Categories
Mang thai 3 tháng giữa

Dấu hiệu bất thường khi mang thai 3 tháng giữa mẹ bầu tuyệt đối không nên lơ là

Tam cá nguyệt thứ 2 là giai đoạn an toàn nhất trong thai kỳ. Tuy nhiên, mẹ bầu không nên chủ quan trong việc theo dõi những dấu hiệu bất thường khi mang thai 3 tháng giữa.

Vào 3 tháng giữa thai kỳ, bé cưng trong bụng đang lớn dần lên. Các bộ phận cũng được hoàn thiện hơn. Mẹ bầu sẽ cảm nhận được những thay đổi rõ rệt theo từng tuần. Lúc này, việc theo dõi những dấu hiệu bất thường khi mang thai 3 tháng giữa sẽ giúp mẹ ý thức tốt hơn về sức khỏe của cơ thể để đảm bảo có thai kỳ khỏe mạnh. 

Sự thay đổi của cơ thể mẹ

Bước vào kỳ tam cá nguyệt thứ hai, cơ thể mẹ bầu sẽ có những thay đổi cụ thể như:

  • Tăng cân: Cân nặng của mẹ có thể tăng từ 0,5 – 1kg/tuần.
  • Tăng kích thước ngực: Vòng ngực tiếp tục phát triển để chuẩn bị nguồn sữa nuôi dưỡng bé.
  • Căng tức, đau âm ỉ hoặc đau nhói vùng bụng: Ở thời điểm này, cổ tử cung của mẹ bầu được mở rộng, gây áp lực lên các cơ và dây chằng. Ngoài ra, tình trạng táo bón thai kỳ là nguyên nhân gây nên hiện tượng này.
  • Đau lưng: Thai nhi ngày càng phát triển gây áp lực lên vùng lưng và gây đau lưng.
  • Cơn gò Braxton-hicks (cơn chuyển dạ giả): Từ tháng 4 của thai kỳ, các cơn gò sẽ bắt đầu xuất hiện. Mỗi cơn gò thường kéo dài khoảng trên dưới 30 giây đến dưới 2 phút với cường độ và nhịp điệu khác nhau, nhưng ở thời điểm này thường là rất thưa kiểu vài ngày đến 1 ngày có 1 lần và mẹ bầu đôi khi không cảm nhận được sự liên quan giữa chúng, có thể do vận động hoặc tư thế.
  • Thai máy: Mẹ bầu có thể cảm nhận được những cử động của thai nhi từ 3 tháng giữa thai kỳ, thường là 18-20 tuần. 
  • Chảy máu chân răng: Hơn 50% mẹ bầu gặp phải trường hợp này. Nguyên nhân là do thay đổi hormone làm vùng nướu chân răng nhạy cảm hơn và gây chảy máu.
  • Sự thay đổi màu da: Ảnh hưởng của nội tiết tố khiến lông, tóc mọc nhanh hơn, da sậm hơn.
  • Ợ chua, táo bón: Sự gia tăng của hormone progesterone khiến cho một số cơ bị giãn ra gây nên tình trạng táo bón khi mang thai.
  • Trĩ khi mang thai: Giãn tĩnh mạch hoặc các tĩnh mạch quanh hậu môn bị chèn ép bởi tử cung là nguyên nhân gây nên tình trạng này.
  • Giãn tĩnh mạch: Thai nhi phát triển càng lớn thì áp lực ở vùng chân càng tăng lên. Tình trạng này khiến các tĩnh mạch ở chân bị sưng lên, xuất hiện các đường màu tím hoặc xanh.
  • Rạn da: Tăng cân nhanh khi mang thai, em bé lớn quá nhanh là nguyên nhân gây nên rạn da.

Sự phát triển của thai nhi 

dấu hiệu bất thường khi mang thai 3 tháng giữa: sự phát triển của thai nhi

Ở giai đoạn này, não bộ của thai nhi phát triển nhanh. Em bé trong bụng đã có thể thực hiện được các động tác như: đá, xoay người, di chuyển. Bé cũng biết bú, nuốt và nghe được những âm thanh bên ngoài.

Ngoài ra, vào 3 tháng giữa thai kỳ, các bộ phận của thai nhi cũng dần hoàn thiện và phát triển hơn.

  • Mắt và tai của trẻ đã di chuyển đúng vị trí, lông mi và lông mày cũng dần xuất hiện. Mí mắt đã có thể mở ra và đóng lại. Bé ngủ và thức dậy theo chu kỳ.
  • Xuất hiện dấu vân tay, móng tay và móng chân cũng dần phát triển. Các ngón tay và ngón chân của bé đã có thể tách rời nhau.
  • Cơ thể của bé được bao phủ bởi một lớp lông tơ mịn (lanugo) và lớp sáp màu trắng (vernix caseosa). Tóc của bé cũng bắt đầu xuất hiện.
  • Nhau thai gần như đã được phát triển hoàn thiện. Trong giai đoạn này, thai nhi đã bắt đầu tích tụ chất béo trên cơ thể.

>> Bạn có thể tìm hiểu thêm: Hé lộ sự phát triển của thai nhi 3 tháng giữa qua hình ảnh

Dấu hiệu bất thường khi mang thai 3 tháng giữa

Mẹ bầu cần đặc biệt lưu ý những dấu hiệu bất thường khi mang thai 3 tháng giữa. Nếu gặp bất cứ dấu hiệu nào dưới đây, mẹ hãy lập tức đến gặp bác sĩ để kiểm tra. Đây có thể là dấu hiệu thai nhi đang gặp bất ổn. 

1. Xuất hiện các cơn đau đột ngột ở tử cung

dấu hiệu bất thường khi mang thai 3 tháng giữa: đột ngột đau ở tử cung

Cơn đau xuất hiện đột ngột và kéo dài ở tử cung. Sau đó, cơn đau lan khắp vùng bụng, lưng, bắp chân. Đồng thời, mẹ có cảm giác tử cung bị căng cứng. Đây có thể là dấu hiệu bong nhau non. Tình trạng này rất nguy hiểm, thậm chí có thể gây tử vong.

2. Nôn ói quá nhiều, liên tục

Nôn quá nhiều kèm theo chóng mặt, mệt mỏi, da tái nhợt, sụt cân nhanh, gây sốt là dấu hiệu bất thường khi mang thai 3 tháng giữa. Tình trạng này khiến mẹ bầu mất nước, mất cân bằng điện giải dẫn đến kiệt sức. Nếu không được kiểm soát kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và thai nhi.

3. Tăng cân hoặc giảm cân quá nhanh

Trong quá trình mang thai, cân nặng của mẹ có chiều hướng tăng dần đều đến cuối thai kỳ. Nếu cân nặng của mẹ gần như không tăng hoặc bị sụt cân nhanh thì có thể là dấu hiệu bất thường. Thai nhi có thể gặp rối loạn về phát triển.

Ngược lại, mẹ cũng cần lưu ý nếu tăng cân quá nhanh kèm theo phù tay chân, hoa mắt chóng mặt, rối loạn thị giác thì có thể là triệu chứng của tiền sản giật.

4. Thai nhi xuất hiện các cử động bất thường

Cử động của thai nhi nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường có thể là dấu hiệu bất thường. Nếu cử động nhiều gấp đôi hay giảm một nửa trong vòng 12 giờ, bé có thể đang bị thiếu oxy, giảm hay tăng quá nhiều đường huyết…. Trong trường hợp bé ngừng chuyển động trong thời gian quá lâu thì thai có thể đang nguy kịch. 

>> Bạn có thể tìm hiểu thêm: Thai 20 tuần máy ít có sao không? 6 cách đơn giản để con yêu đạp mẹ ổn định hơn

5. Đau bụng và chảy máu âm đạo

Đau bụng dưới âm ỉ hoặc đau nhói kèm theo ra máu đen là dấu hiệu bất thường khi mang thai 3 tháng giữa. Đây có thể là dọa sảy thai, sinh non hoặc nhau tiền đạo.

6. Xuất huyết âm đạo, ra sữa non sớm

dấu hiệu bất thường khi mang thai 3 tháng giữa: ra sữa non sớm

Xuất huyết âm đạo, ra sữa non sớm kèm đau bụng là dấu hiệu rối loạn nồng độ prolactin trong máu. Tình trạng này rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến chức năng của nhau thai. 

7. Tiểu tiện quá ít 

Mẹ bầu thường xuyên buồn tiểu, phải đi tiểu nhiều lần trong ngày. Nguyên nhân do thay đổi hormone và áp lực của tử cung lên bàng quang cũng có thể là nhiễm trùng tiểu. Tiểu tiện quá ít đôi khi là dấu hiệu của bệnh lý ảnh hưởng cho cả mẹ và em bé.

8. Huyết áp cao là dấu hiệu bất thường khi mang thai 3 tháng giữa

Huyết áp cao có thể báo hiệu tiền sản giật hoặc nhiễm độc huyết ở mẹ bầu.

9. Căng thẳng, buồn phiền kéo dài

Nhiều mẹ bầu có những cảm xúc tiêu cực như: lo lắng, chán nản, buồn phiền, căng thẳng kéo dài. Nếu cảm xúc này kéo dài bất thường sẽ ảnh hưởng không tốt đến mẹ bầu và em bé.

>> Bạn có thể tìm hiểu thêm: Dấu hiệu thai nhi khỏe mạnh 3 tháng giữa theo từng tuần

Cần làm gì khi có dấu hiệu bất thường ở 3 tháng giữa?

Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường khi mang thai 3 tháng giữa, mẹ nên đến bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra và thăm khám kịp thời. Mẹ tuyệt đối không tự ý dùng bất cứ loại thuốc gì khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Mẹ bầu nên tìm hiểu, trang bị những kiến thức, kỹ năng khi mang thai. Mẹ nên xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh để có thai kỳ khỏe mạnh đồng thời khám thai định kỳ để theo dõi sự phát triển của thai. 

>> Bạn có thể tìm hiểu thêm: Lịch khám thai 3 tháng giữa và những điều mẹ cần biết

Cách chăm sóc bầu khi mang thai 3 tháng giữa

Chăm sóc mẹ bầu khi mang thai 3 tháng giữa cần phải quan tâm đến rất nhiều vấn đề. Một số điểm chính là chế độ dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt khoa học, tuân thủ lịch khám thai định kỳ.

1. Chế độ sinh hoạt tốt cho mẹ bầu 3 tháng giữa

dấu hiệu bất thường khi mang thai 3 tháng giữa

Tuân thủ chế độ sinh hoạt lành mạnh, khoa học cũng là một trong những cách giúp hạn chế dấu hiệu bất thường khi mang thai 3 tháng giữa.

>> Bạn có thể tìm hiểu thêm: Khi mang thai có nên quan hệ không? Các tư thế quan hệ khi mang thai

2. Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho mẹ bầu 3 tháng giữa 

Giai đoạn tam cá nguyệt thứ 2 là giai đoạn thai nhi phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, thai nhi có phát triển tốt hay không phụ thuộc rất nhiều vào chế độ dinh dưỡng của mẹ.

Nguồn dinh dưỡng này sẽ được thai nhi nhận trực tiếp từ cơ thể mẹ thông qua nhau thai. Do đó, mẹ bầu nên bổ sung đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất cần thiết như: 

  • Chất đạm: Tốt cho sự phát triển của thai nhi và các mô trong cơ thể mẹ bầu.
  • Chất béo: Cung cấp năng lượng, hỗ trợ hấp thu vitamin, xây dựng màng tế bào và hệ thần kinh cho thai nhi.
  • Chất xơ: Phòng ngừa chứng trĩ, táo bón thai kỳ.
  • Canxi: Giúp cho răng, xương thai nhi phát triển toàn diện.
  • Axit folic: Phòng chống dị tật ống thần kinh cho thai nhi.
  • Vitamin D: Hỗ trợ cơ thể mẹ bầu hấp thu phốt pho, canxi tốt hơn.
  • Vitamin A: Tăng cường đề kháng cho mẹ bầu và thai nhi.
  • Vitamin B1: Ngăn ngừa chứng tê phù thai kỳ.
  • Sắt: Đây là nhóm vi chất rất quan trọng phòng ngừa thiếu máu ở mẹ bầu. Thiếu máu dẫn có thể dẫn đến nguy cơ sinh non, thai lưu, băng huyết.
  • Kẽm: Giúp thai nhi phát triển và phòng dị tật bẩm sinh.
  • I ốt: Cơ thể mẹ bầu thiếu i ốt có thể gây chậm phát triển ở thai nhi, sảy thai, sinh non.

Ngoài ra, mẹ bầu cũng nên lưu ý đến những thực phẩm không tốt cho sức khỏe: các món chua cay, caffe, nước uống có gas, các loại cá có hàm lượng thủy ngân cao, thực phẩm chưa được chế biến chín.

3. Lưu ý lịch khám thai 3 tháng giữa thai kỳ

Khám thai định kỳ rất quan trọng trong quá trình mang thai. Ở giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ, mẹ bầu nên đi khám từ 2 – 4 lần.

Đặc biệt, từ tuần thứ 18 – 22 của thai kỳ, mẹ bầu nên tiến hành siêu âm hình thái học của thai nhi và thực hiện các phương pháp tầm soát dị tật thai nhi (Triple test, Double test, NIPT). Do đó, khám thai định kỳ là cách để mẹ bầu có thể kiểm soát được những dấu hiệu bất thường khi mang thai 3 tháng giữa tốt nhất. 

Trên đây là toàn bộ chia sẻ về những dấu hiệu bất thường khi mang thai 3 tháng giữa. Mẹ chớ nên bỏ qua những dấu hiệu này nhé. Chúc các mẹ bầu sẽ có một thai kỳ khỏe mạnh, thai nhi phát triển tốt nhất!

By Huỳnh Thị Thu Sương

Cộng tác viên Huỳnh Thị Thu Sương đã có gần hai năm kinh nghiệm viết tin bài kiến thức cho các trang tin về sức khỏe, phụ nữ, mẹ và bé. Hiện tại, Thu Sương đang là cộng tác viên viết bài cho website MarryBaby, một trang tin với những bài viết hữu ích về chăm sóc sức khỏe cho mẹ và bé.