Categories
Mang thai Chuyển dạ - Sinh nở

Vì sao bà bầu dễ mắc bệnh trĩ? Bà bầu bị trĩ có sinh thường được không?

Nếu đang bị bệnh trĩ nhưng lại muốn sinh thường, hẳn mẹ bầu sẽ thắc mắc bà bầu bị trĩ có sinh thường được không. MarryBaby sẽ giải đáp ngay sau đây!

Bệnh trĩ không chỉ gây đau đớn mà còn làm cho người bệnh ngại ngùng và khó chịu. Phụ nữ mang thai mắc bệnh trĩ phức tạp hơn nhiều so với người không mang thai. MarryBaby sẽ giải đáp vấn đề bà bầu bị trĩ có sinh thường được không cũng như cung cấp nhiều thông tin hữu ích khác về bệnh trĩ.

Bệnh trĩ là gì? Những người dễ mắc bệnh trĩ

Bệnh trĩ là bệnh thường xuất hiện ở hậu môn. Chúng là kết quả của việc dãn quá mức các đám rối tĩnh mạch ở vùng hậu môn của bạn. Thông thường, các mô này sẽ đóng vai trò trong việc tống phân ra ngoài. Tuy vậy, khi bạn mắc bệnh trĩ, các mô này sẽ sưng to và đau.

Một số đối tượng thường mắc bệnh trĩ có thể kể tới đó là:

1. Phụ nữ có thai

Bà bầu bị trĩ có sinh thường được không

Phụ nữ mang thai là đối tượng có nguy cơ mắc trĩ cao nhất, tới gần 50%. Nguyên nhân là bởi trong thời kì này, chị em ngồi nhiều, ăn uống nhiều chất bổ nhưng lại ít chất xơ, uống ít nước và cũng hạn chế vận động.

Ngoài ra, phụ nữ mang thai cũng có áp lực bụng tăng cao. Bởi vậy, cổ tử cung chèn ép các chùm tĩnh mạch trĩ ở bụng. Điều này dẫn tới các triệu chứng khác như bí đại tiện, nứt hậu môn và cuối cùng là sưng tĩnh mạch tạo nên bệnh trĩ.

Một số sản phụ sinh con sẽ phải rạch tầng sinh môn. Các động tác rạch ra, khâu lại cũng sẽ dễ dẫn tới bệnh trĩ. Khi sinh thường, mẹ bầu thường rặn, do đó bệnh trĩ sẽ càng nặng thêm. Nếu khoảng 2 năm mà lại sinh tiếp thì bệnh trĩ lúc này rất trầm trọng.

2. Dân văn phòng hay lái xe phải ngồi nhiều

Ngồi nhiều làm tăng áp lực tĩnh mạch ở trực tràng, do đó tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ. Nhất là đối với tài xế hay dân văn phòng, việc ngồi nhiều dường như là bắt buộc. Ngoài ra, những đối tượng này cũng dễ gặp áp lực công việc nên thường xuyên nhịn uống nước, nhịn tiểu tiện. Những điều này lại càng làm bệnh trĩ trở nên trầm trọng hơn.

3. Người bị bệnh táo bón

Bệnh táo bón là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới bệnh trĩ. Bởi bất cứ đối tượng già trẻ, lớn bé đều có thể bị táo bón trong một thời gian nhất định. Khi người bệnh táo bón, họ sẽ phải rặn nhiều khiến áp lực dồn nhiều hơn xuống trực tràng và hậu môn. Chưa kể là phân lớn, cứng cũng ma sát và làm tổn thương các tĩnh mạch vùng này. Bởi thế, những ai bị táo bón lâu ngày có tỷ lệ cao mắc bệnh trĩ.

Bà bầu bị trĩ có sinh thường được không?

Bà bầu bị trĩ có sinh thường được không?
Bà bầu bị trĩ có sinh thường được không?

Như bạn đã thấy, bà bầu có nguy cơ mắc bệnh trĩ cực kỳ cao. Từ đây sinh ra một thắc mắc đó là bà bầu bị trĩ có sinh thường được không? Theo các bác sĩ chuyên khoa, bà bầu bị trĩ có thể sinh thường được một cách an toàn.

Thông thường, những bà mẹ bị trĩ sẽ được chỉ định điều trị, cắt trĩ sau khi sinh xong. Bạn có thể đợi 6 tuần cho vết thương khi sinh lành lại rồi mới đi chữa trĩ nhé!

Tuy vậy, nếu trĩ quá nặng, gây đau đớn và khó chịu thì mẹ cần phải phẫu thuật. Bác sĩ sẽ cân nhắc để xử lý búi trĩ trước khi sinh nở. Đối với người bệnh, bạn cần theo dõi tình trạng búi trĩ, tốt nhất nếu trĩ nặng thì nên tới bệnh viện sớm, tránh để tình trạng cắt búi trĩ quá sát giờ sinh. Hai trường hợp phải cắt búi trĩ trước sinh đó là:

♦ Mẹ bị trĩ ngoại tắc mạch: Đây là một trường hợp trĩ nặng cần cấp cứu và cắt trĩ trước khi sinh. Lưu ý chỉ nên gây tê tại chỗ, bởi phương pháp này sẽ không làm ảnh hưởng tới em bé trong bụng. Cần tuyệt đối tránh gây tê tủy sống, bởi cách làm này gây hại, dẫn tới đẻ non hoặc sẩy thai rất nguy hiểm.

Mẹ bị trĩ độ IV chảy máu: Trường hợp này không thể gây tê rồi cắt trĩ vì máu đã ra nhiều rất khó cầm lại. Bác sĩ sẽ dùng thuốc co mạch, tăng sức bền thành mạch. Bạn hãy yên tâm vì những loại thuốc này hoàn toàn an toàn với sản phụ cũng như em bé. Một số cách khác để xử lý tình trạng này đó là dùng thuốc giảm đau, cầm máu; ngâm hậu môn vào nước ấm; ngâm vào nước bồ kết… những cách này sẽ giúp giảm sưng, co búi trĩ và cầm máu. Búi trĩ của thai phụ trong trường hợp này chỉ được bác sĩ cắt bỏ sau khi sinh.

>>> Bạn có thể quan tâm: Kinh nghiệm sinh thường sau sinh mổ

Những cách phòng tránh bệnh trĩ cho bà bầu

cách phòng tránh bệnh trĩ cho bà bầu

Bà bầu thường có nguy cơ mắc trĩ rất cao. Tuy vậy, bạn vẫn có thể phòng tránh phần nào loại bệnh cực kỳ khó chịu này. Hãy cùng tìm hiểu một vài cách để giúp mẹ bầu bớt được nỗi lo bị trĩ khi sinh nhé!

♦ Tập thói quen đi vệ sinh để phòng bệnh trĩ: Bà bầu không rặn quá mạnh, không ngồi lâu để chơi điện thoại khi đi vệ sinh. Ngoài ra, mẹ cũng cần tạo thói quen đại tiện vào các giờ nhất định, tránh tình trạng đại tiện không đều gây ảnh hưởng tới thành hậu môn.

>>> Bạn có thể quan tâm: Bà bầu bị táo bón có nên rặn?

♦ Ăn uống lành mạnh: Mẹ mang thai cần chú ý ăn nhiều chất xơ, uống nước. Bởi nhiều người thường nghĩ rằng chỉ cần ăn nhiều thịt, cá, uống sữa, ăn đồ bổ càng nhiều để con khỏe mạnh là đủ.

♦ Vận động thường xuyên: Mẹ bầu nên đi bộ nhẹ nhàng, tập các bài tập thể dục liên quan tới vùng xương chậu. Điều này giúp làm thúc đẩy tuần hoàn máu, dễ sinh nở và cũng hạn chế được bệnh trĩ tốt hơn.

♦ Ngâm nước nóng: Mỗi ngày trong tháng cuối cùng của thai kỳ, mẹ bầu có thể ngâm thân dưới trong nước ấm từ 10-15 phút. Điều này sẽ mang lại cảm giác thoải mái, giảm stress, kích thích tuần hoàn.

♦ Vệ sinh vùng hậu môn sau khi tiểu tiện: Sau khi đi vệ sinh, mẹ nên rửa sạch bằng nước. Tiếp đến, mẹ sử dụng loại giấy vệ sinh mềm, không mùi, không màu để lau khô nhằm tránh làm tổn thương hậu môn. Bên cạnh đó, tránh dùng vòi xịt quá mạnh, xịt thẳng vào hậu môn khi vệ sinh.

♦ Hạn chế các tư thế không tốt: Trong quá trình mang thai, mẹ bầu sẽ cảm thấy nặng nề trong người và thường ngồi hoặc nằm quá nhiều. Do đó, cần hạn chế những thói quen này ngay. Bên cạnh đó, bạn cũng không nên nằm ngửa hoặc sấp. Tốt nhất là nằm nghiêng sẽ vừa tốt cho bé, vừa tránh bị trĩ.

[inline_article id=5289]

Bà bầu bị trĩ có sinh thường được không? Câu trả lời là có. MarryBaby khuyên mẹ bầu nếu có biểu hiện bị trĩ thì nên tới bệnh viện thăm khám ngay từ những tháng đầu của thai kỳ. Lúc này các bác sĩ có chuyên môn sẽ đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả và thích hợp nhất. Chúc mẹ có thể khỏe mạnh để sinh mẹ tròn con vuông nhé!

Hương Hoa

By Thu Hoàng

Hoàng Diệu Thu là biên tập viên dày dạn kinh nghiệm của MarryBaby và có thể viết tốt hầu hết các chuyên mục về Mẹ và Bé.