Thai ngôi mông là gì? Thai ngôi mông nên mổ ở tuần bao nhiêu?
Ngôi thai là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến cách thức sinh nở của mẹ bầu. Thông thường, vào những ngày cuối thai kỳ, bé sẽ nằm dọc, xoay đầu về hướng xương chậu.
Tuy nhiên, với trường hợp thai ngôi mông thì bé sẽ nằm ngược lại, nghĩa là chân và mông hướng xuống dưới. MarryBaby sẽ chia sẻ những thông tin hữu ích đến mẹ.
Thai ngôi mông là gì?
Những tuần cuối của thai kỳ, thai nhi sẽ dần di chuyển vào một vị trí cố định để chuẩn bị cho quá trình chào đời. Thông thường đến tuần thứ 36, hầu hết em bé sẽ quay đầu xuống phía dưới, hướng về phía tử cung.
Vị trí này được gọi là ngôi thai thuận, ngôi thai dọc hoặc ngôi thai đầu. Đây là ngôi thai được đánh giá là thuận lợi cho mẹ sinh nở bằng đường ngả âm đạo.
Vậy thai ngôi mông là gì? Thai ngôi mông (sinh ngôi ngược) là hiện tượng chân hoặc mông của thai nhi nằm dưới đáy của tử cung, thay vì phần đầu. Theo thống kê, có khoảng 3%-4% các trường hợp mang thai sẽ gặp tình trạng ngôi thai không thuận.
Tùy theo vị trí cụ thể của em bé, thai ngôi mông thường được chia ra làm ba loại sau:
- Thai ngôi mông hoàn toàn: Phần mông của em bé hướng xuống dưới, về phía âm đạo, hai đầu gối gập lại như đang ngồi bắt chéo chân.
- Thai ngôi mông không hoàn toàn – kiểu mông: Phần mông của em bé hướng xuống đường dẫn sinh, hai chân đưa thẳng lên phía trước cơ thể, bàn chân gần với đầu.
- Thai ngôi mông không hoàn toàn – kiểu bàn chân: Một hoặc hai bàn chân của em bé hướng xuống đường dẫn sinh. Ở tư thế này, chân có thể sẽ ra ngoài trước nếu mẹ sinh thường qua đường ngả âm đạo.
Vì sao có hiện tượng thai ngôi mông?
Thai ngôi mông là gì và nguyên nhân vì sao? Không có một lý do chính xác nào dẫn đến tình trạng thai ngôi mông. Tuy nhiên, một số trường hợp dưới đây được cho là có nguy cơ gặp phải hiện tượng thai ngôi mông nhiều hơn những mẹ khác.
- Mẹ mang đa thai
- Mẹ bị nhau tiền
- Mẹ có tiền sử sinh non trước đây
- Tử cung có quá ít hoặc quá nhiều nước ối, khiến thai nhi gặp khó khăn trong việc xoay đầu.
- Tử cung có hình dạng bất thường.
- Biến chứng từ các bệnh lý của tử cung như u xơ tử cung.
- Nếu mẹ đã gặp phải tình trạng thai ngôi mông trong lần sinh trước thì sẽ có nguy cơ cao cho những bé sau.
- Trẻ sinh non có khả năng rơi vào trường hợp thai ngôi mông cao hơn trẻ sinh đủ ngày đủ tháng. Theo thống kê, khoảng 25% trẻ bị ngôi ngược ở tuần 28 nhưng ở tuần 34 thì con số này giảm xuống chỉ khoảng 7%.
- Mẹ bầu nghiện thuốc, hút thuốc lá trong suốt thai kỳ có thể làm tăng khả năng thai ngôi mông ở bé.
- Mẹ bầu béo phì, chỉ số BMI cao cũng có thể là nguyên nhân khiến thai nhi xoay vào vị trí ngôi mông.
Phải làm gì khi gặp tình trạng thai ngôi mông?
Thai ngôi mông là gì và có đổi vị trị ngôi thai được không? Nếu sau tuần 36 mà bé vẫn chưa xoay đầu về vị trí thuận, bác sĩ có thể tiến hành phương pháp xoay ngôi mông. Bác sĩ sẽ đặt tay lên bụng mẹ, xoay tay để đẩy trẻ hướng đầu xuống dưới. Trong quá trình thực hiện, mẹ có thể được tiêm thuốc để làm mềm cơ bụng.
Ngoài ra, mẹ cũng có thể thử áp dụng các phương pháp sau để hỗ trợ bé xoay đầu.
- Mẹ quỳ bằng tứ chi theo tư thế em bé tập bò, sau đó rướn người lên xuống trong vài phút.
- Mẹ tiếp tục di chuyển cánh tay về phía trước cho đến khi đầu nằm trên sàn, lúc này phần thân mông sẽ hướng lên trên. Mẹ hít thở nhịp nhàng và giữ tư thế này trong vài giây.
- Nếu biết bơi, mẹ hãy thử đi bơi.
- Đặt một chiếc tai nghe có mở nhạc ở phía bụng dưới. Điều này có thể kích thích bé xoay đầu về hướng có âm thanh.
Các biện pháp hỗ trợ xoay ngôi thai không đảm bảo hiệu quả tuyệt đối. Nếu trong trường hợp đầu của thai nhi vẫn không thay đổi, mẹ sẽ cần phải sinh mổ để đảm bảo sự an toàn cho cả mẹ lẫn bé.
Thai ngôi mông nguy hiểm như thế nào?
Thai ngôi mông là gì và thai ngôi mông nguy hiểm như thế nào với mẹ và bé? Thai ngôi mông có thể gây nên một số biến chứng khi sinh như sau:
- Khi sinh thường, đầu thai nhi là phần to và cứng nhất lại sinh ra cuối cùng nên có nguy cơ kẹt hoặc sang chấn.
- Trong trường hợp ngôi mông không hoàn toàn – kiểu chân, mẹ rất dễ gặp tình trạng sa dây rốn. Lúc này, thai nhi có thể gây áp lực lên rốn, từ đó dẫn đến việc hạn chế lưu lượng máu đến bé. Ngoài ra, khi sinh thường ở tư thế này, bé có nguy cơ dị tật ở chân rất cao.
- Trường hợp ngôi mông không hoàn toàn – kiểu mông và ngôi mông hoàn toàn, mẹ vẫn có thể sinh qua đường ngả âm đạo. Tuy nhiên, quá trình đưa bé ra sẽ có nhiều khó khăn, đòi hỏi tay nghề cao của bác sĩ. Bên cạnh đó, việc sinh thường đối với những trường hợp thai ngôi mông cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro không lường trước được. Em bé ngôi mông được sinh ngả âm đạo có nhiều khả năng bị tổn thương trong hoặc sau khi sinh hơn so với các em bé được sinh ngôi thuận. Theo thống kế, thai nhi sinh ngược có tỷ lệ tử vong cao gấp 4 lần so với những em bé ngôi đỉnh (ngôi đầu).
Thai ngôi mông nên mổ ở tuần bao nhiêu?
Nếu việc xoay ngôi thai được tiến hành thuận lợi ở những tuần cuối cùng, mẹ vẫn có thể sinh thường qua đường âm đạo. Tuy nhiên, nếu sau 37 tuần, em bé vẫn là thai ngôi mông thì bác sĩ thường chỉ định sinh mổ để an toàn cho cả mẹ và bé.
Thời điểm cụ thể để mổ em bé thai ngôi mông dựa vào tình trạng thai kỳ cũng như sự phát triển của em bé trong bụng mẹ. Bác sĩ sẽ dựa vào kết quả của quá trình khám thai, từ đó có sự tư vấn chính xác nhất cho từng trường hợp cụ thể.
Thai ngôi mông là gì? Thay vì phần đầu hướng xuống phía tử cung thì em bé lại quay mông và chân, tạo nên tư thế không thuận lợi cho việc chào đời bằng sinh thường. Tuy nhiên, mẹ không nên quá lo lắng.
Các bác sĩ sẽ theo dõi tình hình và có hướng xử lý phù hợp, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và em bé. Mẹ cần giữ tinh thần thật tốt, tuân thủ lịch khám định kỳ để đón bé yêu chào đời thật khỏe mạnh nhé.
Xem thêm: