Không còn quá xa lạ, hạt chia là một trong những loại hạt cung cấp nguồn dinh dưỡng tuyệt vời cho mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, liệu dùng hạt chia cho bà bầu có tốt? Tác dụng của hạt chia đối với bà bầu là gì? Tham khảo ngay bài viết sau để biết thêm về tác dụng của hạt chia cũng như cách dùng đúng và hiệu quả nhất, mẹ bầu nhé!
Tác dụng của hạt chia đối với bà bầu
Chia là một hạt ăn được lấy từ cây Salvia Hispanica, một họ của gia đình bạc hà, thoạt nhìn giống với hạt é của Việt Nam. Maya, Inca, Aztec và thậm chí thổ dân châu Mỹ từng coi nó là một thực phẩm thiết yếu trong chế độ ăn uống.
Hạt chia có thể giúp thay thế các chất dinh dưỡng bị mất trong suốt quá trình mang thai cũng như tăng năng lượng cần thiết. Hạt chia dễ dàng để kết hợp vào các món ăn hàng ngày, mang lại lợi ích không chỉ cho sức khỏe của mẹ mà còn tác động tích cực đến sự phát triển của thai nhi.
1. Hạt chia có tốt cho bà bầu? Nguồn omega-3 dồi dào
A-xít béo omega-3 rất cần thiết cho sự phát triển não của bé. Theo thói quen, mọi người thường chọn cách ăn cá hồi hay cá để bổ sung omega-3. Tuy nhiên gần đây, các loại cá biển lại được cảnh báo nhiễm thủy ngân nên hạt chia là một thay thế tuyệt vời nhờ hàm lượng axit béo omega-3 khá cao.
2. Bổ sung chất dinh dưỡng
Hạt chia chứa chất chống oxy hóa mạnh mẽ giúp thay thế một số chất dinh dưỡng thiếu hụt trong thời gian mang thai. Nó có hàm lượng cao các khoáng chất cần thiết như canxi, phốt pho, magiê, mangan, đồng, kẽm, sắt và niacin. Theo nghiên cứu, hạt chia cũng chứa lượng canxi gấp 5 lần so với lượng sữa tương đương. 2 thìa súp siêu thực phẩm này chứa khoảng 152mg canxi, chiếm 15% nhu cầu khuyến nghị hàng ngày.
[inline_article id=83831]
Theo một nghiên cứu của Hợp tác Nghiên cứu tiêu chuẩn tự nhiên, hạt chia cũng có tác dụng tốt đối với bệnh dị ứng, đau thắt ngực, nâng cao hiệu suất thể thao, ung thư, bệnh tim mạch vành (CHD), nhồi máu cơ tim, rối loạn nội tiết tố, tăng lipid máu, tăng huyết áp, đột quỵ và giãn mạch. Ngoài ra, một số nghiên cứu khác còn chỉ ra tác dụng chống đông máu, chống oxy hóa và kháng virus của hạt chia.
3. Hạt chia cho bà bầu giúp làm chậm sự hấp thu đường
Khi sử dụng, hạt chia tạo ra một chất gelatin trong dạ dày làm chậm tiêu hóa và giữ lượng đường trong máu ổn định. Ngoài ra, hạt chia cũng làm chậm quá trình chuyển hóa đường và carbohydrate từ hạt thành năng lượng.
Hormone thai kỳ có thể gây ra sự tích tụ glucose trong máu của bạn và cần được kiểm soát để giúp bạn không bị bệnh tiểu đường thai kỳ. Lượng đường trong máu cao có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả bạn và thai nhi. Tin tốt là chất xơ trong hạt chia không chỉ ngăn ngừa táo bón mà còn có thể giúp điều chỉnh lượng đường trong máu bằng cách giảm tốc độ hấp thụ đường trong máu.
4. Hạt chia giúp tăng lượng tế bào hồng cầu
Bạn cảm thấy tay chân lạnh và phải đi tất (vớ) mọi lúc? Bạn có cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường không? Bạn có lo lắng về chóng mặt? Nếu có, bạn đang thiếu sắt.
Khi mang thai, nhiều phụ nữ không sản xuất đủ tế bào hồng cầu, gây ra thiếu máu. Bạn có thể dùng viên sắt bổ sung theo chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, lượng sắt từ thực phẩm cũng có thể thực sự giúp tăng cường các tế bào hồng cầu của cơ thể bạn. Trong khi rau chân vịt (rau bina) và thịt đỏ giàu hàm lượng sắt thì hạt chia cũng là một nguồn tuyệt vời, chứa khoảng 2mg/2 thìa súp, chiếm 11% DV của bạn.
*DV: Nhu cầu khuyến nghị hàng ngày
5. Giúp bạn không còn táo bón
Khi mang thai, mẹ bầu dễ bị táo bón do khoang bụng bị chèn ép. Táo bón nặng còn gây ra bệnh trĩ. Các thực phẩm giàu chất xơ sẽ giúp giảm tình trạng này. May mắn thay, 2 thìa súp hạt chia chứa 8g chất xơ, chiếm 32% DV.
6. Giúp bạn no lâu hơn
Khi mang thai, bạn phải nuôi thai nhi nên sẽ đói liên tục. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều thì sau khi sinh bạn sẽ phải cực khổ để giảm cân. Bạn càng ăn nhiều thực phẩm giàu protein, bạn càng ít cảm thấy đói. Vì vậy, bất cứ khi nào có thể, hãy thêm một vài hạt chia vào công thức nấu ăn của bạn. 2 thìa súp hạt chia có khoảng 4g protein.
Cách sử dụng hạt chia cho bà bầu hiệu quả
Hạt chia có vị nhạt, dễ sử dụng tùy vào từng sở thích của từng người. Mẹ bầu có thể sử dụng hạt chia như một gia vị thêm vào món ăn để bổ sung dinh dưỡng khi mang thai. Sau đây là một số gợi ý mẹ có thể thử:
1. Sữa chua hoặc kem hạt chia
Trộn hạt chia với sữa chua, trái cây hoặc rắc lên kem để dùng. Với những bà bầu ăn sữa chua để đẹp da, nay sử dụng cùng hạt chia để tăng thêm những lợi ít trong việc làm đẹp, chống rụng tóc và chống lão hóa da.
2. Cách uống hạt chia cho bà bầu
Nếu bạn thắc mắc bầu uống hạt chia được không thì hoàn toàn được nhé.
Bạn dùng 1-2 thìa cà phê hạt chia ngâm vào nước lọc khoảng 10 phút, khuấy đều để tránh vón cục. Khi hạt chia nở ra, mẹ bầu có thể thêm 1 chút đường phèn để có món nước uống thanh mát chống táo bón rất tốt.
3. Nước ép trái cây hạt chia cho bà bầu
Khi ép trái cây, bạn cũng có thể thêm vào 1 thìa hạt chia để uống.
4. Cách dùng hạt chia cho bà bầu: Canh hạt chia
Món canh là một phần không thể thiếu trong mỗi bữa ăn. Bạn có thể dùng 3-4 thìa cà phê hạt chia cho vào nồi canh khi đang nấu hoặc hầm chung với các loại rau củ để có món ăn dinh dưỡng. Hạt chia không có mùi vị nên sẽ không làm mất đi vị của các loại rau củ khác.
5. Salad hạt chia cho bà bầu
Những mẹ bầu mê món salad (rau trộn) có thể thêm vào 1-2 thìa hạt chia để tăng dinh dưỡng và lạ miệng.
6. Hạt chia làm bánh hoặc nấu cháo
Thông thường khi ăn cháo cơ thể sẽ đói bụng rất nhanh. Tuy nhiên, nếu kết hợp thêm vào đó 1 thìa súp hạt chia, mẹ bầu sẽ có cảm giác no lâu hơn, đồng thời cũng giúp món cháo thêm dinh dưỡng. Hạt chia dùng làm bánh rất ngon, không làm mẹ bầu tăng cân quá mức vì trong hạt chia có chất dầu rất tốt cho sức khỏe.
Những rủi ro mẹ cần cân nhắc khi dùng hạt chia trong thai kỳ
Cái gì cũng vậy, dùng quá nhiều sẽ không tốt. Vậy hạt chia có tốt cho bà bầu không? Sẽ không tốt nếu dùng quá nhiều nhé mẹ vì sẽ gây ra:
1. Tiêu chảy hoặc khó chịu ở dạ dày do ăn quá nhiều
Hạt chia tốt cho sức khỏe và tự nhiên, nhưng điều này không có nghĩa là bạn không thể lạm dụng nó.
Đây là thực phẩm giàu chất xơ và nếu bạn không quen tiêu thụ nhiều chất xơ, việc ăn quá nhiều có thể gây tiêu chảy và các chứng khó chịu khác ở dạ dày.
Thông thường, bạn có thể ăn 1-2 thìa súp hạt chia mỗi ngày mà không có vấn đề gì. Nhưng nếu bạn đang đưa thêm chất xơ vào chế độ ăn uống của mình, hãy bắt đầu với 1 thìa súp để an toàn.
2. Một số người có thể bị dị ứng
Bạn cần chú ý đến các triệu chứng dị ứng nếu có nhé. Bạn có thể bị dị ứng nhẹ như cảm giác ngứa ran hoặc ngứa ran trên lưỡi hoặc môi. Hoặc bạn có thể bị đau bụng gần giống như ốm nghén.
Chú ý đến cảm giác của bạn và ngừng ăn hạt chia nếu bạn nghi ngờ bị dị ứng thực phẩm.
3. Có thể xảy ra tương tác thuốc
Nếu bạn đang dùng thuốc để kiểm soát lượng đường trong máu, việc thêm hạt chia vào chế độ ăn uống có thể tương tác với thuốc của bạn, gây ra sự sụt giảm hoặc tăng mức đường huyết. Do đó, hãy hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn muốn cho thêm hạt chia vào chế độ ăn.
4. Có thể gây nghẹt thở
Rủi ro này không cao nhưng không phải không xảy ra. Hạt chia có thể nhanh chóng nở ra và hấp thụ gấp 10 lần trọng lượng của chúng trong nước. Nếu bạn ăn một thìa hạt chia và uống nước ngay sau đó, hạt chia sẽ nở ra trong thực quản của bạn.
Tốt hơn hết, bạn nên rắc hạt chia lên thức ăn hơn là ăn cả một thìa. Ngoài ra, hãy cân nhắc ngâm hạt chia trong nước trái cây hoặc nước để làm đồ uống hoặc bánh pudding, vì chúng sẽ nở ra trước khi bạn ăn nên an toàn.
Hoàng An