Theo luật gia – chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ: Giao tiếp không chỉ là nghệ thuật, giao tiếp cũng là một kỹ năng, vì thế nên đòi hỏi sự rèn luyện không ngừng. Nói được lời vàng ý ngọc, đem lại thành công hay chỉ như con vẹt nhại theo mẫu chung mà không thật sự hiểu gì, tất cả nằm ở cách bạn giao tiếp.
Hai nguyên tắc cơ bản trong quá trình đàm thoại
1. Không phán đoán đúng/sai về quan điểm của đối phương
Trong lúc nói chuyện, sai lầm mà chúng ta dễ phạm nhất chính là trong lòng cố gắng phán đoán quan điểm của đối phương. Sở dĩ chúng ta hay phán đoán vì trong mỗi chúng ta luôn có một giá trị quan riêng.
Cùng một câu nói, khi vui ta đón nhận theo một ý khác, khi buồn ta tự “dịch” ra theo một ý khác, vô hình trung tác động rất nhiều đến bản chất sự việc. Chỉ có lắng nghe hoàn chỉnh lời đối phương nói một cách tỉ mỉ mới biết được ngọn nguồn và quan điểm của họ. Khi đó, bạn mới có được sự phân tích, phán đoán chính xác, đôi khi điều đó sẽ mang đến cho bạn một quan niệm hay sự sáng tạo hoàn toàn mới.
2. Đầy sự tôn trọng
Khổng Tử có nói: “Ba người cùng đi ắt có người là thầy ta”. Muốn người khác tôn trọng mình thì bản thân chúng ta phải tôn trọng người khác trước đã.
Tôn trọng có thể giúp bạn giữ được bầu không khí gần gũi trong giao tiếp, khiến cho đối phương cảm nhận được sự chân thành của bạn, từ đó có thái độ lắng nghe cởi mở hơn. Tôn trọng không phải bạn cần quá cung kính trong giao tiếp. Bạn chỉ cần nói câu đủ ngữ nghĩa, khi nói nhìn thẳng hoặc hướng về phía người nghe và có thái độ muốn người nghe giao tiếp lại với mình là đủ.
Tận dụng sức mạnh của lời nói
1. Cố gắng hạn chế từ mang tính phủ định
MC Thanh Bạch cho rằng ngôn ngữ phức tạp nhất ở điểm: cùng một quan điểm có nhiều cách biểu đạt. Các nhà tâm lý học điều tra phát hiện, không sử dụng từ phủ định trong giao tiếp sẽ đạt hiệu quả tốt hơn là sử dụng chúng. Lý do là khi bạn sử dụng từ mang tính phủ định sẽ khiến đối phương sinh ra cảm giác bị ra lệnh hoặc bị đánh giá, tuy có nói rõ được quan điểm của bạn thì họ cũng không dễ dàng tiếp nhận.
Ví dụ như thay vì nói: “Tôi không đồng ý anh làm như thế!”, chúng ta có thể đổi cách nói khác: “Tôi hy vọng anh suy nghĩ kỹ hơn về việc đó/cân nhắc về việc làm điều đó”. Cùng một vấn đề, chúng ta có thể chọn từ khẳng định để biểu đạt.
Nhớ suy nghĩ thêm vài giây để chọn cách biểu đạt thích hợp hơn nhé.
2. Vận dụng tốt ngôn ngữ cơ thể
Câu từ, ngữ điệu, động tác cơ thể cấu thành một hệ thống biểu đạt trong giao tiếp giữa người với người, tạo cảm giác sinh động, gần gũi và sức thuyết phục cao hơn. Nghiên cứu cho thấy, tác dụng sinh ra từ ba yếu tố này không hoàn toàn như nhau: câu từ chiếm 7%, ngữ điệu chiếm 38% và động tác cơ thể chiếm đến 55%.
Ví dụ, nếu nói “Số tiền đó là 1 tỉ”, có thể bạn sẽ rất khó phán đoán chính xác, không biết người ta nói câu này có ý gì. Nếu người nói tăng thêm ngữ điệu và biểu hiện kinh ngạc thì sẽ khác, bạn có ngay cảm giác “thật bất ngờ”. Nếu tăng thêm ngữ điệu và biểu hiện phẫn nộ thì cảm giác mang đến lại là “sự cố”. Ngôn ngữ cơ thể giúp bạn tăng ý biểu đạt và hướng người nghe gần với ý đồ truyền đạt của mình hơn.
3. “Ký gửi” sự hy vọng và nói đúng vấn đề
Ngôn ngữ theo kiểu mệnh lệnh có thể khiến người ta có cảm giác bị xem thường và không được tôn trọng, MC Phương Thảo chia sẻ với bạn bí quyết, thay vì nói: “Anh phải làm xong việc này trong năm ngày đấy!”, có thể đổi là: “Tôi tin anh sẽ hoàn thành mục tiêu xuất sắc trong 5 ngày”. Cách biểu đạt mang tính hy vọng này có hiệu quả rõ rệt nhất trong công việc. Cho dù bạn là sếp hay nhân viên, sự khéo léo trong lời nói luôn tăng thêm sức hấp dẫn và uy lực của bạn.
Đặc biệt, cần tránh việc khuếch đại và làm trầm trọng hóa ý nghĩa của vấn đề khi giao tiếp. Việc đó cũng giống như khi bạn lỡ tay làm vỡ cái ly khi rót nước mà cấp trên phê phán: “Em thật không có ý thức trong môi trường làm việc”.
Nói đúng vấn đề cũng là một nghệ thuật trong giao tiếp. Bạn dễ bị sa đà vào việc thổi phồng sự việc muốn truyền tải mà không ý thức được hệ quả không tốt đi kèm. Nếu muốn lời nói có trọng lượng hơn, nên kết hợp cùng ngôn ngữ cơ thể hoặc cách nói nguyên nhân – kết quả.
4. Không hứa khi vui, không nói khi đang nóng giận
Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ bày tỏ: “Khi tâm trạng bất ổn hoặc đang kích động, giận dữ, trí lực sẽ rất thấp”. Nghiên cứu của các nhà tâm lý học cho thấy, trí lực của con người trong những lúc tâm trạng bất ổn chỉ bằng đứa bé 6 tuổi.
Khi tâm trạng không ổn định, người ta thường biểu đạt không đúng ý của mình. Lý lẽ bất phân, ngôn ngữ không rõ ràng, càng không thể đưa ra quyết sách gì cả.
Tác gia vĩ đại người Anh, W. Somerset Maugham từng nói: “Người ta có đủ thời giờ để lựa lời, nhưng không có cơ hội để rút lại”. Trong công việc hay cuộc sống, một câu nói có thể biến bạn thành thù. Vì vậy, nên cẩn thận và hạn chế lời nói khi tâm trạng bạn không tốt.
5. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau!
Khi chê chỉ nói nửa câu: Hoài Anh, trợ lý giám đốc, TP. HCM, chia sẻ: “Trước đây, mình nghĩ chỉ cần có ý tốt khi góp ý là đủ, lời nói không quan trọng. Vậy mà sau một thời gian mình bị cô lập vì mang tiếng hay chê bai người khác. Sau đó, rút kinh nghiệm, khi cần góp ý với ai đó mình chỉ nói một nửa ý kiến tích cực của mình. Ví dụ: “Cái váy này chắc đắt tiền. lắm?
Nó làm mình nhớ tới chiếc váy hôm trước bạn mặc, cái đó có màu đậm và ít bèo nhún hơn thì phải. Bạn mặc cái đó rất đẹp…”. Còn phần tiêu cực như “… bởi vì bạn mặc váy màu này trông béo và làm da đen sạm hẳn đi” thì mình giữ lại, không nói hoặc chỉ nói khi người đó thật sự thân và muốn lắng nghe ý kiến góp ý của mình.
Bạn không nên lạm dụng sức mạnh của lời nói, nên nói đúng lúc, đúng chỗ là cách nhanh và tiết kiệm nhất để bạn thành công.
Gia Huy