Categories
Mang thai Chăm sóc mẹ bầu

Nguyên tắc vàng trong dinh dưỡng cho bà bầu

Tinh chỉnh chế độ ăn

Hầu các chế độ dinh dưỡng cho bà bầu đều cần tăng lượng protein, các vitamin và khoáng chất như axit folic và sắt, bổ sung thêm calo. Nếu chế độ ăn của bạn trước đó quá đơn điệu thì bạn cần bắt đầu chuyển sang một chế độ ăn đa dạng, giàu dinh dưỡng hơn. Tuy nhiên, nên hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn.

Bên cạnh đó ăn tốt hơn không có nghĩa là ăn nhiều hơn vì dù mang thai nhưng bà bầu chỉ cần khoảng 300 calo mỗi ngày.

Các thực phẩm nên tránh trong chế độ dinh dưỡng cho bà bầu

Hãy tránh xa các loại hải sản sống (chẳng hạn như món gỏi hàu hoặc sushi cuộn gỏi cá hồi), hoặc các loại phô mai mềm, pate, các loại thịt muối, không dùng nhiệt. Tất cả các loại thực phẩm kể trên đều có thể chứa vi khuẩn gây hại cho thai nhi.

Một vài loại cá có chứa hàm lượng thủy ngân cao, một kim loại được cho là gây hại cho não của thai nhi và trẻ nhỏ, như cá mập, cá kiếm, cá thu to, cá vược, cá sushi. Khi ăn cá thai phụ cần nhớ lựa chọn loại cá có chứa hàm lượng thủy ngân thấp hoặc không chứa thủy ngân ( như cá chỉ vàng, cá trích, cá đuối, cá bơn, cá hồi, cá trê) để đảm bảo không đi ngược lại lợi ích của việc ăn cá. 300g/tuần, tương đương với 2 khẩu phần.

Ngoài ra, các loại cốc-tai cũng nên tạm dừng. Uống rượu trong khi mang thai có thể gây ảnh hưởng tới thể lực, trí tuệ và rối loạn cảm xúc ở trẻ nhỏ.

Nên cắt giảm lượng caffein, đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ. Một số nghiên cứu cho thấy uống 4 tách café/ngày có thể dẫn tới sẩy thai, trẻ nhẹ cân và thậm chí là tử vong sau sinh. Nên thay thế các loại đồ uống chứa caffein (cà phê trà, cola, các loại đồ uống có ga, ca cao, sô cô la) bằng sữa rút bớt béo, nước quả nguyên chất hay nước chanh.

dinh_duong_cho_ba_bau
Khi mang thai nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý để tốt cho sức khỏe của mẹ và thai nhi

Uống vitamin bổ sung dành cho bà bầu

  • Trong chế độ dinh dưỡng cho bà bầu, các loại vitamin sẽ giúp đảm bảo cơ thể bạn có đủ dinh dưỡng, giúp trẻ phát triển tối ưu.
  • Vitamin bổ sung cần có chứa 600-800 microgam axit folic. Thiếu vitamin B có liên quan với khiếm khuyết ống thần kinh ở thai nhi.
  • Ngoài ra là viên sắt hoặc can-xi theo chỉ định của bác sĩ.

Lưu ý là vitamin chỉ có tác dụng củng cố các thành phần dinh dưỡng còn thiếu, nhưng không thay thế cho một chế độ ăn đầy đủ và phong phú. Nên uống vitamin đúng giờ và theo hướng dẫn của bác sĩ bởi uống quá liều cũng gây hại cho thai nhi.

Đừng ăn kiêng khi mang thai

Ăn kiêng trong quá trình mang thai sẽ là rất mạo hiểm và ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của cả mẹ và bé. Vì chế độ ăn này thường gây thiếu sắt, axit folic và một số vitamin và khoáng chất quan trọng khác.

Hãy nhớ, tăng cân là một trong những dấu hiệu quan trọng cho thấy quá trình mang thai tốt đẹp hay không. Những phụ nữ ăn tốt và tăng cân hợp lý sẽ sinh những đứa con khỏe mạnh. Vì thế nên ăn các thực phẩm tươi mới, ít chế biến và luôn hài lòng khi thấy cơ thể mình ngày một lớn hơn.

Tăng cân hợp lý khi mang thai

Khi mang thai bạn chỉ cần tăng 11-15kg nếu thời điểm trước đó có cân nặng hợp lý. Nếu trước khi mang thai, cân nặng không đủ chuẩn thì cần tăng 12,5-18kg. Còn nếu thừa cân thì chỉ cần tăng 7-11kg.

Khi lên cân thì điều quan trọng nhất là tổng số cân bạn lên trong cả thai kỳ. Vì thế, đừng lo lắng nếu tăng cân quá ít trong 3 tháng đầu. Thường tốc độ tăng cân nhanh sẽ rơi vào giai đoạn thứ 2 và nhiều nhất là giai đoạn thứ 3 thai kỳ, bé lúc này cũng lớn nhanh nhất.

Ăn sau mỗi 4 tiếng

Trong chế độ dinh dưỡng cho bà bầu, bạn nên chia nhỏ bữa ăn 5-6 bữa, mỗi bữa chỉ 1/3 khẩu phần, miễn sao bạn cảm thấy mình có thể ăn được. Thậm chí nếu bạn không đói thì cũng nên ăn gì đó sau mỗi 4 tiếng. Nếu buồn nôn, sợ một số thực phẩm nào đó, ợ nóng hoặc khó tiêu thì bạn có thể thử ăn vặt. Các loại thức ăn nhẹ cũng rất tốt nhưng bạn cần lựa chọn chúng một cách khôn ngoan.

Tuyệt đối không bỏ bữa. Vì ngay cả khi bạn không cảm thấy đói, thai nhi cũng cần bổ sung dưỡng chất liên tục.

Categories
Mang thai Chăm sóc mẹ bầu

Tập thể dục cho mẹ bầu: 7 bài tập yoga cho thai kỳ luôn khỏe mạnh

Tập thể dục cho mẹ bầu giúp giúp rút ngắn thời gian “vượt cạn”. Đồng thời còn hỗ trợ việc lấy lại vóc dáng sau sinh nhanh chóng hơn. Với các bài tập thể dục cho bà bầu trong bài viết này, mẹ bầu sẽ nhanh chóng lấy lại sự cân bằng. Nhất là trong tháng cuối của thai kỳ, khi bụng “vượt mặt” và thân hình như muốn lao về phía trước. Các mẹ bầu cùng tham khảo nhé!

Vì sao nên tập thể dục cho mẹ bầu?

Tập thể dục cho mẹ bầu đúng cách sẽ mang lại hiệu quả tuyệt vời cho mẹ và con. Theo nhà nghiên cứu tâm lý học Đại học Michigan – Richard Nisbett, nếu các bà mẹ biết kết hợp tập thể dục khi mang thai và nuôi con bằng sữa mẹ. Điều này sẽ giúp tăng chỉ số IQ của trẻ cao hơn trung bình 14 điểm. Bởi vì, khi thai phụ luyện tập các nhóm cơ lớn sẽ kích thích sự phát triển các nhóm neuron thần kinh giúp tăng lượng máu lên não.

Các bài tập cho bà bầu mang lại nhiều lợi ích như sau:

  • Cung cấp năng lượng khi mang thai.
  • Cải thiện lưu thông tuần hoàn máu.
  • Mang đến một cơ thể luôn khỏe mạnh.
  • Ngăn chặn tăng cân quá mức khi mang thai.
  • Ngăn ngừa các bệnh lý trong thai kỳ.
  • Giảm đau lưng hiệu quả.
  • Giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn sau khi sinh.
  • Tăng sức bền và sự chịu đựng.
  • Giảm nguy cơ tiền sản giật do cao huyết áp.
  • Giữ gìn vóc dáng.
  • Giúp ngủ ngon và giảm trầm cảm trước cũng như sau sinh.
  • Nhất là, chuẩn bị sức khỏe tốt để sinh con.
  • Thai phát triển toàn diện hơn.
  • Trẻ sinh ra sẽ tăng chỉ số IQ.

>> Mẹ bầu có thể quan tâm: 7 cách làm cổ tử cung mở nhanh, đẻ thường nhanh dễ như ăn kẹo

Thời điểm tốt nhất để thực hiện các bài tập thể dục cho bà bầu

Theo nhiều nghiên cứu đáng tin cậy cho thấy, mẹ bầu có thể tập thể dục ngay từ đầu thai kỳ. Đặc biệt, thai phụ cần lưu ý lựa chọn các bài tập; động tác và bộ môn tập phù hợp với sức khỏe.

1. Tam cá nguyệt thứ nhất

Khi bắt đầu biết tin có thai mẹ bầu sẽ rất vui nhưng cũng rất mệt mỏi do ốm nghén. Ở giai đoạn này, mẹ chỉ cần đi bộ hoặc thực hiện tập thể dục cho mẹ bầu đơn giản; nhẹ nhàng để khởi động cho quá trình luyện tập dài. Mẹ nên tập luyện khoảng 3-4 lần/ tuần vào buổi sáng hoặc cuối buổi tối để cơ thể được thư giãn nhé.

2. Tam cá nguyệt thứ hai

Giai đoạn này, cơ thể mẹ đã dần quen với các bài tập cho bà bầu và cũng đã không còn bị ốm nghén. Mẹ có thể tăng cường độ thực hiện bài tập thể dục cho bà bầu. Những bài tập thể dục cho mẹ bầu sẽ giúp loại bỏ mệt mỏi; tinh thần sảng khoái; tăng cường miễn dịch cho mẹ bầu và thai nhi.

3. Tam cá nguyệt thứ ba

Đây là giai đoạn của những tháng cuối thai kỳ và rất quan trọng. Vì vậy, thai phụ cần cân bằng chế độ tập luyện; không tập quá sức hay tập ở ngoài trời quá nóng. Tất cả những điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe cơ thể của mẹ và con.

bài tập thể dục cho bà bầu

Khi nào cần ngưng tập thể dục cho mẹ bầu

Tập thể dục mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Nhưng nếu gặp dấu hiệu dưới đây, mẹ bầu nên ngưng tập và đi khám bác sĩ ngay nhé.

  • Khó thở.
  • Đau đầu.
  • Chóng mặt.
  • Rò rỉ nước ối.
  • Đau hoặc tức ngực.
  • Chảy máu âm đạo.
  • Mất thăng bằng.
  • Đột ngột đau bụng dữ dội.
  • Đau ở chân và bắp chân dưới.

Các bài tập yoga đơn giản cho bà bầu

các bài tập cho bà bầu

1. Tư thế đứng gập chân

Tư thế này còn gọi là tư thế Goddess trong thuật ngữ của bộ môn yoga. Thường xuyên tập luyện, nó sẽ giúp tăng cường sức mạnh các cơ ở đùi, hông và giữa cơ thể. Từ đó, tạo nền tảng vững chắc và ổn định cho mỗi bước đi của bà bầu.

2. Tập thể dục cho mẹ bầu: Tư thế cái cây

Bài tập thể dục cho bà bầy này giúp cải thiện các cơ ở mông; giữ độ chắc chắn cho khung xương chậu và xương sống.

-Thực hiện:

  • Đứng dựa vào tường hoặc cách xa khoảng một bàn tay nếu có thể, hai tay dọc bên cơ thể.
  • Dồn trọng lượng về bên chân phải, nâng đầu gối trái lên, mở rộng sang bên trái, đặt bàn chân trái ngay trong đùi phải.
  • Đứng thẳng lưng, chắp bàn tay trước ngực hoặc giơ tay qua đầu.
  • Giữ trong 10 hơi thở. Lặp lại tương tự cho bên còn lại.

3. Tư thế cái bàn

Đây là bài tập giúp cân bằng trọng lượng cơ thể. Vì thế, mẹ bầu hãy thường xuyên tập luyện nhé.

– Thực hiện:

  • Bắt đầu ở tư thế bò. Mặt cúi xuống sàn nhà.
  • Đưa chân trái ra sau, tay phải ra trước sao cho cơ thể tạo thành một đường thẳng, kéo dài cơ thể theo hướng ngược nhau.
  • Giữ trong vòng 3 hơi thở, sau đó trở về vị trí ban đầu và lặp lại tương tự cho bên kia. Tập luân phiên từ 5-10 lần cho mỗi bên.

4. Tập thể dục cho mẹ bầu: Tư thế duỗi thẳng một nửa (Ardha Uttanasana)

– Thực hiện:

  • Chuẩn bị trong tư thế Tadasana, sau đó đặt một khối gạch yoga theo chiều dọc trước mặt bạn. Đặt 2 bàn tay lên khối gạch và điều chỉnh xương chậu sao cho vai và xương chậu song song với nhau.
  • Ngoài ra, mẹ sẽ cần đến một cái ghế hay bức tường để hỗ trợ. Khi mẹ bầu tập với ghế hoặc tường, đặt cánh tay lên dụng cụ hỗ trợ trước mặt trong khi lòng bàn tay hướng vào trong, hai cánh tay áp sát vào 2 bên tai.

5. Tư thế chiến binh II (Virabhadrasana II)

– Thực hiên:

  • Đầu tiên, mẹ bầu bước chân phải về phía sau; ngón chân hướng qua bên phải. Chân trước gập lại và vẫn giữ ngón chân hướng về trước.
  • Dang rộng 2 cánh tay về 2 bên, song song với vai; lưu ý là 2 cánh tay phải song song với nhau. Tập trung nhìn vào các ngón tay ở phía trước mặt.
  • Kế đến, đặt lòng bàn tay lên thắt lưng và bước chân sau về vị trí cũ, trở lại tư thế Tadasana. Làm tương tự với chân còn lại.

6. Tập thể dục cho mẹ bầu: Tư thế tam giác

Tư thế tập thể dục cho mẹ bầu này giúp giảm bớt các rối loạn tiêu hóa trong thai kỳ; cải thiện sự linh hoạt của hông, chân và vai; hỗ trợ cho việc nâng đỡ cơ thể và có ích trong quá trình chuyển dạ.

– Thực hiên:

  • Đứng thẳng hai chân.
  • Hai tay ở hai bên của cơ thể, lòng bàn tay hướng vào đùi.
  • Từ từ dạng chân ra. Hai bàn chân của bạn phải song song với nhau.
  • Nâng tay của bạn thẳng hàn với vai, lòng bàn tay hướng xuống sàn.
  • Hít một hơi thật sâu và uốn cong người sang trái. Đồng thời nâng tay phải của bạn lên trên.
  • Nghiêng đầu sang trái và nhìn vào đầu ngón tay của bàn tay phải.
  • Giữ vị trí và đếm đến 10 -20. Giữ hơi thở bình thường.
  • Sau đó thở ra từ từ và nâng cơ thể của bạn lên để trở lại tư thế ban đầu.
  • Lặp lại các bước ở phía bên phải của bạn.

7. Tư thế con mèo hay còn gọi con bò

Tư thế này giúp giảm đau lưng trong thai kỳ; cải thiện mức lưu thông máu và tăng cường sức mạnh của cổ tay và vai của bạn.

– Thực hiên:

  • Quỳ trên sàn, chống hai tay dưới sàn.
  • Giữ đầu của bạn thẳng.
  • Hít một hơi thật sâu và nâng cằm của bạn lên. Đồng thời đẩy nhẹ đầu của bạn.
  • Nâng vòm cột sống của bạn bằng cách nghiêng hông và nâng xương sườn vào tư thế con bò.
  • Giữ vững mông. Chẳng mấy chốc, bạn sẽ cảm thấy một cảm giác ngứa ran.
  • Giữ nguyên tư thế trong khoảng 30 đến 90 giây trong khi thở sâu.
  • Thở ra và cúi cằm về gần ngực, cong cột sống lên, hạ mông xuống. Thư giãn mông của bạn và cong lưng càng nhiều càng tốt.
  • Giữ tư thế này trong 10 giây và sau đó quay trở lại vị trí bắt đầu.
  • Lặp lại tư thế này nhiều lần nếu bạn có thể. Nhưng hãy chắc chắn có sự thư giãn nghỉ ngơi giữa các lần.

[inline_article id=172486]

Nhưng lưu ý khi tập thể dục cho mẹ bầu

Bên cạnh các bài tập thể dục cho bà bầu, khi luyện tập thai phụ cũng cần lưu ý những điều sau:

  • Nếu trước khi mang thai, thai phụ đã thường xuyên tập thể dục hay vận động. Thì mẹ bầu vẫn tiếp tục thực hiện các bài tập đó. Tuy nhiên trong giai đoạn mang thai, mẹ bầu cần điều chỉnh và tiết chế cường độ tập luyện.
  • Trước khi thực hiện bất kỳ bộ môn hoặc bất kỳ bài thể dục cho bà bầu nào, thai phụ cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
  • Thời gian mỗi lần tập luyện chỉ khoảng 30 phút. Mẹ bầu tuyệt đối không được luyện tập quá sức vì có thể ảnh hưởng đên thai nhi.
  • Không tập khi cơ thể không được khỏe mạnh.
  • Nếu có những dấu hiệu bất thường trong quá trình tập luyện, mẹ bầu cần đến bác sĩ kiểm tra ngay.
  • Mẹ bầu có thể tập đều đặn mỗi ngày hoặc 5-6 ngày/tuần.
  • Trước khi tập thể dục cho mẹ bầu, hãy nhớ khởi động làm nóng cơ thể.
  • Ngoài ra, mẹ bầu đừng quên uống nhiều nước.
  • Khi tập thể dục, mẹ bầu cần chọn những bộ quần áo có thể co giãn và thoải mái khi tập.

Thực hiện các bài tập thể dục cho bà bầu mỗi ngày, chị em mang thai sẽ giảm được các triệu chứng đau nhức; khó chịu thường gặp trong thai kỳ. Nhất là, các mẹ sẽ chuẩn bị sức khỏe tốt hơn cho thời gian vượt cạn. Hy vọng những thông tin về tập thể dục cho mẹ bầu sẽ giúp ích cho các mẹ. Chúc các mẹ bầu có một thai kỳ khỏe mạnh nhé!

Categories
Mang thai Chăm sóc mẹ bầu

Tư thế nằm ngủ khi mang thai: Nằm thế nào cho tốt?

Giai đoạn đầu thai kỳ (1 – 3 tháng)
Tam cá nguyệt đầu tiên là giai đoạn thai nhi phát trển trong tử cung và dựa vào khung xương chậu của mẹ. Các bà bầu có thể nằm ngủ tùy ý với nhiều tư thế, nằm ngửa hay nằm nghiêng đều được do bào thai còn nhỏ và lực tác động lên cơ thể của mẹ là chưa đáng kể. Tuy nhiên, nếu bà bầu nào có thói quen nằm sấp hoặc ôm gối ngủ thì nên thay đổi bởi đây không phải là tư thế nằm ngủ có lợi cho sức khỏe bà bầu.

Giai đoạn giữa thai kỳ (4 – 7 tháng)
Vào thời kỳ này, các bà bầu cần chú ý bảo vệ phần bụng của mình, tránh tuyệt đối lực tác động từ bên ngoài. Nếu nước ối quá nhiều hoặc mang song thai, bà bầu nên nằm nghiêng sẽ thoải mái hơn và không gây áp lực lên bào thai như các tư thế nằm khác. Còn nếu bà bầu cảm thấy phần chân nặng nề, có thể nằm ngửa và kê chân lên gối mềm cũng là tư thế nằm ngủ có lợi cho sức khỏe bà bầu trong giai đoạn giữa thai kỳ này.

Giai đoạn cuối thai kỳ (8 – 9 tháng)
Trong những tháng cuối của thai kỳ, tử cung thường xoay về phía bên phải, do đó, tư thế nằm ngủ có lợi cho sức khỏe bà bầu tốt nhất trong giai đoạn này là nằm nghiêng về phía bên trái để giảm bớt áp lực cho các động mạch và vùng xương chậu, đồng thời làm tăng quá trình lưu thông máu, cung cấp dưỡng chất cho thai nhi. Nếu hai chân bị phù to hoặc các tĩnh mạch ở chân căng lên, bà bầu có thể vừa nằm nghiêng trái vừa kê cao chân một chút sẽ giúp máu lưu thông, làm chân bớt phù nề.

Ngoài việc chú ý đến tư thế nằm, bà bầu không nên nằm giường cứng, kê đầu quá cao và đắp chăn làm từ sợi nhân tạo, đặc biệt khi ngủ phải có màn. Có như vậy mới tạo ra sự thoải mái cho bà bầu và thai nhi, giúp 2 mẹ con có giấc ngủ ngon, có lợi cho sức khỏe.

tu_the_nam_ngu_khi_mang_thai
Chú ý tư thế khi nằm ngủ sẽ mang lại sự thoải mái cho mẹ và bé
Categories
Mang thai Chăm sóc mẹ bầu

Dinh dưỡng khi mang thai và những hiểu lầm tai hại

Thực tế, những hiểu lầm tai hại về chế độ dinh dưỡng khi mang thai như thế này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả mẹ và bé.

1. Ăn nhiều để em bé to, khỏe
Với quan niệm phải “ăn cho hai người” khi mang thai, nên các bà bầu thường cố gắng ăn thật nhiều món ngon, bổ dưỡng để em bé to khỏe. Nhưng trên thực tế, việc ăn quá nhiều trong thời kỳ mang thai có thể dẫn đến béo phì, làm mất đi 9 năm tuổi thọ của người mẹ.

Đồng thời, khi bà bầu nạp vào cơ thể quá nhiều đồ ăn sẽ làm gia tăng các nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tim, đột quỵ, vô sinh, trầm cảm và một vài dạng ung thư khác.

Ngoài ra, việc thai nhi to quá mức khiến việc sinh nở gặp khó khăn. Vấn đề giảm cân sau sinh cũng rất khó nếu các bà bầu ăn nhiều trong quá trình mang thai

2. Ăn trứng ngỗng để con thông minh

Rất nhiều phụ nữ tin rằng, ăn trứng ngỗng sẽ giúp em bé trong bụng sinh ra thông minh hơn. Bởi vì quan niệm dân gian, trứng ngỗng là món ăn giúp em bé phát triển tốt, đặc biệt là phát triển trí não, khiến bé sau này sinh ra được thông minh, lanh lợi.

Tuy nhiên, chưa hề có một kết luận khoa học nào khẳng định phụ nữ mang thai ăn trứng ngỗng thì con thông minh, hoặc trứng ngỗng tốt cho thai nhi hơn các trứng gia cầm khác. Hơn thế, hàm lượng các vitamin trong trứng ngỗng nhỏ hơn hàm lượng vitamin có trong trứng gà, đặc biệt là vitamin A rất cần cho phụ nữ có thai. Nếu như hàm lượng vitamin A trong trứng ngỗng là 0,33mg%, thì hàm lượng vitamin này trong trứng gà là 0,70mg% trong trứng gà. Tức là hàm lượng vitamin A của trứng ngỗng chỉ bằng một nửa so với trứng gà.

Dinh dưỡng khi mang thai 2
Hàm lượng vitamin A, một trong những vi chất dinh dưỡng khi mang thai quan trọng, có nhiều trong trứng gà hơn trứng ngỗng

Mặt khác, việc bà bầu bổ sung trứng ngỗng thường xuyên có thể bị bị béo phì và mắc chứng cholesterol máu cao. Bởi vì trứng ngỗng là thực phẩm chứa nhiều cholesterol và giàu lipid là những chất không có lợi cho sức khỏe phụ nữ có thai.

3. Nhịn ăn để không bị nôn
Tình trạng bị nôn ói do ốm nghén nặng khiến nhiều bà bầu rất khó chịu, mệt mỏi. Nhiều người cho rằng, khi nhịn ăn, cơ thể không được nạp thức ăn sẽ không bị nôn ói nữa. Đây là quan niệm sai lầm tai hại của nhiều bà bầu. Vì khi người mẹ không cung cấp đủ nguồn dinh dưỡng khi mang thai thiết yếu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của bé.

Khi người mẹ ăn uống thường xuyên và đầy đủ thì cho dù có bị ói sau khi ăn, nguồn thức ăn vẫn không đi ra ngoài hết, mà vẫn được cơ thể hấp thu. Do đó người mẹ vẫn cần ăn để thai nhi không bị thiếu chất dinh dưỡng khi mang thai, tuyệt đối không được nhịn ăn vì điều này có thể nguy hiểm cho cả mẹ và bé.

Cách khắc phục tạm thời cho bạn khi nôn ói do nghén nặng là: ăn ít một và chia làm nhiều bữa trong ngày để vẫn cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng khi mang thai cho mẹ và thai nhi.

TT

Categories
Mang thai Chăm sóc mẹ bầu

Học tiền sản – xu hướng cho người lần đầu làm mẹ

Học tiền sản là học gì?
Các lớp tiền sản được tổ chức không ngoài mục đích giúp trang bị kiến thức, kinh nghiệm cho những phụ nữ sắp làm mẹ. Điều này còn khá mới với nhiều người nhưng thực chất đã diễn ra từ rất lâu tại các nước phát triển. Có thể là người mẹ hoặc cả hai vợ chồng cùng tham gia khóa học.

Một khóa học tiền sản chất lượng sẽ gồm những nội dung như:

Giữ gìn sức khỏe khi mang thai: Bao gồm việc theo dõi thai kỳ, sự phát triển của thai nhi, mức độ tăng cân của mẹ, những bài tập thể dục nhẹ nhàng nhằm duy trì sức khỏe, cách nhận biết những loại thực phẩm có lợi, có hại trong và sau thai kỳ, phân biệt những cơn gò và cách khắc phục.

Chuẩn bị vật chất và tâm lý khi sinh nở: Lớp học sẽ giúp mẹ chuẩn bị tâm lý trong khi mang thai cũng như sẵn sàng đối mặt với hành trình vượt cạn. Bạn sẽ hiểu rõ nguyên lý của cơn đau khi sinh nở cũng như khắc phục sự sợ hãi (nếu có) và những phương pháp giúp sinh con dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ biết được cần mua sắm gì cho con, những lưu ý khi chọn lựa đồ đạc cho trẻ sơ sinh.

Cách chăm sóc trẻ sơ sinh: Đây cũng là một nội dung quan trọng của các lớp tiền sản. Huấn luyện viên sẽ dạy cho bạn cách tắm bé, cho bé bú, cho bé ăn, giúp bé ngủ ngon một cách trực quan, sinh động. Bên cạnh đó, các bác sĩ tham gia vào lớp tiền sản cũng sẽ giúp bạn trang bị một số kiến thức y khoa về phân biệt nhu cầu của trẻ sơ sinh qua tiếng khóc, những ngôn ngữ cơ thể của bé và còn sớm phát hiện tình trạng khó chịu, biểu hiện bệnh của bé.

Học tiền sản – xu hướng cho người lần đầu làm mẹ
Những lớp học tiền sản rất bổ ích đối với những chị em lần đầu làm mẹ

Hình thức tổ chức lớp học hiện nay như thế nào?
Hiện nay, các bệnh viện phụ sản, bệnh viện đa khoa trong nước như bệnh viện Từ Dũ, Hùng Vương, các tổ chức dành cho phụ nữ… đều thường xuyên tổ chức các lớp học tiền sản cho bạn tham gia. Một khóa học có thể chỉ gồm 1 ngày với sự tham gia của các bác sĩ chuyên khoa hoặc kéo dài từ một đến vài tuần tùy theo nhu cầu của sản phụ. Nếu thường xuyên theo dõi thông tin từ các bệnh viện, bạn sẽ có cơ may tham gia lớp học bổ ích này hoàn toàn miễn phí.

Những giá trị khác từ lớp tiền sản?
Sự tự tin để làm mẹ là điều quan trọng nhất mà một lớp học tiền sản thành công sẽ mang lại cho bạn. Sau khi đã nắm vững những kiến thức về thai kỳ, sinh nở và chăm sóc trẻ sơ sinh, việc còn lại là bạn ung dung chờ đến ngày thực hiện thiên chức của mình. Bạn sẽ không còn sợ hãi hay bị trầm cảm, stress khi sinh con nữa.

Gặp gỡ những người cũng mang thai như bạn để trao đổi thêm kinh nghiệm và kết bạn cùng nhau. Vì những người đồng cảnh ngộ sẽ hiểu nhau và dễ cảm thông, bạn sẽ được cổ vũ tinh thần hơn trong những ngày mang thai vất vả.

Nếu “lôi kéo” được chồng cùng tham gia khóa học, bạn sẽ giúp anh ấy vừa có thêm kinh nghiệm nuôi con, vừa hiểu được việc làm mẹ vất vả như thế nào. Sau này, anh ấy sẽ đỡ đần bạn nhiều hơn trong những ngày ở cử và chăm sóc, nuôi dạy con đến trưởng thành.

AN.

Categories
Mang thai Chăm sóc mẹ bầu

Lắng nghe những cử động đầu tiên của thai nhi

Khi nào mẹ sẽ bắt đầu nhận ra dấu hiệu của thai máy?
Cảm nhận đầu tiên có thể là trong khoảng tuần 15 đến 21. Thực ra bé đã bắt đầu chuyển động từ tuần thứ 6 hoặc 7 và bạn có lẽ đã nhìn thấy qua hình ảnh siêu âm nhưng những cử động này còn quá yếu ớt để bạn có thể nhận ra. Các bà mẹ sinh con thứ có thể nhận ra những chuyển động nhẹ đầu tiên – còn gọi là “thai máy” – sớm hơn những người mới làm mẹ lần đầu. Lúc mới đầu, có thể bạn sẽ nhầm lẫn giữa chuyện thai máy và cảm giác sôi bụng vì đói. Những phụ nữ gầy thường có xu hướng cảm nhận thai máy sớm hơn.

thai máy

Ba mẹ nào cũng chờ đợi được nghe thai máy

Những chuyển động đầu tiên sẽ như thế nào?
Các bà mẹ mang thai miêu tả cảm giác này bằng nhiều cách khác nhau như bắp rang nổ, cá quẫy, bươm bướm đập cánh hay một cái vỗ nhẹ. Ban đầu, bạn có thể sẽ nghĩ rằng đó là cảm giác do đầy hơi hoặc đói bụng, nhưng khi bắt đầu cảm nhận chúng thường xuyên hơn, bạn sẽ nhận ra sự khác biệt. Bạn có thể cảm thấy em bé máy khi đang ngồi hoặc nằm yên.

Khi nào nên lo lắng về những cử động của bé?
Mặc dù bé đang chuyển động rất nhiều nhưng chúng vẫn chưa đủ mạnh để bạn có thể cảm thấy một cách rõ rệt. Cho tới giai đoạn giữa của thai kỳ, bạn sẽ bắt đầu cảm nhận thường xuyên những cú quẫy, đạp mạnh hơn của bé. Thai ít cử động có thể là dấu hiệu không lành và bạn cần đến bác sĩ để kiểm tra tình trạng thai nhi. Khi bước vào giai đoạn cuối của thai kỳ, bác sĩ có thể đề nghị bạn đếm số lần máy của bé trong một khoảng thời gian nhất định mỗi ngày.

Categories
Mang thai Chăm sóc mẹ bầu

Dinh dưỡng khi mang thai: mẹ đã hiểu đúng?

Tôi cần ăn thêm bao nhiêu mỗi ngày?

Đa số các phụ nữ chỉ cần thêm một lượng 300 calories mỗi ngày trong chế độ dinh dưỡng khi mang thai. Bạn không nên bổ sung lượng calorie này bằng cách ăn vặt nhiều hơn mà nên uống một ly sữa tươi và ăn hai lát bánh mì sandwich nướng. Đối với chế độ dinh dưỡng trong thai kỳ, bạn không cần phải quá chú trọng vào số lượng, miễn là bạn biết chọn lựa những thực phẩm tốt cho sức khỏe và bác sĩ hài lòng với mức tăng cân của bạn.

Những chất dinh dưỡng nào là quan trọng?

Đạm, sắt và canxi là ba chất rất cần thiết trong chế độ dinh dưỡng khi mang thai, đảm bảo sức khỏe của mẹ và sự phát triển của bé.

Đạm: Bạn nên tiêu thụ khoảng 71g đạm mỗi ngày từ thịt nạc, trứng và sản phẩm từ sữa cũng như các loại hạt, đậu và các chế phẩm từ đậu nành như đậu phụ. Ba bữa ăn mỗi ngày sẽ cung cấp đủ đạm cho bạn. Trong các loại thực phẩm hàng ngày, cá là nguồn đạm tốt (cung cấp lượng acid béo omega-3 thiết yếu) nhưng bạn cần cân nhắc về nguy cơ gặp phải cá bị nhiễm bẩn.

dinh dưỡng khi mang thai
Chất sắt có nhiều trong thịt đỏ rất cần thiết trong chế độ dinh dưỡng khi mang thai

Sắt: Bạn sẽ cần khoảng 27mg sắt mỗi ngày trong thực đơn dinh dưỡng khi mang thai. Loại chất khoáng này đặc biệt quan trọng để hạn chế thiếu máu do thiếu sắt – vấn đề phổ biến ở nhiều phụ nữ mang thai. Một điều bạn nên biết là cơ thể sẽ hấp thụ sắt trong các sản phẩm có nguồn gốc động vật dễ dàng hơn sắt trong thực vật. Nguồn cung cấp sắt cơ bản là các loại thịt đỏ. Nếu bạn ăn chay hoặc không ăn được thịt, có thể dùng các loại rau chứa sắt như rau bina và các loại đậu nhiều sắt như đậu lăng. Tuy nhiên, lượng sắt từ thực phẩm thường sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu về sắt của phụ nữ mang thai, cho nên bác sĩ sẽ kê cho bạn viên uống bổ sung sắt.

Một điều nữa bạn nên biết đó là vitamin C giúp tăng cường khả năng hấp thu sắt từ thực vật, do đó bạn nên ăn các loại thực phẩm giàu vitamin C như các loại trái cây họ cam quýt, dâu tây, ớt ngọt bên cạnh việc tiêu thụ sắt từ nguồn gốc thực vật. Đừng nên chủ quan mà bỏ qua các vi chất này trong chế độ dinh dưỡng khi mang thai.

Canxi: Uống sữa hoặc tiêu thụ các chế phẩm từ sữa 4 lần mỗi ngày sẽ giúp bạn có 1.000mg canxi cần thiết. Bé của bạn cần canxi để hình thành xương và răng, do đó nếu bạn không tiêu thụ đủ lượng canxi cần thiết, bé sẽ lấy canxi từ cơ thể của bạn. Điều này có nghĩa là bạn sẽ mất đi lượng canxi tích trữ trong xương.

Có cần tuân theo chế độ dinh dưỡng khi mang thai nếu đã uống bổ sung vitamin?

Câu trả lời là có! Các sản phẩm cung cấp vitamin cho phụ nữ mang thai chỉ có thể bổ sung những chất dinh dưỡng còn thiếu trong khẩu phẩn ăn chứ không thể thay thế các thực phẩm cần thiết. Trước hết, các loại vitamin trợ sản không cung cấp đủ lượng canxi bạn cần. Hơn nữa, bạn cũng cần ăn các loại trái cây và rau quả tươi giàu chất xơ để hỗ trợ tiêu hóa và tránh táo bón – vấn đề hay gặp phải ở phụ nữ mang thai.

Thực tế nếu bạn là người khỏe mạnh, am hiểu về dinh dưỡng khi mang thai, có khẩu phần ăn cân bằng và không có nguy cơ biến chứng đặc biệt nào, bạn thậm chí không cần phải uống vitamin tổng hợp hay bổ sung khoáng chất. Tuy nhiên, điều chắc chắn là bạn vẫn cần uống bổ sung acid folic trước và trong 3 tháng đầu thai kỳ. Bên cạnh đó, bạn cũng cần uống thêm sắt trong giai đoạn giữa và cuối thai kỳ.

Hầu hết các bác sĩ đề nghị những phụ nữ mang thai uống bổ sung vitamin từ lúc quyết định mang thai đến khi kết thúc thai kỳ. Bạn có đang uống bổ sung vitamin cho thai phụ hay không?

Categories
Mang thai Chăm sóc mẹ bầu

Thực phẩm cần kiêng khi mang thai

Những món ăn nào cần kiêng khi mang thai?

Một vài loại hải sản cần kiêng khi mang thai vì chúng có thể chứa hàm lượng đáng kể các chất ô nhiễm như thủy ngân, gây tổn hại đến sự phát triển não của bé. Mặt khác, cũng có những lợi ích khi ăn hải sản như: nguồn protein tốt, nguồn omega-3 chính có lợi cho sự phát triển não và thị giác của bé. Điều quan trọng là chọn những loại cá có rất ít khả năng nhiễm độc và ăn uống điều độ.

Để giảm thiểu mức độ tiếp xúc với thủy ngân, bạn nên tránh tối đa các loại cá mập, cá kiếm, cá thu và cá kình. Phụ nữ mang thai có thể ăn khoảng 350g cá tươi (chia làm 2 lần) một tuần. Tuy nhiên, không nên tiêu thụ nhiều hơn 170g cá ngừ đại dương, do chúng chứa nhiều thủy ngân hơn loại cá ngừ thịt trắng đóng hộp. Nếu bạn muốn cẩn thận hơn nữa, nên hạn chế ăn các loại cá ngừ.

kiêng khi mang thai
Hải sản là một trong những món hàng đầu nên kiêng khi mang thai

Bạn cũng nên tránh ăn những loại cá được nuôi trong môi trường ô nhiễm, tránh ăn cá sống hoặc chưa chín hẳn (gồm cả loại hun khói hoặc trộn gỏi). Chúng có thể chứa những vi khuẩn hoặc ký sinh trùng gây bệnh cho bạn và ảnh hưởng đến sự phát triển của bé.

Những thực phẩm không tốt cho bà bầu khác cần tránh gồm phô mai mềm chưa tiệt trùng, pa tê đông lạnh, thịt gia súc, gia cầm sống hoặc còn tái, thức ăn để lạnh và các loại thực phẩm có chứa thành phần trứng sống (như các loại sốt trộn salad và bột làm bánh) do chúng có thể chứa các vi khuẩn có hại.

Loại thức uống nào cần kiêng khi mang thai?

Uống rượu là tối kỵ khi mang thai. Khi mẹ uống rượu, các thành phần trong rượu được truyền đến bé nhanh chóng qua đường máu và gia tăng nguy cơ gây tổn hại cho bé, thậm chí với chỉ một ly rượu mỗi ngày. Những loại đồ uống khác cần tránh xa là nước trái cây và sữa chưa tiệt trùng, hỗn hợp sữa trứng. Các loại thức uống này có thể chứa vi khuẩn E.coli hoặc những loại vi khuẩn có hại khác cho bạn và bé.

Bạn có thể nghe nói là caffeine hoàn toàn không tốt cho thai phụ nhưng điều này chỉ đúng khi bạn tiêu thụ nhiều hơn mức hợp lý. Một lượng vừa phải, khoảng 300mg caffeine mỗi ngày không gây hại cho bé. Và bạn cần lưu ý rằng caffeine cũng có trong những thức uống khác như chocolate, trà, cola và nhiều loại nước giải khát khác.

Làm sao để phòng ngừa ngộ độc thức ăn khi mang thai?

  • Nấu chín kỹ tất cả các loại thịt gia súc, gia cầm và cá cho đến khi không còn màu hồng giữa thớ thịt hoặc cá.
  • Không ăn thịt đông lạnh, patê đông lạnh, hoặc cá hun khói đông lạnh trừ khi chúng được nấu chín hoặc hấp chín (như trong pizza hoặc sandwich nóng).
  • Không ăn thức ăn để quá hai giờ. Nếu thực phẩm đã nguội, hâm nóng chúng cho đến khi bốc khói trước khi ăn.
  • Bảo quản thịt sống riêng với các thức ăn chín khác.
  • Rửa sạch, gọt vỏ các loại trái cây, rau quả.
  • Rửa tay bằng nước ấm và xà phòng trước khi bạn chạm đến các thực phẩm đã rửa sạch, nấu chín để tránh gây nhiễm bẩn.
  • Vệ sinh thường xuyên các bề mặt tiếp xúc với thịt gia súc, gia cầm, hải sản, trứng sống, xúc xích, thịt đông lạnh, và bất cứ đồ vật bẩn nào khác.
  • Ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn ngay sau khi mua chúng, nhất là khi bạn đã mở hộp, ngay cả khi chưa hết hạn dùng. Đừng quên, hạn sử dụng là dành cho thực phẩm chưa mở nắp.
Categories
Mang thai Chăm sóc mẹ bầu

Mẹ có đang mang thai đôi?

Mẹ có đang mang thai đôi?

1. Khả năng mang thai đôi của mẹ là bao nhiêu?
Theo thống kê, cứ 31 ca sinh nở thì có một ca sinh đôi (nhiều hơn 3%). Tuy nhiên, nếu bạn thụ thai tự nhiên và không có trợ can thiệp y tế, tỷ lệ bạn mang thai đôi thấp hơn nhiều – chỉ 1/89. Với việc mang đa thai nhiều hơn hai, tỷ lệ này là khoảng 1/565.

Các trường hợp song sinh cùng trứng thường xảy ra một cách ngẫu nhiên và tỷ lệ phụ nữ mang song thai cùng trứng (một trứng được thụ tinh tách làm hai) là 1/250.

Các phương pháp điều trị hiếm muộn làm tăng đột ngột khả năng mang đa thai. Trung bình 20 đến 25% phụ nữ sử dụng thuốc hỗ trợ sinh sản hoặc trải qua thụ tinh trong ống nghiệm (hoặc các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản khác) sẽ mang thai nhiều hơn một em bé.

mang thai doi
Sử dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản làm tăng khả năng mang thai đôi

2. Những yếu tố khác ảnh hưởng đến khả năng mang thai đôi

Nếu bạn đã từng mang song thai, khả năng việc này lặp lại trong lần mang thai tiếp theo có thể tăng gấp đôi.

Khả năng mang thai đôi có tính di truyền. Nếu bạn có anh chị em song sinh hoặc có họ hàng với một cặp song sinh nào đó, nhiều khả năng bạn sẽ mang thai đôi. Tuy nhiên, lịch sử di truyền của gia đình chồng không ảnh hưởng đến khả năng sinh đôi của bạn.

Khả năng mang song thai hoặc đa thai một cách tự nhiên cao hơn khi bạn càng lớn tuổi. Nguyên nhân của việc này là do sự thay đổi nội tiết tố theo độ tuổi ở cơ thể người phụ nữ.

Khả năng mang thai đôi cũng cao hơn khi bạn mang thai nhiều lần.

Mang song thai thường phổ biến ở phụ nữ cao lớn hơn là người có vóc dáng nhỏ.

3. Làm thế nào xác định mình có mang thai đôi hay không?

Thông qua siêu âm trong 3 tháng đầu thai kỳ, thai phụ có thể biết được mình có mang song thai hay không. Nếu bạn thực hiện tầm soát di truyền ba tháng đầu, bạn sẽ được siêu âm trong khoảng tuần thai thứ 10 đến 12. Nếu bạn có thai sau khi điều trị hiếm muộn, bạn có thể sẽ được siêu âm sớm hơn, trong khoảng tám tuần đầu để đếm số lượng phôi đã được cấy ghép. Bác sĩ của bạn cũng sẽ đề nghị siêu âm nếu kích thước thai của bạn lớn hơn so với tuổi thai. Siêu âm sẽ cho kết quả chính xác về việc mẹ có mang đa thai hay không, nhất là sau năm đến bảy tuần thai. Tuy nhiên, bạn càng mang thai nhiều bé, khả năng một bé sẽ bị đếm sót càng cao, đây là sai sót thường gặp khi siêu âm đa thai trên hai bé.

4. Những dấu hiệu khác cho biết bạn mang thai đôi

  • Mức hCG cao

Đây là loại hoóc-môn giúp nhận biết bạn có mang thai hay không. Hoóc-môn hCG xuất hiện trong máu và nước tiểu khoảng 10 ngày sau khi thụ thai. Các cặp sinh đôi hay đa thai có thể làm cho lượng hoóc-môn này cao hơn những trường hợp mang thai thông thường.

  • Nhiều hơn 1 nhịp tim thai

Dùng những sóng âm vô hại, hệ thống doppler sẽ nghe được nhịp tim của em bé, thường là vào khoảng cuối tam cá nguyệt thứ nhất. Hoặc một bác sĩ hay bà mụ đầy kinh nghiệm cũng có thể phát hiện được nhịp tim của thai đôi. Tuy vậy, cũng có trường hợp âm thanh bị nhiễu hoặc bị nhầm lẫn với nhịp tim của mẹ.

  • Ốm nghén nặng nề

Khoảng 50% phụ nữ mang thai trả qua những triệu chứng như nôn hay buồn nôn. Một số phụ nữ mang thai cặp song sinh bị nôn nghiêm trọng hơn những bà mẹ khác. Họ bị ốm nghén nặng đến nỗi chỉ có thể ăn hoặc uống các loại thức ăn lỏng và có vị dễ ăn nhất.

 

mang thai đôi
Không phải mẹ bầu nào cũng có những biểu hiện mang thai đôi rõ rệt
  • Lên cân nhanh

Mọi mẹ bầu đều cần tăng cân. Số cân nặng đó không chỉ nằm ở em bé mà còn rất nhiều yếu tố khác như nước ối, các mô, tử cung lớn hơn và ở sự gia tăng lưu lượng máu. Một bà mẹ bình thường được khuyến nghị tăng khoảng 8 đến 12kg. Đối với các bà mẹ sinh đôi, số cân nặng tăng lên trong suốt thai kỳ có thể lên đến 15 hoặc hơn 20kg.

  • Kết quả xét nghiệm AFP

Xét nghiệm sinh hóa AFP được tiến hành giúp phát hiện các bất thường như ở thai nứt đốt sống, thai không não… hoặc phát hiện khối u và nguy cơ ung thư. AFP cũng là một chất được sản sinh trong noãn hoàng và gan của thai nhi. Nếu mẹ mang thai đôi, kết quả xét nghiệm thường cho thấy AFP cao hoặc kết quả “dương tính”. Đừng quá lo lắng, bác sĩ sẽ chỉ định một kiểm tra siêu âm ngay sau đó.

  • Đo chiều cao tử cung

Chiều cao tử cung là số đo được dùng để tính tuổi thai. Các trường hợp sinh đôi thường được biểu hiện ở con số vượt hơn mức thường thấy ở các bà mẹ bình thường

  • Sớm cảm nhận sự di chuyển của thai nhi

Cảm nhận sự di chuyển của bé trong bụng của mình quả là một cảm giác đáng nhớ. Thông thường, cảm giác đó đến vào khoảng tuần thứ 15 – 16 của thai kỳ. Riêng các bà mẹ của các cặp song thường sinh cảm nhận được những di chuyển này từ rất sớm. Họ cũng cảm thấy những cử động của bé thường xuyên hơn những trường hợp mang thai thông thường.

  • Cực kỳ mệt mỏi

Đây là nỗi phiền muộn của các mẹ mang thai đôi hoặc đa thai. Những đêm không ngủ, cảm giác kiệt sức là những gì mà họ trải qua trong những tháng đầu mang thai, bởi cơ thể phải làm việc ngày đêm để nuôi dưỡng các bào thai.

  • Nhịp tim tăng vọt

Tim của bạn phải làm việc vất vả hơn bình thường để cung cấp đủ lượng máu cho các bé. Bạn sẽ nhận ra rằng không chỉ nhịp tim của mình tăng lên mà nhịp đập cũng mạnh mẽ hơn, nhất là khi chuẩn bị sinh.

10 khó khăn khi mẹ bầu mang thai đôi

1. Ợ nóng

Ợ nóng là một trong những tác dụng phụ vật lý khó chịu nhất của thai kỳ. Triệu chứng này không ngại làm phiền bạn đêm đêm, thách thức bằng những cảm giác nóng rát ở cổ họng hoặc thấp hơn trên phần ngực.

2. Ốm nghén

Không chỉ diễn ra vào buổi sáng, ốm nghén có thể diễn ra suốt cả ngày, từ sớm qua trưa rồi đến tối. Thông thường, bà bầu sẽ buồn nôn, ói mửa đỉnh điểm trong 3 tháng đầu tiên, và thực tế đáng buồn là mẹ bầu khi mang thai đôi sẽ “gánh chịu” gấp đôi các mẹ thường.

3. Tăng cân

Tăng cân bao nhiêu khi mang thai để tốt nhất cho con luôn là những trăn trở rất đỗi bình thường của mẹ bầu. Không nghi ngờ gì khi mẹ bầu mang song thai phải lo lắng gấp đôi về chuyện trọng lượng trong thai kỳ. Bình thường mang thai là phải ăn cho 2 người, vậy mang thai song sinh là ăn cho mấy người? Hẳn nhiên, bạn phải ăn nhiều hơn các mẹ khác để cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cặp song sinh.

4. Nguy cơ sinh non

Đây không phải trường hợp hiếm, bởi hầu hết các bà mẹ mang thai đôi, ba hoặc nhiều hơn đều phải đối diện với nguy cơ cao bị dọa sinh non. Nhất là với các mẹ có thể trạng yếu, khi 2 bé lớn dần lên trong tử cung, áp lực nhiều hơn, rất dễ dẫn đến tình trạng không mong muốn này.

mang thai đôi, mang song thai
Những vất vả, khó khăn của mẹ bầu mang thai đôi sẽ được đền bù xứng đáng khi cặp song sinh ra đời

5. Bạn thân của giường chiếu

Việc hạn chế đi lại và vận động có vẻ khá phổ biến với mẹ mang song thai. Để ngăn ngừa nguy cơ sinh non, bạn sẽ bắt buộc phải nghỉ ngơi và thư giãn nhiều hơn. Điều này đồng nghĩa, hằng ngày vị trí an toàn nhất cho bạn chỉ có thể là giường, chăn và gối.

6. Sự hành hạ của các cơn đau nhức

Những cơn co thắt, đau chân, đau lưng, đau đầu, thậm chí tác động lên cả dây chằng sẽ tăng lên nhiều hơn khi mẹ bầu mang thai một cặp song sinh.

7. Hội chứng ống cổ tay

Ngứa ran và tê ở cánh tay, cổ tay, bàn tay cũng là một trong những tác dụng phụ rất khó chịu của thai kỳ. Trong khi, nhiều nguyên nhân được đưa ra như đánh máy chẳng hạn, việc mang thai đôi cũng góp phần không ít làm tình hình này trở nên trầm trọng hơn.

8. Rạn da gấp đôi

Sự căng da diễn ra liên tục làm vết nứt, vết rạn thi nhau xuất hiện. Dù đã trang bị bơ hạt mỡ hay dầu dừa thoa lên bụng, đùi và ngực để ngăn ngừa, nhưng dường như sức chứa của cơ thể bạn cho cặp song sinh cũng trở nên quá tải. Vì vậy, những dấu vết xấu xí này là điều không thể tránh khỏi.

9. Thiếu ngủ

Trạng thái bồn chồn, mất ngủ ở bà bầu là một điều không quá xa lạ. Thay đổi của cơ thể khi mang thai ảnh hưởng không ít đến chất lượng giấc ngủ của bà bầu. Nếu mang thai bình thường, mẹ khó ngủ một, mang thai đôi, sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

10. Vòng bụng “khổng lồ”

Thật không dễ dàng để di chuyển, ngồi xuống hay đứng lên, khi sở hữu vòng bụng to lớn mang thai đôi. Chỉ mỗi việc thức dậy ra khỏi giường thôi cũng đã khó khăn rồi, huống hồ gì những việc khác phải không mẹ bầu?

Categories
Mang thai Chăm sóc mẹ bầu

Bí quyết để có giấc ngủ ngon khi mang thai

để có giấc ngủ ngonĐể có giấc ngủ ngon hơn khi mang thai không khó. Bà bầu chỉ cần làm theo các hướng dẫn sau để cải thiện giấc ngủ của mình.

Khi bầu bí cơ thể có nhiều sự thay đổi khiến bà bầu cảm thấy nóng nực, bứt rứt, khó đi vào giấc ngủ. Bạn có thể áp dụng các cách sau để cải thiện giấc ngủ của mình.

Tư thế nằm ngủ đúng để có giấc ngủ ngon hơn

Theo các chuyên gia, trong các tư thế nằm ngủ thì nằm nghiêng sang bên trái và đặt một chiếc gối mềm mại giữa hai đầu gối sẽ khiến bà bầu cảm thấy thoải mái, dễ để có giấc ngủ ngon nhất. Đây là tư thế nằm ngủ làm giảm áp lực lên tĩnh mạch chủ, đồng thời giúp cơ thể bà bầu hạn chế tình trạng phù nề cũng như đau lưng và đau đầu gối. Đặc biệt vào 3 tháng cuối thai kì, nằm nghiêng về bên trái là tư thế nằm ngủ có lợi nhất cho sức khỏe bà bầu.

Không nên uống nhiều nước vào buổi tối

Trong thời gian mang thai, để đảm bảo lượng nước ối ổn định thì các bà bầu thường phải uống thật nhiều nước. Tuy nhiên, để có giấc ngủ ngon bạn nên bổ sung nước vào ban ngày, nhiều nhất vào buổi sáng và giảm dần vào lúc chiều tối. Bởi vì, nếu bạn uống quá nhiều nước vào buổi tối, đặc biệt là thời gian trước khi đi ngủ sẽ dẫn tới tình trạng phải ghé thăm nhà vệ sinh thường xuyên giữa đêm khiến bạn dễ mất ngủ khi mang thai.

để có giấc ngủ ngon
Không nên uống nhiều nước trước khi đi ngủ.

Tránh vận động mạnh trước khi ngủ

Những bài tập thể dục hay vận động thường xuyên rất tốt cho sức khỏe của mẹ và bé. Vì khi cơ bắp được co giãn thường xuyên sẽ giúp các bà bầu tránh được tình trạng chuột rút ở chân khi đang ngủ. Tuy nhiên, bà bầu nên từ bỏ thói quen tập một vài bài tập thể dục trước khi đi ngủ 2-3 tiếng. Bởi khi vận động sẽ mang lại sự hưng phấn cho bạn để có giấc ngủ ngon, nhưng sự hưng phấn cận kề giờ lên giường thì chắc chắn sẽ khiến bạn khó đi vào giấc ngủ.

Lưu ý trong ăn uống trước khi ngủ

Tránh xa những món ăn chiên, rán khoái khẩu bởi đây là những “tác nhân” chính gây ra tình trạng ợ chua – một trong những nguyên nhân gây mất ngủ cho bà bầu.

Một ly sữa nóng là cách tốt nhất để có giấc ngủ ngon hơn. Theo các chuyên gia, axit aminol-tryptophan được tìm thấy trong sữa có tác dụng tăng cường chất serotonin lên não giúp mi mắt dễ bị “sụp” xuống, do đó bạn cũng dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn.

Ngoài ra, việc giữ thăng bằng đồng hồ sinh học giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi sao cho hợp lý cũng là “bí quyết” để có giấc ngủ ngon hơn khi mang thai. Đặc biệt, hãy thả lỏng tinh thần bằng cách: Dành thời gian đọc sách, đi dạo, xem phim…, sẽ giúp cho việc đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn.

để có giấc ngủ ngon
Uống sữa nóng trước khi đi ngủ sẽ giúp ngủ ngon

Đến gặp bác sĩ

Nếu đã sử dụng những cách trên mà tình trạng mất ngủ vẫn kéo dài, bạn nên đến gặp bác sĩ để nhận được những tư vấn cần thiết về cách sử dụng các loại thuốc ngủ an toàn trong thai kỳ để có giấc ngủ ngon. Tránh việc tự ý uống thuốc, bởi một số loại thuốc có thể sẽ gây nguy hiểm cho sự phát triển của thai nhi.

Để có giấc ngủ ngon thì có rất nhiều cách. Tuy nhiên, những cách trên đây là đơn giản nhất để giúp bạn đi vào giấc ngủ nhanh chóng.

TT