Categories
Dạy con Nuôi dạy con

15 cách giúp bé phát triển những hành vi tích cực

Tính cách và hành vi không phải là cái được di truyền mà được hình thành dần dần theo năm tháng. Để con có những hành vi, thái độ đúng đắn phụ thuộc rất nhiều vào tâm lý cũng như thái độ của ba mẹ. Marry Baby rất vui được chia sẻ cùng các bạn những lời khuyên hữu ích nhằm giúp bạn có thể hình thành những thói quen, hành vi tốt cho con mình.

Ứng xử khéo léo để con không ganh tị với em bé nhỏ hơn

1. Bé là bản sao của bạn

Ba mẹ chính là “người mẫu” sống động của bé. Bé sẽ quan sát, để ý cách bạn ứng xử hàng ngày và bắt chước theo. Vì vậy, bạn nên dùng chính hành vi của mình để giáo dục bé.

Nếu bạn muốn bé nói “cảm ơn” hoặc “xin lỗi”, bạn nên thử làm những điều này trước. Nếu bạn muốn bé không nói to tiếng, bạn cũng nên nhẹ nhàng với bé hơn.

>>> Xem thêm: Dạy con ngoan biết cám ơn và xin lỗi

2. Nói với bé cảm nhận của bạn

Nói thật cho bé biết hành vi của bé vừa làm đã khiến bạn cảm thấy như thế nào vì điều này sẽ giúp bé hiểu được cảm xúc của bạn và dần hình thành trong bé sự đồng cảm.

Trước ba tuổi, bé có thể biểu hiện sự đồng cảm thật sự của mình. Vì vậy, bạn nên nói với bé “Mẹ không hài lòng về hành động vừa rồi của con. Con làm mẹ không vui, Mẹ không thể nghe điện thoại được vì con làm ồn quá”. Bạn nên bắt đầu câu nói của mình bằng “mẹ, ba…” vì điều này sẽ giúp bé hiểu được đây là suy nghĩ, quan điểm của bạn về hành vi của bé.

3. Hành vi tích cực: Động viên, khuyến khích bé

Điều này có nghĩa là khi bé làm được việc gì đó khiến bạn vui, hài lòng, bạn nên dành cho bé những lời khen, lời động viên tích cực. Một câu nói đơn giản như: “Giỏi lắm! Con có thể tự cầm bình uống nước được rồi” sẽ có tác động tích cực đến bé hơn là đợi đến khi bé làm vung vãi nước ra đầy sàn nhà khiến bạn khó chịu và la mắng bé.

Nói 6 câu khen bé trước khi nói 1 câu phê bình. Tỷ lệ 6-1 này sẽ giúp mọi thứ cân bằng hơn. Bạn nên nhớ rằng, với trẻ nhỏ, khi có hai sự lựa chọn “hoặc không quan tâm hoặc sẽ chú ý đến những việc chưa tốt”, bé sẽ chọn những điều tiêu cực.

4. Luôn thân mật và gần gũi với con

Quỳ gối hay ngồi xổm xuống bên con là một hành động giúp bạn dễ dàng giao tiếp với bé hơn. Gần gũi con sẽ giúp bạn hiểu được cảm nhận hay suy nghĩ của con cũng như bé sẽ tập trung hơn vào những gì bạn đang nói hay hỏi bé mà bạn không cần bé phải nhìn vào bạn để nói hay trả lời.

hanh vi tich cuc
Những hành vi hàng ngày của bạn sẽ tác động đến suy nghĩ cũng như hành vi của bé.

5. “Mẹ/Ba đang nghe con nói nè!”

Lắng nghe một cách tích cực những gì bé chia sẻ là cách tốt nhất bạn giúp bé đối mặt với cảm xúc của chính mình. Con trẻ sẽ cảm thấy rất bức bối nếu bé không thể nói ra cảm xúc của mình.

Khi bạn lắng nghe và đưa ra ý kiến của mình về những gì bé chia sẻ, bạn đã góp phần xoa dịu sự căng thẳng, lo buồn trong bé vào lúc đó cũng như những cơn nổi giận tiềm ẩn. Hơn nữa, việc lắng nghe này cho bé cảm thấy mình được tôn trọng và an ủi.

6. Hành vi tích cực: Nhớ giữ lời hứa với con

Một khi đã hứa với bé điều gì, bạn cần thực hiện, vì như vậy bé mới tin và tôn trọng bạn. Khi bạn bảo trẻ nhặt hết đồ chơi bỏ vào giỏ rồi chúng ta sẽ đi chơi thì khi bé đã hoàn thành nhiệm vụ của mình, bé xứng đáng được đi chơi với bạn phải không nào?

Hay khi bạn yêu cầu bé không chạy lung tung nữa và nếu không nghe thì bạn sẽ đi về, lúc này bạn hãy sẵn sàng bước ra ngoài cửa ngay nhé. Bạn không nên làm bộ, giả đò với bé vì bạn càng thực tế, điều bạn nói sẽ càng hiệu quả đối với bé. Dần dần bé sẽ quen với cách bạn nói, dự đoán được điều gì sẽ xảy ra, biết mình nên làm gì và bé cảm thấy an toàn với cảm giác này.

7. Hạn chế “mỡ treo miệng mèo”

Mắt kính của bạn trông rất đáng yêu và bé tò mò muốn nghịch nó, bởi trẻ con khó nhớ được đồ vật hay sự vật nếu không được cảm nhận nó bằng các giác quan của mình. Vì vậy, bạn nên để xa hay khuất mắt bé những vật mà bạn không muốn bé chạm vào vì trẻ con thường rất tò mò, táy máy và chúng hoàn toàn vô tội!

8. Chiến tranh hay hòa bình là ở bạn

Nuôi dạy con: 5 sai lầm các bậc cha mẹ cần tránh

Trước khi bạn can thiệp vào những việc bé đang làm, nhất là khi bạn sẽ nói “không được” hay “dừng lại ngay”, bạn nên tự hỏi liệu nó có đáng để bạn phải lên tiếng hay không. Càng ít yêu cầu, than phiền và những phản hồi tiêu cực, càng ít dịp để bạn la mắng con và cảm thấy buồn bực. Luật lệ, quy định là rất quan trọng và bạn chỉ nên thực thi nó khi thật sự cần thiết.

9. Hành vi tích cực: Kỷ luật 

Ai cũng muốn người khác chiều ý mình và trẻ con lại càng muốn như vậy. Thông thường, khi thấy con năn nỉ, mè nheo muốn cái gì, các bậc cha mẹ thường thỏa hiệp chiều ý con để bé luôn vui vẻ, không khóc lóc nữa. Và cứ như vậy, chính họ đang tập hư cho con mình.

Khi bạn nói “không” thì có nghĩa là “không” chứ không phải là “có thể”. Một khi bạn nói “không” nhưng vì thương con bạn lại tạm chấp nhận thỏa hiệp với bé thì bạn những lần sau “level” của bé sẽ được nâng cấp do nắm được yếu điểm của bạn.

10. Sức mạnh của sự đơn giản và dễ hiểu

Khi bạn có thể đưa ra những chỉ dẫn ngắn gọn, rõ ràng với ngôn từ đơn giản, dễ hiểu là bạn đã giúp con mình hiểu được bạn muốn gì ở bé và bé nên làm gì. Bạn nên dùng câu khẳng định để nói chuyện với bé vì nó giúp bé tư duy thẳng vào việc bạn nói và bé có thể phản hồi lại một cách chính xác. Thay vì nói: “Con đừng để cửa mở nhé”, bạn nên chuyển thành: “Con nhớ đóng cửa nhé”.

11. “Trách nhiệm và hậu quả”

Khi trẻ lớn hơn một chút, bạn nên tập cho bé tự chịu trách nhiệm về những việc mình làm. Thỉnh thoảng, bạn cũng nên cho bé cơ hội để trải nghiệm hậu quả của những gì bé làm chứ không nhất thiết lúc nào bạn cũng phải đóng vai “người xấu”.

Chẳng hạn như sau vài lần nhắc nhở, nếu bé vẫn quên mang theo hộp cơm bạn đã chuẩn bị sẵn cho bé để ăn trưa, bạn có thể thử để bé tự cảm nhận cơn đói của mình. Nhịn ăn một bữa sẽ không có gì là to tát để bạn phải quá lo lắng. Chính cảm giác đói bụng sẽ nhắc nhở bé những lần sau nhớ mang theo hộp cơm mẹ làm cho mình.

Thật ra cha mẹ nào mà không thương con nhưng vì quá thương nên thường dành làm hết mọi việc cho con và như vậy, chúng ta đã vô tình “đóng cửa” với các cơ hội mà con có thể học cách để tự lập. Bên cạnh đó, bạn cũng nên cho con biết hậu quả của những hành vi nguy hiểm và không thể chấp nhận được. Những lúc này, bạn cần chắc chắn rằng mình đã giải thích cặn kẽ về những hậu quả có thể xảy ra và bé hiểu những gì bạn nói, đồng thời cam kết sẽ không vi phạm.

>>> Xem thêm: Dạy con tự lập như cách của người Nhật

12. Chỉ nói một lần rồi cho qua

hành vi tích cực

Bé sẽ thật đáng thương nếu cứ phải nghe đi nghe lại những gì bạn nói trong khi bé chưa đủ lớn để hiểu hết hàm ý bạn muốn gửi gắm trong đó là gì. Cằn nhằn và chỉ trích không hề có tác dụng tốt đối với bé mà chỉ làm cho bạn thêm chán ngán. Còn bé sẽ tự hỏi tại sao bạn lại thất vọng đến vậy và có khuynh hướng tránh né bạn.

Nếu bạn muốn cho bé cơ hội “hợp tác” cuối cùng, bạn nên nhắc nhở bé về hậu quả của việc “bất hợp tác” rồi sau đó bắt đầu đếm từ 1 đến 3, hết giờ và cuối cùng là “hậu quả”.

13. Mình thật là quan trọng!

Cho bé thấy bé được tôn trọng và quan trọng như thế nào trong gia đình. Người lớn hay trẻ con đều thích cảm giác này, nhất là khi mình làm được việc gì đó cho gia đình. Bắt đầu bằng việc giới thiệu những vật dụng đơn giản trong nhà hay những việc con làm được rồi tập cho bé làm để bé thấy được vai trò của mình trong nhà. Từ đó bé thấy được tầm quan trọng và tự hào về bản thân mình.

Được làm việc phù hợp với sức mình rồi được động viên, khen thưởng sẽ giúp bé không ngừng cố gắng để làm tốt hơn nữa. Thông qua những việc nhỏ trong nhà, bạn đã giúp bé cảm thấy mình cần sống có trách nhiệm và xây dựng lòng tự trọng cho bé.

14. Sẵn sàng đón đầu thử thách

Những lúc bạn vừa trông con vừa làm một số việc sẽ có khá nhiều rủi ro xảy ra. Nếu bạn lường trước được những tình huống có thể xảy ra, bạn sẽ biết mình cần chuẩn bị những gì cho bé. Cho bé 5 phút để chuẩn bị trước khi bạn muốn bé thay đổi những gì bé đang làm. Sau đó, nói cho bé hiểu tại sao bạn cần bé làm như vậy và cuối cùng bé sẽ được trang bị những gì bạn mong đợi.

15. Hành vi tích cực: Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ

Hài hước và vui vẻ là cách sẽ giúp bạn xua tan đi những căng thẳng, muộn phiền cũng như xung đột. Trẻ con sẽ rất dễ bị tổn thương hoặc khóc khi cha mẹ trêu chọc chúng. Những lúc này, bạn thử giả làm con quái thú hay giả tiếng con vật một cách hài hước có thể sẽ làm cho bé tươi tỉnh trở lại.

MarryBaby