Máu báo sắp sinh nhiều hay ít có quan trọng với mẹ bầu? Cổ tử cung mở rộng chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình chuyển dạ trong những ngày cuối thai kỳ có thể làm vỡ một số mạch máu nhỏ. Kết quả, máu lẫn với dịch nhầy tạo thành hiện tượng ra máu báo sắp sinh. Dấu hiệu này cho thấy cơ thể mẹ đã sẵn sàng cho hành trình vượt cạn sắp tới.
Ngược lại, những trường hợp ra máu trong tam cá nguyệt thứ 3, nhất là những tuần cuối thai kỳ rất nguy hiểm. Tìm hiểu máu báo sắp sinh nhiều hay ít, hoặc các triệu chứng đi kèm có thể giúp mẹ an tâm hơn, cũng như có những biện pháp xử lý phù hợp nhất.
Máu báo sắp sinh nhiều hay ít mới bình thường?
Máu báo sắp sinh như thế nào? Hầu hết các trường hợp máu báo sắp sinh không ra quá nhiều, chỉ 1-2 giọt máu ra cùng với chất nhầy cổ tử cung. Máu báo sắp sinh có màu gì? Tùy cơ địa từng người, máu báo sẽ có màu đỏ tươi, màu hồng nhẹ hoặc có trường hợp máu báo sắp sinh màu nâu.
Máu báo thường xuất hiện 1 tuần trước khi sinh. Tuy nhiên, cũng có trường hợp máu báo xuất hiện trước khi sinh 1 ngày, hoặc xuất hiện trong lúc sinh con. Những trường hợp ra máu báo nhưng không đau bụng, mẹ bầu vẫn có thể bình tĩnh, chưa cần đến bệnh viện ngay.
Máu báo sắp sinh nhiều hay ít chỉ là dấu hiệu cho thấy cổ tử cung đang giãn nỡ, chuẩn bị sẵn sàng cho sự chào đời của bé. Chuyển dạ chỉ thực sự xảy ra khi các cơn co thắt tử cung xuất hiện thường xuyên, theo nhịp điệu nhất định, hoặc trường hợp vỡ nước ối.
Ra máu trong những tuần cuối thai kỳ: Cẩn thận không nguy!
Máu báo sắp sinh là hiện tượng bình thường, phụ nữ mang thai không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu lượng máu ra nhiều hơn, thấm ướt băng vệ sinh trong vòng 1-3 giờ, bầu nên nhanh chóng đến bệnh viện kiểm tra ngay. Những trường hợp ra máu gây choáng, ngất, da tái xanh cần được cấp cứu ngay lập tức.
Khác với máu báo sắp sinh, những trường hợp ra máu trong thai kỳ, nhất là cận kề ngày sinh có thể là dấu hiệu cho thấy vấn đề sức khỏe nguy hiểm. Nếu như ra máu ở tam cá nguyệt thứ 1, thứ 2, mẹ bầu có nguy cơ sảy thai cao thì ra máu khi mang thai tháng cuối có thể liên quan đến sinh non hoặc sự phát triển của thai nhi.
Một số những trường hợp ra máu âm đạo vốn không phải là máu báo sắp sinh nhiều hay ít, mẹ bầu cần lưu ý:
- Nhau tiền đạo: Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây chảy máu âm đạo trong những tháng cuối thai kỳ. Nếu không có biện pháp xử lý kịp thời, nhau tiền đạo có thể gây tử vong cho mẹ bầu do mất nhiều máu, thai nhi có thể bị suy dinh dưỡng hoặc chào đời khi chưa đủ ngày.
- Nhau bong non: Giống nhau tiền đạo, nhau bong non cũng là vấn đề nhau thai thường gặp gây chảy máu âm đạo. Khi bánh nhau bong, bầu sẽ có cảm giác đau bụng đi kèm ra máu nhẹ. Nhau bong non sẽ ảnh hưởng đến quá trình trao đổi ô-xy của thai nhi.
- Vỡ tử cung: Xảy ra khi có một vết rách nhỏ trên thành tử cung, vỡ tử cung là tai biến sản khoa nghiêm trọng có thể gây tử vong cho cả mẹ và thai nhi nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời. Triệu chứng nhận biết: Đau bụng nhiều, liên tục, các cơn đau ngày càng tăng…
Vỡ tử cung có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Mẹ bầu nên thường xuyên thăm khám định kỳ mỗi tháng 1 lần, hoặc 1 tuần/ lần trong tháng cuối thai kỳ để có biện pháp phòng ngừa. Với những mẹ sinh mổ, cần lưu ý khoảng cách giữa các lần sinh.
- Giãn tĩnh mạch: Tuy hiếm, nhưng giãn tĩnh mạch âm đạo cũng là một trong những nguyên nhân gây chảy máu âm đạo trong tháng cuối thai kỳ. May mắn thay, giãn tĩnh mạch có thể dễ dàng được phát hiện và điều trị nên thường không gây nguy hiểm cho sức khỏe mẹ và bé.
- Chuyển dạ sớm: Cùng với triệu chứng ra máu âm đạo, chuyển dạ sớm thường đi kèm những cơn đau dữ dội ở bụng và lưng cùng một số dấu hiệu chuyển dạ khác.
[inline_article id=79042]
Hy vọng sau bài viết trên đây, vấn đề máu báo sắp sinh nhiều hay ít sẽ không còn là vấn đề khó cho các mẹ bầu. Ngoài việc tìm hiểu hiện tượng máu báo, bầu cũng nên lưu ý các biểu hiện đi kèm khác như nước ối hoặc các cơn gò tử cung. Trường hợp ra máu cộng và bụng gò liên tục, bầu nên ngay lập tức đến bệnh viện để được thăm khám và xử lý kịp thời, phòng tránh những hậu quả đáng tiếc.