Theo Thạc sĩ Phạm Thị Thúy thì phần lớn nguyên nhân khiến trẻ không nghe lời là từ phía cha mẹ.
1.Cha mẹ áp đặt:
Cha mẹ luôn mong những điều tốt đẹp nhất cho con mình, vì thế nhiều bậc cha mẹ luôn đưa ra những thứ mình muốn con làm theo mà không hề quan tâm đến cảm xúc của trẻ. Những việc làm độc đoán, bắt buộc của bố mẹ không những khiến trẻ không nghe lời mà có khi cón có những việc làm chống đối.
Giải pháp: Thường xuyên trò chuyện, cho con bày tỏ ý kiến của mình và tỏ thái độ tôn trọng ý kiến của con sẽ giúp trẻ tin cậy cha mẹ hơn. Cha mẹ hãy trở thành người tư vấn cho con, hướng con theo hướng tích cực có tác động tới trẻ hiệu quả hơn vì trẻ không có cảm giác bị ép buộc mà mình có quyền lựa chọn. Khi trẻ thấy được tôn trọng và hiểu cha mẹ muốn tốt cho mình thì chắc chắn sẽ nghe lời cha mẹ hoàn toàn.
2.Cha mẹ thiếu quan tâm:
Quá nhiều công việc khiến cha mẹ không có nhiều thời gian dành cho trẻ. Nhiều trẻ cho rằng cha mẹ không hề thương yêu mình nên không muốn hợp tác với cha mẹ. Một số trường hợp trẻ cố tình không nghe lời, quậy phá vì muốn cha mẹ quan tâm đến mình nhiều hơn.
Giải pháp: Dù bận rộn đến mấy, các bậc cha mẹ hãy cố gắng sắp xếp công việc ổn định để dành nhiều thời gian cho con, khích lệ động viên tinh thần khi con làm tốt công việc được giao. Biện pháp này sẽ khiến trẻ hăng hái khi được cha mẹ giao việc.
3.Thiếu sự công bằng:
Trong gia đình có hai con trở lên, sự thiếu công bằng trong việc cha mẹ đối xử giữa các con là điều không thể tránh khỏi. Quan niệm anh, chị phải nhường cho em đôi khi khiến trẻ cảm thấy thiếu công bằng. Dù là anh, chị nhưng trẻ cũng chỉ là đứa trẻ chưa chúng cũng chưa thể ý thức được hết trách nhiệm của mình.
Giải pháp: Để dạy con ngoan, cha mẹ nên khéo léo trong việc phân chia quyền lợi cũng như trách nhiệm giữa các con thật công bằng, không thiên vị giữa trẻ lớn, trẻ nhỏ với nhau. Vì điều này sẽ làm trẻ không phục cha mẹ. Phân chia rõ trách nhiệm và quyền lợi của các thành viên trong gia đình, giải thích rõ cho trẻ để trẻ hiểu mình được đối xử công bằng sẽ khiến trẻ “tâm phục” và nghe lời cha mẹ hơn.
4.Cha mẹ mất uy tín:
Nhiều lần cha mẹ thất hứa với con vì nhiều ký do như nhau: “Tại bố bận quá!”, “Tại mẹ quên!”…, sẽ khiến trẻ thất vọng, mất dần niềm tin vào cha mẹ.
Giải pháp: Để trẻ nghe lời, đầu tiên cha mẹ phải là tấm gương tốt để cho trẻ noi theo. Nên tránh xung đột cãi vã, không hạ thấp uy tín của nhau trước mặt con bởi những hành động này có tác hại rất lớn tới suy nghĩ của trẻ. Bất cứ điều gì cha mẹ đã hứa với trẻ thì nên cố thực hiện, nếu không làm được thì không nên hứa vì người trẻ tin tưởng đầu tiên là cha mẹ, trẻ sẽ không nghe lời người mình không tin tưởng.
5.Trẻ có vấn đề về sức khỏe, tâm lý:
Trẻ bị cô giáo mắng, bị bạn bắt nạt ở trường hay đang có vấn đề về tâm lý thường không nghe lời cha mẹ.
Giải pháp: Đối với trường hợp này cha mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân từ đâu. Hãy quan sát, hỏi han để trẻ cảm thấy tin tưởng và bày tỏ những khúc mắc của mình. Khi đã biết rõ nguyên nhân, cha mẹ nên hướng dẫn trẻ ứng phó với những cảm xúc tiêu cực ấy. Hãy cho trẻ được thoải mái bộc lộ cảm xúc là cách tốt nhất để trẻ giải tỏa bớt căng thẳng từ đó có tâm lý thoải mái và ổn định hơn.
6.Trẻ hiểu sai về quyền trẻ em:
Trẻ em ngoài những quyền lợi được pháp luật bảo vệ ra còn có một số trách nhiệm phải làm. Vì thế để dạy con ngoan cha mẹ nên tìm hiểu và giải thích cho trẻ hiểu cả quyền lợi và trách nhiệm của trẻ. Dù trách nhiệm của trẻ em không lớn lắm nhưng cần tạo cho trẻ thói quen sống có trách nhiệm từ những công việc nhỏ như làm việc nhà, việc học hành, việc đối xử lễ phép với người lớn,… Khi hiểu rõ về quyền lợi và trách nhiệm của mình thì trẻ sẽ tự giác vâng lời cha mẹ hơn.
Giải pháp: Để trẻ biết nghe lời và lắng nghe những điều bạn nói, trước hết bạn phải là người biết lắng nghe trẻ. Ngoài ra, người lớn trong gia đình phải thống nhất trong việc giáo dục trẻ, tránh tình trạng người này nghiêm khắc người kia nuông chiều.
Để trẻ biết nghe lời không khó, chỉ cần bạn bình tĩnh tìm ra giải pháp thì trẻ bường bỉnh, khó bảo bao nhiêu cũng sẽ ngoan ngoãn hơn.
Hiểu Minh