Do sự rối loạn phát triển của hệ thần kinh, trẻ tự kỷ thường có một số vùng não bị “đóng băng”. Chính vì những vùng não bị khiếm khuyết này nên bé sẽ gặp phải một vài khó khăn trong cách tương tác xã hội, cách giao tiếp với mọi người hoặc trong hành vi thường ngày. Theo các chuyên gia, âm nhạc sẽ tác động trực tiếp vào các chức năng của não bộ, giúp bé “chữa lành” những vùng não bị khiếm khuyết này. Từ đó, giúp nâng cao nhận thức, kỹ năng vận động, giao tiếp và cảm xúc của trẻ thông qua những giai điệu.
1/ Âm nhạc giúp cải thiện giao tiếp xã hội
Nghiên cứu năm 2009 cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa các tương tác xã hội và âm nhạc đối với trẻ tự kỷ. Các chuyên gia tiến hành quan sát hành vi và cảm xúc của các bé trong những buổi trị liệu có nhạc và không có âm nhạc. Ở những buổi trị liệu có âm nhạc, các chuyên gia nhận thấy trẻ có xu hướng biểu lộ cảm xúc và tham gia tương tác tốt hơn. Các bé có xu hướng phản ứng lại những yêu cầu của bác sĩ chuyên khoa thường xuyên hơn khi có âm nhạc.
2/ Âm nhạc cải thiện hành vi
Không chỉ giúp cải thiện hành vi tổng thể, âm nhạc còn có tác động tích cực đối với khả năng tập trung của bé. Nghiên cứu năm 2012, tiến hành trên 41 trẻ tự kỷ trong 10 tháng cho thấy, những bé tham gia buổi trị liệu âm nhạc kéo dài 1 giờ/ tuần ít có những hành vi gây hấn, ồn ào và bồn chồn hơn hẳn.
3/ Âm nhạc có thể làm giảm sự lo lắng
Theo nghiên cứu năm 2006 tại Đại học Wisconsin La Crosse, những bài nhạc cổ điển với một nhịp điệu ổn định sẽ giảm bớt sự lo lắng ở trẻ em mắc chứng tự kỷ.
4/ Âm nhạc là niềm vui
Trên tất cả, âm nhạc trị liệu là một phương pháp hấp dẫn và thú vị cho trẻ tự kỷ. Gần giống như một trò chơi, âm nhạc là thứ trẻ có thể tham gia mà không cảm thấy như mình đang phải “làm” một việc gì đó. Thông qua những hành động lặp đi lặp lại, âm nhạc là một trong những điều ít ỏi “chạm” tới được thế giới của các bé tự kỷ.
[inline_article id=76697]