Categories
Tình cảm gia đình Gia đình

Khoảng cách giữa ba mẹ và con cái: Làm sao để rút ngắn?

“Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” là cách dạy con quá cổ lỗ sĩ trong thời đại ngày nay. Thời gian, áp lực công việc không cho phép bạn gần gũi con nhiều như thế hệ trước đây. Nếu để khoảng cách giữa ba mẹ và con cái quá ngăn cách, bạn không thể hiểu con và đồng hành cùng con trong quá trình trưởng thành. Do vậy, lời khuyên của Marry Living là hãy chủ động làm bạn cùng con, để con tin tưởng và sẻ chia, đó là cách dạy con tốt nhất

Để làm được điều này, bạn đừng bỏ qua những quy tắc hành xử với con sau đây

Yêu thương và tôn trọng con cái

Một trong những lý do khiến khoảng cách giữa bố mẹ và con cái ngày càng xa là do bố mẹ luôn kiểm soát, can thiệp sâu vào đời tư của con. Yêu thương và tôn trọng con cái là điều quan trọng bố mẹ nên nhớ khi nuôi dạy con cái.

Dành nhiều thời gian cho con

Để rút ngắn khoảng cách với con cái, các bậc phụ huynh nên dành nhiều thời gian cho con hơn. Tận dụng những khoảng thời gian trước khi đi ngủ, trong lúc ăn cơm, cùng xem tivi hay lúc đưa con đến trường,… để trò chuyện với con là vô cùng có ý nghĩa.

Bố mẹ có thể hỏi con những câu hỏi đơn giản như “hôm nay con đi học có gì vui, kể cho mẹ với?”, “Hôm nay con đã học gì ở trường, nó có vui không?”… Dành nhiều thời gian chơi đùa, trò chuyện cùng con cũng là cách để bạn chia sẻ những kinh nghiệm hay, dạy con những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.

Rút ngắn khoảng cách giữa ba mẹ và con cái
Thường xuyên quan tâm con về chuyện học hành, bạn bè. Hãy làm bạn với con thay vì làm bố mẹ

Hãy để con tự khám phá

Cố bác sĩ Nguyễn Khắc Viện từng chia sẽ “hạnh phúc cho em bé biết bao khi gặp được bố mẹ biết cân nhắc liều lượng ép buộc, cấm đoán, trừng phạt tùy theo mức độ lớn lên, khôn lên và mức độ trưởng thành”. Có bao giờ bạn nghĩ mình là một “cai ngục” trong mắt các con? Bạn có thể không tin nhưng sự thật là con bạn đã từng nghĩ mình là tù nhân, bị giam hãm dưới sự cai trị của viên quản ngục đầy quyền lực là bố mẹ. Những cấm đoán, những mệnh lệnh sẽ khiến trẻ cảm thấy mình luôn bị ràng buộc, không thể tự do khám phá mọi thứ xung quanh.

Bố mẹ thường xuyên nói với trẻ đừng sờ vào chỗ này, chỗ kia, đừng có lại đó phá, đừng chạy nhảy trong nhà, đừng bật tivi to hoặc là không được thò tay xuống đất,…. và hàng trăm cái “đừng…” khác bố mẹ đặt ra cho các con. Nhưng hầu hết trẻ nhỏ đều mong muốn, mình được tự do trải nghiệm, tự do khám phá thế giới xung quanh, không muốn bị cấm đoán. Hầu hết những cấm đoán chỉ khiến trẻ hạn chế khả năng tư duy và phát triển kỹ năng trong lúc chơi, khiến trẻ trở nên thụ động, làm gì cũng lo lắng, sợ bố mẹ phản đối, la mắng.

Trò chuyện luôn là chìa khóa vàng để kết nối cha mẹ và con cái

Trò chuyện chính là chìa khóa vàng để rút ngắn khoảng cách giữa ba mẹ và con cái. Trò chuyện với con là cách để bố mẹ hiểu con hơn cũng như tự hiểu bản thân mình hơn. Khi trò chuyện với con bố mẹ nên tạo cho con cảm giác thoải mái để con có thể chia sẻ suy nghĩ tình cảm của mình với bố mẹ. Bố mẹ có thể tân dụng các khoảng thời gian như: lúc ăn cơm, chuẩn bị đi ngủ, lúc đi dạo cùng con, lúc dạy bé học hay lúc cùng con chơi đùa… Lắng nghe và thấu hiểu là điều quan trọng khiến hai thế hệ xích lại gần nhau.

Trò chuyện với con
Trò chuyện với con là cách để bố mẹ hiểu con hơn cũng như tự hiểu bản thân mình hơn

Hãy là người bạn thân của trẻ

Dành nhiều thời gian chơi đùa, trò chuyện cùng con sẽ giúp cha mẹ trở thành người bạn thân thiết của trẻ. Để trở thành người bạn đồng hành cùng con, bố mẹ cần biết rõ sở thích của con là gì, xem con thích cái nào và ghét những thứ gì. Thông thường trẻ sẽ bộc lộ những điều này thông qua các hành động, bạn chỉ cần để ý quan sát là có thể biết được.

Khoảng cách giữa ba mẹ và con cái được rút ngắn sẽ giúp bạn . Mục đích bạn muốn dạy dỗ con thành người thế nào: luôn chủ động, sáng tạo, tự lập hay muốn có những con búp bê thụ động và chỉ biết nghe lời bạn? Gần gũi con nhưng vẫn giữ sự nghiêm khắc cần thiết của người làm cha mẹ sẽ giúp hiệu quả dạy con của bạn tốt hơn.

Ngân Ngân

Categories
Tình cảm gia đình Gia đình

Bạn đã biết tận dụng sức mạnh của lời nói?

Theo luật gia – chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ: Giao tiếp không chỉ là nghệ thuật, giao tiếp cũng là một kỹ năng, vì thế nên đòi hỏi sự rèn luyện không ngừng. Nói được lời vàng ý ngọc, đem lại thành công hay chỉ như con vẹt nhại theo mẫu chung mà không thật sự hiểu gì, tất cả nằm ở cách bạn giao tiếp.

Hai nguyên tắc cơ bản trong quá trình đàm thoại

1. Không phán đoán đúng/sai về quan điểm của đối phương

Trong lúc nói chuyện, sai lầm mà chúng ta dễ phạm nhất chính là trong lòng cố gắng phán đoán quan điểm của đối phương. Sở dĩ chúng ta hay phán đoán vì trong mỗi chúng ta luôn có một giá trị quan riêng.

Suc manh cua loi noi 1
Chỉ có lắng nghe hoàn chỉnh lời đối phương nói một cách tỉ mỉ mới biết được ngọn nguồn và quan điểm của họ

Cùng một câu nói, khi vui ta đón nhận theo một ý khác, khi buồn ta tự “dịch” ra theo một ý khác, vô hình trung tác động rất nhiều đến bản chất sự việc. Chỉ có lắng nghe hoàn chỉnh lời đối phương nói một cách tỉ mỉ mới biết được ngọn nguồn và quan điểm của họ. Khi đó, bạn mới có được sự phân tích, phán đoán chính xác, đôi khi điều đó sẽ mang đến cho bạn một quan niệm hay sự sáng tạo hoàn toàn mới.

2. Đầy sự tôn trọng

Khổng Tử có nói: “Ba người cùng đi ắt có người là thầy ta”. Muốn người khác tôn trọng mình thì bản thân chúng ta phải tôn trọng người khác trước đã.

Tôn trọng có thể giúp bạn giữ được bầu không khí gần gũi trong giao tiếp, khiến cho đối phương cảm nhận được sự chân thành của bạn, từ đó có thái độ lắng nghe cởi mở hơn. Tôn trọng không phải bạn cần quá cung kính trong giao tiếp. Bạn chỉ cần nói câu đủ ngữ nghĩa, khi nói nhìn thẳng hoặc hướng về phía người nghe và có thái độ muốn người nghe giao tiếp lại với mình là đủ.

Tận dụng sức mạnh của lời nói

1. Cố gắng hạn chế từ mang tính phủ định

MC Thanh Bạch cho rằng ngôn ngữ phức tạp nhất ở điểm: cùng một quan điểm có nhiều cách biểu đạt. Các nhà tâm lý học điều tra phát hiện, không sử dụng từ phủ định trong giao tiếp sẽ đạt hiệu quả tốt hơn là sử dụng chúng. Lý do là khi bạn sử dụng từ mang tính phủ định sẽ khiến đối phương sinh ra cảm giác bị ra lệnh hoặc bị đánh giá, tuy có nói rõ được quan điểm của bạn thì họ cũng không dễ dàng tiếp nhận.

Ví dụ như thay vì nói: “Tôi không đồng ý anh làm như thế!”, chúng ta có thể đổi cách nói khác: “Tôi hy vọng anh suy nghĩ kỹ hơn về việc đó/cân nhắc về việc làm điều đó”. Cùng một vấn đề, chúng ta có thể chọn từ khẳng định để biểu đạt.

Nhớ suy nghĩ thêm vài giây để chọn cách biểu đạt thích hợp hơn nhé.

2. Vận dụng tốt ngôn ngữ cơ thể

Suc manh cua loi noi 3
Ngôn ngữ cơ thể giúp bạn tăng ý biểu đạt và hướng người nghe gần với ý đồ truyền đạt của mình hơn

Câu từ, ngữ điệu, động tác cơ thể cấu thành một hệ thống biểu đạt trong giao tiếp giữa người với người, tạo cảm giác sinh động, gần gũi và sức thuyết phục cao hơn. Nghiên cứu cho thấy, tác dụng sinh ra từ ba yếu tố này không hoàn toàn như nhau: câu từ chiếm 7%, ngữ điệu chiếm 38% và động tác cơ thể chiếm đến 55%.

Ví dụ, nếu nói “Số tiền đó là 1 tỉ”, có thể bạn sẽ rất khó phán đoán chính xác, không biết người ta nói câu này có ý gì. Nếu người nói tăng thêm ngữ điệu và biểu hiện kinh ngạc thì sẽ khác, bạn có ngay cảm giác “thật bất ngờ”. Nếu tăng thêm ngữ điệu và biểu hiện phẫn nộ thì cảm giác mang đến lại là “sự cố”. Ngôn ngữ cơ thể giúp bạn tăng ý biểu đạt và hướng người nghe gần với ý đồ truyền đạt của mình hơn.

3. “Ký gửi” sự hy vọng và nói đúng vấn đề

Ngôn ngữ theo kiểu mệnh lệnh có thể khiến người ta có cảm giác bị xem thường và không được tôn trọng, MC Phương Thảo chia sẻ với bạn bí quyết, thay vì nói: “Anh phải làm xong việc này trong năm ngày đấy!”, có thể đổi là: “Tôi tin anh sẽ hoàn thành mục tiêu xuất sắc trong 5 ngày”. Cách biểu đạt mang tính hy vọng này có hiệu quả rõ rệt nhất trong công việc. Cho dù bạn là sếp hay nhân viên, sự khéo léo trong lời nói luôn tăng thêm sức hấp dẫn và uy lực của bạn.

Đặc biệt, cần tránh việc khuếch đại và làm trầm trọng hóa ý nghĩa của vấn đề khi giao tiếp. Việc đó cũng giống như khi bạn lỡ tay làm vỡ cái ly khi rót nước mà cấp trên phê phán: “Em thật không có ý thức trong môi trường làm việc”.

Nói đúng vấn đề cũng là một nghệ thuật trong giao tiếp. Bạn dễ bị sa đà vào việc thổi phồng sự việc muốn truyền tải mà không ý thức được hệ quả không tốt đi kèm. Nếu muốn lời nói có trọng lượng hơn, nên kết hợp cùng ngôn ngữ cơ thể hoặc cách nói nguyên nhân – kết quả.

4. Không hứa khi vui, không nói khi đang nóng giận

Suc manh cua loi noi 3
“Người ta có đủ thời giờ để lựa lời, nhưng không có cơ hội để rút lại”

Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ bày tỏ: “Khi tâm trạng bất ổn hoặc đang kích động, giận dữ, trí lực sẽ rất thấp”. Nghiên cứu của các nhà tâm lý học cho thấy, trí lực của con người trong những lúc tâm trạng bất ổn chỉ bằng đứa bé 6 tuổi.

Khi tâm trạng không ổn định, người ta thường biểu đạt không đúng ý của mình. Lý lẽ bất phân, ngôn ngữ không rõ ràng, càng không thể đưa ra quyết sách gì cả.

Tác gia vĩ đại người Anh, W. Somerset Maugham từng nói: “Người ta có đủ thời giờ để lựa lời, nhưng không có cơ hội để rút lại”. Trong công việc hay cuộc sống, một câu nói có thể biến bạn thành thù. Vì vậy, nên cẩn thận và hạn chế lời nói khi tâm trạng bạn không tốt.

5. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau!

Khi chê chỉ nói nửa câu: Hoài Anh, trợ lý giám đốc, TP. HCM, chia sẻ: “Trước đây, mình nghĩ chỉ cần có ý tốt khi góp ý là đủ, lời nói không quan trọng. Vậy mà sau một thời gian mình bị cô lập vì mang tiếng hay chê bai người khác. Sau đó, rút kinh nghiệm, khi cần góp ý với ai đó mình chỉ nói một nửa ý kiến tích cực của mình. Ví dụ: “Cái váy này chắc đắt tiền. lắm?

Nó làm mình nhớ tới chiếc váy hôm trước bạn mặc, cái đó có màu đậm và ít bèo nhún hơn thì phải. Bạn mặc cái đó rất đẹp…”. Còn phần tiêu cực như “… bởi vì bạn mặc váy màu này trông béo và làm da đen sạm hẳn đi” thì mình giữ lại, không nói hoặc chỉ nói khi người đó thật sự thân và muốn lắng nghe ý kiến góp ý của mình.

Bạn không nên lạm dụng sức mạnh của lời nói, nên nói đúng lúc, đúng chỗ là cách nhanh và tiết kiệm nhất để bạn thành công.

Gia Huy

 

Categories
Tình cảm gia đình Gia đình

Con gái chọn chồng giống bố: Hướng đến hình mẫu lý tưởng

Mối quan hệ cha – con gái có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời phụ nữ, bất kể ở lứa tuổi nào. Cha và con gái là trải nghiệm đầu tiên về mối quan hệ khác giới trong cuộc đời người con gái. Từ trải nghiệm này sẽ hình thành nên hình mẫu lý tưởng về người đàn ông và việc con gái chọn chồng giống bố là điều dễ hiểu.

Tình phụ tử tác động đến mẫu người chồng lý tưởng

“Mối quan hệ cha – con gái có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời phụ nữ, bất kể ở lứa tuổi nào”, nhà tâm lý Peggy Drexler, tác giả cuốn “Our Fathers, Ourselves”, đưa ra nhận định sắc bén sau nhiều năm nghiên cứu:

Chọn chồng giống cha
Linda Nielsen, tác giả cuốn “Between Fathers and Daughters”, tin tưởng rằng nếu được cha yêu thương trọn vẹn, con gái sẽ tự tin vào chính mình

“Bạn sẽ không phải phụ thuộc vào đàn ông hay phải tìm kiếm một người đàn ông khác để được công nhận. Từ đó, bạn có một cái nhìn khôn ngoan hơn trong lựa chọn người bạn đời của mình. Nếu bạn không được cha mình ủng hộ, rất có thể bạn sẽ liều lĩnh đi tìm sự khẳng định chắc chắn từ những người đàn ông khác”.

Con gái chọn chồng giống bố

Nếu bạn băn khoăn liệu típ người đàn ông bạn muốn lấy làm chồng có liên hệ đến cha mình hay không, câu trả lời là có.

Thông thường với một người phụ nữ có mối quan hệ tốt và luôn tôn trọng, tin tưởng cha mình sẽ luôn tìm kiếm người đàn ông của mình giống như cha. Trái lại, phụ nữ sẽ có xu hướng chọn chồng có tính cách đối lập với cha nếu bạn thất vọng về cha mình.

con gái chọn chồng giống bố 1
Khi trưởng thành, con gái có xu hướng tìm kiếm mẫu người đàn ông giống cha mình

Điều trớ trêu là đôi khi phụ nữ cố tình chọn người bạn đời đối lập với cha để tránh xung đột nhưng khi gặp phải những căng thẳng trong cuộc sống hôn nhân, họ nghĩ rằng: “Sao anh ấy giống cha mình quá vậy!”.

Điều đó không có nghĩa là số phận trớ trêu, mà phần nhiều giống như việc bạn đang đối chiếu những nỗi đau trong quá khứ vào người bạn đời và càng khiến mối quan hệ tồi tệ hơn.

Những mẫu hình người cha điển hình

Bạn có thể thấy ảnh hưởng từ cha qua ba mẫu quan hệ bố và con gái điển hình.

Người luôn vắng mặt

Cô gái thiếu vắng tình thương của cha từ nhỏ sẽ luôn tìm kiếm những người đàn ông lớn tuổi để yêu. Họ trở nên bất an và dễ rơi vào tuyệt vọng. Họ luôn cố gắng gây sự chú ý từ mọi người qua cách hành xử. Các nhà khoa học đã chứng minh việc thiếu vắng hình ảnh người cha là nguyên nhân dẫn đến sự phát triển giới tính sớm ở bé gái.

Thực tế cho thấy, tình huống không chỉ xảy ra với những cô gái mồ côi hoặc không được cha yêu thương. Thiếu vắng còn là sự hiện hữu không thường xuyên của cha ở nhà. Có thể người cha đã dành thời gian quá nhiều cho công việc hay đơn giản là việc triền miên bỏ quên bữa tối gia đình trên bàn nhậu với bạn bè.

Tuy nhiên, Judy Klipin, tác giả cuốn “Life Lessons For The Adult Child: Transforming A Challenging Childhood”, lại không thấy sự thiếu vắng hình bóng người cha là nguyên nhân mấu chốt gây nên một mối quan hệ tồi tệ. Cô đã từng gặp nhiều phụ nữ có một cuộc sống thiếu vắng bóng dáng người cha nhưng vẫn có những mối quan hệ tình cảm hạnh phúc.

Người cha tuyệt vời

Không gì có thể sánh được khi bạn có một người cha tuyệt vời, nhưng điều đó cũng có mặt trái. Việc quá phụ thuộc vào sự giúp đỡ của người cha khiến bạn rất khó bắt đầu một mối quan hệ lứa đôi thực sự.

Những cô gái có người cha tuyệt vời thường có xu hướng so sánh bạn trai với cha. Điều này không hề công bằng. Khá nhiều nam giới thừa nhận cảm thấy ngại khi tiếp cận người con gái được cha hết mực cưng chiều.

con gái chọn chồng giống bố 2
Người cha tuyệt vời là người luôn bảo vệ, động viên và dạy dỗ bạn

Người cha làm bạn thất vọng

Một người cha đáng thất vọng có thể ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống lứa đôi của bạn? Rất có thể!

Hệ quả tồi tệ nhất là bạn vô thức cho rằng đàn ông được phép mất kiểm soát và có quyền gây tổn thương người khác. Cảm giác tin tưởng và được chở che dễ dàng biến thành ghen tuông rồi bạo hành gia đình khi bạn đặt quá nhiều hy vọng vào người bạn đời. Bạn có thể lệ thuộc vào một mối quan hệ như một chiếc phao cứu sinh, khi con thuyền của cha mình quá tồi tàn. Hoặc bạn sẽ có xu hướng phản kháng tiêu cực trong khi đang nóng giận và mối quan hệ kết thúc trong cãi vã.

Góc nhìn khác từ việc con gái chọn chồng giống bố

Trái với những luận điểm trên, tiến sĩ Elna Rudolph lại nêu ra một góc nhìn khác: “Bất kể mối quan hệ với cha bạn như thế nào, mối quan hệ lành mạnh giữa bạn và anh ấy cũng không hoàn toàn tương tự như vậy”. Điều này tùy thuộc vào cá tính, sự bền bỉ và khả năng giải quyết vấn đề của bạn.

Hãy đừng ngại ngần hỏi cha rằng ông có yêu bạn hay không. Có nhiều cô gái đã ngỡ ngàng biết bao khi biết được người cha tưởng chừng không coi trọng mình lại dành cho mình tình cảm lớn lao tới mức nào.

Ở góc độ khác, bạn không thể mong đợi một người đàn ông có thể thay thế cha của mình khi chọn chồng giống hình mẫu cha. Điều này không công bằng cho anh ấy, cho bạn và cho cả cha bạn nữa. Đồng thời, bạn nên thực sự trân trọng bản thân bạn, bởi bạn hoàn toàn xứng đáng với điều đó.

Vậy câu chuyện con gái chọn chồng giống bố có nên hay không, tùy thuộc vào cách bạn đã có được mối dây liên kết như thế nào với người đã góp phần tạo nên hình hài của bạn như ngày hôm nay.

Gia Huy

Categories
Tình cảm gia đình Gia đình

Bắt mạch những biểu hiện của người nói dối

Bị ai đó lừa gạt là một cảm giác không mấy dễ chịu. Bạn hoàn toàn có thể tránh khỏi việc này bằng cách đọc các dấu hiệu cơ thể của người đối diện để xem họ có đang nói dối bạn hay không.

Để “bắt mạch” ai là Pinocchio, bạn cần học cách đọc các biểu hiện trên khuôn mặt và cơ thể, dù là chi tiết nhỏ nhất, cũng như lưu ý đến các dấu hiệu mà hầu hết mọi người không quan tâm. Có thể bạn sẽ mất một khoảng thời gian dài để thực hành nhưng bù lại, bạn sẽ sở hữu được một kỹ năng cực kỳ hữu ích. Nào, bắt đầu nhé!

1. “Micro-expressions”  – kỹ thuật phát hiện nói dối dựa trên nét mặt

những biểu hiện của người nói dối 1
Quan sát nét mặt và cử chỉ để nhận ra bạn đang nói chuyện với người nói dối

Micro-expressions là những biểu hiện thoáng qua trên gương mặt, thường chỉ diễn ra trong khoảng một phần nhỏ của giây. Những biểu hiện này nói lên cảm xúc thật của một người, ẩn bên dưới lời nói dối.

Một số người có khả năng nhạy cảm thiên phú nên dễ dàng phát hiện ngay các biểu hiện này nhưng hầu hết chúng ta đều phải rèn luyện mới có thể nhận ra được các “micro-expressions”.

Thông thường, khi ai đó nói dối, “micro-expressions” của họ được biểu hiện dưới dạng cảm xúc lo âu, bồn chồn. Cụ thể, chân mày của họ sẽ nhướng lên, làm xuất hiện một loạt các nếp nhăn ngắn trên trán.

2. Kiểm tra mồ hôi

Con người thường có xu hướng tiết ra nhiều mồ hôi hơn khi nói dối. Việc đo lượng mồ hôi cũng là nguyên lý hoạt động chính của máy kiểm tra nói dối. Tuy nhiên, phương pháp này không hẳn đáng tin cậy, bởi có rất nhiều lý do khách quan để một người đổ mồ hôi, như cảm giác lo lắng, e thẹn, nhút nhát hoặc do cơ địa.

Vì vậy, phương pháp này chỉ là một trong nhóm các kỹ thuật dùng để đọc ngôn ngữ cơ thể. Bạn nên kết hợp việc kiểm tra mồ hôi với các dấu hiệu khác như sự run rẩy, đỏ mặt…

3. Dấu hiệu bồn chồn và lo lắng quá mức

Bồn chồn là kết quả của việc hệ thần kinh tiết ra nguồn năng lượng nhiều hơn bình thường khi một người nói dối sợ bị phát hiện. Để giải phóng nguồn năng lượng này, họ sẽ có những biểu hiện bồn chồn rất đặc trưng như đứng lên, ngồi xuống hoặc nhìn ngó láo liên xung quanh.

những biểu hiện của người nói dối 4
Thái độ bồn chồn, lo lắng quá mức cũng được xem là một trong số những biểu hiện của người nói dối

Ngoài ra, bạn cũng nên để ý một vài dấu hiệu khác như: động đậy ghế liên tục (nếu đang ngồi), nắm chặt bất cứ thứ gì trong tay, bấu lấy cơ thể của chính họ, phát ra những âm thanh lách cách bằng cách cọ đồ vật với nhau…

4. Quan sát mức độ dò xét

Như một phản ứng tự nhiên, chúng ta thường hay dò xét hành vi của người mình đang tương tác. Đó là cách để thiết lập mối quan hệ và thể hiện sự quan tâm. Nhưng khi nói dối, sự dò xét này sẽ giảm đi đáng kể, vì kẻ nói dối thường dành rất nhiều nỗ lực để tạo ra một câu chuyện “có vẻ như thật” cho người nghe và không còn để tâm dò xét đối phương nữa. Một vài dấu hiệu dưới đây sẽ cho thấy người bạn đang trò chuyện có mức độ dò xét rất thấp.

  • Nghiêng người đi: Khi một người nói thật, cơ thể họ thường nghiêng về phía người nghe. Ngược lại, một kẻ nói dối thường có xu hướng lùi ra xa. Đó là dấu hiệu cho thấy họ đang không muốn cung cấp thêm thông tin, nếu không cần thiết. Tất nhiên, kẻ nói dối không mong muốn nói nhiều về câu chuyện dối trá vì sợ tăng khả năng bị lộ.
  • Khi một ai đó đang nói thật, đầu của họ chuyển động một cách tự nhiên và những bộ phận khác trên cơ thể cũng thế. Việc này là một phần của sự tương tác giữa người nói và người nghe. Một người cố tình đánh lừa bạn vẫn có thể miễn cưỡng làm điều đó nhưng cử chỉ rất gượng gạo và bạn sẽ không quá khó khăn để nhận ra.
  • Một dấu hiệu nữa là họ thường “đánh lạc hướng” người nghe bằng những động tác “thừa thãi” một cách không cần thiết, ví dụ như gãi mũi, sờ tai, bẻ khớp tay, ho khan, khụt khịt mũi, vò tóc…

5. Quan sát cổ họng của đối phương

Một người nói dối thường cố gắng “bôi trơn” cổ họng của mình bằng cách nuốt nước bọt hoặc hắng giọng và đôi khi có vẻ như họ đang rất khó khăn để nuốt thức ăn (nếu họ đang dùng bữa). Khi nói dối, cơ thể sẽ tiết ra một loại hormone là “adrenaline”, chúng sẽ bơm ra rất nhiều nước bọt rồi từ từ ít dần. Trong lúc nước bọt đang trào ra như thế, người đó sẽ phải cố nuốt nó xuống. Khi nước bọt không còn tiết ra nhiều nữa, đó là lúc kẻ nói dối hắng giọng để làm sạch cổ họng của mình.

6. Chú ý cách gật đầu

những biểu hiện của người nói dối 5
Biểu hiện không đồng nhất giữa hành động và lời nói là dấu hiệu nhận biết dễ dàng

Nếu cứ gật hoặc lắc đầu khi đang nói, có thể người đối diện bạn đang truyền tải những điều không thật. Phương pháp này được gọi là “Incongruence” (sự không đồng nhất).

  • Ví dụ một người nói: “Tôi đã lau sạch sẽ mấy cái chậu này rồi!” nhưng trong khi nói, đầu anh ta vẫn đang lắc nhẹ thì 99% anh ta đang nói dối. Dấu hiệu này có thể nhận ra một cách tương đối dễ dàng vì nhìn nó y như thể một người đang vừa cùng lúc lắc và gật đầu. Một cử chỉ rất không bình thường.
  • Những người nói dối thường rất ngần ngại gật đầu khi đưa ra một câu trả lời. Với những người nói thật, họ có xu hướng gật đầu ngay khi ủng hộ hoặc đồng tình với một ý kiến nào đó. Còn nếu như ai đó muốn đánh lừa bạn, họ thường gật đầu chầm chậm và từ từ. Tương tự, cách lắc đầu cũng là biểu hiện của việc nói dối hoặc thành thật. Nhớ quan sát kỹ để nhận ra ngay!

7. Kiểm tra nhịp thở

Người đang nói dối thở nhanh hơn bình thường. Họ thường thở một loạt các hơi thở ngắn và theo sau đó là một hơi thở thật sâu. Điều này làm cho miệng bị khô (cũng là nguyên nhân gây nên phản ứng hắng giọng). Nguyên nhân lý giải cho hiện tượng này là do trạng thái căng thẳng buộc tim đập nhanh hơn và thúc đẩy phổi phải nạp thêm nhiều không khí.

8. Chú ý đến cử chỉ của các bộ phận trên cơ thể

Trong tình huống dễ chịu, không căng thẳng, mọi người có xu hướng cử động tay và chân vô cùng thoải mái, không bị hạn chế hay gượng gạo. Còn đối với người nói dối, những bộ phận này sẽ cử động rất giới hạn, cứng và đơ, không định hướng được. Bàn tay của người đó rất hay chạm vào mặt của mình, vành tai, hoặc sau gáy. Cánh tay khoanh vào nhau, chân đan chéo, nhìn rất thiếu tự nhiên, không thoải mái. Đó là dấu hiệu của việc người đó đang nói dối để không phải cung cấp thêm thông tin gì nữa. Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý những cử chỉ biết nói dưới đây.

Những người nói dối thường rất hạn chế cử động tay, trong khi đó là điều hết sức bình thường khi đang thảo luận. Nếu chú ý kỹ hơn, bạn sẽ thấy hầu hết những người nói dối tránh cử động ngón trỏ, lòng bàn tay lúc nào cũng mở ra, các ngón tay hay chạm vào nhau tạo thành hình tam giác. Cử chỉ này rất đặc biệt nên không khó để nhận thấy, chỉ cần bạn chú ý thêm một chút.

9. Kiểm tra các đốt ngón tay

những biểu hiện của người nói dối 6
Biểu hiện dễ thấy của người nói dối

Những người nói dối hay ngồi bất động và thường bấu chặt vào bất cứ vật gì trong tầm tay của mình. Đó là lý do các đốt ngón tay thường trắng bệch một cách thiếu tự nhiên. Họ bấu chặt đến mức thậm chí còn không biết các ngón tay của mình đang trông tội nghiệp và kỳ cục như thế nào.

Những người nói dối thường có điệu bộ chải chuốt. Họ làm những cử chỉ như lấy tay nghịch tóc, vuốt tóc mái, sửa lại đồ cài áo, xoay nhẫn hay vòng tay, chỉnh lại dây đồng hồ… một cách liên tục để phân tán sự chú ý của đối phương.

Những người nói dối có thể cố tình tạo cho mình sự lóng ngóng, luộm thuộm. Họ hay ngáp và làm những cử chỉ tỏ vẻ đang rất chán nản như thở dài, ủ rũ… để “đánh trống lảng”, dẫn dắt sự quan tâm của người đối diện theo hướng khác và che đậy sự dối trá của mình.

Gia Huy

Categories
Tình cảm gia đình Gia đình

Làm sao để chung sống với người chồng quá nghe lời mẹ

Trước tiên, bạn cần bình tĩnh và không nên phản ứng thái quá trong chuyện này. Con trai nghe theo mẹ là chuyện “xưa không hiếm”, tuy nhiên, nếu đã thành chồng vợ mà đặc tính này vẫn không thay đổi, vẫn là kiểu chồng quá nghe lời mẹ thì bạn nên áp dụng “chiêu” để cải thiện tình hình. Bởi dù sao, anh ấy vẫn rất yêu hai người phụ nữ của mình: bạn và mẹ chồng bạn.

Quan sát nắm bắt tâm lý của chồng và mẹ chồng

Nếu chồng bạn đích thị là một đứa trẻ chẳng chịu lớn, là kiểu ông chồng quá nghe lời mẹ, anh ta sẽ:

  • Luôn coi mẹ là “kim chỉ nam”, bất cứ việc gì cần ý kiến cũng là “Để anh hỏi mẹ”.
  • Luôn muốn mỗi ngày được gặp và trò chuyện cùng mẹ, làm “nũng” với mẹ và vì thế nên anh không bao giờ đồng ý ra ở riêng cùng bạn.
  • Về vấn đề tài chính, vẫn còn phụ thuộc mẹ.
  • Chàng luôn cảm thấy khó khăn khi tự mình đưa ra quyết định chuyện gì, dù là chuyện riêng của gia đình nhỏ.
  • “Em ơi, mẹ nói là chúng ta phải…”- là câu yêu thích của chàng.
  • Luôn đứng về phía mẹ chàng trong mọi trường hợp.

Nếu không may anh chồng của bạn tập hợp đầy đủ tất cả những “ưu điểm” trên, bạn nên bình tĩnh và kiên trì thực hiện những kế sách đã thu thập dưới đây nhằm cải thiện mức độ quá ngoan ngoãn của chồng.

Trò chuyện và trao đổi một cách nhẹ nhàng và sâu sắc với chồng

Nếu chồng của bạn vẫn luôn quấn quýt mẹ như một đứa trẻ, bạn hãy thử một vài lần nhắc “khéo” chàng bằng những câu trách móc nhẹ nhàng kiểu: “Mẹ già rồi sao anh cứ làm phiền mẹ hoài, để mẹ có thời gian nghỉ ngơi”, hay “Em nghĩ những chuyện đó anh hoàn toàn có thể làm được trong 30 giây, sao phải nhờ mẹ”…

Nếu như chàng vẫn chưa hiểu hay chưa phản ứng gì, bạn có thể một lần nữa bày tỏ thẳng thắn suy nghĩ của mình với chồng. Có như thế, chàng sẽ thấu hiểu hơn và cố gắng thay đổi tính cách của mình và độc lập hơn.

chồng quá nghe lời mẹ
Những anh chồng quá nghe lời mẹ luôn thích cảm giác được mẹ chăm sóc như một đứa trẻ

Sử dụng vũ khí mẹ chồng

Nếu chồng vẫn chưa thay đổi được tính tình và thói quen của mình, việc bạn cần làm là quan sát các thói quen và tâm sự với mẹ chồng. Nên nhớ, bạn cần chia sẻ một cách chân thành và tình cảm với mẹ chồng để nhận được sự cảm thông từ bà, rất có thể bạn sẽ nhận được sự thấu hiểu và giúp sức từ bà.

Hãy cùng mẹ chồng ở một đầu chiến tuyến, đừng bao giờ có suy nghĩ muốn chiếm hữu chồng tuyệt đối từ mẹ chồng, như thế bạn sẽ càng căng thẳng hơn mà thôi.

Dùng con cái khơi gợi bản năng người cha của chồng

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể áp dụng kế sách con cái để giúp chồng thấy mình cần thay đổi, ít phụ thuộc hơn vào mẹ chồng mà tự lập hơn, quyết đoán hơn. Bạn nên nhắc nhở cho chồng biết rằng, con cái cần một tấm gương sáng từ cha, vợ anh cần lắm một bờ vai trụ cột từ chồng.

Nếu là người chồng thương vợ con, chồng bạn sẽ dần hiểu rõ hơn vai trò của mình trong gia đình lớn nói chung và gia đình nhỏ của bạn nói riêng.

chồng quá nghe lời mẹ
Hãy bày tỏ suy nghĩ với mẹ chồng và cùng bà trị chồng quá nghe lời mẹ

Thêm vào đó, bạn hãy thể hiện rằng bạn cần một người đàn ông trụ cột của gia đình. Hãy để chồng có tiếng nói và sức ảnh hưởng hợp lý trong nhà, nên cùng chàng thảo luận và đưa ra các quyết định quan trọng. Nếu hợp lý và đủ điều kiện, bạn có thể thuyết phục chồng ra ở riêng để khi đó, chồng bạn sẽ hiểu rõ hơn vai trò của mình và ít phụ thuộc vào mẹ chồng.

Thực tế cho thấy bản chất của những người đàn ông luôn “nhõng nhẽo”, nghe theo lời khuyên dạy từ mẹ thường sở hữu tình yêu thương, hiếu thảo với mẹ nên có thể sẽ biết quan tâm chăm sóc vợ con. Với mẫu chồng quá nghe lời mẹ, nhất cử nhất động đều phải hỏi ý kiến của mẹ, cho dù hai vợ chồng đã thống nhất ý kiến thì bạn nên tỏ rõ thái độ của mình ngay từ khi mới phát hiện. Bởi ranh giới giữa người đàn ông tình cảm và người đàn ông nhu nhược khá mong manh.

Lê Ngân

Categories
Tình cảm gia đình Gia đình

Tuyệt chiêu hóa giải mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu

Đối với người mẹ, con trai là vật báu của mình, nên khi có con dâu, không ít người cảm thấy ấm ức vì phải chia sẻ mối quan tâm của con trai. Để hóa giải mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu, bạn phải ứng xử cực kỳ khéo léo, thậm chí phải nhẫn nhịn lúc đầu để nhà cửa êm ấm.

1. Luôn giữ cho nhau những chừng mực nhất định

Mẹ chồng và nàng dâu hay có những nỗi lo cũng như những mối quan tâm chung: đều yêu thương con cái, yêu chồng và hết lòng chăm sóc cho gia đình mình. Do vậy, trong cuộc sống chung, bạn sẽ không ít lần cảm thấy ức chế khi mẹ chồng can thiệp sâu vào việc bạn sắp xếp chuyện gia đình của mình, chăm sóc chồng con… Lúc đó, hãy nhẹ nhàng bảo: “Thưa mẹ, việc này vợ chồng con đã bàn bạc và thống nhất như vậy…”, có ý kiến của cậu con trai vàng ngọc, bà sẽ không làm khó bạn nữa.

Nếu bà giận dỗi, bạn đừng tỏ vẻ bực bội hay khó chịu, cũng đừng chửi mắng chồng con kiểu “đá thúng đụng nia”, quan hệ giữa hai người sẽ căng thẳng hơn.

Tìm điểm chung giữa bạn và mẹ chồng
Tình yêu thương gia đình và yêu thương chồng con là điểm chung giữa bạn và mẹ chồng

2. Không nhất thiết phải chỉ ra người đúng người sai

Khi xả ra mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu, bạn càng cố chứng minh mình đúng thì càng vô tình khiến bạn “xấu xí” đi trong mắt mẹ chồng, thậm chí cả gia đình chồng và chồng bạn. Không nhất thiết chỉ ra đó là lỗi của ai, bạn cứ xin lỗi mẹ chồng để tránh khoét sâu mâu thuẫn. Sau đó, bạn nên tìm cơ hội thưa chuyện với cha chồng và chồng mình để họ hiểu câu chuyện và thông cảm với bạn.

3. Cần biết lắng nghe ý kiến từ mẹ chồng

Bạn nên ý thức rằng mẹ chồng lớn hơn mình vài chục tuổi, kinh nghiệm sống của bà nhiều hơn bà, để từ đó có thái độ cầu thị khi đón nhận ý kiến của bà. Tỏ vẻ coi thường kiến thức của bà là quê mùa, thiển cận, cơ hội “hòa bình” của bạn và mẹ chồng khó mà thành hiện thực.

Khi trò chuyện cùng bà, bạn nên nghe nhiều nói ít, thực tâm lắng nghe và quan tâm tới những câu chuyện kể của bà. Đôi lúc, bạn thể hiện sự đồng tình và đôi chút “tâng bốc” bà, bà sẽ cảm thấy khoảng cách với con dâu bị san bằng bớt. Hai người sẽ dần từ thế “đối đầu” chuyển sang đối thoại, thông hiểu nhau hơn.

Tuyệt chiêu hóa giải mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu
Lắng nghe lời mẹ chồng chân thành

4. Lấy bên thứ ba làm lá chắn

Nếu xảy ra mâu thuân mẹ chồng nàng dâu trong khi nói chuyện, điều đầu tiên bạn cần làm là giữ bình tĩnh và luôn giữ sự lễ độ. Nói như vậy, MarryBaby không phải đang khuyên bạn thụ động nhẫn nhịn mọi chuyện và… thua hoàn toàn. Hãy tìm cách xử lý thông minh hơn bạn ạ!

Tốt nhất, khi không hài lòng mẹ chồng về nếp ăn ở của gia đình, bạn nên thủ thỉ để chồng nhẹ nhàng thưa chuyện với mẹ. Chồng chính là cầu nối tốt nhất bạn nên nhờ cậy để kết nối với mẹ chồng.

Một số mẹ chồng giữ lối chăm sóc cháu theo kiểu cũ, mâu thuẫn với nguyện vọng dạy dỗ con theo lối hiện đại của bạn. Bạn đừng căng thẳng tới mức cãi: “Con của con, chuyện dạy dỗ nó không phải của mẹ”, đừng nóng thế. Thay vào đó, bạn có thể trò chuyện với người nào có uy tín với mẹ chồng và nhờ họ khuyên can giùm bạn. Người lớn tuổi thường tin vào truyền hình, báo chí, bạn khéo léo cho bà xem các bài viết hoặc chương trình đề cập vấn đề nuôi dạy trẻ hiện đại, thông minh, bà sẽ khó cãi lại được.

“Đường nào cũng tới Roma”, con đường hóa giải mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu không nhất thiết chỉ có 1 cách mà có thể uyển chuyển nhiều cách. Là một phụ nữ thông minh và giỏi ứng xử, bạn sẽ vượt qua được.

Ngân Ngân

Categories
Tình cảm gia đình Gia đình

Tuyệt chiêu ứng xử: Giận chồng nên làm gì

Vợ chồng giận nhau là chuyện như “cơm bữa”. Đôi khi, chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt, thích làm nũng mà bạn tỏ thái độ giận dỗi chồng, muốn chồng dỗ dành và yêu thương nhiều hơn. Nhưng bạn cần biết, giận chồng nên làm gì, có cách ứng xử phù hợp.

Ngày trước, lúc yêu nhau mỗi khi bạn giận dỗi chàng lúc nào cũng là người xin lỗi dù chàng biết chàng chẳng có lỗi gì nhưng từ khi cưới cho đến lúc có con chàng đã thay đổi rất nhiều, không còn nuông chiều, thường xuyên làm lơ và bắt sang chuyện khác mỗi khi bạn làm nũng.

Làm nũng không chỉ là đặc quyền của nhiều cô nàng trẻ tuổi mà còn là đặc quyền của nhiều phụ nữ đã lập gia đình. Nhưng không phải làm nũng lúc nào cũng hiệu quả, bạn cần áp dụng tuyệt chiêu này một cách thật hợp lý để chàng cảm thấy bạn thật đáng yêu và không sao rời mắt được.

1. Tối kị việc gào thét trước mặt chồng

Khi giận chồng nên làm gì tốt còn tùy vào từng người, nhưng điều tối kị nhất là bạn gào thét làm ầm ĩ mọi chuyện, sẵn sàng hất vào mặt chồng những câu nói thô lỗ. Ông bà đã dạy “Cơm sôi bớt lửa biết đời nào khê”. Tính sĩ diện của đàn ông rất cao, chẳng ai thích phụ nữ nhiều lời lại càng không thích đôi co cùng vợ. Gào lên trước mặt chồng không có nghĩa là bạn sẽ chiến thắng mà còn khiến chồng bạn cảm thấy khó chịu, vô tình làm mất mặt chồng trước mọi người và hàng xóm xung quanh, “vạch áo cho người xem lưng”.

Giận chồng nên làm gì
Giận chồng đến mấy cũng không được buông lời lăng mạ, xúc phạm nhau

Khi vợ chồng bạn xảy ra tranh cãi, tốt nhất đưa nhau vào phòng riêng, tránh sự chú ý của người khác và cả những đứa con vì sẽ làm chúng tổn thương. Khi chỉ có 2 vợ chồng, bạn và chồng sẽ dễ kiểm soát cơn giận hơn, lắng nghe người kia tích cực hơn.

2. Tối kị việc dùng bạo lực

Nhiều bà vợ khi giận chồng vẫn tự cho mình cái quyền tát vào mặt hoặc đấm vào ngực chồng mình. Đừng tưởng đàn ông họ sợ đánh phụ nữ bằng một cành hoa rồi lại dùng bạo lực, bạn ạ! Việc vợ mình trở nên “man dại” và dùng nắm đấm sẽ khiến hình ảnh của bạn trong mắt chồng cực kỳ tệ hại. Khi cơn giận của chồng không kiểm soát được, anh sẽ dùng bạo lực lại với bạn, và kết quả bạn sẽ vô cùng thê thảm.

3. Dành thời gian cho đối phương trình bày

Khi hai vợ chồng xung đột, ai cũng muốn giành phần thắng bằng cách nói thật nhanh và thật cay nghiệt. Đó là cách ứng xử không thông minh. Thay vào đó, bạn và chồng nên thỏa thuận với nhau khi có tranh cãi: im lặng và chấp nhận nghe người kia trình bày trong 60 giây, sau đó tới mình. Lắng nghe chồng trình bày suy nghĩ sẽ giúp bạn nhìn nhận lại bản thân, đôi khi lỗi đó đến từ bạn chứ không phải từ chồng. Từ chỗ lắng nghe, thấu hiểu nhau, mâu thuẫn giữa hai vợ chồng sẽ giảm đi rất nhiều.

Giận chồng nên làm gì
Khi giận, bạn cần thể thiện cho chồng thấy bạn đã tức giận như thế nào trước hành động của anh ta nhưng bạn hãy giữ giọng ôn hòa, nghiêm nghị để khiến cho anh ta nhận ra lỗi của mình và tôn trọng bạn hơn.

4. Tránh việc bỏ nhà ra đi

Bạn cũng đừng bao giờ dại dột xách vali bỏ về nhà mẹ hay đi với bạn. Ngôi nhà với chồng con là chốn nương thân duy nhất của bạn vì bạn là người phụ nữ có gia đình, bỏ nhà ra đi là hành động ấu trĩ và có khả năng làm gia tăng mâu thuẫn.

5. Tránh làm xáo trộn cuộc sống ngày thường

Đôi khi, một cuộc trò chuyện giữa hai vợ chồng vẫn chưa giải quyết được mâu thuẫn đâu. Có bao giờ bạn nghĩ: giận chồng nên làm gì nhỉ, bỏ bê việc nhà cửa để anh ấy biết tầm quan trọng của bạn trong cuộc đời anh ấy? Đừng, đừng bạn nhé, khi còn giận, bạn khó tránh được thái độ dỗi hờn, “chiến tranh lạnh”. Tuy vậy, bữa cơm trong gia đình vẫn phải được chuẩn bị chu đáo cho chồng con, quần áo đi làm của chồng vẫn phải được ủi ngay ngắn… Chồng bạn thấy rằng dù có giận đến đâu bạn vẫn là người phụ nữ đảm đang và điều này sẽ khiến chồng bạn cảm thấy phục và tôn trọng bạn nhiều hơn.

Giận chồng nên làm gì không phải là một câu hỏi khó. Tuy nhiên, bạn cũng cần bỏ túi cho mình những bí kiếp về cách ứng xử thông minh khi giận chồng để chàng lúc làm cũng cảm thấy bạn là một người vợ thật tuyệt.

Ngân Ngân

Categories
Tình cảm gia đình Gia đình

Đối mặt với những tình huống “khó đỡ” trong tình bạn

Một người bạn, người đồng nghiệp thân thiết sẽ giúp bạn vượt qua những giây phút khó khăn trong cuộc sống, công việc. Những lúc giận chồng hay bị sếp la, có một người ngồi lắng nghe bạn trút bầu tâm sự, giải tỏa bức xúc sẽ giúp vơi đi rất nhiều nỗi lòng đang trĩu nặng. Tuy nhiên, vì một lý do khách quan, những người bạn này đến một lúc nào đó muốn xa lánh bạn, thậm chí muốn chấm dứt mối quan hệ. Bạn sẽ làm gì? Tham khảo những tình huống khó xử dưới đây, biết đâu bạn có thể cứu vãn được một tình bạn đang trên bờ phân ly.

Từ câu chuyện bạn thân có bạn mới…

tình bạn
Kể từ sau khi có bạn mới, cô ấy thường xuyên đi chơi với họ và có vài lần từ chối cuộc hẹn cùng tôi

Minh Phương và tôi đã là những người bạn tốt cho đến khi cô ấy gặp một nhóm bạn mới ở phòng tập gym. Kể từ sau khi có bạn mới, cô ấy thường xuyên đi chơi với họ và có vài lần từ chối cuộc hẹn cùng tôi. Tôi cảm thấy khoảng cách giữa chúng tôi mỗi ngày một rộng thêm.

Bạn đang tự hỏi nguyên nhân do đâu? Đó có thể là kết quả của việc hai bạn không có chung những sở thích với nhau và cô ấy thân thiết với đám bạn mới vì thấy hợp hơn. Cũng có thể bạn nhạy cảm hơn cô ấy.

Giải quyết vấn đề: Trong trường hợp tập gym là một phần tất yếu trong cuộc sống của cô ấy, việc kết bạn với nhóm mới ở phòng tập là khó tránh. Điều bạn có thể làm để cải thiện mối quan hệ là tập trung vào những sở thích chung của hai người. Ngay cả khi bạn đã cố gắng, cô ấy vẫn “biệt tăm biệt tích” thì nên cân nhắc “chia tay sớm bớt đau khổ”.

…đến những tình huống khó xử trong tình bạn

Có những tình huống xảy ra trong cuộc sống hay trong tình bạn có thể nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn, bạn sẽ ứng phó sao khi gặp phải?

Khi cô bạn thân có thai trong khi bạn đang cố gắng để không có bầu

Tinh ban 2
Bạn có thể hạn chế tiếp xúc với những hình ảnh khiến bạn buồn như “unfollow” cô ấy trên Facebook

Trong trường hợp này bạn nên tự bảo vệ bản thân mình trước. Nếu cần, bạn có thể hạn chế tiếp xúc với những hình ảnh khiến bạn buồn như “unfollow” cô ấy trên Facebook. Bạn sẽ không muốn xem hình siêu âm bé con của cô ấy hoặc cảm giác hạnh phúc khi cô ấy chia sẻ công khai trên mạng đâu. Nếu cô ấy biết, chỉ cần nói thật: “Mình mừng cho cậu nhưng giờ mình thật lòng không muốn trò chuyện về thai kỳ hay bỉm sữa”.

>> Làm sao để xây dựng được một tình bạn bền lâu?

Khi một người luôn luôn đến trễ hoặc vô trách nhiệm

Thói quen này không thể tha thứ nhưng bạn có thể cân nhắc xem lý do có chính đáng hay đúng là cô nàng chẳng xem bạn ra gì. Bạn cần chấp nhận sự thật luôn có những người đến trễ. Chỉ có điều, đừng bao giờ rủ họ tham gia những kế hoạch quan trọng hoặc đi chơi đâu đó nhé.

Khi nhóm bạn cũ không thích người mới

Tinh ban 4
Bạn có thể chia bạn bè thành nhiều nhóm khác nhau

Tất cả bạn bè đâu nhất thiết phải gộp vào một nhóm chung. Bạn có thể chia bạn bè thành nhiều nhóm khác nhau để giữ gìn mối quan hệ với mọi người cả cũ lẫn mới.

Khi số bạn trong một nhóm là một con số lẻ

Nhóm bạn ba người đôi khi lại gắn bó ổn định và ít cãi vã hơn một cặp bạn thân. Mỗi người cần có những sở thích chung với các cô nàng còn lại trong nhóm.

Nếu bạn thân cũng là đồng nghiệp

Tinh ban 3
Tình bạn và tình đồng nghiệp nên có một ranh giới nhất định

Tình bạn này sẽ mang tính chất riêng tư hơn là một mối quan hệ dựa trên tinh thần công việc. Cần lưu ý mức độ công việc có thể ảnh hưởng đến sự gắn bó của hai bạn. Nếu bạn báo nghỉ ốm trong khi thực tế lại đi vi vu đâu đó vài hôm, bạn sẽ đẩy cô ấy vào tình huống khó xử. Trong trường hợp cô ấy là sếp của bạn, tình huống lại càng tệ hơn. Nên đặt ra một ranh giới công tư phân minh và đừng bao giờ đưa tình cảm riêng vào công việc.

Gia Huy

Categories
Tình cảm gia đình Gia đình

Cách giữ chồng ở xa vẫn mê vợ như điếu đổ

Chồng ở xa hay gần cũng không ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình nếu bạn biết ứng xử khéo léo theo những tuyệt chiêu cách giữ chồng ở xa dưới đây.

1. Sống tích cực vui vẻ ngay cả khi chồng không ở bên

Đây là điều cực kỳ quan trọng vì dù lấy chồng thì bạn cũng vẫn có cuộc sống riêng bên ngoài xã hội và cũng cần giao tiếp, gặp gỡ những người xung quanh. Bạn không thể vì xa chồng mà ủ rũ não nề được. Hãy luôn vui vẻ và dành thời gian củng cố các mối quan hệ gia đình, con cái, đồng nghiệp.

cách giữ chồng ở xa
Sống tích cực giúp bạn thấy thời gian xa cách chồng không còn mòn mỏi

Cách giữ chồng ở xa: Nếu bạn suốt ngày ủ rũ, than vãn hay mè nheo, bạn đang làm phiền chồng mình đấy. Chồng ở xa ít nhiều cũng nhớ gia đình và điều anh ấy mong muốn nhất đó là vợ con ở nhà sống vui vẻ, khỏe mạnh, có như vậy chồng bạn mới có thể an tâm hoàn thành công việc.

2. Giữ liên lạc để hâm nóng tình yêu khi chồng ở xa

Hai vợ chồng có thể ở xa nhau, không được gặp nhau hàng ngày nhưng không phải vì thế mà “cắt đứt” hoàn toàn liên lạc. Hãy dùng các phương tiện truyền thông và mạng xã hội để giữ liên lạc với nhau.

Cách giữ chồng ở xa 2
Mạng xã hội và các phương tiện truyền tin hiện đại giúp rút ngắn khoảng cách khi chồng ở xa

Cách giữ chồng ở xa: Sau một ngày làm việc mệt mỏi, bạn hoặc chồng có thể gọi điện, kể cho nhau nghe về công việc, cuộc sống, những vui buồn hàng ngày. Bạn cũng có thể nhắn gửi những lời tình cảm, yêu thương để dù không ở bên nhau nhưng chồng vẫn có thể cảm nhận được tình yêu của bạn dành cho mình.

Nếu có thể, hãy cố gắng chọn tình huống thích hợp để nói chuyện một cách hài hước, vui vẻ. Việc này sẽ giúp giảm bớt căng thẳng do áp lực công việc của chồng. Hiện nay, mạng xã hội với các app gọi điện trực tuyến rất hữu dụng và tiết kiệm, bạn có thể “Facetime” hoặc “live stream” để chồng ở xa vẫn cảm nhận không khí gia đình.

>> Bí quyết để có một gia đình hạnh phúc

3. Giới hạn thời gian điện thoại hoặc chat

Tuy phải thường xuyên giữ liên lạc, nói chuyện điện thoại hay chat với nhau quá nhiều cũng có thể biến mối quan hệ của bạn trở nên nhàm chán vì chắc chắn đến một khoảng nào đó hai bạn sẽ chẳng có gì để nói với nhau.

Cách giữ chồng ở xa: Bạn có thể để vài ngày, một lần trong một tuần… hoặc chỉ liên lạc với chồng khi có chuyện cần nói, có việc cần kể. Như vậy hai bạn sẽ có nhiều chuyện để nói, có nhiều điều để chia sẻ và cũng có cảm xúc hồ hởi, mong chờ nhiều hơn dù chồng ở xa.

4. Giữ vai trò nội tướng giỏi giang giúp chồng ngưỡng mộ bạn hơn

Không có chồng ở nhà, bạn sẽ vất vả và khó khăn hơn khi phải một mình đảm nhiệm công việc gia đình bên cạnh công việc riêng của bạn. Nhiều người sẽ cảm thấy vô cùng áp lực và mệt mỏi khi không có chồng ở bên cạnh để đỡ đần. Số khác lại cho rằng chồng không có ở nhà thì không cần “thể hiện” sự chăm chỉ, đảm đang bởi chẳng có ai biết. Những suy nghĩ như vậy hoàn toàn sai lầm.

Cách giữ chồng ở xa: Bạn nên thực hiện tốt vai trò của mình trong việc chăm sóc nhà cửa, nuôi dạy con thật tốt. Nếu ở chung với bố mẹ chồng, bạn nên thay chông chăm dưỡng cha mẹ, những gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim. Chồng bạn dù ở xa sẽ hàng ngày, hàng giờ mong ngóng được trở về bên bạn đấy!

Cách giữ chồng ở xa 3
Chăm sóc cha mẹ chồng giúp chồng yên tâm công tác

5. Con cái sẽ là trợ thủ đắc lực cho bạn

Con bạn sẽ là “thần tình yêu” trong chuyện tình cảm của hai vợ chồng. Hãy để con cùng liên lạc với chồng bạn, để con nói chuyện với bố nhiều hơn, dạy con nói với bố những điều nhỏ nhặt như: con yêu bố, con nhớ bố, con muốn ở chung với cả bố lẫn mẹ,… để chồng bạn thấy được tình yêu thương của vợ con. Điều này cũng khiến chồng bạn nhận ra được trách nhiệm lớn lao của mình.

Cách giữ chồng ở xa: Nếu chồng đi công tác trong môt thời gian khá dài, bạn có thể gây bất ngờ cho chồng bằng những cuộc thăm viếng không hẹn trước. Nếu có thể dẫn theo con đi cùng, chắc hẳn chồng bạn cũng nhớ con lắm! Điều này nằm trong khả năng sắp xếp của bạn, nhưng lại có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống vợ chồng. Nó sẽ giúp hai bạn cảm nhận được sự quý giá của mỗi lần gặp mặt và những khát khao sau bao ngày xa cách. Nó cũng cho chồng bạn thấy bạn rất nhớ anh ấy và luôn mong có anh ấy ở bên cạnh.

>> Làm sao để tình yêu vợ chồng luôn “nồng ấm”?

6. Dành nhiều thời gian gần gũi khi có dịp gặp nhau

Bạn hãy chớp lấy cơ hội để được gần gũi, thân mật với chồng mình mỗi khi có dịp. Đây là cơ hội tốt để bạn vun đắp tình cảm vợ chồng. Vào những dịp như thế, hãy tranh thủ nấu cho chồng những bữa ăn ngon, không cần những món quá cầu kỳ, chỉ cần đó là món ăn chồng bạn yêu thích là được.

Bạn cũng có thể tạo một vài bất ngờ cho chồng. Hãy dùng ánh mắt âu yếm và những cử chỉ quan tâm chăm sóc để chồng cảm nhận được tình yêu thương của bạn.

Tạo không khí vui tưới
Tạo không khí vui tươi khi chồng ở xa về. Anh sẽ thấy những giây phút bên vợ con, gia đình vô cùng quý giá

Trong việc áp dụng các cách giữ chồng ở xa, bạn nên khéo léo lựa chọn những điều phù hợp với hoàn cảnh hay tính cách của chông, không nên áp dụng cứng nhắc. Bạn nên ghi nhớ rằng chỉ cần bạn yêu thương thật lòng và tin tưởng lẫn nhau thì khoảng cách về địa lý không thể cản trở tình cảm của vợ chồng bạn được. Chúc các bạn “xa mặt nhưng không cách lòng”!

Bích Hưng

Categories
Tình cảm gia đình Gia đình

Mẹ chồng ghét nàng dâu: Kế sách nào bảo vệ hạnh phúc gia đình?

“Lấy chồng phải lụy mụ gia, chớ tôi với mụ có bà con chi”. Mẹ chồng nàng dâu là mối quan hệ phức tạp và nhạy cảm, có tác động lớn đến hạnh phúc gia đình. Bạn sẽ làm sao nếu chẳng may rơi vào tình huống mẹ chồng ghét nàng dâu.

1. Vợ chồng nên đồng lòng

Để có được hạnh phúc, vợ chồng bạn phải là một mặt trận đoàn kết. Đừng bao giờ nghe những lời mỉa mai nhằm chia rẽ tình cảm vợ chồng. Cũng đừng bao giờ phàn nàn về mẹ chồng với ông xã vì bà ấy chính là người đã sinh ra chồng bạn. Bạn vẫn có thể tâm sự với chồng để tìm sự giúp đỡ, nhờ anh ấy tác động đến bà.

2. Thiết lập ranh giới rõ ràng

Các chuyên gia khuyến khích, bạn nên thiết lập ranh giới rõ ràng nhưng vẫn đảm bảo giữ được sự tôn trọng đối với mẹ chồng. Nếu bà là người có xu hướng luôn coi trọng bản thân và cảm thấy thoái mái hơn khi không có sự hiện diện của bạn, hãy để bà có những khoảng không gian riêng.

3. Không giành chồng khỏi tay mẹ

Bạn sẽ được gì khi thành công trong việc giữ chặt chồng bên mình, hạn chế để anh ấy về thăm mẹ? Đó không phải thắng lợi gì cả, chồng bạn có thể đang khổ sở, giằng xé giữa bên hiếu bên tình.

Là người vợ thông minh, bạn phải chứng tỏ sự “cao tay” của mình bằng cách khuyến khích chồng dành thời gian cho mẹ. Có thể, bạn đặt một bữa ăn ngon để chồng đưa mẹ đi ăn riêng mà không cần sự có mặt của bạn. Một món quà ý nghĩa nho nhỏ như ổ bánh kem nhỏ, bó hoa tặng bà có thể làm bà cảm động, qua đó bà sẽ nhận ra rằng bạn tránh mặt vì mẹ chồng không vui vẻ khi gặp bạn. Khi đã nhận ra điều này, có thể mối quan hệ giữa bạn sẽ tiến thêm một bước mới.

4. Thường xuyên giao tiếp với mẹ chồng

Tìm cơ hội tiếp xúc, trò chuyện với mẹ chồng thường xuyên sẽ giúp các bạn hiểu và thông cảm cho mẹ chồng nhiều hơn. Cùng mẹ chồng nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa,.. là cơ hội để quan sát, nắm bắt sở thích, thói quen hay phong cách sống của bà.

Thông qua cuộc trò chuyện thẳng thắn, bạn có thể hiểu được nguyên nhân tại sao bà lại ghét bạn và có cách hóa giải thích hợp. Hãy làm điều đó thay vì chấp nhận và chịu đựng sự ghét bỏ cho tới hết đời.

5. Mẹ chồng luôn là nhất

Mẹ chồng là người sinh ra, nuôi dạy chồng bạn trưởng thành, bà xứng đáng chiếm được vị trí quan trọng trong lòng anh. Không người con nào mà không yêu quý mẹ mình và tình yêu đó sẽ không gì thay thế được. Đừng lo lắng hay ganh tị với bà, bạn và bà chính là hai người phụ nữ quan trong trong lòng chồng bạn. Bạn nên học cách hòa hợp, dung hòa mối quan hệ với mẹ chồng để tránh những xung đột gây khó xử cho chàng.

Có một điều tối kỵ mà bạn đừng bao giờ áp dụng, đó là đặt chàng vào thế cân đong giữa bên tình, bên nghĩa và yêu cầu chàng phải đưa ra sự lựa chọn. Nó chỉ khiến chàng khó xử mà thôi. Sẽ không có người đàn ông nào muốn nghe vợ và mẹ than vãn về nhau mỗi khi về đến nhà. Nếu điều này xảy ra trong một thời gian dài, không khí gia đình sẽ trở nên nặng nề, hạnh phúc có nguy cơ tan vỡ hơn bao giờ hết.

6. Luôn tôn trọng mẹ chồng

Dù mẹ chồng bạn luôn có thái độ kỳ thị, chẳng ưa gì bạn, nhưng điều bạn phải tuân thủ là luôn tôn trọng bà. Hãy dành nhiều thời gian quan sát sở thích, thói quen của bà, sau đó cố gắng làm theo ý bà. Nếu bà có những thói quen chung không tốt, cần thay đổi, bạn đừng bao giờ phản bác hay làm trái ý bà. Tốt nhất, tránh xung đột và thiên kiến với mẹ chồng, bạn nên giữ khoảng cách nhất định với bà, nhưng không lôi kéo chồng mình xa vòng tay mẹ.

Xây dựng một mối quan hệ hay làm thân với bất cứ ai cũng cần phải có thời gian. Với mẹ chồng ghét nàng dâu thì thời gian cần phải thêm nhiều hơn thể. Điều quan trọng nhất là ở chính bạn, bạn thật lòng mong muốn cải thiện mối quan hệ này bao nhiêu thì kết quả trả lại cũng sẽ tương ứng. Bạn nên kiên trì, thể hiện sự quan tâm, chia sẻ và thông cảm cho bà trong mọi trường hợp.

Chuyện mẹ chồng ghét nàng dâu sẽ không còn là vấn đề lớn nếu bạn biết ứng xử khéo léo và tinh tế. Thiện chí và sự ôn hòa của bạn giúp bà hiểu rằng bạn yêu con trai bà nhưng không hề có ý chiếm hữu. Thời gian sẽ cải thiện mỗi quan hệ giữa bạn và mẹ chồng.

Ngân Ngân