Phẫu thuật laser (LASIK) là loại hình thủ thuật rất phổ biến trong nhãn khoa. Đối với phẫu thuật LASIK, bệnh nhân không cần phải nằm viện. Tuy nhiên, bà bầu có mổ mắt được không?
Có nhiều lý do khiến phụ nữ mang thai và cho con bú không nên thực hiện phẫu thuật, trong đó phần lớn là do các mẹ sẽ không đạt được kết quả mong muốn nếu tiến hành phẫu thuật trong khoảng thời gian này.
Thị lực không ổn định
Mỗi khi đo mắt, bạn sẽ nhìn thấy các số đo thị lực của hai mắt ở trong một tờ đơn kính. Nếu muốn phẫu thuật mắt, đơn kính của bạn phải ổn định. Tuy nhiên, quá trình mang thai có thể gây ảnh hưởng đến thị lực. Bạn có thể bị cận, viễn hoặc loạn thị nặng hơn. Chính vì vậy, nên mổ mắt trong lúc này thì sau khi bạn sinh và cai sữa cho bé, thị lực của bạn sẽ không còn tốt như lúc vừa phẫu thuật nữa.
Ảnh hưởng của thuốc
Một vấn đề khác đến từ các loại thuốc an thần nhẹ trong quá trình phẫu thuật. Bạn cũng được yêu cầu phải dùng thường xuyên thuốc nhỏ mắt trước và sau khi mổ mắt để giúp làm giãn tròng mắt. Hầu hết các loại thuốc nhỏ này vẫn chưa được thử nghiệm trên phụ nữ có thai và rất có thể sẽ được hấp thu vào máu qua niêm mạc và có khả năng gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi, nhất là trong ba tháng đầu mang thai.
Sau khi mổ mắt, bạn cũng phải nhỏ mắt với steroid và kháng sinh, cũng vẫn chưa được thử nghiệm là an toàn cho phụ nữ mang thai.
[inline_article id=68922]
Sự thay đổi nội tiết tố
Mang thai cũng khiến cho đôi mắt bạn dễ bị khô, đó là lý do hầu hết phụ nữ mang thai đều không thể đeo kính áp tròng. Với tình trạng mắt bị khô này mà vẫn tiến hành phẫu thuật thì đôi mắt cũng sẽ khó lành lại. Mặt khác, ngay cả sau khi sinh em bé và cho con bú, nội tiết tố trong cơ thể bạn vẫn đang trong tình trạng thay đổi, ảnh hưởng đến thị lực.
Bức xạ laser
Bức xạ từ tia laser cũng là một điều cần lưu ý. Tuy không phải là một nguy cơ quá lớn bởi các tia laser trong khi phẫu thuật cũng đã bị giới hạn nhưng bạn cũng nên suy xét đến vấn đề này bởi không có phẫu thuật nào là không có sự rủi ro. Tốt nhất bạn nên đợi khoảng 1-3 kỳ kinh sau khi ngừng nuôi con bằng sữa mẹ mới thực hiện phẫu thuật cận thị.
[inline_article id=20561]
Đây cũng không phải là một cuộc phẫu thuật bắt buộc, vì vậy bạn cũng đâu cần phải vội vàng, phải không nào?