Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Dạy con biết nói lời xin lỗi

Phần lớn, trẻ sẽ tìm cách giấu giếm sự thật, nói dối, quanh co hoặc “đánh trống lảng” khi bị hỏi đến. Đừng tránh trách mắng, ép buộc trẻ nói ra mà hãy khuyến khích chúng tự thừa nhận. Cho dù bạn đã biết hết mọi chuyện nhưng vẫn phải tỏ ra chưa biết gì, rồi khơi gợi, dẫn dắt, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để trẻ có thể dễ dàng nói ra, và đó sẽ là lời thú tội chân thật nhất.

Để dạy con biết nhận lỗi, các bậc cha mẹ hãy tham khảo những điều sau:

Đừng ngại ngần xin lỗi trẻ
Nhiều người cho rằng nếu xin lỗi con, chúng sẽ “được nước làm tới”, nên dù cho mình đã làm sai nhưng vẫn kiên quyết không nói ra. Thực tế, dám nhận ra sai lầm của mình trước mặt con không những không làm mất đi uy quyền mà còn có ý nghĩa quan trọng nâng cao giá trị của cha mẹ trong lòng con. Vì thế cần nhất khi dạy con biết nói xin lỗi là nên giải thích cho trẻ hiểu, chính người lớn cũng thường xuyên mắc lỗi chứ không riêng gì trẻ và người lớn cũng cần phải nhận và sửa lỗi.

Cha mẹ đừng ngần ngại nói lời xin lỗi trẻ, cho dù đó chỉ là một lỗi nhỏ, để trẻ thấy được đây là việc nên làm. Nếu trẻ tỏ ra bối rối hay hỏi tại sao bạn lại xin lỗi thì hãy giải thích cho trẻ lý do tại sao bạn cần phải làm điều đó với cách diễn đạt phù hợp với độ tuổi của trẻ. Điều này sẽ giúp trẻ hiểu được khi nào thì cần phải nói như vậy.

Dạy con biết nói lời xin lỗi
Đừng ép buộc, hãy tạo điều kiện cho trẻ
Không riêng gì trẻ, không ai trong số chúng ta không xấu hổ và sợ người khác biết lỗi lầm của mình. Phần lớn, trẻ sẽ tìm cách giấu giếm sự thật, nói dối, quanh co hoặc “đánh trống lãng” khi bị hỏi đến. Tránh trách mắng, ép buộc trẻ nói ra mà hãy khuyến khích chúng tự thừa nhận. Cho dù bạn đã biết hết mọi chuyện nhưng vẫn phải tỏ ra chưa biết gì, rồi khơi gợi, dẫn dắt, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để trẻ có thể dễ dàng nói ra, và đó sẽ là lời thú tội chân thật nhất.

Nên giải thích cho trẻ hiểu xin lỗi không phải là hèn nhát mà là người có lòng tự trọng và có trách nhiệm. Hãy giải thích cho trẻ hiểu khi gây ra một sai phạm gì đó, cách tốt nhất là nói thật cho cha mẹ hoặc người lớn biết. Đó là một phẩm chất dũng cảm.

Giúp trẻ nhận lỗi và khắc phục lỗi
Việc nhận lỗi không đơn thuần chỉ là ba từ “con xin lỗi” mà là cả nhận thức, thái độ và hành động sau đó. Chính vì thế để trẻ hiểu được lỗi mà mình mắc phải là việc làm rất khó và rất quan trọng. Việc giải thích cho con các bước cần thiết cho việc nhận lỗi là vô cùng hữu ích. Nó bao gồm những bước sau: Tiếp xúc riêng với người cần được xin lỗi, nhìn vào mắt họ, nói một cách rõ ràng và chân thành.

Hãy dạy cho con làm quen với những câu nói chịu trách nhiệm khi mình gây ra điều gì đó. Chẳng hạn khi trẻ làm rơi vỡ đồ thì bạn cần giúp trẻ biết nhận lỗi bằng câu nói: “Con đã bất cẩn để làm rơi vỡ cái đĩa.” kèm theo một lời xin lỗi. Điều này giúp trẻ hình thành thói quen tự chịu trách nhiệm với những hành động của bản thân.

Khen ngợi khi trẻ nhận lỗi
Hãy khen ngợi trẻ khi chúng dám nói ra sự thật về bản thân. Những câu đại loại như “Con rất dũng cảm , biết nhận lỗi như thế là đã lớn.” sẽ khiến trẻ tin rằng ai cũng yêu mến người nói thật và tự nói ra. Đưa ra cho trẻ những ví dụ rằng kể cả người lớn đôi khi cũng mắc sai lầm và nói thật ra để mọi người cùng góp ý, sửa chữa mới đáng khen. Trong những trường hợp khác nhau, tất nhiên không phải lúc nào cũng ngợi khen nhưng khi trẻ có ý muốn tự thú cho dù chúng “bóng gió” thì bạn hãy tỏ ý cho trẻ biết rằng nói thật là điều nên làm hơn.

Nêu gương bạn cùng lứa tuổi
Một hình thức thiết thực nhất là hãy luôn nhắc cho trẻ về những tấm gương cùng lứa tuổi trong trường học, trên các phương tiện thông tin đại chúng, hàng xóm láng giềng,… Phân tích cho trẻ thấy được người bạn đó đã nhận lỗi và sửa lỗi như thế nào, đổng thời động viên, khuyến khích trẻ học tập cái hay, cái tốt từ người ban đó.

Lâm Sơn Vương