Categories
Mang thai Chăm sóc mẹ bầu

Bà bầu bị chuột rút phải làm sao?

Bà bầu bị chuột rút có thể cảm nhận những cơ co rút ở ngay vùng bụng hoặc bắp chân, tùy theo từng giai đoạn của thai kỳ. Đâu là nguyên nhân gây chuột rút khi mang thai và cách xử lý tình trạng này?

Trong những tuần đầu của thai kỳ, bà bầu thường bị chuột rút ở vùng bụng. Trong khi đó, bà bầu bị chuột rút ở bắp chân là triệu chứng thường thấy từ tháng thứ 3 của thai kỳ và có thể càng ngày càng nặng hơn. Tìm hiểu nguyên nhân, cách phòng ngừa và bí quyết để mẹ cảm thấy dễ chịu hơn nếu bị tình trạng chuột rút khi mang thai, mẹ nhé!

Nguyên nhân nào khiến bà bầu bị chuột rút?

Bà bầu bị chuột rút vùng bụng

Hiện tượng này thường chỉ là kết quả của một vài thay đổi trong cơ thể. Cảm giác như thể bị co kéo có thể xảy ra ở cả hai bên bụng. Tuy đây không phải là một dấu hiệu có thai điển hình, nhưng quả thật rất nhiều mẹ bầu đã bắt đầu thai kỳ của mình với những cơn chuột rút như thế.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng chuột rút này, các chuyên gia cho rằng đó là do sự mở rộng của tử cung khi mang thai làm kéo giãn các cơ bắp và dây chằng.

Từ tam cá nguyệt thứ hai, chuột rút vùng bụng là do dây chằng vòng giúp nâng đỡ tử cung bị kéo giãn dẫn đến cảm giác đau và nhói ở vùng bụng dưới.

[inline_article id=146040]

Bà bầu bị chuột rút ở chân

Nguyên nhân của tình trạng bà bầu bị chuột rút bắp chân có thể do cơ bắp ở chân đang mệt mỏi vì phải nâng đỡ toàn bộ trọng lượng cơ thể mẹ. Tử cung mở rộng làm tăng áp lực lên các mạch máu, đưa máu từ chân đến tim và dây thần kinh từ tủy sống đến đôi chân.

Chuột rút có thể bắt đầu từ tháng thứ ba của thai kỳ và ngày càng tồi tệ hơn khi thai nhi phát triển, bụng mẹ to dần. Tình trạng này thậm chí xảy ra cả ngày lẫn đêm.

[inline_article id=138674]

Thiếu chất khoáng

Chuột rút khi mang thai còn có thể phản ánh tình trạng thiếu chất. Nhưng cụ thể, bà bầu bị chuột rút là thiếu chất gì?

Mẹ ơi, lưu ý để cơ thể không bị thiếu đi những chất khoáng cần thiết như canxi, magiê, kali nhé. Nếu thiếu các chất này thì tình trạng chuột rút khi mang thai sẽ tồi tệ hơn đấy.

Bị chuột rút khi mang thai, bầu phải làm gì?

Những bà bầu bị chuột rút ở vùng bụng có thể thử những cách sau: 

  • Thử ngồi, nằm hay thay đổi tư thế.
  • Ngâm mình trong bể nước ấm.
  • Thử tập các bài tập thể dục tốt cho bà bầu với cường độ nhẹ để thư giãn cơ.
  • Chườm nước ấm ngay tại chỗ đau.
  • Uống nhiều nước.

Đối với tình trạng bà bầu bị chuột rút bắp chân, dưới đây là một số cách xử lý cho mẹ: 

  • Tránh đứng hoặc ngồi chéo chân quá lâu.
  • Co duỗi bắp chân thường xuyên vào ban ngày và trước khi đi ngủ.
  • Xoay mắt cá chân, ngọ nguậy ngón chân khi ngồi ăn tối hoặc xem tivi.
  • Đi bộ mỗi ngày trừ khi bạn được yêu cầu không tập thể dục.
  • Tránh làm việc quá sức. Nằm nghiêng bên trái để cải thiện lưu thông máu.
  • Uống nước thường xuyên, không để khát.
  • Tắm nước ấm trước khi đi ngủ để thư giãn cơ bắp.

Một số nghiên cứu cho thấy việc bổ sung magiê và canxi trước khi sinh có thể giúp phụ nữ tránh tình trạng chuột rút. Tuy nhiên, cũng không ít nghiên cứu chứng minh rằng tác dụng của chúng là không đáng kể dù canxi rất cần thiết cho phụ nữ mang thai. Mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất cứ loại thuốc bổ sung nào trong thời kỳ mang thai.

"Cứu nguy" cho mẹ bị chuột rút khi mang thai
Massage chân thường xuyên sẽ giúp hạn chế tình trạng chuột rút khi mang thai

Xử lý nhanh khi bị chuột rút bắp chân khi mang thai

Nếu xảy ra chuột rút, lập tức căng cơ bắp chân bằng cách duỗi thẳng chân và nhẹ nhàng uốn cong các ngón chân về phía cẳng chân. Động tác này lúc đầu có thể làm mẹ đau hơn, nhưng các cơn đau và co thắt sẽ dần dần biến mất. Mẹ có thể thử massage các cơ bắp chân hoặc làm nóng cơ bằng túi nước ấm. Đi loanh quanh vài phút để thấy dễ chịu hơn.

Sau khi đã thử các cách trên, nếu cơn đau do chuột rút vẫn tiếp diễn, dù là ở vùng bụng hay chân, mẹ nên gọi cho bác sĩ. Đặc biệt, trường hợp bà bầu bị chuột rút đột ngột, không có dấu hiệu báo trước sẽ rất cần được thăm khám, kiểm tra cẩn thận. Nếu mẹ nhận thấy chân bị sưng, đau, hoặc khi chạm vào có cảm giác ấm nóng xung quanh, mẹ cũng nên báo cho bác sĩ. Đây có thể là dấu hiệu của cục đông máu, cần được chăm sóc ngay lập tức. Tình trạng này tương đối hiếm nhưng phổ biến hơn trong thời kỳ mang thai.