Categories
Mang thai Chăm sóc mẹ bầu

Siêu âm đầu dò bị ra máu, mẹ phải làm sao?

Siêu âm đầu dò bị ra máu có nguy hiểm không là nỗi lo lắng của nhiều mẹ bầu khi gặp tình trạng này. Nếu mẹ bị ra máu sau khi siêu âm đầu dò thì hãy đọc ngay bài viết dưới đây nhé.

Siêu âm đầu dò là phương pháp siêu âm phổ biến, dùng để thăm khám các bệnh phụ khoa cho phụ nữ hoặc khám thai cho mẹ bầu. Đây được đánh giá là kỹ thuật khám bệnh hiện đại, không sử dụng bức xạ và không gây tổn thương cho thai nhi. Tuy nhiên, nhiều mẹ bầu siêu âm đầu dò về bị ra máu và rất lo lắng cho tình trạng này. Vậy siêu âm đầu dò bị ra máu có nguy hiểm không? Siêu âm đầu dò có đau không? MarryBaby sẽ cùng mẹ đi tìm câu trả lời nhé.

Siêu âm đầu dò bị ra máu

 

1. Siêu âm đầu dò là gì?

Siêu âm đầu dò là dùng dụng cụ đầu dò chuyên dụng, thăm khám tại vùng kín của nữ giới. Bác sĩ sẽ sử dụng một thiết bị siêu âm đã được bọc bao cao su và thoa gel bôi trơn đưa vào cửa mình phụ nữ để kiểm tra các cơ quan bên trong như tử cung, buồng trứng, âm đạo. Phương pháp siêu âm đầu dò sẽ xác định những dấu hiệu bệnh lý phụ khoa ở phụ nữ và phát hiện ra thai nhi trong những tháng đầu tiên.

Khi mẹ mang thai ở những tuần đầu, em bé chỉ mới là một tế bào rất nhỏ nên siêu âm thành bụng sẽ không phát hiện ra được. Lúc này, kỹ thuật siêu âm đầu dò sẽ giúp bác sĩ nhận diện được sự có mặt của em bé trong tử cung, giúp mẹ bầu có kế hoạch chăm sóc thai kỳ ngay từ sớm.

>>> Bạn có thể tham khảo: Siêu âm doppler thai nhi liệu có an toàn?

2. Siêu âm đầu dò có đau không?

Nhiều chị em lần đầu được thăm khám bằng phương pháp này rất lo ngại liệu siêu âm đầu dò có đau không? Nguyên nhân là do kỹ thuật này được thực hiện ở khu vực nhạy cảm với nữ giới.

Tuy nhiên, mẹ hãy yên tâm vì đây là một kỹ thuật siêu âm hiện đại, an toàn và hầu như không gây đau đớn hay nguy hiểm gì. Dụng cụ siêu âm được thiết kế vừa vặn và khoa học, có thể đưa vào cửa mình của mẹ mà không gây ra tổn thương.

Đối với một số mẹ nhạy cảm, dụng cụ này có thể gây khó chịu một chút khi đi vào âm đạo, nhưng những cảm giác này sẽ nhanh chóng qua đi sau khi kết thúc thăm khám.

Nguy cơ trầy xước hay gây viêm nhiễm tử cung rất hiếm khi xảy ra khi sử dụng phương pháp siêu âm đầu dò. Tuy nhiên, siêu âm đầu dò có đau không còn tùy thuộc một phần vào tâm lý của mẹ. Nếu mẹ có cảm giác lo sợ, người gồng cứng, âm đạo siết chặt sẽ gây khó khăn cho đầu dò khi đi vào thăm khám. Khi cô bé trở nên hẹp, mẹ sẽ dễ cảm thấy đau và càng siết chặt cơ thể hơn.

Để hạn chế cảm giác đau và khó chịu khi siêu âm đầu dò, mẹ hãy giữ tinh thần thoải mái, thả lỏng cơ thể, không lo lắng hay sợ đau. Lúc này, thiết bị đầu dò sẽ dễ dàng đi qua âm đạo mà không gây đau hay tổn thương vùng kín.

Siêu âm đầu dò bị ra máu

3. Vì sao phải thực hiện siêu âm đầu dò?

Siêu âm đầu dò được thực hiện trong những trường hợp sau đây:

– Chẩn đoán nguy cơ u nang buồng trứng ở phụ nữ.

– Kiểm tra vị trí đặt vòng tránh thai.

– Tìm ra nguyên nhân bệnh lý của các triệu chứng như rối loạn kinh nguyệt, xuất huyết âm đạo bất thường, đau khi quan hệ, khí hư có mùi khó chịu, vùng kín ngứa ngáy, đau rát.

– Kiểm tra các bất thường ở vùng xương chậu.

– Đối với mẹ bầu, siêu âm đầu dò sẽ giúp mẹ theo dõi các vấn đề sau:

  • Nhịp tim của em bé.
  • Chẩn đoán việc mang thai.
  • Kiểm tra tử cung để rà soát các nguyên nhân có thể dẫn đến sảy thai, sinh non.

>>> Bạn có thể tham khảo: Khi mang thai chụp X-quang có hại như nào?

4. Siêu âm đầu dò bị ra máu có sao không?

Nhiều chị em bị ra máu sau khi siêu âm đầu dò nên rất lo lắng. Siêu âm đầu dò về bị ra máu có nguy hiểm không? Có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản hay thai nhi không? Trường hợp siêu âm đầu dò gây chảy máu rất hiếm xảy ra và đa phần đều không nguy hiểm.

Siêu âm đầu dò là hình thức thăm khám hiện đại, đã được nghiên cứu và thiết kế thiết bị siêu âm một cách khoa học để không gây tổn thương khu vực vùng kín. Các bước siêu âm chỉ được tiến hành quanh âm đạo của mẹ, không đi sâu vào tử cung nên sẽ không ảnh hưởng gì đến thai nhi.

Việc siêu âm đầu dò bị ra máu, nguyên nhân có thể đến từ thao tác của bác sĩ và tâm lý của mẹ bầu. Trong quá trình siêu âm, thiết bị đầu dò sẽ cọ sát vào thành âm đạo. Lúc này, nếu tay nghề của bác sĩ còn non, hoặc mẹ bầu vì lo sợ mà siết chặt cô bé, thì sự cọ sát sẽ diễn ra càng mạnh mẽ khiến mẹ dễ bị chảy một ít máu và có cảm giác tức bụng.

Tuy nhiên, hiện tượng này sẽ hết sau khi siêu âm khoảng 12 – 24 tiếng nên mẹ không nên quá lo lắng. Trong trường hợp mẹ siêu âm đầu dò bị ra máu và sau đó kèm theo các triệu chứng như đau bụng dữ dội, máu ra ngày càng nhiều và có màu thâm đen thì mẹ hãy đến bệnh viện ngay nhé.  

Siêu âm đầu dò bị ra máu
Siêu âm đầu dò bị ra máu có sao không?

5. Mẹ cần làm gì khi siêu âm đầu dò?

Để buổi thăm khám bằng phương pháp siêu âm đầu dò diễn ra nhẹ nhàng và suôn sẻ, ít đem lại cảm giác khó chịu, mẹ bầu có thể lưu ý vài điểm sau đây:

– Mẹ nên đi tiểu trước khi bắt đầu siêu âm để bàng quang rỗng, giúp thiết bị đầu dò dễ dàng thăm khám và cho ra kết quả chính xác nhất.

– Trang phục khi siêu âm nên rộng rãi, thoải mái.

– Mẹ không nên quá căng thẳng hay sợ sẽ bị đau khi siêu âm. Mẹ cần thả lỏng cơ thể, tinh thần thư giãn, không gồng cứng hay siết chặt cơ thể.

– Mẹ nên chọn cơ sở uy tín, bác sĩ có kinh nghiệm và chuyên môn cao để có kết quả siêu âm chính xác và không gặp tổn thương không mong muốn nào trong buổi siêu âm.

Siêu âm đầu dò bị ra máu khiến nhiều mẹ lo lắng, tuy nhiên đa phần các trường hợp này đều không gây nguy hiểm đến sức khỏe cũng như thai nhi. Mẹ chỉ cần lựa chọn địa điểm thăm khám uy tín, tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ và thả lỏng cơ thể thì buổi siêu âm sẽ diễn ra nhẹ nhàng và an toàn.

[inline_article id=267014]

Thu Sương

By Linh Hồ

Linh Hồ có hơn 4 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí truyền thông về Mẹ & Bé, Nuôi dạy con cái, Sức khỏe phụ nữ và Living lifestyle.

Hiện nay, Linh Hồ là biên tập của các chuyên mục như: Mang thai, Chuẩn bị mang thai và Sau khi sinh của MarryBaby.com và Sức khỏe phụ nữ của Hellobacsi.com.

Cô mong muốn xây dựng các nội dung, chuyên mục để mang đến những thông tin chuẩn xác nhất cho độc giả nhằm xây dựng một cộng đồng sức khỏe phụ nữ lớn mạnh tại Việt Nam.