Nhắc đến gây tê ngoài màng cứng, phần lớn các mẹ đều chỉ biết đây là phương pháp đẻ không đau hiệu quả. Tuy nhiên, mọi việc không đơn giản như vậy. Rất nhiều thông tin hữu ích về gây tê ngoài màng cứng mẹ nên tìm hiểu trước khi lựa chọn nếu không muốn bị bất ngờ khi gặp vài “trục trặc” nho nhỏ.
Phương pháp đẻ không đau là gì?
Là một phương pháp gây tê vùng được áp dụng cho giảm đau khi chuyển dạ. Thuốc tê được tiêm vào một khoang bao bọc xung quanh tủy sống (khoang NMC), thuốc gây tê sẽ được tiêm ngắt quãng hoặc bằng bơm kim điện tự động, bơm liên tục với tốc độ rất nhỏ và ổn định cho tới khi em bé ra đời .
Nhờ đó sản phụ sẽ được giảm đau để cuộc đẻ nhẹ nhàng hơn, nhanh hơn, bé cũng ít bị sang chấn hơn. Đa phần, phương pháp gây tê màng cứng được thực hiện khi cổ tử cung của sản phụ mở từ 3 đến 8cm, nhưng cũng có thể được thực hiện sớm hơn nếu sản phụ cảm thấy đau nhiều hoặc trong một số trường hợp bệnh lý của người mẹ.
Một vài trường hợp “đẻ không đau” cũng được thực hiện khi cổ tử cung đã mở nhiều hơn 8cm. Miễn là em bé vẫn chưa xuống quá sâu trong khung chậu của mẹ.
Các bước thực hiện gây tê ngoài màng cứng
Bác sĩ thăm khám trước khi thực hiện phương pháp đẻ không đau. Sản phụ được hướng dẫn ngồi hoặc nằm nghiêng một bên và giữ nguyên tư thế, Bác sĩ sẽ thực hiện sẽ tiến hành tìm khoang ngoài màng cứng (giữa 2 đốt sống).
Sau đó, vùng lưng của sản phụ sẽ được sát trùng một cách cẩn thận và thực hiện gây tê tại chỗ với một cây kim rất nhỏ, nhằm làm cho bớt đau khi đâm kim lớn gây tê ngoài màng cứng. Khi đã xác định được khoang ngoài màng cứng, Bác sĩ sẽ đặt ống thông vào đó và cố định dọc theo lưng.
Thuốc tê được bơm qua ống thông vào khoang ngoài màng cứng, cơn đau sẽ giảm hẳn sau khoảng 10 phút. Tiêm một liều thuốc tê qua ống thông vào khoang ngoài màng cứng chỉ giảm đau trong khoảng thời gian từ 45 – 70 phút. Để duy trì tiếp tục hiệu quả giảm đau cho đến khi sinh xong có thể dùng 2 phương pháp:
- Truyền thuốc tê liên tục bằng một bơm tiêm tự động.
- Hoặc bằng một bơm tiêm đặc biệt: sản phụ sẽ bấm nút để bơm tiêm tự động bơm một lượng thuốc tê mỗi khi sản phụ thấy đau (sản phụ sẽ chủ động điều khiển máy bơm để cắt cơn đau).
Với những sản phụ đã thực hiện đẻ không đau, nếu sau đó có chỉ định mổ lấy thai, sản phụ sẽ được tiêm thuốc tê với liều lượng và nồng độ lớn hơn để tiến hành mổ. Tác dụng của thuốc gây tê ngoài màng cứng sẽ tự mất đi sau đó 1 – 3 giờ (tùy liều thuốc).
Những thông tin cần biết về phương pháp đẻ không đau
Dưới đây là những thông tin cần biết cho các mẹ sinh con bằng phương pháp này:
1/ Gây tê ngoài màng cứng khác với gây tê tủy sống
Gây tê ngoài màng cứng là thủ thuật tiêm thuốc giảm đau vào vùng giữa các đốt sống và dịch tủy sống, còn gọi là khoang màng cứng. 15 phút sau khi thực hiện, thuốc giảm đau mới có tác dụng.
Với phương pháp gây tê tủy sống, thuốc giảm đau có hiệu quả sau 5 phút thực hiện, và được tiêm trực tiếp vào tủy sống. Gây tê tủy sống thường được sử dụng trong những ca sinh mổ, còn gây tê ngoài màng cứng được dùng để giảm đau trong quá trình chuyển dạ, hay còn gọi là phương pháp đẻ không đau.
[inline_article id=123462]
2/ Không phải ai muốn cũng được!
Trước khi thực hiện gây tê ngoài màng cứng, bác sĩ sẽ phải thăm khám chi tiết xem liệu bạn có phù hợp với phương pháp này không. Nếu thuộc 1 trong những trường hợp sau, có thể bạn sẽ bị từ chối, không được thực hiện phương pháp đẻ không đau này.
- Đã và đang dùng thuốc chứa chất làm loãng máu trong thai kỳ.
- Chất lượng máu không đủ tiêu chuẩn do quá ít tiểu cầu hay một vài lý do khác.
- Tình trạng thừa cân gây khó xác định được vị trí khoan trên ngoài màng cứng để truyền thuốc vào.
- Chảy máu quá nhiều hoặc đang bị sốc không đạt điều kiện thích hợp cho thủ thuật đẻ không đau, bởi bà bầu rất dễ bị tụt huyết áp đột ngột.
- Bà bầu bị viêm nhiễm ở vùng lưng.
- Cổ tử cung đã mở đủ chuẩn để sinh thường (8-10cm).
3/ Bạn vẫn có thể cảm nhận mọi việc
Gây tê ngoài màng cứng chỉ có tác dụng giảm đau mà không gây mất ý thức. Bà bầu vẫn tỉnh táo, ý thức được mọi chuyện đang xảy ra xung quanh.
4/ Sinh con nhanh hay chậm tùy thời điểm gây tê
Với những mẹ đã có dấu hiệu đau bụng, gây tê ngoài màng cứng sẽ tạo điều kiện cho xương chậu “thư giãn”, âm đạo có thể giãn ra nhanh hơn. Tuy nhiên, nếu thuốc được đưa vào quá sớm, quá trình sinh con có thể kéo dài hơn, thậm chí chậm tới 20 phút.
[inline_article id=69178]
5/ Gây tê ngoài màng cứng cũng có biến chứng
Đa số các trường hợp gây tê ngoài màng cứng đều rất an toàn. Nếu có biến chứng xảy ra cũng ngắn hạn, ít trường hợp gây nguy hiểm đến tính mạng mẹ và bé. Một số phản ứng phụ phổ biến của phương pháp đẻ không đau này có thể bao gồm: tụt huyết áp, buồn nôn, khó chịu, đau lưng, đau đầu.
Những biến chứng hiếm gặp gây nguy hiểm nghiêm trọng khác bao gồm: nhiễm trùng, chảy máu, tổn thương thần kinh, thở chậm, ngừng thở, co giật, thậm chí có thể gây tử vong nếu thuốc được tiêm vào đột ngột.
6/ Cử động của mẹ bị ảnh hưởng
Nếu chọn lựa phương pháp đẻ không đau này, thuốc gây tê sẽ gây ảnh hưởng đến vùng lưng và chi dưới nên sau khi sinh nhiều mẹ sẽ gặp khó khăn khi đứng thẳng hoặc đi lại. Cảm giác này có thể kéo dài đến 5 giờ sau khi mẹ sinh xong.
Gây tê ngoài màng cứng khá an toàn cho mẹ và bé. Vai trò của Bác sĩ gây mê giảm đau rất quan trọng, cần trình độ chuyên môn cao. Nếu được thực hiện bởi đội ngũ Bác sĩ gây mê giảm đau chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm sẽ giúp các sản phụ trải qua một cuộc đẻ không đau an toàn nhất.