Theo thống kê, chỉ có khoảng 5% mẹ bầu sinh con theo đúng ngày sinh dự kiến của bác sĩ. Có mẹ sinh sớm trong tuần thai 37, 38, nhưng cũng có mẹ sinh muộn hơn ở tuần thai 40, 41. Trường hợp thai 40 tuần bụng vẫn cao, chưa có dấu hiệu chuyển dạ khiến các mẹ lo lắng liệu em bé có gặp vấn đề gì hay không? Phải làm sao để đảm bảo em bé ra đời khỏe mạnh? Các mẹ hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để giải tỏa nỗi băn khoăn này nhé!
Thai 40 tuần bụng vẫn cao là do đâu?
Thông thường, bụng của mẹ bầu từ tuần 36 trở đi đã bắt đầu tụt xuống để chuẩn bị cho cơn chuyển dạ sắp tới. Đến tuần 40 (đủ 9 tháng 10 ngày) là em bé sẽ chào đời.
Tuy nhiên, có khá nhiều mẹ mặc dù thai 40 tuần bụng vẫn cao, chưa có dấu hiệu chuyển dạ. Hiện tượng này theo cách gọi của dân gian là “chửa trâu”, còn trong thuật ngữ y học được gọi là thai ngôi đầu cao. Cho đến nay, hiện tượng thai 40 tuần vẫn chưa sinh chưa thể xác định được nguyên nhân chính xác là do đâu.
Nguyên nhân khách quan của hiện tượng này có thể là do mẹ cung cấp sai về ngày bắt đầu kỳ kinh cuối hoặc do mẹ bầu khám thai muộn khi đã bước qua 3 tháng đầu thai kỳ. Từ đó dẫn đến việc bác sĩ dự đoán sai ngày dự sinh của mẹ bầu. Ngoài ra, mỗi thai nhi đều có sự phát triển khác nhau nên việc chào đời của bé cũng sẽ không giống với bảng tiêu chuẩn.
>>> Bạn có thể tham khảo: 3 cách chuyển dạ nhanh chóng
Thai 40 tuần bụng căng cứng, chưa có dấu hiệu sinh có nguy hiểm không?
Đối với thai 40 tuần, em bé có chiều dài khoảng 50cm, cân nặng khoảng 3,6kg và đang tiếp tục lớn. Khi thai 40 tuần bụng vẫn cao, mẹ bầu cần đến bác sĩ chuyên khoa để thăm khám cẩn thận và được tư vấn cách xử trí kịp thời.
Các bác sĩ sẽ đề cập đến vấn đề “kích sinh” hoặc sinh mổ nếu bé vẫn chưa chịu ra đời trong tuần tới. Bởi thai nhi ở trong bụng quá lâu khi sinh ra sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh về hô hấp, nhiễm trùng, thậm chí là tử vong. Nhất là những trường hợp thai trên 41 tuần sẽ khiến nhau thai già đi, làm đe dọa đến sức khỏe và sự an toàn tính mạng của con.
Bầu 40 tuần bụng vẫn cao phải làm sao?
Vậy nếu mẹ bầu 40 tuần bụng vẫn cao phải làm sao? Dưới đây là những lưu ý các mẹ không nên bỏ qua để có thể “vượt cạn” thành công:
1. Khám thai kỹ càng
Nếu mẹ nào gặp hiện tượng thai 40 tuần bụng vẫn cao, chưa có dấu hiệu sinh thì lời khuyên tốt nhất là nên đi khám bác sĩ chuyên khoa định kỳ. Các bác sĩ sẽ theo dõi và kiểm tra sức khỏe của mẹ và bé. Nếu phát hiện dấu hiệu bất thường, bác sĩ sẽ đưa ra các biện pháp phù hợp nhằm đảm bảo sự an toàn của mẹ và bé.
2. Tránh tình trạng vỡ ối sớm
Khi có dấu hiệu chuyển dạ, áp lực của những cơn co thắt sẽ khiến nước ối vỡ ra và em bé sẽ chào đời. Tuy nhiên, trong trường hợp em bé chưa được sinh ra mà việc vỡ ối đến sớm hơn sẽ khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và gây nguy hiểm đến bé. Do vậy, trong những tuần cuối thai kỳ, mẹ bầu nên tránh các tác động có thể gây áp lực cho tử cung làm vỡ ối sớm như sinh hoạt vợ chồng.
3. Ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý
Những tuần cuối của thai kỳ, mẹ bầu sẽ cảm thấy mệt mỏi và lo lắng. Nhưng để đảm bảo sức khỏe cho cả hai mẹ con, mẹ bầu cần chú ý đến chế độ ăn uống khoa học. Các bữa ăn phải đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả và có thể chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ để mẹ hấp thu tốt nhất.
Bên cạnh đó, mẹ bầu cần nghỉ ngơi nhiều hơn, giữ tinh thần thoải mái, thư giãn. Kết hợp với việc tập luyện nhẹ nhàng, tránh các hoạt động nặng hay làm việc quá sức để giữ sức khỏe ổn định chuẩn bị cho việc sinh nở suôn sẻ.
>>> Bạn có thể tham khảo: Làm gì khi thai 40 tuần chưa chuyển dạ?
4. Chuẩn bị tốt cho ngày sinh nở
Đến tuần thai thứ 40, mẹ bầu cần chuẩn bị sẵn sàng cả về tâm lý, sức khỏe và đầy đủ các vật dụng cần thiết. Những đồ dùng sinh sở quan trọng mẹ cần có như các loại giấy tờ liên quan (sổ khám thai, thẻ bảo hiểm, chứng minh nhân dân), quần áo và đồ dùng cho mẹ (đồ mặc sau sinh, đồ lót, các vật dụng cá nhân…), quần áo và đồ dùng cho con (bình sữa, tã bỉm, quần áo sơ sinh…).
Trong suốt 40 tuần của thai kỳ, khi có bất cứ điều bất thường nào xảy ra, mẹ bầu cũng cần lưu ý để đảm bảo sức khỏe của mẹ và bé. Và hiện tượng thai 40 tuần bụng vẫn cao, chưa có dấu hiệu sinh cũng không ngoại lệ. Hy vọng những thông tin được chia sẻ trên đây sẽ giúp mẹ bầu có thêm kiến thức hữu ích để có một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh. Hãy tiếp tục theo dõi và đồng hành cùng MarryBaby các mẹ nhé!
[inline_article id=85203]
Phượng Ngô