Việc tìm hiểu về dấu hiệu mang thai quá ngày cũng như nguyên nhân dẫn đến vấn đề này rất cần thiết đối với mẹ bầu.
Để thuận tiện cho bạn, MarryBaby đã tổng hợp một số thông tin cơ bản để bạn hiểu thêm về thai quá ngày dự kiến sinh, cũng như mách mẹ một số biện pháp xử lý tình huống để tránh rơi vào trạng thái lo âu, căng thẳng làm ảnh hưởng đến sức khỏe bé cưng nhé!
Dấu hiệu mang thai quá ngày, sản phụ nhất định phải rõ
Để biết chính xác dấu hiệu mang thai quá ngày, trước tiên, bạn cần nắm được mang thai bao nhiêu tuần thì sinh? Theo giới chuyên gia, một thai kỳ bình thường sẽ kéo dài tới khoảng 38 – 40 tuần. Nếu con sinh sớm trước tuần thứ 37 thì gọi là sinh non và sinh sau 42 tuần sẽ xếp vào trường hợp trẻ sinh già tháng. Dựa vào những mốc thời gian này, bạn có thể tự biết được mình đã mang thai quá ngày dự sinh hay không.
Sự thật rằng thời điểm dự sinh hầu như không đúng với mọi người. Theo thống kê từ trang sức khỏe Healthline, khoảng 60% sản phụ sinh con trước hoặc đúng ngày dự sinh. Chỉ 1/10 ca sinh là quá ngày hoặc sinh sau tuần 42 của thai kỳ. Đến đây, hẳn nhiều mẹ cũng băn khoăn không biết làm thế nào để tính ngày dự sinh của mình phải không?
Cách tính đơn giản nhất là hãy lấy ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối cùng rồi cộng thêm 7 ngày, 9 tháng nữa sẽ ra ngày sinh dự kiến. Nếu là người có chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc không nhớ chính xác ngày bắt đầu hành kinh, cách tính ngày dự sinh lúc này sẽ là siêu âm 3 tháng đầu thai kỳ. Thông qua biện pháp này, bác sĩ sẽ đo chiều dài thai nhi rồi ước tính tuổi thai hiện tại. Càng về sau, thai nhi phát triển mạnh nên việc tính tuổi thai theo cách này sẽ không còn chính xác.
Nguyên nhân nào khiến thai 40 tuần vẫn chưa chịu “ra”?
Trên đây là những dấu hiệu mang thai quá ngày. Nếu bạn băn khoăn không biết tại sao bé cưng ở mãi trong bụng mẹ mà không ra ngoài, MarryBaby mách bạn các lý do sau đây:
- Phổ biến nhất là việc xác định ngày dự sinh không chính xác
- Ngoài ra còn một vài nguyên nhân khác chẳng hạn: bất thường ở dây rốn, ngôi thai không đúng trục (thai nằm ngược hoặc nằm ngang), thai vô sọ…
Nhiều khả năng bạn sẽ sinh con già tháng nếu gặp phải những yếu tố sau:
- Đây là lần sinh con đầu tiên
- Bản thân hoặc gia đình đã từng có dấu hiệu mang thai quá ngày
- Bạn mang thai bé trai
- Bạn bị béo phì hoặc chỉ số khối của cơ thể (gọi tắt là BMI) từ 30 trở lên
Dù là lý do gì, việc mang thai quá ngày dự sinh sẽ khiến bạn lo âu và mệt mỏi. Nhưng bạn hãy yên tâm vì vấn đề này thường không kéo dài mãi, hiện tượng chuyển dạ có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Điều quan trọng là bạn nên giữ bình tĩnh, tự chăm sóc tốt cho bản thân và tuyệt đối tránh thúc giục bác sĩ ra quyết định sinh mổ. Việc mổ bắt con thường tiềm ẩn nhiều rủi ro khôn lường so với sinh con qua ngả âm đạo.
Nguy cơ sức khỏe khi sản phụ có dấu hiệu mang thai quá ngày
Dưới đây là những rủi ro sức khỏe mà bé sinh ra từ những bà mẹ có dấu hiệu mang thai quá ngày dễ gặp phải:
- Con to khiến mẹ khó sinh, giải pháp lúc này sẽ là mổ lấy thai
- Bé chào đời bị suy dinh dưỡng, không tăng cân đều, da dẻ nhăn nheo (do lớp mỡ dưới da giảm), móng tay, móng chân mọc dài
- Trẻ sơ sinh bị thiếu lớp sáp trắng (gọi là vernix caseosa). Lớp sáp này giữ vai trò bảo vệ bé khỏi những mối nguy hại từ môi trường bên ngoài đồng thời giúp trẻ thích nghi với môi trường sống mới
- Suy giảm nước ối khiến dây rốn bị chèn ép làm giảm lượng oxy cung cấp cho thai nhi
- Hội chứng hít phân su (viết tắt MAS) thường xảy ra trong khi sinh do thai nhi hít phải nước ối có phân su làm tắc nghẽn đường thở (một phần hoặc toàn bộ) từ đó gây suy hô hấp nghiêm trọng
- Thai chết lưu.
Bản thân người mẹ có dấu hiệu mang thai quá ngày cũng dễ gặp phải những biến chứng khi sinh như:
- Rách âm đạo nghiêm trọng
- Nhiễm trùng
- Chảy máu nhiều sau sinh
Hướng xử lý cho người có dấu hiệu mang thai quá ngày
Nếu đã quá ngày dự sinh mà mẹ vẫn chưa thấy dấu hiệu con sắp chào đời, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ sản khoa phụ trách để lên lịch hẹn khám thai.
Tại buổi thăm khám, bác sĩ sẽ kiểm tra kích thước, theo dõi nhịp tim thai, kiểm tra vị trí thai trong bụng mẹ đồng thời hỏi thăm mẹ về tần suất cử động thai. Bác sĩ cũng sẽ đề nghị thực hiện một vài xét nghiệm nhằm đảm bảo sức khỏe cả bạn lẫn thai nhi đều ổn định. Những xét nghiệm này có thể là:
- Xét nghiệm non-stress test (viết tắt NST) đo tim thai trong khoảng thời gian từ 20 – 40 phút. Suốt thời gian thực hiện xét nghiệm, mẹ phải theo dõi và cảm nhận cử động của thai nhi
- Contraction stress test (CST) là khảo sát được áp dụng nhiều trong lượng giá sức khỏe thai. Phương pháp này dựa trên cơn gò tử cung nhân tạo buộc thai để lộ ra dấu hiệu của suy yếu chức năng nhau
- Trắc đồ sinh vật lý (biophysical profile – BPP) là phương pháp được dùng khi mẹ có dấu hiệu mang thai quá ngày nhưng các xét nghiệm khác cho kết quả không rõ. BPP sử dụng thang tính điểm nhằm đánh giá sức khỏe thai trên 5 yếu tố bao gồm: tim thai, cử động thai, cử động cơ thể của thai, trương lực cơ thai nhi và lượng nước ối
- Khám cổ tử cung để biết được tình trạng, độ giãn nở của cổ tử cung rồi từ đó xác định thời điểm thích hợp để kích thích chuyển dạ.
Mẹ có dấu hiệu mang thai quá ngày có cần phải kích thích chuyển dạ hay không?
Sau khi thực hiện những xét nghiệm cần thiết, bác sĩ sẽ cân nhắc việc kích thích chuyển dạ nhằm đảm bảo an toàn cho cả mẹ lẫn con. Bác sĩ sẽ tính đến những yếu tố như tuổi tác, tiền sử sức khỏe cũng như mong muốn sinh con của bạn để ra quyết định.
Nếu phải lựa chọn phương án giục sinh, bác sĩ sẽ khởi phát chuyển dạ bằng cách:
- Lọc ối (tách màng ối khỏi thành tử cung)
- Phá vỡ túi nước ối (tạo lỗ nhỏ trên túi ối)
- Sử dụng oxytoxin nhằm tạo cơn co thắt chuyển dạ (thuốc tiêm qua đường tĩnh mạch)
- Sử dụng chất tương tự prostaglandin đặt trong âm đạo (tác dụng giống với oxytocin)
- Đặt một quả bóng nhỏ vào cổ tử cung sản phụ sau đó bơm nước vào. Bóng căng lên sẽ gây áp lực, kích thích chuyển dạ
MarryBaby vọng những chia sẻ vừa rồi về dấu hiệu mang thai quá ngày đã giúp bạn có thêm những kiến thức thai sản quý báu để chuẩn bị cho việc sinh con thêm thuận lợi.
M.P