Categories
Gia đình Thường thức gia đình

Hướng dẫn cách trồng đào sau Tết từ a-z cho gia đình yêu hoa cỏ

Nhiều gia đình quan tâm đến cách trồng đào sau Tết để có thể trưng lại loài hoa này trong năm tiếp theo. Cách trồng đào sau Tết không quá khó, chỉ cần bạn kiên nhẫn và tỉ mỉ là có thể thành công.

Đào là loại hoa được rất nhiều gia đình yêu thích và lựa chọn trong mỗi dịp Tết đến xuân về. Để tiết kiệm chi phí cho năm sau, bạn hoàn toàn có thể áp dụng cách trồng đào sau Tết để cây có thể tiếp tục ra hoa. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ cách trồng đào sau Tết cho bạn tham khảo nhé.

Cách trồng đào sau Tết

Trước khi trồng lại đào, bạn cần chăm sóc đào trong Tết bằng cách tưới nước ấm từ 45 đến 50 độ C, mỗi ngày tưới 4 – 6 lần. Để đào mau phát triển và ra hoa, bạn pha loãng phân lân và phân kali với nước để tưới vào gốc cây. Ngoài ra, có thể đặt cây ở vị trí dưới ánh đèn để tạo không gian ấm, giúp hoa nhanh nở.

Thời điểm tốt nhất để áp dụng cách trồng đào sau Tết là khi đào đã nở hết các lộc non và nụ.

Cách trồng đào sau Tết gồm các bước sau:

1. Thu gom đào

Nếu bạn muốn chăm sóc lại cây đào đã có sẵn thì có thể bỏ qua bước thu gom đào. Một số gia đình muốn tìm kiếm một gốc đào đẹp để chăm sóc hoặc những nhà vườn trồng đào để buôn bán thường sẽ đi thu gom gốc đào sau Tết. Việc đi gom gốc đào sau Tết sẽ tiết kiệm chi phí và có cơ hội tìm được những cây đào có sẵn thế đẹp.

Thu gom gốc đào thường được thực hiện sau mùng 10 tháng Giêng, một số người có thể tiến hành gom từ mùng 6 hoặc mùng 7 để có được những gốc thế đẹp. Theo kinh nghiệm từ những người trồng đào, để có thể trồng được cây đào gốc to bằng cổ tay trở lên thì phải mất từ 2 đến 3 năm, thậm chí lên đến 6 năm.

Sau khi gom xong những gốc đào, bạn cần làm tươi cho cây. Các gốc đào sẽ được để nơi thoáng mát, được cắt cành, tỉa lá, tưới nước trước khi trồng sang nơi khác. Nếu được chăm sóc đúng cách, bạn sẽ có một cây đào cảnh ra hoa đẹp đúng dịp Tết năm sau để có thể trưng hoặc buôn bán.

Cách trồng đào sau Tết
Sau Tết, bạn có thể thu gom đào từ các gốc đào cũ được bỏ đi hoặc đào rừng đã hết mùa hoa nở

2. Chuẩn bị đất trồng

Nếu muốn chuyển đào từ chậu sang trồng đất vườn thì bạn cần chọn đất trồng tơi xốp, vị trí cao ráo, thoát nước tốt,  luống nên cao khoảng 25-30cm, rộng 70cm. Nếu trồng trong không gian nhỏ hẹp, bạn cần xử lý tốt khâu thoát nước, vì đào là loại cây không chịu được ngập úng. 

Loại đất thích hợp để trồng đào là đất thịt pha đất sét có độ PH trung bình từ 7 – 8%.

Ngoài ra, bạn có thể sử dụng chế phẩm bón vào đất để cây được nuôi dưỡng tốt hơn.

Cách pha chế phẩm để bón vào đất trồng đào: Orgamin hòa với nước sạch theo hướng dẫn trên bao bì, sau đó dùng hỗn hợp này để tưới ẩm bầu trước khoảng 10-15 ngày khi trồng đào. Cách làm này sẽ thúc đẩy đào ra bộ rễ mới, khả năng sống và sinh trưởng sau khi trồng lại sẽ cao hơn.

Nếu không chuyển đào ra đất trồng mà vẫn để trong chậu cũ, bạn nên thay hỗn hợp đất ở chậu theo tỷ lệ 3 – 4 phần đất trộn với 1 phần phân hữu cơ.

Cách trồng đào sau Tết
Chuẩn bị đất trồng rất quan trọng khi chăm sóc hoa đào sau Tết

3. Cắt sửa cành

Sau khi trồng lại đào, bạn tiến hành cắt cành lần thứ nhất. Việc này cần được làm ngay sau khi trồng, càng sớm càng tốt và phải cắt thật mạnh tay. Cắt cành sẽ giúp cành mới ra nhiều, năm tới nở nhiều hoa. Nếu để cành già nhiều mà không kịp cắt, hoa sẽ chỉ ra ở những đọt non phía ngoài.

Sau lần cắt cành lần đầu tiên, mỗi tháng bạn chỉ cần cắt nhẹ một vài lần cho đến tháng 6 âm lịch. Trong quá trình cắt, bạn có thể kết hợp sửa những cành xấu và tạo hình tán cây.

4. Bón phân cho cây

Thời điểm thích hợp để bón phân cho đào là 20 ngày sau khi trồng cho đến tháng 9 hàng năm. Bón mỗi cây từ 0.5 đến 1kg NPK trộn với 2ml Siêu phân bón NEB tùy vào kích thước của cây. Vị trí bón phân là cách gốc 30 – 50cm theo hình chiếu của tán cây.

Bạn cần lưu ý tưới nước đủ ẩm cho đào trong thời kỳ bón phân để cây hấp thụ phân tốt nhất.

5. Hãm cây

Hãm cây là hạn chế sự sinh trưởng khi cây bắt đầu chuyển sang giai đoạn ra hoa, mục đích là để hoa có thể nở vào đúng dịp Tết.

Cách hãm cây: Dùng dao sắc khứa một vòng cho đứt vỏ vùng gần cổ cây. Sau khi hãm tầm một tuần, nếu thấy lá đào chuyển từ màu xanh đậm sang xanh nhạt và hơi rũ xuống là được. Nếu lá vẫn không có gì thay đổi thì cần hãm lại bằng cách khứa thêm một vòng nữa trên vết cũ. Tiếp tục hãm lần thứ 3 nếu vẫn chưa thành công.

Thời gian hãm cây thường bắt đầu từ giữa đến cuối tháng 8 âm lịch. Những cây khỏe, lá xanh tốt sẽ được hãm trước và cây yếu hãm sau. Những cây già sẽ không hãm.

6. Tuốt lá

Đào thường rụng lá vào mùa đông hàng năm. Sau khi lá rụng, nụ sẽ phát triển nhanh và ra hoa. Nếu để cây phát triển và rụng lá tự nhiên thì đào sẽ rụng lá vào cuối tháng chạp và nở hoa vào cuối tháng Giêng hoặc đầu tháng hai. Vì vậy, nếu muốn hoa đào nở vào đúng dịp Tết, bạn cần kết hợp hãm cây với tuốt lá. 

Việc tuốt lá thường được thực hiện từ mùng 5 đến 20/11 âm lịch. Những cây to khỏe sẽ được tuốt lá sớm hơn cây già, yếu.

Khi tuốt lá, bạn nên dùng tay nhẹ nhàng bứt từng lá một, tuyệt đối không tuốt lá thẳng từ đọt xuống hết nách lá vì sẽ làm tổn thương mầm hoa.

7. Thúc hoặc hãm thời gian ra hoa

Tùy vào các điều kiện khách quan, đào có thể không ra hoa đúng dịp Tết mặc dù đã áp dụng các cách ở trên. Nếu thời tiết lạnh, hoa sẽ ra chậm. Ngược lại, hoa sẽ nở sớm trong điều kiện nắng ấm. Do đó, bạn cần thực hiện thúc hoặc hãm thời gian ra hoa để đảm bảo có hoa đẹp trưng trong ngày Tết.

  • Cách thúc thời gian ra hoa: Đầu tháng 12 âm lịch, nếu thấy các nụ hoa chưa nhú một cách rõ ràng, cần phải thúc cây ra hoa. Bạn dùng phân đạm Sunfat nitrat hay urê để tưới cho cây hoặc tưới nước nóng 35 độ -40 độC.
  • Cách hãm thời gian ra hoa: Vào hạ tuần tháng 11 âm lịch, nếu thấy nụ hoa nhú to, có thể hoa nở sớm, cần áp dụng các biện pháp hãm. Vì hoa dễ nở trong thời tiết nắng ấm, nên bạn cần che ánh sáng, tạo bóng tối cho cây cả ngày. Bên cạnh đó, bạn không tưới nước, không xới đất. Ngoài ra, bạn có thể áp dụng cách hãm cây bằng cách khứa một vòng quanh thân.

Biện pháp thúc hoặc hãm thời gian ra hoa chỉ nên thực hiện trong trường hợp cần thiết. Nếu đào có dấu hiệu ra hoa đúng tiến độ, bạn không nên tác động quá nhiều vì có thể ảnh hưởng đến chất lượng của hoa.

Cách trồng đào sau Tết
Nếu chăm sóc tốt, bạn sẽ có những gốc đào nở hoa rực rỡ vào Tết năm sau

7. Phòng trừ sâu bệnh

Nếu đào bị nhện đỏ làm vàng lá, rụng, bạn có thể dùng luân phiên các loại thuốc Regent 800WG, Sokupi để xử lý. Nếu đào có dấu hiệu đốm lá thì cần dùng Anvil 10EC hat Penac P. Cây đào cũng có thể bị rệp sáp làm hại, bạn có thể dùng Supracide để phòng trừ.

8. Tạo thế cho cây đào

Việc tạo thế, tạo tán cho đào cần được thực hiện 5 – 7 ngày một lần. Cách làm khá đơn giản, bạn kết hợp uốn, buộc các cành non lại với nhau hoặc nắn cành cây, tỉa lá theo khung đã định sẵn. 

Chăm sóc cây cảnh sau Tết để có thể sử dụng tiếp cho năm sau giúp bạn tiết kiệm được một phần chi phí. Cách trồng đào sau Tết không khó, chỉ cần bạn lưu ý những thời điểm quan trọng để tiến hành các thủ thuật chăm sóc là cây có thể tiếp tục phát triển và nở hoa đúng dịp Tết năm sau.

Xem thêm:

By Phạm Trung Hiếu

Biên tập viên Phạm Trung Hiếu đã có hơn 5 năm kinh nghiệm biên tập thông tin sức khỏe nói chung và mảng Mẹ & Bé nói riêng cho các trang tin MarryBaby, theAsianParents...
Hiện tại, anh đang phụ trách biên tập các tin bài về Mẹ & Bé cho trang web MarryBaby với mong muốn cung cấp các thông tin khoa học và hữu ích giúp bạn đọc dễ dàng chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình nhỏ của mình.