Mụn đầu đen là thứ làm phiền phái đẹp quanh năm suốt tháng, chẳng chừa mùa nào, kể cả lúc mang thai. Việc tìm ra cách trị mụn đầu đen ở mũi tại nhà cho sản phụ cũng không phải chuyện đơn giản bởi mẹ bầu được khuyên nên hạn chế sử dụng mỹ phẩm nhằm tránh ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Hiểu được nỗi lo này, MarryBaby đã tổng hợp và chia sẻ đến bạn một số bí quyết vừa an toàn, lại rất đơn giản để bạn dọn dẹp sạch sẽ những đốm mụn li ti đáng ghét kia.
Bỏ túi cách trị mụn đầu đen ở mũi tại nhà cho mẹ bầu
Trước khi đi vào tìm hiểu về cách trị mụn đầu đen ở mũi tại nhà, mẹ cần biết loại mụn này hình thành do bã nhờn, da chết và vi khuẩn tích tụ trong lỗ chân lông, sau một thời gian tiếp xúc với không khí bị oxy hóa, để lại những chấm đen li ti trên da mà dễ thấy nhất là vùng mũi. Qua đây cho thấy nguyên nhân gây mụn không phải do da bẩn. Vì thế mà việc rửa mặt liên tục trong ngày không được xem là cách loại bỏ mụn hiệu quả. Trái lại điều này còn khiến da dễ bị khô và tiết bã nhờn nhiều hơn nữa.
Để sở hữu làn da đẹp không tì vết, mẹ hãy tham khảo một số phương pháp trị mụn đầu đen tự nhiên mà MarryBaby gợi ý sau đây:
1. Cách trị mụn đầu đen bằng chanh và mật ong
Chanh và mật ong vốn là những nguyên liệu làm đẹp quen thuộc. Chanh với tính axit nhẹ có tác dụng loại bỏ phần da chết nhanh chóng; trong khi mật ong với tính kháng khuẩn cùng nhiều hợp chất chống oxy hóa trong thành phần sẽ mang lại tác dụng làm sạch sâu, se khít lỗ chân lông giúp da khỏe đẹp hơn trông thấy sau một thời gian sử dụng. Trong cách trị mụn đầu đen ở mũi tại nhà này, mẹ cần chuẩn bị nửa quả chanh tươi và một ít mật ong.
Để thực hiện, đầu tiên bạn nhỏ chừng 3 giọt mật ong lên nửa quả chanh rồi chà xát nhẹ nhàng lên mặt, đặc biệt tập trung tại hai bên cánh mũi. Làm xong, bạn để yên khoảng 3 phút cho dưỡng chất ngấm vào da rồi rửa lại bằng nước sạch. Lời khuyên là mẹ nên áp dụng biện pháp này đều đặn 2 lần/tuần để thấy hiệu quả nhanh nhất.
2. Cách trị mụn đầu đen ở mũi tại nhà cho mẹ bầu an toàn với rau má
Rau má chẳng những là món ăn dân dã mà còn là “thần dược” đối với sức khỏe, sắc đẹp. Thành phần saponin trong rau má có tác dụng làm sạch da, giúp lỗ chân lông thông thoáng; hoạt chất triterpenoids lại làm mờ sẹo, đẩy nhanh tốc độ tái tạo da.
Cách thực hiện rất đơn giản, mẹ chỉ việc lấy một nắm rau má, bỏ rễ, rửa sạch, thái nhỏ rồi cho vào máy xay sinh tố xay nát để lấy bã. Bạn dùng bã rau má này đắp trực tiếp lên vùng da bị ảnh hưởng chừng 15 phút rồi rửa mặt lại với nước sạch là được. Cách trị mụn đầu đen ở mũi tại nhà này khá an toàn, mẹ có thể áp dụng hằng ngày mà không lo thai nhi bị ảnh hưởng như khi sử dụng mỹ phẩm.
3. Đánh bay mụn đầu đen với hỗn hợp khoai tây, sữa tươi và mật ong
Khoai tây, sữa tươi và mật ong đều là những thành phần quen thuộc, bạn có thể tìm mua dễ dàng nhưng cực kỳ thân thiện với làn da. Đặc biệt là khoai tây chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất cùng hàm lượng cao chất chống oxy hóa sẽ làm sạch da từ sâu bên trong, bảo vệ da cực kỳ tốt. Sự kết hợp cùng với sữa tươi và mật ong sẽ giúp da trở nên sáng mịn hơn.
Cách trị mụn đầu đen ở mũi tại nhà cho mẹ bầu này khá đơn giản. Bạn chỉ cần nghiền nhuyễn 1 củ khoai đã luộc chín cùng 1 thìa canh sữa tươi không đường và 2 thìa cà phê mật ong để được hỗn hợp mịn. Kế đến, bạn thoa hỗn hợp vừa chuẩn bị lên vùng da bị ảnh hưởng rồi để yên thư giãn trong vòng 20 phút rồi rửa lại với nước ấm. Biện pháp này nên được thực hiện ít nhất 2 lần/tuần, liên tục khoảng 3 tuần sẽ cho hiệu quả bất ngờ.
4. Cách trị mụn đầu đen trên mũi bằng kem đánh răng
Ai mà ngờ sản phẩm quen thuộc mà chúng ta vẫn dùng hằng ngày lại có thể dùng làm cách trị mụn đầu đen ở mũi tại nhà cực tốt. Sở dĩ như vậy là vì các thành phần trong kem đánh răng có khả năng tiêu diệt các vi khuẩn gây mụn và làm lành những hư tổn ở da do mụn gây ra.
Cách dùng là mẹ cho một ít kem đánh răng ra lòng bàn tay, sau đó thoa một lớp mỏng lên khu vực có mụn đầu đen. Để yên cho khô khoảng 25 phút rồi rửa lại với nước lạnh. Với cách này, mẹ có thể thực hiện 2 ngày/lần, liên tục 2 tuần để có hiệu quả cao nhất. Đừng lo, vì việc dùng kem đánh răng ngoài da không gây bất kỳ tác dụng phụ nào cho bạn.
5. Cách trị mụn đầu đen ở mũi tại nhà bằng miếng dán lột mụn
Tuy được khuyến cáo hạn chế sử dụng mỹ phẩm nhưng mẹ vẫn được sử dụng miếng dán lột mụn trong thai kỳ. Đây cũng được xem là phương pháp trị mụn đầu đen nhanh chóng và mang lại hiệu quả cao hiện nay. Miếng dán lột mụn hoạt động bằng cách lột bỏ phần da dầu bị oxy hóa và bụi bẩn.
Bạn làm ướt vùng mũi bằng khăn mặt rồi nhẹ nhàng dán miếng lột mụn lên, đợi khoảng 10 phút rồi sau đó lột ra. Mặc dù cho hiệu quả tức thì nhưng sản phẩm này có hạn chế là gây đau, kích thích tuyến bã nhờn hoạt động mạnh hơn và không thể ngăn mụn quay trở lại.
Lưu ý gì trong cách trị mụn đầu đen ở mũi tại nhà cho bà bầu
Ngoài việc áp dụng những biện pháp trị mụn vừa nêu, mẹ nên chú ý những vấn đề dưới đây để da đẹp hơn mỗi ngày:
- Ăn nhiều hoa quả tươi, rau xanh và đảm bảo uống đủ nước mỗi ngày. Việc cung cấp nước đầy đủ sẽ giúp chức năng gan, thận hoạt động tốt, hạn chế được tình trạng bít tắc bã nhờn trên da
- Nghỉ ngơi sớm, tránh thức khuya và đặc biệt là phải giữ tinh thần luôn thoải mái. Bởi việc căng thẳng sẽ khiến hệ miễn dịch suy yếu, kích thích sản sinh dầu trên da nhiều hơn
- Tuyệt đối không được nặn mụn đầu đen vì điều này dễ khiến mụn phát triển thành mụn trứng cá khó điều trị hơn
- Chú ý giặt giũ ra mền và thay áo gối thường xuyên để hạn chế tình trạng nhiễm khuẩn
- Hạn chế ra nắng và luôn chú ý đeo khẩu trang mỗi khi ra đường để tránh bụi bẩn bám vào hình thành mụn
Vừa rồi là những chia sẻ xoay quanh cách trị mụn đầu đen ở mũi tại nhà. Việc chăm sóc da trong thai kỳ là điều vô cùng quan trọng để tạo tiền đề cho việc lấy lại sắc vóc sau sinh. Nếu chưa rõ điểm nào, mẹ hãy cập nhật ngay những thông tin từ MarryBaby nhé.
M.P
https://www.healthline.com/health/how-to-remove-blackheads-from-nose#facial-cleansing
https://www.medicalnewstoday.com/articles/how-to-get-rid-of-blackheads-on-nose#prevention
https://www.healthline.com/health/blackheads#Prevention5
http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/acne/basics/causes/con-20020580
https://www.aad.org/media/stats-numbers