Categories
Dạy con Nuôi dạy con

“Huấn luyện” bé ăn ngoan

Làm thế nào để bé thích trái cây hơn là khoai tây chiên, để bé không lờ đi mỗi khi có món rau cải trên bàn ăn? Tham khảo những “chiến lược”dưới đây có thể giúp mẹ “huấn luyện” cục cưng của mình đấy!

Chú ý thời điểm bắt đầu cho bé ăn

Lúc bé cảm thấy vui vẻ nhất, tươi tỉnh nhất chính là thời điểm tốt nhất để mẹ cho bé ăn lần đầu tiên. Vì vậy, mẹ có thể thử cho con ăn vào buổi sáng hoặc ngay khi bé có một giấc ngủ ngắn. Nên cho con ăn lúc bé không quá đói và không có ai “lảng vảng” xung quanh làm bé mất tập trung. Tắt TV và các thiết bị có thể làm phân tán sự chú ý của bé, mẹ nhé!

>>> Xem thêm: 5 loại thực phẩm cần tránh khi cho bé ăn dặm

Không có một thực đơn cố định nào cho lần ăn này cả. Chuối và bơ có vẻ khá thích hợp để bắt đầu nhưng mẹ cũng có thể cân nhắc đến các loại rau hoặc thậm chí là thịt. Mẹ không nên bắt bé ăn quá nhiều trong lần đầu tiên này, ngay khi bé lắc đầu hoặc có dấu hiệu lơ là có nghĩa là bé đã ăn đủ rồi đấy.

Sự đa dạng của thực phẩm

Ngay khi bé bắt đầu quen thuộc với thức ăn, mẹ nên bắt đầu “quảng cáo” với bé những thực phẩm mới ngay lập tức. Một vài chuyên gia khuyên rằng nên cho bé ăn những loại thực phẩm tương tự nhau trong vài ngày để tìm ra những phản ứng xấu của bé với loại thực phẩm đó rồi mới bắt đầu với những thứ khác. Nhưng cũng có người cho rằng, mẹ nên cho bé ăn thực phẩm mới mỗi ngày để làm phong phú thêm khẩu vị của bé. Làm thế nào đây mẹ nhỉ? Đơn giản là nên dùng mhững “món ruột” của bé để “quảng cáo”cho những món mới này. Chẳng hạn nếu bé thích chuối, mẹ có thể thử trộn chuối với đu đủ cho bé ăn. Mẹ nên học hỏi vài cách “trộn” những loại thực phẩm với nhau để làm bữa ăn của bé thêm phong phú và đủ chất dinh dưỡng.

>>> Xem thêm: Thực phẩm giàu dinh dưỡng cho bé ăn dặm

 

be an ngoan 2
Cho phép bé tham gia vào quá trình nấu nướng của bạn

Thử, thử và…thử

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cứ 4 bà mẹ thì có 1 người từ bỏ một món ăn ngay khi bé tỏ ra không thích và không chịu ăn món đó trong khoảng 5 lần hoặc thậm chí ít hơn. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, phải tới 15 lần thử, bé mới “tạm” chấp nhận một món ăn mới lạ. Vậy nên, nếu mẹ có gặp trở ngại khi cho bé ăn thử món nào mới, cách tốt nhất là không ngừng thử lại và đừng bỏ cuộc. Nếu hôm nay bé không thích ăn cà rốt, mẹ có thể thử cho bé vào vài ngày sau đó và lặp lại vài lần. Mẹ cũng có thể thử thay đổi cách chế biến của mình như luộc, hấp, hầm, chiên… để làm món ăn “hấp dẫn” bé hơn.

Mẹ có thể tham khảo thêm ứng dụng: Dinh dưỡng cho bé theo độ tuổi để biết nên cho con ăn gì tùy theo độ tuổi của bé nhé!

Thêm gia vị

Không có một nghiên cứu nào bắt bé phải có một chế độ ăn “tẻ nhạt” cả. Thêm gia vị để làm món ăn phong phú và hấp dẫn hơn cho bé. Mẹ có thể bắt đầu với những loại rau có mùi nhẹ nhàng như thử kết hợp quế với táo, rau mùi xay với bơ…

be an ngoan 1
Cho bé ăn đa dạng các loại thực phẩm

“Kết nối” bé với thực phẩm

Mẹ có thể kết hợp với ăn và giới thiệu luôn cho con biết về những loại thức ăn này. Cho bé biết tên, cầm thử và nói cho bé biết một vài thông tin của một vài loại thực phẩm. Mẹ có thể cho bé đến thăm một khu vườn có trồng các loại rau. Bé sẽ thích thú hơn nhiều khi ăn những loại thực phẩm đó vào những lần sau đấy!

Cho bé tham gia vào quá trình nấu ăn

Mẹ có biết nếu đưa bé lại gần nơi mẹ nấu đồ ăn có thể giúp bé ăn tốt hơn nhiều không? Bé có thể ngửi thấy mùi thơm của những món ăn và cảm thấy quen thuộc hơn với chúng. Mẹ cũng có thể cho bé tham gia vào quá trình nấu ăn. Những món ăn do chính mình làm ra sẽ “hấp dẫn” với bé hơn đấy!

Đối với những bé nhỏ, mẹ có thể bé ở một nơi an toàn và có thể thấy được hết quá trình nấu nướng trong bếp của mình. Nhớ giữ bé ở nơi an toàn và mẹ cũng có thể dễ dàng quan sát bé nhé! Khi bé được 18 tháng tuổi, mẹ có thể thử “nhờ” bé khuấy hộ mẹ các món trong chén của mình rồi đấy.

MarryBaby