Bầu mấy tháng thì uống sữa bầu là thông tin khá quan trọng với nhiều thai phụ. Đặc biệt là chị em lần đầu mang thai. Hãy cùng MarryBaby tìm câu trả lời trong bài viết này nhé!
Lợi ích của việc uống sữa bầu
Sữa bầu là gì? Sữa bầu là loại sữa dành riêng cho mẹ bầu vì thế mà được các nhà sản xuất điều chế riêng để ngoài việc làm đúng chức năng của sữa nói chung, sữa bầu còn cung cấp tập trung nhiều vi chất quan trọng cho sức khỏe của mẹ và thai nhi như canxi, axit folic, sắt, các loại vitamin…
Cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho thai kỳ bao gồm các nguyên tố vi lượng như: Canxi, sắt, kẽm, omega 3, iot, DHA, axit folic, protein,… và các loại vitamin như A, C, K…
- Canxi: Canxi trong sữa bà bầu giúp hỗ trợ phát triển hệ xương và răng. Đảm bảo chiều cao và cân nặng cho con khi chào đời. Ngăn ngừa loãng xương, suy dinh dưỡng.
- Sắt: Hàm lượng sắt trong sữa bầu giúp bà bầu không bị thiếu máu, đồng thời giúp tăng cường vận chuyển oxy đến thai nhi.
- Kẽm: Kẽm là chất giúp hỗ trợ tăng trưởng về cân nặng và chu vi vòng đầu của thai nhi.
- Omega 3: Hỗ trợ phát triển hệ thần kinh cho bé.
- Iot: Hỗ trợ cho sự phát triển của não bộ thai nhi.
- Calo: Cung cấp năng lượng giúp bà bầu không bị mệt mỏi, khó chịu.
- Vitamin: Nâng cao sức đề kháng, bảo vệ cơ thể, hỗ trợ hệ miễn dịch cho cả mẹ và bé.
Đây cũng là những vi chất chất dễ bị thiếu hụt trong quá trình mang thai. Sữa bầu cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết kể trên khi mang thai cho mẹ bầu cũng như giúp thai nhi phát triển toàn diện và mẹ bầu tăng cường sức khỏe.
Ngoài ra, các loại sữa dành cho mẹ bầu cũng được bổ sung thêm hàm lượng DHA, Omega3 cho phụ nữ mang thai, … giúp hỗ trợ đắc lực cho sự hình thành và phát triển của não bộ thai nhi.
Vì thế, uống sữa trong giai đoạn mang thai là điều rất cần thiết đối với mỗi mẹ bầu. Trừ trường hợp có những mẹ bầu vốn cơ địa không hợp với sữa, không thể uống hay bị dị ứng… thì mới có thể không dùng.
Bầu mấy tháng thì uống sữa bầu?
Phụ nữ ngoại quốc rất ít khi uống sữa bầu bởi chế độ dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hằng ngày của họ luôn cân đối, đầy đủ dinh dưỡng, và đặc biệt sữa tươi là thức uống hàng ngày. Do chế độ ăn thường thấy của người Việt thường bị thiếu canxi, khoáng chất nên mẹ bầu có thể dùng sữa bầu ngay từ khi chuẩn bị có em bé.
1. Uống sữa bầu trước khi mang thai:
- Nên bổ sung sữa từ trước khi thụ thai khoảng 2 đến 3 tháng.
- Sữa bầu giúp cung cấp axit folic giúp ngăn ngừa dị tật ống thần kinh cho trẻ.
- Đảm bảo cơ thể chị em trước khi mang thai có sức đề kháng tốt, sẵn sàng cho bước đầu làm mẹ.
2. Uống sữa bầu khi mang thai:
Nếu bạn chưa bổ sung sữa bầu từ trước khi mang thai thì ngay khi biết mình mang thai bà bầu nên uống sữa ngay.
Khi mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ, bà bầu rất dễ bị sụt cân, thiếu máu, sức đề kháng kém… Vì vậy việc bổ sung sữa bầu sẽ giúp bù lại những chất mà cơ thể đang thiếu giúp bà bầu có nhiều năng lượng và giảm nguy cơ suy dinh dưỡng bào thai.
12 tuần đầu cũng là thời điểm để thai nhi hoàn thiện hết các cơ quan. Vì vậy việc uống sữa bầu trước và trong khi mang thai sẽ giúp cung cấp đầy đủ các dưỡng chất giúp thai nhi phát triển thuận lợi.
3. Uống sữa bầu sau sinh:
Bà bầu sau sinh vẫn cần phải bổ sung sữa bầu mỗi ngày. Hàm lượng các chất dinh dưỡng dồi dào trong sữa bầu sẽ giúp bà bầu phục hồi sức khỏe nhanh hơn, kích sữa về và đảm bảo chất lượng sữa mẹ khi cho con bú. Nhờ vậy mà bé yêu cũng sẽ khỏe mạnh và phát triển tốt hơn.
Việc bà bầu nên uống sữa từ tháng thứ mấy thực ra không cố định. Nó phụ thuộc nhiều ở thể trạng người mẹ. Nếu chị em có cơ thể gầy gò, ăn ít, không đủ cân nặng, sức đề kháng kém thì nên uống sữa bầu càng sớm càng tốt nếu bạn xác định muốn có thai và muốn thai kỳ khỏe mạnh.
Trường hợp không nên uống sữa bầu?
Đối với các trường hợp dưới đây thì chị em không cần dùng thêm sữa bầu:
- Mẹ bầu có tình trạng ăn uống tốt, cơ thể ổn định thì không nhất thiết phải uống sữa bầu. Thay vì sử dụng sữa bầu thì bạn có thể uống sữa tươi, sữa bột thông thường đi kèm với chế độ ăn uống đa dạng, khoa học.
- Bà bầu thừa cân. Trường hợp bà bầu bị thừa cân thì không nên uống sữa bầu để tránh thai to đẻ khó vừa không tốt cho mẹ vừa không tốt cho con bởi trẻ có thể bị béo phì. Ngoài ra còn gây tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật. Thay vì sữa bầu thì bà bầu có thể sử dụng sữa tươi không đường, ăn nhiều rau xanh, bổ sung thêm các vi chất khác. Nếu mẹ không thừa cân nhưng có vấn đề về đường huyết có thể chọn loại sữa bầu dành cho người tiểu đường (có chỉ số GI thấp).
- Người bị dị ứng các thành phần trong sữa bầu. Bạn có thể tìm hiểu thêm về các loại sữa khác phù hợp hoặc ăn các sản phẩm từ sữa khác như phô mai, sữa tươi, sữa nước…
Nhìn chung về vấn đề bầu mấy tháng thì uống sữa bầu thì theo các chuyên gia dinh dưỡng, thời điểm uống sữa bầu tốt nhất chính là ngay từ khi mẹ biết mình có em bé. Thậm chí, với loại sữa bầu bổ sung axit folic, mẹ bầu nên uống ngay từ khi có ý định có thai để giúp ngăn ngừa dị tật ống thần kinh vốn sẽ phát triển rất sớm ở đầu thai kỳ. Chậm nhất để bắt đầu uống sữa bầu là khi thai nhi được 20 tuần tuổi – thời điểm thai nhi phát triển mạnh về trí não, hệ xương và răng.
Tuy nhiên nếu chị em có chế độ dinh dưỡng đầy đủ thì không nhất thiết phải uống sữa bầu khi mang thai, mà có thể uống các loại sữa tươi, sữa đậu nành, sữa hạnh nhân, ăn đa dạng các loại thực phẩm, trứng, thịt, tôm cua cá, rau xanh, quả chín… theo chế độ phù hợp là được.
Đặc biệt các mẹ bầu thừa cân béo phì, hoặc tăng cân không kiểm soát thì không nên uống sữa bầu. Thay vào đó hãy uống sữa không đường ít béo, ăn giảm các loại tinh bột và bổ sung nhiều rau xanh. Vì nếu cứ uống sữa bầu sẽ dẫn đến béo phì, tiểu đường thai nghén, tiền sản giật, em bé to quá dẫn đến khó đẻ. Hơn nữa, nếu các mẹ bầu bị béo phì uống sữa bầu sẽ gây nguy cơ béo phì cho trẻ.