Cách nghe tim thai ở nhà, không cần siêu âm sẽ giúp các bố mẹ thoải mãn được điều đó. Bài viết này, MarryBaby sẽ tổng hợp và chia sẻ đến các mẹ một vài “chiêu” đơn giản nhất. Các mẹ cùng tham khảo ngay nhé!
Cách nghe tim thai ở nhà nên thực hiện khi nào
Muốn nghe tim thai không cần siêu âm, trước hết bạn phải nắm rõ đâu là thời điểm phù hợp. Hơn nữa, việc hiểu về nhịp tim thai cũng là một trong những kiến thức thai sản quan trọng.
Thực tế, thời điểm để nghe tim thai rõ nhất ở mỗi mẹ là không giống nhau. Nhưng về lý thuyết, tim thai đã xuất hiện và bắt đầu đập kể từ ngày thứ 22 của thai kỳ. Sang đến các tuần thứ 6–7, mẹ đã có thể nghe được “nhịp sống” của bé cưng lần đầu nhờ vào kỹ thuật siêu âm hiện đại. Đây là kỷ niệm đáng nhớ vì thế mẹ đừng quên đưa cả bố vào phòng khám để ghi lại khoảnh khắc thú vị này nhé!
Nhiều trường hợp mẹ phải chờ đến khoảng tuần thứ 8–10 mới nghe thấy tiếng tim của con đập. Nguyên nhân dẫn đến việc này có thể là do ảnh hưởng bởi chu kỳ kinh nguyệt hoặc liên quan đến sự phát triển của thai nhi.
Cách nghe tim thai ở nhà chính xác mà không cần siêu âm là khi nào? Để nghe tim thai không cần siêu âm, mẹ phải đợi đến giai đoạn thai nhi 20 tuần tuổi trở đi. Lúc này, nhịp tim của thai nhi đã đập mạnh mẽ và rõ ràng hơn (120–160 nhịp/phút). Khi ấy, mẹ có thể thực hiện cách nhận biết tim thai đập tại nhà.
Lưu ý, nếu nghe được nhịp đập tim thai to, rõ thì điều này cho thấy “thiên thần nhí” đang phát triển rất tốt và bố mẹ có thể an tâm.
[inline_article id=284688]
Bật mí 5 cách nghe tim thai ở nhà không cần siêu âm
Không phải ai cũng có điều kiện và thời gian đến phòng khám thường xuyên. Vì vậy, hãy áp dụng ngay cách nghe tim thai ở nhà mà MarryBaby gợi ý sau đây.
1. Cách nghe tim thai ở nhà bằng ống nghe của bác sĩ
Ống nghe của bác sĩ không chỉ dùng để kiểm tra huyết áp; nhịp tim cho người lớn. Dùng cụ này còn có thể khuếch đại tiếng tim đập của thai nhi trong bụng mẹ nữa đấy. Đây cũng được xem là phương pháp nghe tim thai không cần siêu âm cực an toàn.
Thiết bị y tế này khá dễ sử dụng và mẹ có thể tìm mua ở hiệu thuốc hay bất kỳ cửa hàng bày bán sản phẩm về sức khỏe. Nếu chưa biết phải làm thế nào, mẹ hãy thực hiện theo các bước hướng dẫn để rõ cách nghe tim thai ở nhà sau đây:
- Nằm hoặc ngồi trên bề mặt phẳng có điểm tựa như nệm hoặc ghế sofa.
- Xác định vị trí của thai nhi (có thể hỏi bác sĩ từ những lần khám thai trước); đặc biệt là phần lưng vì đây là điểm tốt nhất để bạn nghe rõ được tim thai.
- Đặt ống nghe lên vị trí đã định trước đó rồi từ từ cảm nhận tim thai đập.
Để mẹ có cảm nhận được tim thai chính xác, mẹ nên làm việc này ở không gian yên tĩnh; không có bất kỳ âm thanh gây nhiễu nào khác.
2. Dùng máy Doppler
Thực tế, có hẳn một thiết bị phục vụ cho việc nghe tim thai tại nhà đấy. Đó là dòng máy nghe Doppler rất được “hội bà bầu” ưa dùng. Máy bao gồm bộ phận đầu dò dùng để nghe nhịp tim và máy chủ hiển thị kết quả. Tổng thể thiết bị này hoạt động chẳng khác gì một máy siêu âm mini. Cách sử dụng máy cũng khá đơn giản như sau:
- Dùng tay thoa đều một lớp gel, loại dùng cho siêu âm, lên bụng.
- Rà phần đầu dò xung quanh.
- Nếu thấy vị trí nào bắt được tiếng tim thai đập, màn hình máy chủ sẽ hiển thị số cùng âm thanh.
3. Cách nghe tim thai ở nhà bằng ống nghe Pinard Horn
Pinard Horn là thiết bị dùng để nghe tim thai không cần siêu âm đã xuất hiện từ lâu. Nó gồm phần đầu phẳng là vị trí để đặt tai của người nghe. Và phần đầu to hơn dùng để di chuyển xung quanh vùng bụng của thai phụ. Mẹ có thể sắm Pinard Horn để nghe tiếng tim con đập từ khoảng tuần 18–20 của thai kỳ.
Dụng cụ này khá gọn nhẹ (thường làm bằng gỗ) và không phải sử dụng điện năng hay pin để hoạt động. Vì vậy, mẹ có thể mang theo bên mình đến bất kỳ đâu. Tuy nhiên, máy này có một bất lợi đó là người mẹ sẽ không thể trực tiếp nghe được tim thai. Thay vào đó, các thành viên khác trong gia đình mới có thể làm điều này.
Cách sử dụng như sau:
- Người nghe đứng bên phải thai phụ.
- Sau đó, người nghe đặt ống nghe vuông góc với thành bụng.
- Rồi di chuyển liên tục cho đến khi xác định được tim thai rồi nghe bằng tai phải.
4. Cách nghe tim thai ở nhà bằng ống Fetoscope
Dụng cụ này kết hợp đầy đủ ưu điểm của ống nghe khám bệnh của bác sĩ và Pinard Horn. Thay vì làm bằng gỗ, thiết bị này được chế tác bằng kim loại cho cảm giác cầm nắm chắc chắn hơn.
Theo các chuyên gia, Fetoscope cho kết quả chính xác hơn hẳn những loại vừa nêu. Song, nó đòi hỏi người dùng phải có một chút kiến thức y khoa để phân biệt rõ đâu là tiếng tim thai; đâu là những âm thanh khác trong bụng mẹ. Kinh nghiệm từ những mẹ đi trước là tiếng tim thai sẽ gần giống với âm thanh của một chiếc đồng hồ đặt dưới gối. Nhiều bác sĩ sản khoa còn dùng thiết bị này để xác định tim thai từ tuần thứ 12 nữa đấy.
5. Cách nghe tim thai bằng điện thoại
Điện thoại di động ngày nay không chỉ đáp ứng nhu cầu nghe gọi mà còn mang lại nhiều tiện ích không ngờ. Ngoài tính năng theo dõi sức khỏe; nhịp tim; một vài ứng dụng hiện đại còn cho phép mẹ nghe được nhịp tim của thai nhi.
Cách nghe tim thai bằng điện thoại vừa giúp mẹ lắng nghe và quan sát nhịp tim thông qua màn hình điện thoại; vừa có thể ghi âm lại tiếng tim đập thú vị này.
Thực tế, nhiều ứng dụng như vậy thường có thể tải về miễn phí, nhưng bù lại mẹ phải đầu tư một khoản tiền vào việc mua thiết bị đầu dò để dùng kèm.
>> Mẹ có thể quan tâm: Mách bạn 3 tư thế ngủ tốt cho bà bầu trong suốt thai kỳ
Mẹ có cảm nhận được tim thai không?
Mẹ bầu chỉ có thể xác định kích thước, nhịp đập của thai nhi thông qua sự hỗ trợ của bác sĩ và các loại thiết bị kiểm tra. Do đó, đối với câu hỏi “mẹ có cảm nhận được tim thai không?” thì đáp án chính xác là không.
Do đó, mẹ bầu đặt tay lên bụng nghe tim thai cũng là quan niệm sai lầm.
Thực tế, điều này chỉ giúp mẹ cảm nhận chuyển động, độ hiếu động của thai nhi. Việc đặt tay lên bụng không giúp mẹ nghe được tim thai.
Nếu có mẹ bầu nói rằng mẹ có cảm nhận được tim thai thì đó chỉ là thai máy – các hoạt động của thai nhi trong bụng mẹ, không phải hoạt động của tim thai.
Trên đây là những chia sẻ về cách nghe tim thai ở nhà mà không cần siêu âm. Bên cạnh áp dụng biện pháp này, nên cũng nên khám thai định kỳ nhằm đảm bảo sức khỏe và phát hiện kịp thời những bất thường có thể xảy đến với con.