Categories
Mang thai Chăm sóc mẹ bầu

Bị nước ăn chân phải làm sao? Mách bà bầu cách chữa cho chân mịn, đẹp

Bị nước ăn chân là một tình trạng phổ biến trong các mùa mưa ẩm. Nước ăn chân gây ngứa ngáy, nhức nhối khó chịu, vì vậy bà bầu nên cẩn thận nhé.

Bị nước ăn chân hay nấm kẽ chân là một bệnh truyền nhiễm do nấm gây ra làm tổn thương vùng da ở kẽ ngón chân và cũng có thể lây sang móng chân hoặc bàn tay. Căn bệnh này thường xuất hiện vào mùa mưa ở miền Nam và mùa hè ở miền Bắc do đường xá ngập úng. Ngoài ra, những người thường xuyên làm việc ở môi trường ẩm ướt cũng dễ bị nhiễm loại nấm này, nhất là người làm nông.

Bệnh nước ăn chân tuy không nguy hiểm nhưng lại gây ngứa ngáy, nhức nhối khó chịu, ảnh hưởng đến cảm xúc và thẩm mỹ. Đôi khi tình trạng nhức ngứa còn có thể gây ra mất ngủ khiến cơ thể mệt mỏi. Vì vậy, bà bầu cần hết sức chú ý tránh bị nhiễm nấm vào mùa mưa ẩm. Nếu chẳng may bị nước ăn chân, bạn có thể làm theo các cách này để điều trị tại nhà.

Nguyên nhân khiến bà bầu dễ bị nước ăn chân

Bị nước ăn chân

Nấm ăn chân phát triển mạnh trong môi trường ẩm ướt. Vì vậy, nếu mẹ bầu thường xuyên dầm chân trong nước sẽ dễ bị nước ăn chân. Ngoài ra, bà bầu có thể bị nước ăn chân do các nguyên nhân khác như:

  • Đi chân trần trong phòng thay đồ bơi, vòi hoa sen và khu vực hồ bơi
  • Dùng chung tất, giày hoặc khăn tắm với người bị nhiễm bệnh
  • Đi giày chật, bít mũi
  • Chân ra nhiều mồ hôi
  • Da lòng bàn chân, kẽ chân bị xước

Triệu chứng của bệnh nước ăn chân

Khi bị nước ăn chân, bà bầu thường gặp phải các triệu chứng như:

  • Ngứa châm chích hoặc cảm giác bỏng rát giữa các ngón chân và lòng bàn chân
  • Da bị phồng rộp và ngứa ở kẽ ngón chân hoặc lòng bàn chân
  • Da ngón chân và lòng bàn chân bị bong tróc hoặc nứt
  • Móng chân đổi màu, dày và dễ gãy
  • Móng chân bị bong ra

Cách trị nước ăn chân tại nhà cho bà bầu

Để chữa nước ăn chân, bà bầu có thể tham khảo các cách sau:

1. Thoa thuốc trị nấm

Thời kỳ mang thai, bà bầu nên hạn chế dùng thuốc Tây để uống hoặc thoa ngoài da. Vì vậy, bạn nên hỏi bác sĩ nếu muốn dùng một trong số các loại thuốc trị nước ăn chân này nhé.

  • Miconazole (desenex)
  • Terbinafine (lamisil AT)
  • Clotrimazole (lotrimin AF)
  • Butenafine (lotrimin Ultra)
  • Tolnaftate (tinactin)
  • Clotrimazole hoặc miconazole tại chỗ, theo toa
  • Steroid để giảm viêm đau

2. Cách trị nước ăn chân không cần dùng thuốc

Bị nước ăn chân

♦ Đắp trà khô: Trà khô chính là trà xanh được phơi, sấy khô. Trà xanh giàu chất chống oxy hóa và có đặc tính kháng khuẩn mạnh nên có thể giúp điều trị bệnh nước ăn chân cho bà bầu. Bạn chỉ cần nhai nát một nhúm trà khô rồi đắp vào vết loét mỗi ngày.

♦ Ngâm chân trong nước muối loãng: Bạn có thể ngâm chân trong nước muối hoặc giấm pha loãng để giúp làm khô các vết phồng rộp.

Thoa dầu trà: Dầu cây trà đã được sử dụng như một liệu pháp thay thế để điều trị bệnh nấm da chân. Một nghiên cứu năm 2002 báo cáo rằng dung dịch 50% dầu cây trà đã điều trị hiệu quả bệnh nấm da chân ở 64% người tham gia thử nghiệm.

♦ Ngâm chân với nước phèn: Phèn chua có tác dụng tiêu diệt các tế bào nấm gây nước ăn chân. Bạn có thể pha phèn với nước ấm và ngâm chân mỗi tối. Sau đó, bạn dùng khăn khô lau chân trước khi xỏ tất.

♦ Ngâm chân với nước lá trầu không: Lá trầu không có tính sát khuẩn mạnh nên sẽ giúp tiêu diệt nấm da chân. Bạn có thể nấu một nắm lá trầu không rồi hòa một nhúm muối vào, đợi nước còn âm ấm thì ngâm chân khoảng 15 phút mỗi tối.

♦ Lá kim ngân chữa nước ăn chân: Lá kim ngân có tác dụng sát khuẩn và làm vết thương mau mọc da non nên từ lâu đã được dùng để trị nước ăn chân. Bạn chỉ cần dùng một nắm lá kim ngân rồi nấu với nước. Sau đó, bạn dùng nước này để ngâm chân hàng ngày.

Cách ngăn ngừa bệnh nước ăn chân cho bà bầu

hình ảnh bị nước ăn chân

Bà bầu có thể ngăn ngừa bệnh nước ăn chân bằng các cách sau:

  • Rửa chân bằng xà phòng mỗi ngày và lau thật khô, đặc biệt là các kẽ ngón chân.
  • Khi giặt bộ ga, gối của giường và khăn tắm hoặc tất, bạn nên giặt trong nước ấm từ 60°C trở lên.
  • Khử trùng giày bằng khăn lau khử trùng hoặc thuốc xịt.
  • Thoa bột chống nấm vào chân mỗi ngày.
  • Không dùng chung tất, giày hoặc khăn tắm với người khác.
  • Đi dép trong phòng tắm công cộng, xung quanh hồ bơi công cộng và ở những nơi công cộng khác.
  • Dùng tất có chất liệu thoáng khí như bông hoặc len.
  • Thay tất khi chân ra mồ hôi.
  • Làm thoáng chân khi bạn ở nhà bằng cách đi chân trần.
  • Mang giày làm bằng vật liệu thoáng khí.
  • Xen kẽ giữa hai đôi giày, mang mỗi đôi mỗi ngày, để giày có thời gian khô giữa các lần sử dụng.
  • Hạn chế việc ngâm chân trong nước quá lâu

[inline_article id=253952]

Bị nước ăn chân phần lớn là do tiếp xúc với môi trường ẩm ướt. Chứng bệnh ngoài da này gây ngứa ngáy khiến bà bầu khó chịu và nếu tình trạng nặng hơn còn có thể làm bạn khó ngủ, ảnh hưởng đến cảm xúc và sức khỏe thai kỳ. MarryBaby hy vọng những chia sẻ về bệnh nước ăn chân trong bài viết này sẽ giúp ích cho bà bầu trong mỗi mùa mưa ẩm.

Hanako