Categories
Mang thai Chăm sóc mẹ bầu

Bà bầu bị ợ nóng: Nguyên nhân và cách khắc phục đơn giản tại nhà

Bên cạnh những triệu chứng thai kỳ thường gặp như sưng phù chân, ốm nghén, đau ngực… thì ợ nóng là một tình trạng mà rất nhiều mẹ bầu phải trải qua.

Chứng ợ nóng (còn gọi là trào ngược axit hay chứng khó tiêu axit) xảy ra khi axit trào ngược lên họng, khoang miệng để lại vị chua và đắng. Bà bầu bị ợ nóng thường trải qua cảm giác nóng rát, khó chịu ở phần ngực dưới và cuống họng trong khoảng vài phút hoặc hàng giờ liền. Ngoài ra, đôi khi mẹ bầu còn bị đau họng, ho thường xuyên.

Dấu hiệu bà bầu bị ợ nóng

Bà bầu bị ợ nóng thường xuất hiện các dấu hiệu sau:

  • Cảm giác bỏng rát ở phía sau xương ức hoặc đau ngực râm ran
  • Đầy bụng, khó chịu
  • Ợ hơi nóng hoặc hơi có mùi chua
  • Chán ăn
  • Toàn thân mệt mỏi.

Các triệu chứng có thể xuất hiện ngay sau khi ăn hoặc uống nhưng cũng có thể xuất hiện muộn sau ăn một khoảng thời gian. Mẹ bầu bị ợ nóng có thể xuất hiện vào tháng đầu hoặc bất kỳ thời điểm nào trong suốt thai kỳ.

Vậy mẹ bầu bị ợ nóng hay bị nóng cổ họng khi mang thai nguyên nhân do đâu? Mời các mẹ bầu tìm nguyên nhân ở phần tiếp theo.

>> Mẹ bầu có thể xem thêm: Bà bầu bị căng cứng bụng: Nguyên nhân vì đâu?

Nguyên nhân khiến bà bầu bị ợ nóng

Nếu mẹ bầu bỗng dưng cảm thấy khó chịu và nóng rát lồng ngực thì cũng đừng quá lo lắng. Vì mẹ đang trải qua chứng ợ nóng thông thường của thai kỳ. Theo một nghiên cứu cho biết, có đến 45% các bà bầu gặp chứng ợ nóng. Nếu thường xuyên bị ợ nóng trước khi mang thai thì nguy cơ cao mẹ dễ gặp tình trạng này trong thai kỳ hơn.

Chứng ợ nóng có thể xuất hiện tại bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ; nhưng dễ thấy nhất trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba. Các chuyên gia vẫn chưa đưa ra được chính xác nguyên nhân vì sao bà bầu bị ợ nóng. Nhưng tình trạng này có thể bắt nguồn từ một trong ba vấn đề dưới đây:

1. Thay đổi nội tiết tố

dấu hiệu bà bầu bị ợ nóng

Progesterone hay còn được biết đến là hormone thai kỳ có vai trò nuôi dưỡng tử cung của mẹ và thai nhi. Có thể nói, đây chính là thủ phạm hàng đầu khiến bà bầu bị ợ nóng.

Hormone progesterone hoạt động như một chất làm giãn cơ. Khi mang thai, hormone này tăng lên làm giãn cơ tử cung để hỗ trợ cho sự phát triển của thai nhi. Chính điều này lại vô tình làm giãn cơ vòng dưới thực quản (đóng vai trò như là một van ngăn giữa dạ dày và thực quản); khiến cho axit bị trào ngược gây cảm giác nóng ran ở cổ họng.

Trong quá trình mẹ bầu ăn hoặc uống, cơ vòng này thường mở ra để cho thức ăn đi vào trong dạ dày. Nhưng nồng độ progesterone tăng cao xảy ra trong thai kỳ có thể làm cho cơ này giãn ra; khiến axit dạ dày chảy ngược lên thực quản và thậm chí đi vào cổ họng của mẹ.

2. Bà bầu bị ợ nóng do thai nhi đang lớn dần

Khi tử cung mở rộng cùng với thai nhi đang ngày càng lớn dần trong bụng sẽ gây cạnh tranh không gian với một số cơ quan khác. Hãy hình dung về một tuýp kem đánh răng bị bóp chặt sẽ giống như tử cung đang phát triển. Điều này gây áp lực lên dạ dày khiến cho nhiều khả năng axit dạ dày sẽ tràn ra ngoài.

Thai nhi có kích thước ngày càng lớn sẽ chèn ép dạ dày và cơ thắt thực quản dưới tăng khả năng axit bị đẩy lên thực quản. Điều này có thể giúp giải thích tại sao bà bầu bị ợ nóng nhiều hơn khi càng gần những giai đoạn cuối thai kỳ.

3. Tiêu hóa chậm

Một tác dụng khác của progesterone đối với hệ tiêu hóa là khiến cho quá trình co bóp dạ dày bị chậm lại. Điều này làm thức ăn sẽ nằm ở dạ dày lâu hơn, từ đó khiến axit tiết ra nhiều hơn khiến bà bầu bị ợ nóng.

>> Mẹ bầu có thể xem thêm: Thai ít đạp có sao không? Thai nhi hôm đạp nhiều hôm đạp ít có cần lo lắng?

Bà bầu bị ợ nóng phải làm sao đây?

Bà bầu bị ợ nóng chắc chắn sẽ cảm thấy rất khó chịu và không thoải mái. Chính vì vậy, Marry Baby gợi ý cho bạn những mẹo chữa đơn giản dưới đây:

1. Cẩn thận hơn vỡi những gì bạn tiêu thụ

thực phẩm cay nóng

Những thực phẩm có tính cay, nóng hoặc có vị chua thường kích thích cơ thể sản xuất ra nhiều axit dạ dày hơn. Vì vậy, nếu bà bầu bị ợ nóng cần tránh sử dụng những loại thực phẩm như cam; quýt; cà chua; hành tây; thực phẩm có caffeine; socola; soda. Ngoài ra, mẹ bầu cũng không nên ăn những loại đồ chiên rán hoặc béo vì chúng làm chậm quá trình tiêu hóa.

2. Ăn nhiều bữa nhỏ thay vì chỉ là ba bữa mỗi ngày

Mẹ bầu bị nóng cổ họng khi mang thai nên ăn nhiều bữa nhỏ thay vì chỉ ăn ba bữa chính mỗi ngày. Điều này tạo thuận lợi để dạ dày mau rỗng nhanh hơn; tránh tình trạng đôi khi bị đầy quá mức. Mẹ bầu nên dành thời gian để ăn uống, nhai thật kỹ và không ăn quá vội vàng.

3. Ngồi thẳng khi đang dùng bữa

Ngoài ra, mẹ bầu bị ợ nóng nên ngồi thẳng khi dùng bữa. Nghe có vẻ lạ, nhưng thực chất điều này lại rất hợp lý. Bởi trọng lực sẽ giúp giữ thức ăn ở lại dạ dày, tránh tình trạng trào ngược xảy ra.

4. Không ăn quá no trước khi đi ngủ

Bà bầu bị ợ nóng không nên ăn quá no trước khi đi ngủ. Điều này sẽ làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày. Nếu có ý định ăn đêm, mẹ bầu nên ăn khoảng từ hai đến ba giờ trước khi đi ngủ để có thể có đủ thời gian tiêu hóa.

5. Không hút thuốc

Có rất nhiều lý do vì sao bạn không nên hút thuốc khi mang thai và chứng ợ nóng là một trong số đó. Hóa chất trong thuốc lá làm cho cơ vòng dưới thực quản bị giãn, điều này cho phép axit và thực phẩm chưa tiêu hóa hết trào ngược lên trên và khiến cho bà bầu bị ợ nóng.

6. Bà bầu bị ợ nóng nên kê cao gối khi ngủ

kê cao gối khi bà bầu bị ợ nóng

Một mẹo hữu hiệu khác dành cho bà bầu bị ợ nóng là nên nâng cao phần thân trên của mẹ bầu lên khoảng 15cm bằng gối hoặc một cái nệm nhỏ khi ngủ. Ngoài ra, trong khi kê cao gối, mẹ cũng nên nghiêng sang trái vì sẽ giữ cho axit ở lại trong dạ dày. Hãy áp dụng cách này sẽ giúp mẹ hạn chế tình trạng trào ngược và mẹ bầu cũng thấy thoải mái hơn khi ngủ.

7. Mặc quần áo rộng rãi

Mẹ bầu nên tránh mặc những loại đồ bó sát hoặc bất kỳ trang phục nào có khả năng tạo ra áo lực xung quanh vùng bụng và eo. Vì vậy, hãy mặc những loại quần áo giúp bạn thấy thoải mái và dễ chịu nhất.

8. Mẹ bầu bị ợ nóng nên uống nhiều nước

Với những bà bầu bị ợ nóng, mỗi khi cảm thấy có dấu hiệu khó chịu ở ngực hoặc cổ họng; nên uống nước ngay và lưu ý nên uống từng ngụm nhỏ. Theo nghiên cứu được công bố mới đây thì uống nước có hiệu quả cao hơn so với dùng các loại thuốc ức chế axit. Bản chất nước giúp trung hòa độ pH dạ dày trong thời gian rất ngắn; trong khi việc dùng thuốc có thể mất hàng giờ liền mới phát huy tác dụng.

9. Không uống rượu

Thực tế là việc uống rượu có thể gây ra nhiều vấn đề cho thai nhi đang phát triển; và có thể khiến em bé sinh ra nhẹ cân đến giảm khả năng học tập khi lớn lên. Bên cạnh đó, rượu cũng có thể làm giãn cơ vòng dưới thực quản làm cho bà bầu dễ bị ợ nóng hơn.

[inline_article id=191723]

Bà bầu bị ợ nóng không phải là vấn đề quá xa lạ và đáng lo ngại. Bạn có thể áp dụng những biện pháp mà chúng tôi gợi ý để giảm bớt sự khó chịu. Hãy chia sẻ bên dưới nếu như bạn có cách giảm chứng ợ nóng hữu hiệu hơn nhé!