Tác dụng của hải sâm đa dạng và tốt cho việc bổ sung dinh dưỡng để tăng cường sức khỏe. Loài động vật biển này rất giàu vitamin và khoáng chất thiết yếu nên không ít phụ nữ cho rằng ăn hải sâm biển sẽ có lợi cho thai kỳ.
Tuy nhiên, nhiều chị em lại e ngại tác dụng của hải sâm biển vì nghĩ rằng thực phẩm này có thể gây hại cho thai nhi. Thực hư vấn đề này như thế nào? Marry Baby mời các mẹ bầu cùng theo dõi thông tin sau đây để quyết định có nên ăn hải sâm khi mang thai không nhé.
Thành phần dinh dưỡng của hải sâm
Hải sâm rất giàu vitamin và khoáng chất. Cứ 112g hải sâm có hàm lượng dinh dưỡng như sau:
- Calo: 60
- Protein: 14g
- Chất béo: Dưới 1g
- Vitamin A: 8% giá trị hàng ngày (DV)
- Vitamin B2: 81% DV
- Vitamin B3 (Niacin): 22% DV
- Canxi: 3% DV
- Magiê: 4% DV
Tác dụng của hải sâm đối với sức khỏe
Hải sâm có tác dụng gì? Tác dụng của hải sâm nổi bật nhất phải kể đến:
1. Giảm cân
Hải sâm biển rất ít calo nhưng lại giàu chất béo và protein nên có thể dùng để làm thực phẩm giảm cân lành mạnh.
Protein mang đến cảm giác no lâu, từ đó khiến cho bạn không còn thèm ăn nữa. Việc ăn ít sẽ giúp cho quá trình giảm cân hiệu quả.
2. Chống lão hóa
Hải sâm rất giàu chất chống oxy hóa nên có thể giúp loại trừ các gốc tự do, bảo vệ tế bào khỏi viêm và tình trạng lão hóa.
3. Giảm các triệu chứng của bệnh tiểu đường
Hàm lượng protein cao trong hải sâm biển còn đặc biệt có lợi cho những người mắc bệnh tiểu đường đang muốn kiểm soát lượng đường trong máu.
4. Giúp tim, xương khỏe mạnh
Nhờ chứa lượng protein dồi dào nên hải sâm cũng có lợi cho sức khỏe của tim, giúp giảm huyết áp và cải thiện mật độ xương.
Tác dụng phụ của hải sâm
Mặc dù được coi là thực phẩm bổ dưỡng song hải sâm cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ bao gồm:
- Gây dị ứng
- Tác dụng chống đông máu của hải sâm cũng tương tự như thuốc làm loãng máu coumadin (warfarin) hoặc plavix (clopidogrel). Vì thế, loại hải sản này có thể gây xuất huyết.
Một số câu hỏi thường gặp về hải sâm
Một số câu hỏi thường gặp về hải sâm có thể giúp bạn hiểu thêm tác dụng của loài động vật này và dùng cho đúng cách.
1. Bà bầu có nên ăn hải sâm không?
Hải sâm rất giàu vitamin và khoáng chất thiết yếu nhưng lại có nguy cơ gây dị ứng và nhiễm độc thủy ngân. Vì thế, để an toàn cho thai kỳ, bà bầu không nên ăn hải sâm.
Nếu muốn ăn, bạn nên chế biến hải sâm với các loại thực phẩm khác ở dạng nấu chín kỹ và ăn một ít trong lần đầu tiên để xem thử có bị dị ứng hay không. Nếu bị dị ứng hoặc có các triệu chứng khác thường, bạn cần dừng ăn ngay.
Nếu không bị dị ứng, bạn có thể ăn nhưng không nên dùng nhiều và liên tục.
2. Những ai không nên ăn hải sâm?
Hải sâm có thể chứa thủy ngân và các thành phần gây dị ứng cùng với tác dụng làm loãng máu. Vì vậy ngoài bà bầu, những đối tượng sau đây cũng không nên ăn động vật này:
- Người chuẩn bị làm phẫu thuật hoặc vừa phẫu thuật xong
- Phụ nữ sau khi sinh đẻ, nhất là sinh bằng phương pháp mổ
- Trẻ em
- Phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ
- Người có tiền sử mắc bệnh máu khó đông
- Người có tiền sử dị ứng hải sản hoặc động vật có vỏ
[inline_article id=107880]
3. Có mấy loài hải sâm?
Các loại hải sâm biển thường thấy bao gồm:
- Hải sâm đen
- Hải sâm đỏ
- Hải sâm trắng
4. Bà bầu không nên ăn hải sâm tươi nhưng hải sâm khô thì dùng được không?
Hải sâm khô và hải sâm tươi đều có các thành phần dinh dưỡng như nhau, chỉ khác về mức độ các thành phần nhiều hay ít. Vì thế bà bầu cũng không nên ăn hải sâm khô để tránh các nguy cơ rủi ro cho thai kỳ.
5. Bà bầu có được uống hải sâm ngâm rượu không?
Cả rượu và hải sâm đều có thể gây dị ứng hoặc ngộ độc cho thai kỳ, vì vậy tất nhiên tác dụng của hải sâm ngâm rượu cũng không tốt cho bà bầu. Khi mang thai, bạn không được uống rượu, càng tuyệt đối không được uống hải sâm ngâm rượu.
Tác dụng của hải sâm có thể mang đến nhiều lợi ích cho những người có cơ địa khỏe mạnh. Tuy nhiên đối với bà bầu, trẻ em, phụ nữ cho con bú, bệnh nhân phẫu thuật, người có tiền sử bệnh máu khó đông thì hải sâm có thể gây hại cho sức khỏe.
Hanako