Tác dụng của sá sùng chưa được nhiều người biết đến vì đây là loài sinh vật biển quý hiếm. Không chỉ chứa hàm lượng dinh dưỡng cực cao, sá sùng còn là nguyên liệu để chế biến nhiều món ăn ngon nữa đấy! Với sự hiện diện của sá sùng, bạn không cần mì chính (bột ngọt) nhé!
Sá sùng là gì?
Địa sâm, sâu đất, giun biển, chặt khoai… đều là những tên gọi khác nhau của con sá sùng. Loại sinh vật này trông khá giống con giun đất và chỉ sống ở các vùng cát ven biển mà thôi. Sá sùng không có nhiều cơ quan nội tạng mà chỉ có ruột chạy từ đầu đến cuối thân mình. Chiều dài của một con sá sùng bình thường là khoảng 5–10cm, nếu con nào béo mập hơn thì có thể dài từ 15–40cm.
Sá sùng có nhiều ở vùng biển Quan Lạn, Vân Đồn, Quảng Ninh và được xem là đặc sản nổi tiếng ở nơi đây. Để bắt được sá sùng, người ta phải dậy sớm và đào bới đất rất vất vả mới tìm ra được. Sá sùng quý hiếm một phần vì khó kiếm, một phần vì tác dụng của sá sùng chẳng khác nào “thần dược” cho sức khỏe, vậy nên dù giá sá sùng khá cao thì nhiều người vẫn tìm mua.
Dinh dưỡng trong sá sùng
Trông sá sùng hơi “đáng sợ” nhưng nếu biết đến thành phần dinh dưỡng dồi dào trong sá sùng, bạn sẽ biết vì sao giá trị của chúng lại cao đến vậy.
Các nhà khoa học đã tìm ra được 17 nguyên tố và 18 loại axit amin có trong sá sùng rất cần thiết với cơ thể chúng ta. Ngoài ra, sá sùng còn chứa glutamine, kẽm, succinic cùng nhiều khoáng chất dồi dào vô cùng tốt cho sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em, bà bầu và cả người bệnh, người lớn tuổi…
Đặc biệt, sá sùng khiến nước dùng thêm hương vị thơm ngọt khó có loài nào sánh bằng là nhờ bản thân nó chứa glycin 3,2%, alanin 2,5%, glutamin 0,25%, succinic 0,35%…
Tác dụng của sá sùng đối với mẹ bầu và trẻ nhỏ
Là loài sinh vật mang nhiều giá trị dinh dưỡng nên tác dụng của sá sùng rất tốt đối với sức khỏe mẹ bầu. Bà bầu ăn sá sùng giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể. Đặc biệt, với việc thường xuyên dùng các món ăn được chế biến từ sá sùng, mẹ bầu còn ngăn ngừa được chứng đau răng, sưng lợi! Không chỉ có ích cho mẹ, sá sùng còn cung cấp nhiều dưỡng chất có lợi giúp thai nhi phát triển tốt. Vậy nên mẹ bầu hãy yên tâm sử dụng sá sùng nhé!
Đối với trẻ nhỏ, thậm chí ngay cả người lớn, sá sùng có thể trị chứng hen suyễn hoặc ho có đờm rất hiệu quả. Ngoài ra, để trị chứng còi xương cho con, mẹ cũng nên cho bé ăn sá sùng.
5 cách chế biến sá sùng thành các món ăn ngon
Dưới đây là những cách chế biến sá sùng tươi và sá sùng khô thành nhiều món ăn bổ dưỡng mà bạn có thể tham khảo.
1. Sá sùng nướng than cho mẹ bầu
Cách nướng sá sùng khô rất đơn giản, cũng giống như bạn nướng các loại hải sản khô như mực, cá… Bạn có thể cho sá sùng khô lên vỉ rồi nướng trên bếp than. Khi ăn, mẹ bầu có thể chấm với muối ớt vắt chanh sẽ thơm ngon chuẩn vị.
2. Cháo sá sùng
Sá sùng nấu cháo là món ăn thích hợp cho trẻ chậm tăng cân, còi xương hoặc mẹ sau sinh muốn có nhiều sữa cho con bú. Mời bạn tham khảo công thức nấu cháo sá sùng dưới đây.
Nguyên liệu
- Sá sùng khô: 25g
- Gạo tẻ: 100g
- Rau dền
- Nước mắm
Thực hiện
- Rau rửa sạch rồi thái nhỏ.
- Sá sùng làm sạch rồi đem rang chín, sau đó cho vào máy sinh tố xay nát cho trẻ nhỏ dễ ăn. Với người lớn thì bạn có thể để nguyên con sá sùng.
- Gạo vo sạch, cho vào nồi nấu chín. Gạo gần chín thì cho sá sùng và rau vào nấu cùng, thêm chút nước mắm để cháo sá sùng có vị mặn dễ ăn rồi tắt bếp, múc cháo ra tô là bạn đã có ngay món ăn hấp dẫn rồi.
3. Canh sá sùng
Ngoài những cách chế biến sá sùng như đem nướng, nấu cháo… thì canh sá sùng cũng là món ăn hấp dẫn không kém. Cách nấu canh sá sùng khá đơn giản, chỉ cần bạn cho vài con sá sùng khô thái nhỏ vào nồi canh rau đay, mồng tơi hoặc rau ngót thì món canh sẽ trở nên ngọt và ngon hết cỡ.
4. Sá sùng nấu phở
Sá sùng khô có vị ngọt đậm đà nên được dùng thay thế như mì chính cho nước phở trong và ngọt, đem lại cho nồi nước dùng hương vị rất đặc biệt.
Cách chiến biến sá sùng nấu phở đó là: Sá sùng khô đem nướng lên cho thơm, cắt bỏ những phần cháy đi.
Cho sá sùng nướng vào nước phở đang nấu. Chỉ với 4–5 con sá sùng khô là nước phở đã có vị ngọt tự nhiên, càng làm cho món ăn thêm hấp dẫn bội phần.
[inline_article id=179545]
5. Sá sùng xào chua ngọt
Cách chế biến sá sùng xào chua ngọt cũng rất đơn giản thôi nhưng bạn sẽ có ngay món ăn thơm ngon và lạ miệng đấy.
Nguyên liệu
- Sá sùng khô: 250g
- Nước mắm, đường, nước cốt chanh, tỏi, ớt, dầu ăn
- 1/4 bát nước sôi để nguội.
- Tương ớt hoặc tương cà.
Thực hiện
- Làm nước sốt: Cho mắm, tỏi, ớt, đường, nước sôi vào chảo đảo đều để đánh tan đường. Sau đó cho thêm tương cà hoặc tương ớt để nước sốt đặc lại. Nước cốt chanh cho vào sau cùng vì đun lâu sẽ bị đắng.
- Làm sạch sá sùng khô: Cho dầu vào chảo rồi tiếp tục cho sá sùng vào đảo đều, sau đó cho nước sốt vào đun cùng. Đun đến khi nước sốt đặc lại sền sệt thì tắt bếp. Vậy là bạn đã có ngay món sá sùng xào chua ngọt để cả nhà thưởng thức rồi.
Tác dụng của sá sùng đối với sức khỏe là điều không ai phủ nhận, nhưng sẽ hiệu quả hơn nếu bạn sử dụng sá sùng đúng liều lượng để tránh việc cơ thể không hấp thu được nhiều chất dinh dưỡng. Đặc biệt, trong mọi cách chế biến sá sùng thì bạn cũng phải đảm bảo “ăn chín uống sôi” để bảo vệ sức khỏe nhé!
Hoa Hồng