Con của bạn khi mới bước vào cấp 1 thường rất hăng hái và thích đi học. Nhưng sau đó, con bắt đầu không tập trung nghe giáo viên giảng bài, kỹ năng viết chậm, tư duy không nhanh nhạy. Còn khi về nhà, con lại lười học, dường như không tự giác mà chỉ chịu học khi ba mẹ nhắc nhở, đốc thúc.
Nếu con bạn có những biểu hiện kể trên thì nhanh chóng tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục càng sớm càng tốt. Tình trạng viết chậm, lười học kéo dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của trẻ sau này.
Trẻ lười học, đâu là nguyên nhân?
Trước những biểu hiện đáng lo ngại đó của con, bạn đừng nên quá lo lắng. Việc đầu tiên bạn phải làm là bình tĩnh xem xét lại nguyên nhân nào dưới đây dẫn đến sự lề mề, chậm chạp ở trẻ và đưa ra biện pháp khắc phục phù hợp với từng nguyên nhân.
Các đặc điểm cơ thể có liên quan đến thể trạng và khí chất
Trẻ có hệ thần kinh phát triển chậm vì nhiều lí do như di truyền, hay trong lúc còn nằm trong bụng mẹ không được chăm sóc đầy đủ. Trẻ còn nhỏ nên các hệ cơ xương yếu hoặc còn đang phát triển hay phát rồi nhưng chưa hoàn thiện. Đây là nguyên nhân thường xuất hiện ở trẻ khiến trẻ không nhanh nhẹ và tập trung mà chỉ lóng ngóng trong tất cả mọi việc.
Các bậc phụ huynh nên chủ động thường xuyên trong việc hướng dẫn và chỉ dạy cho bé tập thể dục thể thao vừa sức. Với việc làm này bạn sẽ giúp trẻ phát triển cơ bắp, kích thích hệ thần kinh và các giác quan khác.
Ví dụ: Tập thể dục mỗi sáng, đi bơi 3 lần/tuần… Lưu ý nên bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho bé trong bữa ăn hàng ngày.
[remove_img id= 1241]
Trẻ không hứng thú với việc học
Bạn nên dành ra một khoảng thời gian để quan sát trẻ một cách cẩn thận. Trước hết nên để ý xem trong tất cả các hoạt động ở lớp bé đều thụ động như nhau, hay đối với các việc ưa thích trẻ sẽ rất năng động còn ngược lại thì bé dè dặt, ngại tham gia.
Trong quá trình quan sát con chắc chắn bạn sẽ biết được con mình thích gì, từ đó dùng nó để kích thích sự tò mò ham hiểu biết của bé.
Đặc biêt là phải biết cách công nhận thành quả của con mình, đồng thời cho bé thấy những điều thú vị từ những thứ mà trước đây bé không hứng thú.
Ví dụ: Trong trường hợp bé không thích học toán thì hãy học cùng con, sau đó để con tự giải bài tập. Khi con đưa ra được đáp án đúng, nên nói với con: “Con của mẹ hôm nay giỏi quá, đã tự giải được bài một mình rồi!”.
Không có khái niệm thời gian nên không biết quý trọng
Đây có thể là nguyên dẫn đến bé viết chậm, lười học vì bé không biết thời gian nào để học và thời gian nào để chơi.
Dùng các câu chuyện về sự chậm trễ, thông qua đó để giáo dục ý thức thời gian ở trẻ. Thêm vào đó là trẻ cần có thời gian biểu cụ thể và hướng dẫn con làm theo.
Ví dụ: Kể chuyện rùa và thỏ và đưa ra nguyên nhân kết quả của câu chuyên đó. Hoặc lấy bản thân làm ví dụ cho hậu quả của việc không biết trân trọng thời gian là bị trễ giờ làm, bạn bè trong công ty chê cười,…
Môi trường ảnh hưởng đến tư duy trẻ
Cha mẹ hay người lớn thường xuyên tiếp xúc với trẻ sở hữu tính cách chậm chạp dĩ nhiên không ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tư duy trẻ. Nếu bạn xem xét và rút ra được kết luận rằng điều này là đúng thì việc cần làm là người lớn loại bỏ thói quen xấu này của mình. Và đặc biệt là nên thẳng thắn nhận khuyết điểm của bản thân, sau đó nói với trẻ đây là tính xấu không nên bắt chước theo.
Trẻ được chiều hư
Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc con viết chậm, lười học. Bởi vì như thế trẻ luôn ỷ lại vào người lớn nên tạo ra thói quen dựa dẫm.
Các bậc phụ huynh nên tin tưởng vào khả năng của trẻ mà giao những việc vừa sức. Qua đó trẻ sẽ biết tự phục vụ bản thân và giúp đỡ mọi người xung quanh.
Những lưu ý dành cho ba mẹ
Trong khi thực hiện các biện pháp giúp trẻ khắc phục được việc viết chậm, lười học, ba mẹ không nên quát mắng trẻ vì sẽ làm tình trạng của trẻ ngày càng nghiêm trọng. Nên khen ngợi, công nhận thành tích của trẻ đạt được, qua đó động viên trẻ cố gắng hơn.
Quan trọng nhất đó là các bạn phải kiên nhẫn vì để đạt được hiểu quả như mong đợi phải mất khá nhiều thời gian để giúp trẻ khắc phục triệt để việc lười học và viết chậm.
Hồng Linh