Bệnh thủy đậu lành tính, ít gây biến chứng, chủ yếu là để lại sẹo sau khi khỏi bệnh. Đây là điều chắc chắn nhưng là với người bình thường. Riêng đối với phụ nữ mang thai, nguy cơ biến chứng sang viêm phổi, tổn thương hệ thần kinh, thậm chí gây tử vong lại rất cao. Cùng MarryBaby tìm hiểu để biết cách chữa thủy đậu cho bà bầu mẹ nhé!
Bệnh thủy đậu (chickenpox hoặc varicella) hay dân gian còn gọi là trái rạ, có biểu hiện đặc trưng là ban đỏ ngứa, bệnh có khả năng lây lan nhanh. Virus thủy đậu có thể truyền từ mẹ sang thai nhi và gây ra dị tật bẩm sinh. Đó là lý do các bác sĩ thường khuyên phụ nữ dự định có thai làm xét nghiệm máu để xác định xem họ đã có miễn dịch với bệnh hay chưa.
Nguy hiểm luôn “rình rập” thai nhi khi mẹ mắc thủy đậu
Cao điểm mùa của thủy đậu là từ tháng 2-6 hàng năm, tháng 4-5 là lúc bệnh phát triển và lây lan nhanh nhất. Nếu chưa từng bị bệnh thủy đậu, nhưng có kế hoạch sinh con vào thời gian này phụ nữ lên đi tiêm ngừa vaccine để phòng bệnh.
Bệnh có thể bị lan truyền từ cái hắt hơi hoặc ho, qua tiếp xúc dùng chung với quần áo, khăn trải giường hoặc mụn nước vỡ của người bệnh. Các triệu chứng xuất hiện từ 7-21 ngày sau khi phơi nhiễm. Bệnh dễ lây nhất từ 1 ngày trước khi ban xuất hiện cho đến 7 ngày sau khi ban xuất hiện, hoặc cho tới khi ban khô hoàn toàn và đóng thành vẩy.
Nếu chẳng may bà bầu bị thủy đậu, tùy vào thời gian mắc bệnh sẽ có các nguy cơ sau:
- Từ tuần 8-12 của thai kỳ nguy cơ thai nhi bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh là 0,4%
- Từ tuần 13-20 của thai kỳ, nguy cơ này là 2%
- Sau tuần lễ thứ 20 của thai kỳ, bệnh hầu như không ảnh hưởng trên thai vì khoảng 5 ngày sau khi nhiễm virus, cơ thể mẹ sẽ tự xuất kháng thể chống lại và sẽ truyền kháng thể này cho thai nhi qua nhau thai.
- Trong vòng 5 ngày trước sinh và 2 ngày sau sinh nếu bị nhiễm bệnh, trẻ sơ sinh dễ bị bệnh thủy đậu do mẹ chưa có đủ thời gian tạo kháng thể truyền cho thai nhi trước sinh. Tỷ lệ tử vong với bé sơ sinh lúc này khá cao, lên đến 25-30%.
Trong thời gian mang thai bị bệnh thủy đậu “viếng thăm”, bầu cần tiến hành siêu âm chi tiết để phát hiện các dấu hiệu khuyết tật, hay các vấn đề bất thường ở thai nhi.
Bệnh thủy đậu khi mang thai ảnh hưởng như thế nào?
Trước khi tìm hiểu cách chữa thủy đậu nhanh cho bà bầu, mẹ hẳn rất tò mò ảnh hưởng của căn bệnh đến mẹ và bé một cách cụ thể. Bị thủy đậu khi mang thai có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi và thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng. Viêm phổi là một bệnh nhiễm trùng phổi có thể rất nghiêm trọng. Các triệu chứng của bệnh viêm phổi bao gồm ho, đau ngực khi thở hoặc ho, sốt, mệt mỏi và thở dốc.
Thủy đậu khi mang thai có thể gây ra những vấn đề sau cho thai nhi:
1. Giai đoạn 20 tuần đầu tiên của thai kỳ
Nếu bạn bị thủy đậu trong 20 tuần đầu tiên của thai kỳ, bé có thể tăng nguy cơ mắc hội chứng thủy đậu bẩm sinh. Đây là một nhóm dị tật bẩm sinh nghiêm trọng hiếm gặp có thể gây ra:
- Vết sẹo trên da
- Các vấn đề với cánh tay, chân, não và mắt
- Biến chứng đường tiêu hóa
- Cân nặng khi sinh thấp. Đây là khi em bé chào đời nặng dưới 5 pound, 8 ounce.
2. Giai đoạn 2 tuần trước khi sinh đến 2 tuần sau khi sinh
Nếu bạn bị thủy đậu trong khoảng thời gian từ 2 tuần trước khi sinh đến 2 tuần sau khi sinh, mẹ có thể truyền bệnh cho con. Nếu điều này xảy ra, tình trạng nhiễm trùng ở trẻ thường nhẹ.
3. Giai đoạn ngay trước hoặc sau khi sinh
Nếu bạn bị thủy đậu ngay trước hoặc ngay sau khi sinh (5 ngày trước khi sinh đến 2 ngày sau khi sinh), em bé có thể tăng nguy cơ mắc một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng gọi là bệnh thủy đậu sơ sinh. Nhiễm trùng này có thể đe dọa đến tính mạng, nhưng việc điều trị đang giúp nhiều em bé sống sót hơn.
4. Giai đoạn tuần 37 của thai kỳ
Nếu mẹ sinh non, trẻ sơ sinh có thể có nguy cơ cao bị biến chứng do thủy đậu. Sinh non là sinh xảy ra trước 37 tuần của thai kỳ.
Bà bầu bị thủy đậu có nên bỏ thai?
Rất nhiều chị em khi nghe đến những nguy cơ đối với thai nhi khi mẹ mắc thủy đậu đã nghĩ đến chuyện đau lòng là bỏ thai. Mẹ lo con sinh ra bị dị tật bẩm sinh – nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ không được theo dõi thận trọng bởi các bác sĩ chuyên khoa.
Tuy nhiên, không phải cứ mẹ mắc thủy đậu là sinh ra con dị dạng, câm điếc… Nếu được theo dõi điều trị tốt, đây cũng là cách chữa thủy đậu nhanh cho bà bầu và giúp bà bầu sinh con khỏe mạnh như bình thường, chị em không nên quá lo lắng. Điều quan trọng mẹ cần nhớ là nên đi tiêm vaccine phòng bệnh trước khi có thai.
>>Xem thêm: Mục giải đáp: Tiêm vaccine có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Cách chữa thủy đậu nhanh cho bà bầu
Cách chữa thủy đậu nhanh cho bà bầu là gì? Bác sĩ sẽ là người quyết định mẹ dùng thuốc gì để điều trị bệnh thủy đậu khi mang thai. Khi bị nhiễm virus, mẹ cần cung cấp cho cơ thể thuốc kháng virus varicella – zoster Ig (đây là một loại kháng thể giống với kháng thể do cơ thể tạo ra) để bảo vệ mẹ và thai nhi.
Nếu được cung cấp kháng thể này trước 10 ngày sau khi thai phụ tiếp xúc với nguồn bệnh có thể có khả năng giảm đáng kể mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Song song với việc điều trị bằng thuốc, còn cách chữa thủy đậu nhanh cho bà bầu nữa không? Mẹ cũng cần tuân thủ một số nguyên tắc chăm sóc bản thân sau đây:
– Mẹ cần nghỉ ngơi, uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu hóa và tăng cường các thức ăn có vitamin C nhằm tăng sức đề kháng cho cơ thể.
– Cách chữa thủy đậu cho bà bầu: Giữ vệ sinh thân thể, tránh làm vỡ những bóng nước vì có nguy cơ bội nhiễm rất cao.
– Không cần kiêng tắm nhưng tránh tắm bằng các loại xà phòng có tính sát khuẩn cao. Khi tắm rửa xong cần dùng khăn sạch lau khô, bôi thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
– Sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý cũng là cách chữa thủy đậu cho bà bầu.
– Luôn luôn vệ sinh nhà cửa, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.
– Nếu bệnh có dấu hiệu trở nặng cần đến gặp bác sĩ để được bác sĩ thăm khám và có những bước điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm hơn có thể có.
>>Xem thêm: Tổng hợp các xét nghiệm sàng lọc dị tật thai nhi quan trọng khi mang thai
Cách phòng bệnh tốt nhất là tiêm vaccine ngừa bệnh thủy đậu khi còn bé hoặc ít nhất ba tháng trước khi mang thai. Cách chữa thủy đậu nhanh cho bà bầu chỉ gói gọn trong cụm từ “nghe theo chỉ dẫn bác sĩ”.
Nhật Lãm