Thể hiện sự tôn trọng
Điều này hẳn khó khăn trong trường hợp ba mẹ đang bức xúc một vấn đề gì đó ở trường như cách chấm điểm không công bằng hoặc bạo hành học đường. Tuy nhiên, việc nói năng tôn trọng với giáo viên của con là điều tối quan trọng. Bạn luôn cần nhớ điều này trong đầu khi đến gặp thầy cô. Cả ngôn ngữ và giọng điệu của bạn đều cần thể hiện sự tôn trọng để hai bên cùng nhau trao đổi cách giải quyết vấn đề không hay đã xảy ra.
Sẵn sàng đặt câu hỏi
Cách bạn đặt câu hỏi sẽ ảnh hưởng đến những thông tin mà thầy cô giáo có thể cho bạn biết về tình hình của con ở trường. Thông qua đó, bạn sẽ biết được con đang cần giúp đỡ những vấn đề nào, làm sao nhận biết được thế mạnh của con và nên nói chuyện như thế nào với con ở nhà để giúp con ứng phó với chuyện bạn bè, trường lớp.
Biết cách khen ngợi
Chắc chắn thầy cô nào cũng muốn nghe những lời khen ngợi, đề cao về những gì họ đã làm được cho học sinh của mình. Điều này có thể ảnh hưởng phần nào đến cảm tình của giáo viên đối với học sinh, thầy cô có thể sẽ để ý hơn đến con của bạn hoặc có thể cho trẻ cơ hội để sữa lỗi nếu chẳng may con đã vi phạm một nội qui nào đó ở lớp.
Lắng nghe
Lắng nghe là một phần không thể thiếu trong một buổi nói chuyện. Khi gặp giáo viên của con, bạn nên nói vừa đủ và nghe nhiều hơn. Có thể thầy cô có những lời khuyên hoặc thông tin tốt lành về con của bạn.
Chuẩn bị trước
Nếu bạn đến gặp thầy cô để trao đổi về một vấn đề nghiêm trọng nào đó như điểm số hoặc hành vi quậy phá của con, sẽ tốt hơn nếu bạn chuẩn bị trước. Nếu bạn có những khúc mắc hoặc lo lắng cần nói, bạn có thể viết nó ra giấy. Bằng cách này, bạn sẽ tránh được tình huống về đến nhà mới nhớ ra còn điều chưa hỏi.
Chia sẻ về hoàn cảnh gia đình
Nếu có chuyện gì đó vừa xảy ra trong nhà mà bạn nghĩ rằng ảnh hưởng lớn đến bé như có người thân vừa mất, ba mẹ ly hôn hoặc chuyển nhà, bạn nên nói cho giáo viên của con biết. Việc này sẽ giúp thầy cô hiểu rõ hơn về những vấn đề đang tác động tới cuộc sống và chuyện học hành của trẻ, nhờ đó, thầy cô và ba mẹ có thể trao đổi với nhau về lý do tại sao gần đây bé trở nên trầm lắng hoặc nghịch phá hơn trước để tìm hướng hỗ trợ bé.
Không nên tỏ ra phòng thủ
Khi nghe ai đó nói về điểm yếu của con mình, bản năng “gấu mẹ vĩ đại” rất dễ trỗi dậy và khiến bạn muốn đứng ra biện minh cho trẻ. Tuy nhiên, nếu bạn luôn cho rằng con mình là nhất và không muốn nghe người khác góp ý về những điều chưa tốt của trẻ, đó chẳng phải chuyện hay. Nên nhớ rằng con có thể hoàn hảo trong mắt bạn nhưng với người khác thì không. Vì thế, khi trao đổi với thầy cô về chuyện của trẻ, bạn cần tỏ ra khách quan và đón nhận những góp ý. Chỉ như vậy mới có thể giúp con trở nên tốt hơn.