Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Trí thông minh của trẻ di truyền từ ai? Con thông minh nhờ bố hay mẹ?

Từ lâu, trí thông minh là chủ đề gây nhiều thách thức trong nghiên cứu. Mặc dù sự thông minh được định nghĩa và đo lường theo nhiều cách khác nhau nhưng hầu hết đều cho rằng trí thông minh chủ yếu bao gồm khả năng học hỏi từ những trải nghiệm và khả năng thích ứng với sự thay đổi của môi trường [1].

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, trí thông minh là đặc điểm chịu ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền nhưng trí thông minh của trẻ di truyền từ ai luôn là điều mà các bậc cha mẹ tò mò. Nếu bạn cũng quan tâm đến vấn đề này thì có thể tìm câu trả lời qua bài viết sau đây nhé!

Sự thật trí thông minh của trẻ di truyền từ ai? Con thông minh nhờ bố hay mẹ?

Thực chất, trí thông minh là một đặc điểm phức tạp của con người và chịu ảnh hưởng của cả yếu tố di truyền lẫn môi trường, chẳng hạn như môi trường sống của gia đình, cách nuôi dạy con, khả năng chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng [1].

Trong những năm gần đây, một số bài báo trên mạng cho rằng trí thông minh của trẻ chủ yếu là di truyền từ mẹ. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đúng và gây ra sự hiểu lầm. Các chuyên gia cho biết mặc dù nhiễm sắc thể X đã được chứng minh là có liên quan đến sự phát triển của não bộ nhưng điều này không đồng nghĩa rằng trí thông minh luôn được di truyền từ mẹ. Nguyên nhân là vì không có nghiên cứu nào gần đây tìm thấy các gen quan trọng liên quan đến trí thông minh có trên nhiễm sắc thể X một cách rõ ràng [2].

Sự thật là những ảnh hưởng của di truyền đối với trí thông minh rất phức tạp và vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ [2]. Đối với vấn đề trí thông minh của trẻ di truyền từ ai thì đáp án đó là sự thông minh của một đứa trẻ sẽ chịu ảnh hưởng bởi cả cha và mẹ, cùng với sự đóng góp tương đối khác nhau giữa các thế hệ chứ không chỉ hoàn toàn là di truyền từ mẹ [3]. Bên cạnh đó, ngoài yếu tố di truyền thì trí thông minh của trẻ sẽ còn chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nữa.

Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của trẻ bên cạnh di truyền – Làm sao giúp con thông minh từ những năm đầu đời?

Bên cạnh sự ảnh hưởng của gen di truyền, những yếu tố khác ảnh hưởng đến trí thông minh của trẻ bao gồm:

Yếu tố môi trường, cách nuôi dưỡng con cái

Môi trường sống và hoạt động thể chất
Trí thông minh của trẻ di truyền từ ai?

Khi nói đến não bộ, sự kết nối giữa các tế bào thần kinh là rất quan trọng để giúp não hoạt động, đặc biệt là chức năng học tập và ghi nhớ [4]. Từ khi sinh ra, não của trẻ chứa hàng tỷ tế bào thần kinh nhưng các kết nối não bộ của trẻ mới sinh vẫn còn ít [5]. Mặc dù vậy trong những năm đầu đời, các kết nối não bộ sẽ tăng lên nhanh chóng với trung bình mỗi giây não của trẻ có thể tạo ra khoảng 1 triệu kết nối thần kinh [6].

Nhiều cha mẹ thắc mắc rằng vậy điều gì giúp trẻ tạo ra các kết nối não bộ? Trước tiên, các kết nối thần kinh diễn ra trong não bộ của trẻ được hình thành thông qua các trải nghiệm và mối quan hệ hàng ngày của trẻ với người khác, đặc biệt là ba mẹ [5]. Những trải nghiệm tích cực trong năm đầu đời là rất quan trọng để giúp trẻ phát triển trí não tối ưu, tạo tiền đề cho việc học tập và thành công trong tương lai [5], [6]. Sự tương tác hàng ngày cũng giúp củng cố các kết nối não bộ mà trẻ cần để học các kỹ năng mới. Chính vì điều này bạn nên [5]:

  • Dành nhiều thời gian chăm sóc, âu yếm trẻ giúp con học cách tin tưởng
  • Quan sát, lắng nghe, phản hồi trẻ để giúp con biết rằng con rất quan trọng
  • Đọc sách, kể chuyện hoặc hát cho trẻ nghe giúp con phát triển khả năng ngôn ngữ
  • Chơi cùng con, giúp con học các kỹ năng xã hội để tương tác với người khác.

Yếu tố dinh dưỡng

Não bộ của trẻ tăng nhanh về kích thước lẫn các kết nối thần kinh trong những năm đầu đời [6]. Vì vậy, ngoài gen di truyền và cách nuôi dạy giúp trẻ thông minh thì trong giai đoạn vàng của sự phát triển, dinh dưỡng cũng đóng vai trò rất quan trọng [7].

Để bé phát triển trí não tối ưu, mẹ nên cho bé bú mẹ ít nhất 6 tháng đầu đời và cho đến khi bé 2 tuổi. Nguyên nhân là bởi sữa mẹ có chứa các thành phần dinh dưỡng cần thiết cho não bộ đang phát triển của bé như chất đạm, axit béo (DHA, ARA), các vitamin, khoáng chất quan trọng… [8], [9]. Đồng thời, sữa mẹ còn chứa sphingomyelin – một loại sphingolipid đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của bao myelin [10].

Mẹ được khuyến cáo cần chú trọng vào dinh dưỡng giúp sản sinh myelin vì não bộ được cấu tạo nên bởi các tế bào thần kinh, mỗi tế bào thần kinh có các sợi thần kinh để dẫn truyền hiệu lệnh thần kinh. Các tế bào thần kinh kết nối với nhau để nhận thông tin từ ngoài vào, truyền thông tin từ não đến các cơ quan. Trong đó, nhờ myelin bao bọc sợi trục thần kinh mà quá trình truyền tín hiệu thần kinh sẽ trở nên nhanh chóng và chính xác hơn, tăng tốc độ xử lý não bộ để giúp bé thông minh, nhanh nhạy từ những năm đầu đời [4], [11].

Việc cha mẹ chủ động tìm hiểu về sự phát triển của trí não của trẻ từ những năm đầu đời cũng như cách não bộ hoạt động sẽ là “kim chỉ nam” giúp bạn nuôi dạy con khoa học, đầu tư dinh dưỡng hợp lý. Thay vì chỉ quan tâm trí thông minh của trẻ di truyền từ ai thì bạn hãy ưu tiên những giải pháp có thể tác động được để giúp con phát triển tối ưu về trí não, tạo nền tảng cho việc học tập và thành công trong tương lai nhé!