Categories
Mang thai 3 tháng giữa

Sự phát triển của thai nhi 15 tuần tuổi & lời khuyên của bác sĩ cho mẹ bầu

Tuần này, bé đã to bằng một quả đào và diện mạo đang ngày càng hoàn thiện. Trong khi đó, mẹ đã hết ốm nghén và đang chờ đợi những lần thai máy đầu tiên

Khi mẹ mang thai 15 tuần, các đặc điểm của em bé bắt đầu hình thành. Trong bài viết, mẹ sẽ hiểu thai 15 tuần phát triển như thế nào, đồng thời nhận biết một số thay đổi ở cơ thể của mẹ; và những lời khuyên từ bác sĩ để có thai kỳ khỏe mạnh!

Sự phát triển của thai nhi 15 tuần tuổi

1. Thai 15 tuần phát triển như thế nào?

Mẹ thắc mắc thai 15 tuần phát triển như thế nào? Tuần này, bé yêu đang trong quá trình hình thành và tập luyện rất nhiều phản xạ.

  • Luyện tập thở: Trước hết, bé đang luyện tập hít thở bằng cách luân chuyển nước ối từ mũi đến các phần khác của đường hô hấp trên. Những hoạt động này sẽ giúp khởi động cho sự phát triển của các phế nang (các túi khí) trong phổi.
  • Chuyển động chân và tay: Chân của bé đang phát triển dài ra nhiều hơn so với cánh tay. Bé đã có thể chuyển động tất cả các khớp và chi.
  • Hoạt động thị giác: Tiếp đến, bé đang hình thành phản xạ thị giác. Dù đôi mắt vẫn đang khép chặt, bé đã cảm nhận được ánh sáng chiếu xuyên qua thành bụng mẹ. Tuy nhiên đây là giác quan phát triển sớm nhưng kéo dài nhất, và chức năng thị giác hoàn chỉnh có thể cần thêm một thời gian ngắn sau sinh.
  • Bắt đầu phát triển vị giác và khứu giác: Thai 15 tuần tuổi cũng đã bắt đầu cảm nhận được một số mùi và vị thông qua nước ối.
  • Bắt đầu cử động: Lúc này, bé vặn mình và cử động rất nhiều, nhưng hãy còn khá sớm để mẹ cảm nhận được những cử động thai đó, nhất là đối với những mẹ mới lần đầu mang thai.
  • Khi bầu 15 tuần, cơ thể bé cũng đã bắt đầu huy động canxi để làm cho xương cứng cáp hơn và hình thành các chồi răng dưới lợi.

Như vậy mẹ đã biết thai 15 tuần phát triển như thế nào rồi phải không?

[inline_article id=67538]

2. Thai 15 tuần nặng bao nhiêu?

Trong vài tuần tới, bé sẽ phát triển thêm chiều dài và tăng gấp đôi trọng lượng. Còn lúc này thai 15 tuần nặng bao nhiêu? Theo một số nghiên cứu ở Hoa Kỳ, ở giai đoạn này thai có chiều dài từ đỉnh đầu đến gót chân khoảng 16,7cm, nặng khoảng 117g, tương đương kích thước 1 trái táo trung bình.

Một số mẹ cũng muốn biết chiều dài đầu mông của thai 15 tuần. Nhưng theo bác sĩ, con số này chỉ mang tính chất tương đối, giai đoạn này thai nhi đã có những cử động thân mình vì vậy chiều dài đầu mông không còn là chỉ điểm sinh trắc tin cậy, khi đó bác sĩ siêu âm sẽ khảo sát kích thước thai dựa trên những chỉ số khác chính xác hơn và thường bầu sẽ không bao giờ nghe bác sĩ đề cập tới chiều dài thai nhi kể từ 14 tuần.

3. Thai 15 tuần siêu âm biết trai hay gái chưa?

Nhiều mẹ hồi hộp không biết 15 tuần siêu âm biết trai hay gái chưa? Khi thai 15 tuần, bác sĩ đã có thể xác định giới tính của bé thông qua siêu âm.

Nhưng liệu 15 tuần siêu âm con gái đã chính xác chưa? Trên thực tế, kết quả có chính xác hay không phụ thuộc vào tư thế của bé trong bụng mẹ. Nếu bé nằm bắt chéo chân khi máy siêu âm quét qua thì bác sĩ không thể kết luận chắc chắn được.

Ngoài ra, thời điểm bác sĩ có thể tiết lộ giới tính thai nhi có thể trễ hơn, tùy theo quy định của bệnh viện và luật hiện hành. Như vậy, mẹ đã biết câu trả lời cho câu hỏi 15 tuần siêu âm con gái đã chính xác chưa rồi đó! Mẹ có thể tham khảo hình ảnh thai 15 tuần trong ảnh sau đây:

thai nhi 15 tuần trong tử cung
Thai 15 tuần tuổi phát triển như thế nào? Mẹ sẽ bất ngờ với sự phát triển của con tuần này đấy.

4. Bộ phận sinh dục thai nhi 15 tuần

Khi đã thấy hình ảnh thai 15 tuần, nhiều mẹ cũng muốn biết về sự thay đổi của bộ phận sinh dục của bé trai và bé gái. Dưới đây là câu trả lời cho mẹ đây:

Sự thay đổi bộ phận sinh dục của thai nhi 15 tuần bé trai:

  • Tinh hoàn của bé có thể nhìn thấy được vào tuần thứ 9. Sau đó, khi thai nhi đạt 12 tuần tuổi, chồi sinh dục sẽ dài ra tạo thành dương vật. Đồng thời, bìu của bé cũng bắt đầu phát triển.
  • Khi thai nhi 14 tuần tuổi hoặc lớn hơn, tinh hoàn bắt đầu quá trình dịch chuyển để đến vào bên trong bìu. Tuy nhiên, phải đến giai đoạn gần cuối của thai kỳ, bộ phận sinh dục của bé trai mới hoàn chỉnh.

Sự thay đổi bộ phận sinh dục thai nhi 15 tuần – bé gái:

  • Ở các bé gái, buồng trứng sẽ xuất hiện lần đầu tiên vào khoảng tuần 11 đến 12 của thai kỳ. Và vào khoảng tuần 20, một bé gái sẽ có khoảng gần 7 triệu quả trứng nguyên thủy.
  • Ở tuần thứ 22, âm đạo sẽ mở ra trên bề mặt của tầng sinh môn.

Nhìn chung, mẹ đừng quá lo lắng về việc siêu âm 15 tuần có chính xác hay không để xác định giới tính của con; vì mẹ có thể kiên nhẫn chờ thêm một thời gian nữa. Khoảng tầm 18 tuần tuổi câu trả lời bé trai hay bé gái sẽ rõ ràng hơn thôi!

5. Thai 15 tuần là bao nhiêu tháng?

Nếu bầu 15 tuần tức là mẹ đang ở tháng thứ 4 của thai kỳ. Chỉ còn 5 tháng nữa thôi là mẹ sẽ gặp bé yêu của mình rồi.

Sự thay đổi của cơ thể mẹ khi thai 15 tuần

1. Mẹ sẽ thấy giảm ốm nghén trong giai đoạn này

Phần đỉnh tử cung đã ở vào khoảng giữa xương mu và rốn, các vòng dây chằng đỡ tử cung đang dày lên và giãn ra khi tử cung lớn dần. Mẹ sẽ cảm thấy khỏe hơn rất nhiều vì đang ở giai đoạn ổn định của thai kỳ. Mẹ cũng ít buồn nôn hơn, ít thay đổi cảm xúc hơn và nước da hồng hào thể hiện sức khỏe tốt.

thay đổi trong cơ thể của mẹ

2. Mẹ có thể cảm nhận được chuyển động của bé

Mẹ sẽ sớm trải nghiệm một trong những khoảnh khắc tuyệt vời nhất của quá trình mang thai khi cảm nhận được cử động của bé.

Trong khi một số bà mẹ sớm nhận biết “thai máy” từ khi thai 15 tuần, cũng có nhiều người không cảm nhận được cử động của con mình cho đến tuần thứ 17 hoặc lâu hơn. Nếu đây là lần đầu tiên mẹ mang thai thì đừng quá nôn nóng nhé, có thể phải đợi đến khoảng 20 tuần hoặc hơn.

Những chuyển động ban đầu có thể cảm thấy như tiếng vỗ nhẹ, ợ hơi, hay thậm chí lách tách như tiếng bắp rang. Qua những tuần tiếp theo, khi những cử động này trở nên mạnh và rõ thêm, mẹ sẽ cảm nhận được thường xuyên hơn.

Mẹ cũng có thể thử nằm xuống trong vài phút để dễ cảm nhận hơn cử động như có cánh bướm vờn nhẹ ở bụng dưới của mình. Cảm giác đó thật tuyệt diệu!

3. Mẹ có thể bị ngạt mũi

Tuy nói rằng tam cá nguyệt thứ hai là khoảng thời gian tuyệt vời nhất cho các mẹ bầu, một số triệu chứng khó ưa vẫn thường xuyên làm phiền mẹ. Chẳng hạn, sự thay đổi hormone có thể khiến mẹ bị ngạt mũi. Đồng thời, sự gia tăng lưu lượng máu trong cơ thể và mở rộng mạch máu trong khoang mũi có thể khiến mẹ bị chảy máu cam.

 Bên cạnh đó, nguyên nhân này cũng có thể khiến mẹ dễ bị viêm nướu và gây ra các khó chịu về răng miệng nhưng dễ bị chảy máu khi đánh răng, nên nếu nướu sưng đau và dễ chảy máu hãy tìm đến nha sĩ để được điều trị vì các vấn đề răng miệng đôi khi tưởng chừng nhỏ nhưng cũng có thể gây nhiễm trùng và ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé.

Mẹ và anh xã cũng có thể đang trải qua cảm giác lo lắng về sức khỏe của thai nhi khi những đợt khám thai quan trọng đang đến. Nếu nằm trong nhóm phải tiến hành chọc ối, thời điểm thích hợp cho bước thăm dò này sẽ nằm trong khoảng từ tuần này đến tuần thứ 18.

[inline_article id=2336]

Lời khuyên của bác sĩ để thai nhi 15 tuần phát triển tốt

1. Mẹ bầu nên ăn gì?

Theo các chuyên gia, khi mang thai 15 tuần; mẹ cần tiếp tự duy trì chế độ ăn đa dạng đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, tiếp tự bổ sung sắt, acid folic và canxi:

  • Bổ sung trái cây và rau xanh trong chế độ ăn, uống đủ nước để tránh táo bón và cung cấp vitamin cho cơ thể.
  • Dùng sữa và các sản phẩm từ sữa vì bạn cần canxi cho sự phát triển xương của thai nhi.
  • Bổ sung protein, đặc biệt là thịt nạc, cá nhiều dầu, trứng, thịt bò…
  • Ăn trứng nấu chín kỹ để có được một số axit béo omega 3.

>> Xem thêm: Mẹ nên ăn gì khi thai nhi 15 tuần tuổi? 

mẹ mang thai 15 tuần nên ăn gì

2. Cách vận động trong khi mang thai 15 tuần

Do vóc dáng cơ thể mẹ bắt đầu thay đổi, chế độ tập luyện cũng nên thay đổi. Vào tuần thứ 15 của thai kỳ, mẹ cần bảo đảm an toàn, cân bằng và thoải mái trong khi luyện tập.

Với những trường hợp đau dây thần kinh, khi đi ngủ mẹ hãy cố gắng thay đổi tư thế và dùng nhiều gối sao cho tư thế cảm thấy thoải mái nhất. Vì khi trọng lượng tử cung và bé đè lên dây thần kinh này, mẹ sẽ cảm thấy như bị kim châm hoặc đau nhói ở vùng dưới mông và chân.

Hoặc mẹ có thể ngủ với tư thế nằm nghiêng, dồn trọng tâm ngửa vào đầu gối để tránh áp lực lên dây thần kinh. Một gợi ý khác nữa là, khi ngồi, Mẹ hãy cố gắng để hai chân nâng lên một chút bằng cách gác lên dụng cụ để chân.

>> Mẹ tham khảo thêm Bài tập thể dục cho bà bầu 3 tháng giữa: An toàn cho mẹ và bé

3. Chăm sóc bản thân cho mẹ bầu: Những điều cần lưu ý

Những điều nên làm:

  • Uống đủ nước.
  • Nghỉ ngơi nhiều và ngủ đủ giờ.
  • Ăn uống khoa học và đúng thời điểm.
  • Tập thể dục điều độ để đối phó với các cơn đau nhức

Những điều không nên làm:

  • Tiếp xúc với những nơi bị ô nhiễm hoặc bẩn thỉu.
  • Tập luyện quá sức.
  • Dùng thuốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ.
  • Suy nghĩ tiêu cực.
  • Bỏ đói bản thân.

4. Hỏi về tiền sản giật

Tiền sản giật thường phát triển vào cuối thai kỳ, sau thai tuần 20 triệu chứng có thể bao gồm tăng huyết áp, tiểu ra protein, phù và gây rối loạn nhiều chức năng cơ thể, ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và thai nhi.

Nếu mẹ có nguy cơ cao bị tiền sản giật (điều này sẽ được bác sĩ đánh giá qua hỏi tiền sử mang thai, bệnh sử, tiền sử gia đình…) hãy hỏi bác sĩ về việc dùng aspirin liều thấp. Các nghiên cứu lưu ý rằng dùng một liều nhỏ hàng ngày từ đầu tam cá nguyệt thứ 2 có thể tác dự phòng tiền sản giật ở đối tượng nguy cơ cao.

Tuy nhiên, mẹ cần hỏi bác sĩ chứ không được tự ý mua dùng nhé. Bên cạnh đó, cung cấp đủ canxi nếu chế độ ăn thiếu canxi cũng có lợi trong việc dự phòng bệnh lí này, nên các mẹ không nên ngó lơ nhé.

5. Tìm hiểu chiều cao cơ bản của bé

Cách đơn giản nhất để đo kích thước thai nhi là theo dõi kích thước tử cung của mẹ. Để theo dõi sự phát triển và vị trí của thai nhi, bác sĩ sẽ bắt đầu đo khoảng cách giữa đỉnh xương mu và đỉnh tử cung của bạn để xem kích thước của con bạn.

6. Siêu âm thai nhi tuần thứ 15

Siêu âm tuần này sẽ cho biết con mẹ đang thực hiện co duỗi người nhiều nhưng bạn không hề nhận ra. Lúc này, tất cả các chi và khớp của bé đã được hình thành nhiều hơn; chắc chắn thai nhi sẽ vặn vẹo rất nhiều. Song mẹ chỉ có cảm giác ọc ạch nhẹ bên trong bụng. Thai nhi cũng có khả năng bị nấc cụt.

siêu âm thai 15 tuần

7. Hỏi về phương pháp chọc dò màng ối

Chọc ối để làm gì? Nước ối sẽ cho mẹ biết tình hình sức khỏe của thai nhi. Phương pháp chọc dò nước ối sẽ giúp đánh giá sức khỏe của thai nhi và chẩn đoán các dị tật bẩm sinh; và một loạt các bất thường nhiễm sắc thể (nếu có). Tất nhiên là mẹ chỉ có thể nghe bác sĩ đề cập tới thủ thuật này khi tình trạng thai có vấn đề hay nghi ngờ bất thường.

Chọc ối có thể được thực hiện từ tuần 16 đến 20 cho những người có nguy cơ cao về các vấn đề di truyền hoặc nhiễm sắc thể hoặc nghi ngờ nhiễm trùng bào thai. Sau thủ thuật, nước ối được gửi đến phòng thí nghiệm để kiểm tra các tình trạng như hội chứng Down. Vậy mẹ đã biết chọc ối để làm gì rồi đúng không?

>>> Xem thêm: 15 tuần đã biết trai hay gái chưa? 4 cách xác định giới tính thai nhi

Một số câu hỏi thường gặp khi mang thai 15 tuần

1. Thai 15 tuần bụng đã to chưa?

Thai 15 tuần bụng đã to chưa là nỗi trăn trở của rất nhiều mẹ. Khi mang thai 15 tuần, tử cung mẹ bầu mở rộng để đủ chỗ cho em bé. Do đó, bụng của mẹ bầu sẽ lớn dần lên. Ngực cũng sẽ dần dần tăng kích thước. Như vậy, mẹ đã biết thai 15 tuần bụng đã to chưa rồi đó!

2. Thai 15 tuần vẫn nghén có sao không?

Vào tuần thứ 15, mẹ vẫn có thể cảm thấy các triệu chứng kéo dài từ giai đoạn đầu của thai kỳ; như buồn nôn hoặc ốm nghén. Nhưng có khả năng mẹ sẽ sớm có lại cảm giác thèm ăn.

Nếu tình trạng ốm nghén trở nên nghiêm trọng khiến mẹ bị mất nước và không thể ăn để bổ sung dưỡng chất; mẹ hãy thăm khám ngay với bác sĩ, vì đó có thể là biểu hiện của chứng ốm nghén nặng (Hyperemesis Gravidarum).

3. Chọc ối có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Chọc ối có ảnh hưởng đến thai nhi không? Trên thực tế, bất kỳ xét nghiệm xâm lấn nào cũng đi kèm rủi ro; dưới đây là những nguy cơ của xét nghiệm chọc ối theo Dịch vụ Y tế Quốc gia tại Anh Quốc (National Health Services – NHS):

  • Nguy cơ sẩy thai: Nếu mẹ chọc ối sau khi thai được 15 tuần thì khả năng sảy thai ước tính lên đến 1/100. Nguy cơ càng cao nếu thủ thuật được thực hiện trước 15 tuần.
  • Nguy cơ nhiễm trùng: Như với tất cả các thủ tục phẫu thuật, có nguy cơ nhiễm trùng trong hoặc sau khi chọc dò ối. Nhưng tỷ lệ nhiễm trùng nặng để chọc ối thấp hơn 1/1000.

4. Mẹ mang thai 15 tuần có đi du lịch được không?

Tuần thứ 15 là thời điểm tuyệt vời cho một chuyến đi lãng mạn của hai vợ chồng. Khi bé con chào đời, sẽ rất khó để bố mẹ có một chuyến du lịch cuối tuần cùng nhau. Đừng bỏ lỡ cơ hội này để thắp lên sự nồng nàn cho cả hai.

Và cũng đừng trì hoãn chuyến đi quá lâu vì trong giai đoạn cuối của quá trình mang thai, mẹ có thể cảm thấy rất mệt mỏi và đau nhức, hoàn toàn không còn tâm trạng để đi đâu đó. Nếu mẹ không thể đi xa, hãy lên kế hoạch cho những hoạt động cả hai có thể cùng nhau tận hưởng bữa tối tại nhà hàng yêu thích hoặc cùng xem một bộ phim hay chẳng hạn.