Categories
Mang thai Chăm sóc mẹ bầu

Bà bầu ăn cá ngừ được không và ăn bao nhiêu thì tốt?

Bà bầu ăn cá ngừ được không? Bà bầu có nên ăn cá ngừ? Nếu muốn bổ sung cá ngừ khi mang thai, mẹ bầu cần đọc kỹ nên bổ sung bao nhiêu để không gặp tác dụng ngược nhé!

cá ngừ có tốt cho bà bầu?
Bà bầu ăn cá ngừ được không? Ảnh: Wesual Click/Unsplash

Cá ngừ được coi là một nguồn cung cấp chất dinh dưỡng tuyệt vời, với nhiều chất quan trọng cho bà bầu. Chẳng hạn như loại cá này chứa nhiều axit eicosapentaenoic (EPA) và axit docosahexaenoic (DHA). Đây là hai chất béo omega-3 chuỗi dài đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển não bộ và hệ thần kinh của thai nhi.

Tuy nhiên, hầu hết các loại cá ngừ cũng chứa hàm lượng thủy ngân cao, một hợp chất có liên quan đến các vấn đề sức khỏe và phát triển khác nhau ở trẻ sơ sinh. Vậy bà bầu ăn cá ngừ được không? Vì lý do thủy ngân, phụ nữ mang thai thường được cảnh báo hạn chế ăn cá ngừ.

Ăn quá nhiều cá ngừ và các loại cá khác có thể gây hại cho hệ thần kinh của thai nhi. Cá ngừ cũng có thể chứa các chất ô nhiễm môi trường như dioxin và polychlorinated biphenyls (PCB). Khi ăn trong thời gian dài, những chất này sẽ tích tụ trong cơ thể bạn và cản trở sự phát triển của thai nhi. Cùng tìm hiểu ăn bao nhiêu cá là an toàn cho bạn và thai nhi nhé!

Bà bầu ăn cá ngừ được không? Cá ngừ chứa các chất dinh dưỡng quan trọng

bà bầu có nên ăn cá ngừ
Ảnh: Mar_qs/Pixabay

Bà bầu ăn cá ngừ được không? Cá ngừ rất giàu chất dinh dưỡng, trong đó có nhiều chất dinh dưỡng quan trọng trong suốt thai kỳ của bạn, gồm:

♥ Chất đạm: Chất dinh dưỡng này rất quan trọng đối với tất cả các khía cạnh của sự tăng trưởng. Ăn quá ít protein trong thai kỳ có thể dẫn đến sẩy thai, hạn chế sự phát triển của thai nhi trong tử cung và sinh con nhẹ cân. Song mẹ bầu cần nhớ ăn quá nhiều protein cũng có thể gây ra những tác động tiêu cực tương tự.

♥ EPA và DHA: Những omega-3 chuỗi dài này rất quan trọng cho sự phát triển mắt và não của em bé. Omega-3 chuỗi dài cũng có thể làm giảm nguy cơ sinh non, thai nhi kém phát triển, trầm cảm ở người mẹ và dị ứng ở trẻ nhỏ.

♥ Vitamin D: Cá ngừ chứa một lượng nhỏ vitamin D, rất quan trọng đối với khả năng miễn dịch và sức khỏe của xương. Bổ sung lượng vitamin D phù hợp cũng có thể làm giảm nguy cơ sẩy thai và tiền sản giật – một biến chứng do huyết áp cao trong thai kỳ gây ra.

♥ Chất sắt: Khoáng chất này rất quan trọng cho sự phát triển lành mạnh của não bộ và hệ thần kinh của thai nhi. Cung cấp đủ chất sắt trong thai kỳ cũng có thể làm giảm nguy cơ sinh con nhẹ cân, sinh non và tử vong ở bà mẹ.

♥ Vitamin B12: Chất dinh dưỡng này giúp tối ưu hóa chức năng hệ thần kinh và tạo ra các tế bào hồng cầu vận chuyển protein và oxy. Thiếu vitamin B12 khi mang thai có thể làm tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non, dị tật bẩm sinh và các biến chứng thai kỳ khác.

100g cá ngừ hộp cung cấp khoảng 32% lượng protein tiêu thụ hàng ngày (RDI), 9% sắt (DV) và 107% DV vitamin B12 hàng ngày. 100g cũng chứa khoảng 25mg EPA và 197mg DHA, chiếm khoảng 63–100% lượng hàng ngày mà hầu hết các chuyên gia khuyên phụ nữ mang thai nên tiêu thụ.

Nếu không ăn cá ngừ, mẹ bầu nên dùng thực phẩm bổ sung hàng ngày cung cấp ít nhất 200mg DHA hoặc 250mg EPA cộng với DHA mỗi ngày.

>>> Bạn có thể quan tâm: Bà bầu ăn cá đuối được không? 

Bà bầu ăn cá ngừ được không và tại sao cá ngừ lại nguy hiểm?

bà bầu ăn cá ngừ
Ảnh: NinoDonkervoort/Pixabay

Cá ngừ là loại cá rất phổ biến, nhưng bà bầu ăn cá ngừ được không, bà bầu có nên ăn cá ngừ? Tất cả các loại cá biển đều chứa độc tố metyl thủy ngân – một số con nhiều hơn những loại khác.

Hầu hết thủy ngân được tìm thấy trong cá là kết quả của ô nhiễm công nghiệp và mức độ của nó trong cá dường như tăng lên mỗi năm. Cá càng lớn, càng già và càng ăn nhiều thức ăn thì càng có nhiều thủy ngân. Cá ngừ là một loài cá săn mồi, có thể trạng lớn và già đi. Do đó chúng sẽ bị tích tụ một lượng thủy ngân đáng kể trong thịt.

Việc hấp thụ nhiều thủy ngân trong thời kỳ mang thai có thể gây hại cho sự phát triển của não bộ và hệ thần kinh của thai nhi. Điều này có thể dẫn đến một loạt các vấn đề, trong đó phổ biến nhất bao gồm:

– Gặp khó khăn trong học tập, tiếp thu
– Chậm phát triển kỹ năng vận động
– Trí nhớ kém, khả năng diễn đạt kém và khó tập trung, chú ý
– Khả năng phát triển thị giác, không gian kém
– Chỉ số thông minh thấp hơn (IQ)
– Bị cao huyết áp hoặc các vấn đề về tim ở tuổi trưởng thành

Trong những trường hợp nghiêm trọng, việc hấp thụ nhiều thủy ngân khi mang thai đôi khi dẫn đến mất khứu giác, thị lực hoặc thính giác ở trẻ sơ sinh, cũng như dị tật bẩm sinh, co giật, hôn mê và thậm chí tử vong ở trẻ sơ sinh.

Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy rằng việc tiếp xúc với thủy ngân trong thời kỳ đầu mang thai có thể không có tác động tiêu cực đến hành vi, sự phát triển hoặc chức năng não của trẻ, miễn là người mẹ ăn cá trong khi mang thai. Điều này cho thấy một số hợp chất nhất định trong cá có thể đối trọng với tác động tiêu cực của thủy ngân. Tuy nhiên, cần thêm nghiên cứu trước khi có thể đưa ra kết luận chắc chắn.

Hơn nữa, mẹ bầu nên tránh ăn cá ngừ sống để giảm thiểu nguy cơ nhiễm Listeria monocytogenes, một loại vi khuẩn có thể có tác động tàn phá đến sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi.

>>> Bạn có thể quan tâm: Các loại cá bà bầu không nên ăn

Vậy bà bầu có nên ăn cá ngừ và ăn bao nhiêu thì tốt?

bà bầu ăn cá ngừ được không
Bà bầu không nên ăn cá ngừ sống. Ảnh: Louis Papaspyrou/Pixabay

Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã đưa ra các hướng dẫn trước đây về việc ăn cá an toàn, nhưng các khuyến nghị mới nhất cũng đề cập đến cá ngừ. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai, cho con bú và trẻ em có thể:

– Ăn tối đa 340g cá ngừ đóng hộp và các loại cá có hàm lượng thủy ngân thấp khác, chẳng hạn như cá hồi, tôm, cá da trơn, cá minh thái một tuần.

– Ăn tối đa 120g cá ngừ albacore (trắng) tươi hoặc đóng hộp.

– Ăn tối đa 120g cá đánh bắt tại địa phương.

– Tránh các loại cá lớn, chẳng hạn như cá mập, cá kiếm, cá thu vua và cá ngói, những loài có nhiều thủy ngân nhất.

“Cá ngừ đóng hộp là loại cá có nguy cơ cao hơn, nhưng vẫn an toàn để ăn miễn đó không phải là nguồn thực phẩm chính của bạn và dùng với số lượng hạn chế,” Karen Filkins, một thành viên của Đại học Y khoa Hoa Kỳ, cho biết. Jean Halloran, giám đốc các sáng kiến chính sách thực phẩm tại Consumers Union ở Yonkers, New York, xác nhận rằng, trung bình, cá ngừ đại dương có lượng thủy ngân bằng 1/3 (0,12 phần triệu) so với cá ngừ albacore trắng rắn (0,35 phần triệu), vì vậy nó thường được coi là an toàn hơn.

Ngoài việc tuân theo các hướng dẫn của FDA đã nêu ở trên, Filkins nói rằng phụ nữ mang thai nên chọn mua cá được đánh bắt từ vùng biển an toàn.

Theo Filkins, cá có hàm lượng thủy ngân thấp là một phần rất quan trọng trong chế độ ăn uống của phụ nữ mang thai. Đó là bởi vì nó chứa nhiều protein, axit béo omega-3 và các chất dinh dưỡng khác có giá trị bảo vệ thai nhi.

Như vậy, với những thông tin trên, bạn đã biết bà bầu có nên ăn cá ngừ và bà bầu ăn cá ngừ được không rồi. Hãy ăn theo khuyến nghị của MarryBaby ở bên trên nhé. Chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh.

[inline_article id=108704]

Hoàng An

By Thu Hoàng

Hoàng Diệu Thu là biên tập viên dày dạn kinh nghiệm của MarryBaby và có thể viết tốt hầu hết các chuyên mục về Mẹ và Bé.