Bụng căng cứng khi mang thai tháng thứ 7 là triệu chứng khiến nhiều mẹ bầu lo lắng. Càng về giai đoạn cuối thai kỳ, các cơn căng cứng này sẽ xuất hiện với tần suất dày đặc hơn.
Vậy bụng căng cứng khi mang thai tháng thứ 7 có phải là dấu hiệu nguy hiểm? Mẹ nên làm gì trong tình huống này. MarryBaby sẽ giúp mẹ tháo gỡ thắc mắc này nhé.
Tổng quan về hiện tượng bụng căng cứng khi mang thai tháng thứ 7
Vào tam cá nguyệt thứ 2 hoặc thứ 3, mẹ bầu sẽ bắt đầu thấy tình trạng thỉnh thoảng bụng căng cứng. Với những mẹ mang thai lần đầu, thời điểm này thường đến muộn hơn so với những mẹ mang thai lần thứ 2 trở lên.
Hầu hết các mẹ bầu đều trải qua cảm giác bụng căng cứng, chỉ khác nhau ở thời điểm và mức độ những cơn căng tức.
Sự căng cứng thường diễn ra ở khu vực trung tập bụng hoặc phía bụng dưới rốn. Mẹ sẽ cảm thấy bụng cứng lại, vùng bụng dưới thắt chặt, căng tức và khó chịu nhẹ. Hiện tượng này thường kéo dài 20 – 30 giây và lặp lại vài lần trong một ngày.
Thông thường, tình trạng bụng căng cứng này sẽ xuất hiện trong các trường hợp sau:
- Mẹ đổi tư thế hoặc vận động đột ngột.
- Mẹ đang buồn đi tiểu hoặc vừa đi vệ sinh xong.
- Mẹ đạt cực khoái sau khi quan hệ tình dục.
- Mẹ vận động nhiều.
- Mẹ mệt mỏi hoặc cơ thể mất nước.
Vì sao bụng căng cứng khi mang thai tháng thứ 7
Một số nguyên nhân khiến bụng mẹ bầu gò căng cứng như
1. Cơn co thắt Braxton-Hicks
Cơn gò Braxton – Hicks còn được gọi là cơn chuyển dạ giả. Sở dĩ có tên gọi như vậy là bởi vì cơn gò này có mục đích giúp mẹ bầu làm quen với cơn chuyển dạ và tập luyện cho ngày sinh.
Hiện tượng này nếu xảy ra vào những tháng cuối thai kỳ, với tần suất và cường độ gò ngày càng mạnh thì rất có thể là dấu hiệu chuyển dạ thật.
Bụng căng cứng khi mang thai tháng thứ 7 do cơn co thắt Braxton – Hicks thường ko gây nguy hiểm hay đau đớn quá sức chịu đựng với mẹ bầu. Mẹ cảm thấy hơi khó chịu một chút trong vòng 30 giây, sau đó sự căng cứng sẽ tự động biến mất.
Những cơn co thắt này thường không ảnh hưởng đến sự giãn nở của cổ tử cung. Chúng không thường xuyên, không có khuôn mẫu cố định và không giống nhau ở các mẹ bầu.
2. Sự phát triển của em bé
Thai nhi ngày càng lớn dần nên có sự thay đổi rất nhanh về kích thước. Vào tháng thứ 7, em bé dài khoảng 38cm, nặng từ 900 – 1350 gam.
Khung xương của thai nhi cũng phát triển và chiếm nhiều diện tích trong tử cung hơn. Lúc này, mọi cử động của bé sẽ được mẹ cảm nhận rất rõ. Những cú đạp, huých, quẫy sẽ tác động mạnh mẽ vào thành bụng, khiến mẹ hay có cảm giác nhói nhói và căng cứng.
3. Cân nặng của mẹ
Cân nặng của mẹ cũng là một trong những nguyên nhân gây nên hiện tượng bụng căng cứng khi mang thai tháng thứ 7. Thông thường, mẹ bầu nhẹ cân, bụng ít mỡ thường có cảm giác bụng bị căng cứng sớm hơn những mẹ bầu thể trạng mũm mĩm.
4. Bụng căng cứng do táo bón
Táo bón là một trong những vấn đề thường gặp ở các mẹ bầu. Chế độ ăn uống không khoa học, thiếu nước, ít chất xơ là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng táo bón. Khi bị táo bón trong
thai kỳ, mẹ rất dễ cảm nhận rõ rệt những cơn căng cứng bụng và cơn gò.
5. Tâm lý của mẹ bầu
Tinh thần là yếu tố quan trọng, tác động đến sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi. Việc mang thai đem đến cho mẹ nhiều sự thay đổi về cơ thể, nội tiết tố, tâm sinh lý, khiến mẹ thường rơi vào những suy nghĩ tiêu cực.
Tâm trạng không tốt sẽ ảnh hưởng đến thể chất, khiến mẹ căng thẳng, lo âu, cơ thể uể oải và những cơn gò ngày càng diễn ra thường xuyên hơn.
Bụng căng cứng khi mang thai tháng thứ 7 có phải là dấu hiệu nguy hiểm?
Thông thường, hiện tượng bụng căng cứng khi ở tuần 28 không gây nguy hiểm cho mẹ bầu và thai nhi. Những cơn gò sinh lý nằm trong mức độ mẹ có thể chịu đựng được và sẽ nhanh chóng qua đi khi mẹ nghỉ ngơi.
Tuy nhiên, mẹ không được chủ quan nếu gặp tình trạng bụng căng cứng khi mang thai tháng thứ 7 kèm những dấu hiệu dưới đây.
- Bụng căng cứng và cơn gò ngày một nặng thêm, tần suất và cường độ ngày một tăng và không có dấu hiệu thuyên giảm. Thậm chí bụng bị gò cứng và lệch sang một bên.
- Bụng mẹ căng và đau dữ dội.
- Mẹ bị chuột rút hoặc đau lưng dưới liên tục.
- Bụng căng cứng ở tháng thứ 7 thai kỳ kèm hiện tượng sốt, đau đầu, chóng mặt, nôn mửa.
- Âm đạo tiết ra chất lỏng hoặc dịch nhầy, có thể kèm một ít máu.
Bụng căng cứng khi mang thai tháng thứ 7 nếu đi kèm các triệu chứng bất thường như trên, mẹ không nên chần chừ mà hãy đến bệnh viện ngay để kiểm tra nhé.
Mẹ nên làm gì nếu bụng căng cứng khi mang thai
Để giảm sự khó chịu của tình trạng bụng căng cứng và những cơn gò khi mang thai, mẹ có thể tham khảo một số cách sau.
- Uống đủ nước: Thiếu nước là một trong những nguyên nhân khiến bụng mẹ dễ căng cứng. Bổ sung đủ nước trong thai kỳ mang lại cho mẹ rất nhiều lợi ích như hạn chế táo bón, tăng lượng nước ối, đẹp da. Mẹ có thể uống xen kẽ nước lọc với các loại nước trái cây hoặc trà để thay đổi khẩu vị.
- Vận động nhẹ nhàng: Đi bộ và hít thở nhẹ nhàng giúp tinh thần mẹ thoải mái hơn, cơ thể linh hoạt hơn. Mẹ nên lưu ý không nên vận động quá mạnh hoặc thay đổi tư thế bất ngờ.
- Chườm ấm bụng: Mẹ tắm nước ấm hoặc chườm ấm bụng cũng giúp làm dịu những cơn gò khó chịu.
- Nghỉ ngơi: Mẹ nên sắp xếp lịch làm việc và nghỉ ngơi khoa học, tránh tham công tiếc việc. Mỗi khi thấy bụng căng và gò nhiều, mẹ có thể nằm nghiêng một bên, đặt một chiếc gối nhỏ đệm dưới bụng hoặc giữa hai chân.
- Giữ tâm trạng vui vẻ: Yếu tố tinh thần trong thời kỳ mang thai không những ảnh hưởng đến mẹ bầu mà còn tác động đến sức khỏe thai nhi. Mẹ nên giữ tâm trạng tích cực, thoải mái, làm những điều mình thích và tránh xa những suy nghĩ tiêu cực, lo âu không cần thiết.
Bụng căng cứng ở tháng thứ 7 thai kỳ là tình trạng phổ biến ở nhiều mẹ bầu. Mẹ có thể căn cứ vào tần suất và mức độ căng cứng cũng như cơn gò để đánh giá tình hình.
Trong phần lớn trường hợp, đây chỉ là hiện tượng sinh lý bình thường và không gây nguy hiểm. Nếu bụng căng cứng khi mang thai tháng thứ 7 đi kèm nhiều dấu hiệu bất thường khác, mẹ hãy đến bệnh viện ngay nhé.
Tìm hiểu thêm: