Trò chơi xúc cát đến từ tự nhiên, từ ngàn đời xưa đã là trò chơi yêu thích của trẻ nhỏ. Trẻ chơi cát bằng cách đào, bới, chọn lọc, xây dựng, xô đổ… Thông qua đó, con duy trì phương pháp chơi thú vị và kích thích trí não lẫn thể chất.
Cát rất phù hợp để trẻ tìm tòi học hỏi và phát huy trí tưởng tượng phong phú vốn có của trẻ. Nghịch đất cát đòi hỏi sự khéo léo của các ngón tay như sử dụng lòng bàn tay và các đầu ngón tay để chạm vào, bốc hay thả rơi cát. Cơ thể của trẻ nhỏ sẽ cảm nhận được những kích thích tương ứng. Con cũng cảm nhận được độ nặng hay nhiệt độ của cát…
Điều này giúp nâng cao mức độ nhạy cảm của trẻ. Con sẽ học được cách cảm nhận khi chạm vào hay tiếp xúc với một vật nào đó. Những kích thích này cũng góp phần giúp não bộ của trẻ trở nên sinh động hơn, đồng thời nuôi dưỡng tính tích cực chủ động tham gia vào những hoạt động mới của trẻ nhỏ.
Cát mở ra nhiều ý tưởng chơi
Đồ chơi tốt là phải cho trẻ khả năng chủ động làm chủ trò chơi, đặt ra trò chơi chứ không phải thụ động theo các lập trình có sẵn. Cát chính là một trong những đồ chơi rất tốt. Khi nghịch cát biển, hoặc vọc đất cát trong vườn, con trẻ bắt đầu suy nghĩ cách để chơi với nó.
Ngoài biển, trẻ có thể biến cát thành lâu đài, thành bàn tiệc với đủ loại thức ăn do chúng tưởng tượng ra. Hoặc chỉ với cát và lá cây, trẻ nhỏ thỏa thuê tưởng tượng ra đĩa thức ăn khi chơi nhà chòi. Trò chơi càng lúc càng thú vị tùy vào óc sáng tạo của con trẻ.
Trò chơi xúc cát không có luật chơi, không có hướng dẫn cụ thể, mỗi đứa trẻ sẽ có trải nghiệm riêng và cách thức chơi riêng. Bé nhỏ chỉ đơn thuần là vọc cát và cảm nhận cát trên ngón tay, bàn tay. Trẻ lớn hơn biết cách trộn nước với cát, vọc cát theo sức sáng tạo.
[remove_img id=2443]
Giúp phát triển trí não và kiến thức
Trẻ cảm nhận được kết cấu của sự vật từ những hạt cát nhỏ. Đó là kiến thức đầu tiên về dạng vật chất trong vật lý, được trẻ tiếp nhận thoải mái và nhẹ nhàng. Trẻ cũng dần thu thập được các kiến thức về hình khối. Chẳng hạn, trẻ ước lượng được một cái xô đồ chơi chứa được khoảng bao nhiêu cát và sẽ tự mình quyết định một lượng cát phù hợp cho mỗi lần chở.
Trẻ sẽ tìm ra cách để lâu đài của mình cứng cáp hơn, khó bị đổ hơn. Trẻ cũng kết hợp với bạn cùng nghĩ cách thiết kế nên những lâu đài với những hình dáng đa dạng và đẹp hơn.
Khi sắp xếp, xây dựng lâu đài cát, trẻ học được kết cấu hình học với các hình trụ, hình vuông, học về cao-thấp, dài-ngắn… Các dụng cụ hỗ trợ cho trò chơi xúc cát như xe cút kít, ròng rọc vận chuyển cát, đòn bẩy… giúp con khám phá được nhiều điều thú vị. Kiến thức sơ đẳng về toán học, vật lý tiếp cận con trẻ nhẹ nhàng như vậy đấy.
Tập cho trẻ sự nhẫn nại
Chơi với cát rất lâu chán. Vật chất đặc biệt này chảy thành dòng, lọt qua kẽ tay khi khô. Chúng bết và gắn kết khi ướt. Chính vì vậy, con có thể chơi trò này rất lâu mà không chán.
Khi dựng thành quách, lâu đài từ trò chơi xúc cát, trẻ tỉ mỉ tạo từng tòa thành, cầu thang cát. Đá nhỏ, vỏ ốc xung quanh trang hoàng cho công trình nhỏ… Từ đó, trẻ học được tính cẩn thận và kiên nhẫn.
Chơi cát giúp phát triển vận động
Chơi cát giúp trẻ vận động không ngừng thông qua nhiều hoạt động bóp nặn, đào bới, di chuyển xô cát… Cơ bắp tay, cơ bàn tay và nhóm cơ trên phát triển. Kỹ năng vận động của trẻ vì thế cũng nhanh hơn.
Việc liên tục đứng lên ngồi xuống, di chuyển, ngồi xổm, bưng bê cát từ nơi này qua nơi khác giúp con tăng vận động toàn bộ cơ thể. Sự phối hợp hoạt động của mắt, tay, chân cũng vì thế mà thuần thục hơn.
Phát triển cảm xúc và các kỹ năng xã hội
Trò chơi xúc cát thường chỉ vui khi có nhiều bạn bè cùng chơi với bé. Khi chơi chung, các con sẽ đối mặt với nhiều vấn đề như phân chia thời gian sử dụng dụng cụ, lượng cát, phân chia công việc cho nhau…
Trẻ con là chúa tưởng tượng và sáng tạo. Khi chơi với bạn bè cùng tuổi, sự tưởng tượng càng có cơ hội phát triển hơn. Trẻ chơi đóng vai, sáng tạo thêm nhiều trò vui khác bên cạnh nghịch đất cát. Cảm xúc của con trẻ vì thế có cơ hội phát huy.
Chơi với nhau trong không gian, học cách thích nghi với bạn bè để cùng thực hiện trò chơi, trẻ học được cách làm việc nhóm, hợp tác với người khác. Đồng thời, con cũng nhạy bén hơn, cảm nhận được quan điểm và mong muốn của bạn bè, là cách nào thương lượng để hòa hợp với bạn mà không ảnh hưởng tới quyền lợi của mình.
Chơi cát giúp tiếp cận nghệ thuật
Xây nhà trên cát, vẽ tranh trên cát, kết hợp tranh cát với vỏ ốc vỏ sò, lá cây… Đó là những hoạt động nghệ thuật đầu tiên trẻ được tiếp cận, thông qua trò chơi thú vị. Những kích thích lên ngón tay khi trẻ bốc hay thả cát cũng góp phần kích thích sự phát triển trí não.
Sáng tạo nghệ thuật trên cát mang lại cho trẻ sự thư giãn tối đa. Con có thể tha hồ chơi, chơi xong đạp đổ thành quách lâu đài của mình và xây lại mà không sợ hư đồ chơi, bố mẹ mắng. Trò chơi xúc cát cũng rất an toàn, không có góc cạnh làm con chảy máu hoặc u đầu.
[remove_img id=17397]
Bên cạnh việc chơi với cát tự nhiên, nhiều trò chơi xúc cát, sáng tạo bằng cát công nghiệp đã xuất hiện trên các quầy đồ chơi. Dĩ nhiên, hiệu quả không thể bằng được việc chơi và học trong tự nhiên, nhưng trò chơi cát vẫn là lựa chọn thích hợp cho các gia đình trong đô thị.