá ngừ. Vì trong các loại cá này có chứa hàm lượng độc tố cao như thủy ngân. Thay vào đó, bạn hãy lựa chọn những loại cá nhỏ có tuổi thọ thấp sẽ chứa ít hàm lượng thủy ngân hơn.
Thủy ngân không gây thiệt hại lâu dài cho người lớn nhưng chất độc này có thể gây ra các tác động thần kinh tạm thời. Một số bệnh nhân đã có dấu hiệu chóng mặt hoặc khó tập trung sau khi ăn món cá sống hoặc cá ngừ 2 lần/ngày.
Mặt khác, nếu nhu cầu tiêu thụ cá quá nhiều thì sẽ dẫn đến đánh bắt quá mức, gây mất cân bằng sinh thái. Vì vậy, hiện nay các mô hình nuôi cá ngày càng được mở rộng để đáp ứng đủ cho thị trường. Một số loài cá được nuôi trại có thể bổ dưỡng hơn ở môi trường tự nhiên.
Qua những nhận định của các nhà khoa học thì bạn chỉ nên ăn cá từ 2-3 lần/tuần để đảm bảo được sức khỏe và không làm mất cân bằng sinh thái.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng nên thay thế cá bằng các loại hải sản khác như rong biển, động vật thân mềm, động vật có vỏ để làm phong phú thực đơn hơn.
Những đối tượng không nên ăn cá
Cá có nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe nhưng không vì thế mà ai ăn cá cũng có lợi. Dưới đây là những đối tượng không nên ăn cá vì có thể làm cho tình trạng nặng hơn hoặc không thuyên giảm.
Người bị dị ứng hải sản: Một số loại cá biển có chứa một loại protein gọi là parvalbumin gây phản ứng với cơ thể như cá ngừ. Các dấu hiệu dị ứng khi ăn cá biển hay hải sản là ngứa khắp người, nổi ban đỏ, chóng mặt, buồn nôn…
Người bị gout: Người bị gout ăn cá nhiều có tốt không? Câu trả lời là không. Trong cá có chứa chất purine khi vào cơ thể sẽ chuyển hoá thành axit uric. Lượng axit uric dư thừa trong huyết tương gây ra bệnh gout. Người bệnh nên hạn chế ăn cá ít nhất có thể để tránh làm tình trạng xấu đi.
Người bị xơ gan: Bệnh nhân xơ gan có yếu tố cầm máu bị suy giảm, số lượng tiểu cầu thấp. Nếu ăn nhiều cá biển có chứa nhiều chất gây máu khó đông sẽ dẫn đến bị xuất huyết.
Người bị rối loạn tiêu hóa: Cá giàu chất đạm sẽ gây khó tiêu và nặng bụng, không tốt cho người bệnh.
[inline_article id=260237]
Bạn ăn cá nhiều có tốt không phụ thuộc vào loại cá bạn ăn và bạn có đang mắc bệnh về đường tiêu hóa hay dị ứng không. Bạn chỉ nên ăn cá 2-3 lần mỗi tuần để cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể và hạn chế làm mất cân bằng sinh thái. Bạn cũng có thể cân nhắc sử dụng thêm dầu cá để bổ sung chất omega-3 và thay cá bằng các loại hải sản khác để làm phong phú thực đơn nhé.
Tìm hểu về dưa món trước khi học cách làm dưa món ngon
Dưa món – món ăn có nguyên liệu chính là các loại rau củ được trộn với muối và một số gia vị khác, để lên men tạo vị chua. Đây là một món ăn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, cung cấp vi sinh vật (probitotic) có lợi cho hệ tiêu hóa, nhiều chất chống oxy hóa tìm thấy trong rau củ quả giúp chống lại các gốc tự do. Đồng thời, dưa món cũng có nhiều vitamin, khoáng chất giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ thị lực và hỗ trợ các chức năng khác của cơ thể.
Một số nghiên cứu cho thấy ăn dưa món có thể giảm cân, kiểm soát bệnh đái tháo đường và chống ung thư lá lách.
Thế nhưng, ăn quá nhiều dưa món sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Các thực phẩm ngâm mặn kích thích tiết axit dạ dày, làm tăng nguy cơ loét dạ dày – tá tràng hay ung thư dạ dày. Lượng muối quá cao trong dưa món có thể gây tăng huyết áp, tác động đến những người bị cao huyết áp hay tim mạch.
[inline_article id=266187]
Bạn nên lưu ý vài điểm sau khi dùng dưa món vừa thưởng thức được hương vị truyền thống, vừa không gây ảnh hưởng đến sức khỏe:
Không nên ăn món dưa muối khi còn xanh, có vị hăng cay, vì khi đó, trong rau củ dễ chứa nhiều nitrosamin, có thể gây ung thư. Chỉ nên ăn khi dưa món đã ngả màu một chút, có mùi thơm, vị chua và giòn.
Bạn nên hạn chế ăn dưa món nếu như đang gặp phải tình trạng đau, loét dạ dày – tá tràng hay có tiền sử bệnh tim mạch.
Không nên ăn quá nhiều và thường xuyên. Bạn nên ăn kèm cơm và các món ăn khác.
Trước khi ăn, bạn có thể rửa sơ qua nhiều lần với nước lọc để giảm độ chua, mặn của dưa.
Dưa món ăn thừa không nên cho lại vào lọ vì sẽ dễ làm hư dưa còn trong lọ. Dùng đũa sạch để lấy dưa, sau đó đậy nắp kín và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
Bạn có thể tự muối dưa hay rau, củ, quả tại nhà. Việc đó giúp bạn điều chỉnh được lượng muối thêm vào và đảm bảo thực phẩm sạch.
Sau đây, hãy cùng tìm hiểu một vài cách làm dưa món ngon tại nhà nhé.
Cách làm dưa món su hào cà rốt
Dưa món su hào cà rốt không chỉ có nguyên liệu đơn giản, dễ tìm mà các bước thực hiện cũng vô cùng đơn giản.
Chuẩn bị nguyên liệu
Su hào: 2 củ, bạn có thể thay đổi số lượng tùy thuộc vào số người ăn trong gia đình
Cà rốt: 1 củ, số lượng tương ứng với su hào theo tỷ lệ 2 su hào : 1 cà rốt
Tỏi, ớt
Một số gia vị: muối, đường, giấm, nước mắm
Thực hiện
Bước 1: Bạn gọt vỏ su hào rồi rửa sạch với nước, sau đó cắt nhỏ thành từng miếng vừa ăn. Cà rốt nạo bỏ vỏ, rửa sạch rồi cắt thành miếng vừa ăn như su hào. Nếu khéo tay, bạn có thể tỉa su hào và cà rốt thành hình bông hoa và cắt từng lát cho đẹp mắt.
Bước 2: Tỏi bóc vỏ, băm nhuyễn. Ớt tươi rửa sạch, bỏ hạt, sau đó cắt xéo thành từng lát nhỏ.
Bước 3: Bạn cho su hào, cà rốt vào một tô to, thêm chút muối tinh vào xóc đều cho ngấm gia vị. Nếu su hào, cà rốt tiết ra nước, bạn có thể chắt bỏ bớt nước. Như vậy, su hào và cà rốt cũng sẽ giòn, ngon hơn.
Bước 4: Rửa lại su hào, cà rốt lần nữa với nước lạnh rồi để ráo. Tiếp theo, bạn xếp xen kẽ su hào, cà rốt vào một lọ thủy tinh sạch.
Bước 5: Pha chế nước ngâm: bạn hòa tan 500ml nước cùng 2 thìa súp muối, 2 thìa súp đường, 2 thìa súp nước mắm và 2 thìa súp giấm, khuấy đều cho tan. Sau đó, bạn thả chút tỏi băm cùng ớt đã cắt lát vào.
Bước 6: Bạn đổ hỗn hợp nước muối ngâm vào lọ su hào, cà rốt đã xếp trước đó, trộn đều cho thấm. Đậy kín nắp và sau khoảng 2 – 3 ngày là có thể sử dụng được. Để giữ dưa món được lâu, bạn nên bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
Như vậy, bạn đã có một lọ dưa món su hào cà rốt thơm ngon cho gia đình.
Cách làm dưa món đu đủ
Chuẩn bị nguyên liệu
1 quả đu đủ xanh
1 củ cà rốt
1 quả dưa chuột (dưa leo) lớn
3 tép tỏi
Gia vị: Giấm trắng, muối, đường, nước mắm
Thực hiện
Bước 1: Đu đủ rửa sạch, gọt vỏ, ngâm nước khoảng 10 phút cho bớt nhựa. Để ráo, bổ đôi và bỏ hết hạt. Cắt đu đủ thành miếng lát dài hoặc vuông tùy ý thích, mỏng khoảng 1mm.
Bước 2: Rửa đu đủ vài lần cho đến khi hết nhựa. Lần cuối, bạn ngâm đu đủ trong nước đá lạnh có cho 1-2 giọt giấm, vớt ra, để ráo.
Bước 3: Cà rốt rửa sạch, gọt vỏ, cắt sợi khoảng 4cm. Dưa chuột rửa sạch, cắt dọc làm đôi, bỏ hát, thái miếng hoặc sợi. Cho cả hai ngâm với nước lạnh có pha chút muối 5 phút, vớt ra, để ráo.
Bước 4: Cho đu đủ, cà rốt, dưa chuột vào tô lớn cùng với 1 thìa súp muối. Sóc đều để muối và các nguyên liệu đều nhau. Để 10 phút rồi chắt bỏ nước.
Cho đường, nước lọc, nước mắm, mỗi thứ 2 thìa súp vào nồi, nấu tan. Cho vài tép tỏi đã bóc vỏ vào, rồi đổ tất cả ra tô, để nguội.
Bước 5: Cho các nguyên liệu đu đủ, cà rốt, dưa chuột vào lọ thủy tinh đã được khử trùng sạch. Đổ hỗn hợp nước đường, mắm đã đun sôi, để nguội ở bước 4 vào cùng giấm (2 thìa súp). Để nơi thoáng mát, 2 ngày sau lấy ra dùng. Sau đó nếu dưa món hơi chua, bạn nhớ bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
Cách làm dưa món ngâm nước mắm
Dưa món ngâm nước mắm có thành phần đa dạng với nhiều loại rau, củ, quả. Bạn có thể thay đổi các nguyên liệu để có được một hũ dưa món hợp khẩu vị.
Chuẩn bị nguyên liệu
Các loại rau, củ quả: 3 quả đu đủ, 2 củ su hào, 3 – 4 củ cà rốt, 2 – 3 củ kiệu, vài củ hành tím và một ít ớt tươi
500g đường cát trắng
400ml nước mắm ngon
Một số gia vị: muối, bột canh
Thực hiện
Bước 1: Đầu tiên, bạn bóc vỏ củ kiệu và hành tím, cắt rễ đem ngâm vào nước có pha ít muối. Ngâm khoảng vài tiếng rồi vớt ra rửa sạch, để ráo nước.
Bước 2: Gọt vỏ, rửa sạch các loại củ, quả đu đủ, su hào, cà rốt. Tiếp theo, bạn cắt thành các miếng nhỏ vừa ăn. Lưu ý, bạn không nên thái quá mỏng hay quá dày để đảm bảo độ giòn cho các loại củ, quả này.
Bước 3: Bạn hãy chuẩn bị một thau nước pha sẵn ít muối, cho các loại củ, quả đã cắt vào ngâm trong khoảng 20 – 30 phút. Sau đó, rửa lại với nước lạnh rồi vẩy sạch. Lặp lại 1 – 2 lần nữa để các loại củ, quả bớt đi độ hăng.
Bước 4: Trải đều các nguyên liệu đã sơ chế ra phơi nắng cho hơi héo. Nếu không phơi nắng được, bạn có thể cho rau củ vào lò nướng, sấy khô ở 100ºC, nhớ đảo mặt để tất cả khô đều.
Bước 5: Chuẩn bị nước ngâm dưa món: bạn cho khoảng 400ml nước mắm vào nồi, đun sôi. Khi nước mắm sôi, cho thêm đường vào đun ở lửa nhỏ cho đến khi đường tan hoàn toàn. Bạn có thể nêm nếm lại gia vị cho vừa miệng rồi bắc xuống, để nguội.
Bước 6: Bạn xếp lần lượt đu đủ, su hào, cà rốt vào một lọ thủy tinh sạch. Tiếp đến cho các củ kiệu, hành tím vào trong lọ. Cuối cùng, bạn hãy dùng thìa múc hỗn hợp nước mắm ngâm cho vào lọ đến ngập mặt các loại củ, quả. Bạn có thể thêm vài lát ớt cắt mỏng để tạo thêm vị cay cho dưa món.
Đậy kín nắp và để lọ dưa món ở nhiệt độ phòng khoảng 2 – 3 ngày là dưa bắt đầu ngấm, có thể sử dụng được. Bạn có thể ăn kèm với bánh chưng, bánh tét để đỡ ngán và tăng thêm hương vị cho món ăn.
Cách làm dưa món miền Trung
Chuẩn bị nguyên liệu
1kg củ kiệu tròn, không giập nát
2 củ cà rốt
5 – 7 quả ớt hiểm
6 củ hành tím
1 củ su hào non, cỡ vừa
Bẹ cải
Đường, nước mắm, mì chính (bột ngọt), muối
Thực hiện
Bước 1: Củ kiệu bóc màng, cắt bỏ lá, rễ. Hành tím bỏ bỏ, rửa sạch. Cà rốt, su hào gọt vỏ, rửa sạch, cắt tỉa cho đẹp theo ý thích. Ớt thái thành lát mỏng, bỏ hạt. Bẹ cải rửa sạch, thái khúc nhỏ (nguyên liệu này nếu không thích thì bạn có thể bỏ ra). Ngâm các nguyên liệu trong muối loãng 20 phút, vớt ra, rửa sạch khoảng 4-5 lần.
Bước 2: Cho các nguyên liệu vào mâm, phơi nắng 1-2 ngày (nếu nắng to bạn chỉ cần phơi 1 ngày). Chọn nơi cao ráo phơi để không bị ruồi bu.
Bước 3: Nấu 500ml nước mắm với 150ml nước sôi, để nguội. Cho 2 thìa súp đường và chút mì chính vào, khuấy tan, để nguội.
Bước 4: Xếp các nguyên liệu đã phơi nắng vào lọ thủy tinh sạch, đã khử trùng. Đổ nước mắm nấu ở bước 3 vào ngập rau củ. Để rau củ không nổi lên, gây màng, bạn dùng đĩa đặt lên trên, nén chặt (có thể đặt 1 bát nước nhỏ lên đĩa để rau không nổi lên). Hai ngày sau, bạn có thể thưởng thức.
[inline_article id=266161]
Bài viết trên đã chia sẻ cho bạn cách làm dưa món su hào cà rốt, cách làm dưa món đu đủ, cách làm dưa món ngâm nước mắm, cách làm dưa món miền Trung. Bạn có thể tham khảo và lưu lại cách làm dưa món ngon nhất để bữa ăn thêm đậm đà nhé.
Thịt đông là món ăn không thể thiếu được trong mâm cơm của người miền Bắc. Thịt đông không quá khó làm, nhưng nếu biết cách nấu thịt đông ngon đúng điệu, bạn sẽ có một món ăn nhiều chất đạm nhưng không mang lại cảm giác ngán khi ăn.
Thịt đông thường được chế biến từ những nguyên liệu như chân giò, tai, bì, thịt gà… Đây đều là những phần chứa rất nhiều chất béo, chất đạm và cholesterol xấu. Do đó, nếu không biết cách chế biến hoặc ăn không đúng cách, bạn sẽ dễ cảm thấy ngán, tăng cân, thậm chí với những người có tiền sử mắc rối loạn chuyển hóa, món ăn này còn có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực.
Để giúp bạn tránh được những điều này, MarryBaby đã sưu tầm 2 cách nấu thịt đông theo truyền thống đúng chuẩn, bạn có thể tham khảo và thử chế biến cho gia đình mình nhé.
Cách nấu thịt đông theo truyền thống: Cách nấu thịt đông chân giò ngon
Nguyên liệu
Thịt chân giò
Tai heo hoặc bì lợn (để tạo độ đông cho món ăn)
Mộc nhĩ
Nấm hương
Hành khô
Cà rốt
Gia vị: nước mắm, hạt nêm, mì chính (bột ngọt), tiêu
Các bước làm thịt nấu đông
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Thịt chân giò: Bạn nên chọn miếng thịt tươi ngon, thớ thịt màu đỏ hồng, sờ vào thấy rắn chắc và không nghe mùi ôi. Sau khi mua về, bạn xát muối rửa sạch, thái thành từng miếng nhỏ và trụng sơ với nước sôi có chút muối và hành tím đập giập để thịt có mùi thơm và không bị vỡ khi nấu đông. Sau khi trụng xong, bạn hãy rửa lại bằng nước sạch, để ráo, ướp một ít nước mắm, một ít mì chính để thịt có hương vị đậm đà.
Tai heo: Bạn cần chú ý sơ chế kỹ những khía lõi ở cuống tai vì vị trí này thường chứa rất nhiều chất bẩn. Sau đó, bóp rửa với một chút muối, giấm gạo hoặc chanh để làm sạch. Sau khi rửa sạch, bạn cũng trụng sơ với nước sôi và nhanh chóng rửa lại bằng nước lạnh hoặc ngâm vào nước đá để tạo độ giòn và tránh bị dính khi thái nhỏ. Khi tai heo đã nguội, bạn thái thành từng miếng nhỏ nhưng chú ý là đừng thái quá mỏng.
Mộc nhĩ, nấm hương: Rửa sạch, ngâm nước nóng cho mềm, sau khi ngâm rửa lại một lần nữa, thái sợi hoặc khúc vuông. Tránh thái quá nhỏ vì như vậy khi nấu, mộc nhĩ và nấm hương sẽ bị nhũn ra, mất độ giòn dai.
[inline_article id=214565]
Bước 2: Tiến hành cách nấu thịt đông chân giò ngon
Bắc bếp, cho dầu ăn, hành tím, mộc nhĩ, nấm hương vào xào, nêm nếm một chút gia vị, thêm ít hạt tiêu vào đảo đều. Sau khi xào, đổ hỗn hợp ra một cái chén. Tiếp theo, bạn cũng bắc bếp, cho dầu ăn, hành tím vào phi thơm rồi cho thịt chân giò và tai heo vào xào.
Kế tiếp, bắc nồi lên bếp ga hoặc bếp từ. Để tiết kiệm thời gian, bạn có thể sử dụng nồi áp suất.
Đầu tiên, bạn cho hỗn hợp thịt chân giò và tai heo vào nồi, đổ nước ngập mặt thịt, khi sôi, hãy hớt bọt ra để món thịt đông trong và hấp dẫn hơn.
Khi thịt đã chín mềm, bạn hãy cho hỗn hợp mộc nhĩ, nấm hương vào, nêm nếm gia vị vừa rồi đun thêm khoảng 5 phút nữa là có thể tắt bếp.
Bước 3: Trang trí món ăn
Cắt cà rốt thành hình bông hoa rồi đặt dưới đáy bát trước khi múc thịt đông ra chén để khi úp món thịt đông sẽ trở nên đẹp mắt hơn. Cất thịt đông vào tủ lạnh 4 – 6 giờ để thịt đông lại.
Cách nấu thịt đông gà thơm ngon, lạ miệng
Bên cạnh nấu thịt đông theo truyền thống là nấu thịt đông bằng thịt lợn, bạn có thể thử chuyển sang cách nấu đông thịt gà. Điều này không chỉ giúp làm mới món thịt đông mà còn giúp món ăn trở nên bổ dưỡng, ngon và không gây ngấy.
Nguyên liệu
700g thịt gà
Cà rốt
Mộc nhĩ
Nấm hương
Gia vị: muối, nước mắm, hạt niêm, tiêu…
Các bước nấu thịt đông gà
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Thịt gà: Sau khi mua về, bạn hãy xát muối, rửa sạch rồi lọc bỏ bớt phần mỡ ở miếng thịt và chặt thành từng miếng nhỏ. Bạn cũng có thể rút bỏ xương để ninh lấy nước, còn phần thịt thì để nấu thịt đông. Ướp thịt gà với 1 thìa nước mắm, 1 thìa cà phê muối và 1 chút hạt tiêu khoảng từ 15 – 20 phút.
Mộc nhĩ, nấm hương: Rửa sạch, ngâm với nước cho nở. Sau đó, cắt chân và thái sợi hoặc khúc vuông. Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch và tỉa hoa.
[inline_article id=253458]
Bước 2: Tiến hành cách nấu thịt đông gà
Cho thịt gà đã sơ chế vào nồi, xào khoảng 10 phút cho ngấm gia vị, sau đó cho mộc nhĩ, nấm hương vào, thêm chút muối và hạt tiêu, xào khoảng 5 phút.
Đổ nước hoặc nước dùng gà vào nồi gà đã xào, lượng nước ngập mặt thịt. Khi nước sôi, bạn nêm nếm gia vị cho vừa miệng.
Để sẵn một cái chén và để cà rốt đã thái hoa dưới đáy, khi thịt gà chín, múc lên trên, để nguội, bọc lại rồi cho vào tủ lạnh. Hôm sau, bạn có thể thưởng thức món ăn hấp dẫn, lạ miệng này.
Một số lưu ý khi ăn thịt đông
Thịt đông là món ăn hấp dẫn trong những ngày Tết. Tuy nhiên, khi thưởng thức món ăn này, bạn cần lưu ý một số điều sau:
Nên ăn thịt đông cùng dưa hành và rau củ để giúp cơ thể tiêu hóa thịt một cách dễ dàng. Bên cạnh dưa hành, bạn cũng nên ăn thêm nhiều rau xanh (các loại rau thơm) để tăng cường vitamin và hạn chế việc nạp quá nhiều chất đạm.
Ăn nhiều trái cây như mận, táo… sau khi ăn thịt đông để hạn chế lượng chất béo nạp vào cơ thể.
Bạn nên chia nhỏ thịt đông thành từng phần và bảo quản cẩn thận trong ngăn mát tủ lạnh, tránh ôi thiu gây ngộ độc.
Hy vọng cách nấu thịt đông theo truyền thống với cách nấu thịt đông chân giò, cách nấu thịt đông gà ở trên sẽ giúp bạn trổ tài